Chủ Nhật, 21 tháng 8, 2016

Bàn về HỌC PHẬT TU NHÂN

Mới đây, trong một cuộc tiếp chuyện qua sự thăm viếng tình cờ, tôi gặp một số đồng đạo cũng đến thăm viếng như tôi nhưng không nhiều lắm. Cho đây là sự may mắn, có người ra đề hỏi tôi về cụm từ “Học Phật Tu Nhân”:
- Học Phật sao không tu phật một thể mà lại Tu Nhân?
Thay vì trả lời, tôi hỏi:
- Theo chú em, Tu Nhân tức tu đạo Nhân Luân phải không?
- Dạ phải.
- Do nhận định như vậy nên đăm ra thắc mắc.
- Nếu không phải vậy, xin cho biết qua ý chú ?
- Giải thích từ ngữ thì có thể dễ bị hiểu lầm, nhưng chẳng phải mỗi chúng ta cũng đã tu Phật ngay trên chỗ học Phật rồi còn gì?
- Cháu không hiểu.
- Xin lỗi cho tôi hỏi câu nầy, mà quý vị cũng đừng phiền giận mới được nhá! Hứa không?
Nghe cột buộc nặng nề, chú em có vẻ lúng túng chưa kịp nói năng gì về chuyện hứa hay không hứa, người đồng hành đáp thay:
- Đáng lẽ thì tôi chạy Ông anh. Mới gặp nhau chưa kịp làm quen thì đã buộc. Nhưng chuyện chưa chi mà chạy là nhát. Tôi hứa được chứ? quyết không phiền giận.
- Mình thương nhau không hết cột buộc gì chớ, chẳng qua là e dè trước câu hỏi đã có xảy ra chuyện không vui.
- Có chuyện đó sao? Nhưng tôi hễ đã hứa là chắc cú đó Ông anh.
Thấy hạnh cách và giọng nói vui vui, tôi nghĩ là chú ta không đến nổi tự ái mà giận hờn khi bị một câu va chạm mạnh, tôi hỏi:
- Hằng ngày quý vị có cúng nguyện hai thời và Niệm Phật không?
- Dạ có.
Nghe tiếng “Dạ có” thật suôn không có thái độ phản ứng vì hết thì tôi rất mừng coi như là suôn chuyện. Nhớ mấy hôm trước có người hỏi câu nầy với cái anh cũng là đồng đạo thuộc dạng đạo cậm, quy y chớ rất ít cúng nguyện, đốt nhang xá quơ quơ cặm lên lư hương là xong cử, nói chuyện Phật Pháp thì lựa những thứ cao trên mây xanh chứ nói thấp hơn là không chịu, bị một câu hỏi dễ ơi là dễ mà cảm thấy mình quá quê, sượn không thèm trả lời để cho giận phừng lửa tới con mắt đỏ quét, cự phá lên cả cái đám cúng tuần.
Tự ái vậy cũng đúng, Tín đồ PGHH với hai thời cúng lạy là cửa vào đạo, không cúng nguyện chỉ mới là quy y miệng chứ chưa vào nhà đạo, chưa thấm thía được câu “ Quy y thì phải làm y, Giữ lòng thanh tịnh từ bi giúp đời” hỏi mấy người đó khác nào đâm ngang hông chỏi cạnh sườn họ thì làm sao họ chịu được.
Thấy chắc ăn, tôi nói:

- Hằng ngày đều cúng nguyện với Phật và niệm Phật mà bảo là tu theo đạo nhân luân sao? Đạo nhân luân có dạy thế bao giờ?
Nghe câu hỏi của tôi vấn chủ liết qua liết lại bạn đồng hành, như rủ nhau ưng thuận:
- Ừ há ! Không ngờ, mình nói Tu Nhân mà hoàn toàn là tu Phật. Chuyện nầy là sao chứ ?
- Quý vị đều đã tu Phật qua mỗi ngày không hay đó thôi. Nguyện trước ngôi thờ Phật những lời “Con xin cải hối ăn năn, làm lành lánh dữ, quy y theo mấy Ngài tu hiền theo Phật đạo” phải không? đồng thời còn niệm Phật khi nhớ, không phải tự mình tu Phật nhiều sao?
- Giờ thì tôi đã hiểu. Nhưng sao Đức Thầy dùng từ có vẻ như hai thứ đem trộn lộn.
Nghe nói dễ mắc cười , dùng pháp mà “ Trộn Lộn” gì chớ!
- Không trộn lộn tý nào đâu _  tôi nói _và nếu như có trộn lộn, đó do Đức Thầy muốn bộ não chúng ta luôn luôn hoạt động tốt qua tư duy để nhận xét, lọc lựa.
- Xin chú giải thích.
- Theo tôi, có ba giải đáp cho thắc mắc nầy:
1/ Người ta thường dùng hai chữ học hành đi cùng là ý nói vắn tắt học nghề nào là hành nghề đó. Ví có một anh học nghề thợ mộc rành hơn các môn học khác, chừng nữa anh ta làm nghề gì?
- Dạ nghề mộc ạ.
- Vậy học Phật là tu Phật, ý nghĩa quá chắc chắn và chính xác!
- Nhưng sao Đức Thầy dạy học Phật mà tu nhân?
- Xin đừng thêm thắc, Không có chữ “mà” trong đó đâu chú em ! Thêm chữ MÀ thì học Phật để tu nhân là đúng, nghĩa chắc chắn rồi. Ở đây không có chữ MÀ thì không là để tu nhân cho việc học Phật đâu! Không bắt buộc học Phật để tu nhân thì đừng nên gượng ép. Do đó ta có thể học Phật rồi tu Phật luôn một thể là đúng lý, không ai cản. Trong bài “Lời Khuyên Bổn Đạo” (sau), có đoạn dạy về việc quy y như vầy: “Vậy quy y đầu Phật là nương nhờ cửa Phật và làm theo lời Phật dạy. Phật từ thiện cách nào ta phải từ thiện cách nấy, Phật tu cách nào đắc đạo rồi dạy ta, ta phải làm theo cách nấy. Thầy cảnh tỉnh giác ngộ điều gì chánh đáng thì khá vâng lời. Cần nhứt ở chỗ giữ giới luật hằng ngày”. Không phải ta đã đọc bài quy y mỗi ngày hai lần trước bàn thờ Phật đó sao? Vậy có nghĩa là ta được quyền làm theo lời Phật dạy, tức là tu Phật chứ còn gì nữa.
Quý vị nói Đức Thầy dạy dùng từ trộn lộn là không đúng. Ngài dạy tạo cho ta những tư duy tốt để tự tín đồ tháo gở những vướn mắc, Đức Thầy có câu:
“Lời truyền sấm như bài toán đố,
Ai biết tầm thì đặng hưởng nhờ”.
Đức Thầy ra đề còn đáp số của bài toán đố là phần của chúng ta.
2/ Ý nghĩa của sự Học Phật trong Tu Nhân như chúng ta đều biết, cụm từ Học Phật Tu Nhân đứng sau liền cụm từ Tại Gia cư sĩ là để hiện rõ quan điểm Sự học Phật tu nhân nầy dành cho hàng cư sĩ tại gia. Đức Thầy đặt để (họ) “ Họ chưa đủ điều kiện xuất gia” bởi vì còn nặng nợ với non sông tổ quốc, với gia đình, bè bạn… chính sự nặng nợ ấy thiếu hiểu về học Phật trong sự tu hiền. Do đó, nay muốn tu thì phải dạy cho họ Học Phật trước cái đã, chừng học Phật thuộc rồi tự ênh tu không cần ai kêu, biểu.
Tu nhân theo sau học Phật là có hai biểu ý:
1. Học Phật mà tu nhân thì nhân nầy được áp dụng là nguyên nhân, hạt giống (lựa giống mà gieo). Tùy theo cái nhân gieo sâu hay cạn, niệm Phật nhiều, ít, thành tâm không thành tâm… để có một kết quả cho cái nhân tu, tu nhân của mình.
2. Tu từ nhân đạo đi lên Phật đạo( nhân đạo hay đạo nhân) là nói tréo nhau chứ chung ý nghĩa. Đạo Nhân của Đức Thầy dạy khác hơn đạo nhân của Đức Khổng Tử. Ngài Khổng Tử dạy đạo nhân bằng: Trai có Ngũ Luân, Tam Cang, Ngũ Thường; gái có Tam Tùng, Tứ Đức. Nay Đức Thầy dạy đạo nhân không phải đi theo lệ xưa của Khổng Tử vì đạo của Ngài Khai Sáng với danh xưng là PHẬT GIÁO HÒA HẢO chớ không phải KHỔNG GIÁO HÒA HẢO, nên dạy tu nhân đạo bằng “ Muốn làm tròn nhân đạo phải giữ vẹn tứ ân nhưng trước hết phải tránh Tam Nghiệm và Trừ Thập Ác, cũng như muốn làm giàu phải tránh đừng cho thiếu nợ”. “Nợ” ở đây là cái tội để phải chịu quả báo của cái nhân bất lành mà luân hồi thọ thân trả nợ.
Đạo Khổng không chú trọng giải thoát sanh tử, không bàn đến việc luân hồi trả quả. Sống cho tốt đời, có trách nhiệm với non sông tổ quốc, vua tôi, Thầy trò, vợ chồng, cha con, bè bạn… ổn định quốc gia xã hội chừng chết rồi thôi. Đạo Phật nhìn thấu triệt nguyên căn có nhân quả báo ứng, không phải chết là hết mà chết cái thân nầy luân hồi thọ sanh thân khác để trả quả. Thế nên trong khi dạy tu nhân đạo Ngài kêu giữ vẹn tứ ân nhưng trước hết phải tránh tâm nghiệp và chừa thập ác. Như vậy chẳng phải tạm thời dẹp Tứ Ân qua một bên để thực thi cho bằng được cái gọi là “trước hết phải tránh tâm nghiệp và chừa thập ác” đó sao? Vì phạm tam nghiệp và thập ác thì phải đào thai trả quả, mà Đức Thầy dạy đạo là mong muốn cả thảy chúng sanh “ chỉ một kiếp Tây Phương hồi hướng,Thoát mê đồ dứt cuộc luân hồi”.
3/ Tu với mọi người. Học Phật tu Phật xem qua là đúng lý nhưng sự tu Phật ấy không phải đem tu trong cửa thiền môn, những nơi thanh vắng, núi rừng cây cỏ hay cái thế giới mà trong đó chỉ có nhà tu với nhà tu cùng sống với tinh thần Lục Hòa. Nhân là người, tu nhân là tu với mọi người sống quanh mình. Như vậy tu Nhân không nhứt thiết là đạo Nhân Luân mà là tu Phật đạo nhưng không phải tu nó trong chùa, tu trước Phật tượng, Phật cốt, mà tu Phật ở nhà đời, với con người. Hơn nữa ở Đạo Khổng Thánh đâu có tu chùa, nào biết tại gia cư sĩ là gì, tại gia cư sĩ là danh từ nhà Phật, học đạo Phật mà tu nhân thì tu nhân chính thức là nhân tu của tiến trình Phật Giáo.
- Nhưng dẩu sao thì con người cũng phải tu theo đạo nhân luân _ chú ấy nói _ đạo dạy sự ăn ở của vua và tôi, chồng và vợ, cha con, thầy trò, bè bạn mà ai cũng phải…?
- Đúng _ tôi đáp _ Nhưng đó là đương nhiên trong sự qua lại của kiếp con người. Dầu không nói tiếng “Đạo” người ta vẫn làm việc đó. Việc ta quy y là quy y theo Phật, Pháp, Tăng để lo “Tu hiền theo Phật Đạo” như Đức Thầy xác định:
“Sách có chữ thâm ân dục báo,
Phận làm người hiếu thảo noi gương.
Ấy chẳng qua là đạo Luân Thường,
Chớ Phật Thích lìa quê ngàn dậm.”
Chắc quý vị cũng đã hiểu được ba chữ “ấy chẳng qua” đứng ở vị trí nào trong câu rồi chứ ?
Xin cám ơn cách trả lời mới mẻ.
22/8/2016


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét