Thứ Bảy, 19 tháng 3, 2016

ĐẠO LÀ TRÊN HẾT

Gặp hiền đệ Ấy trong một đám cúng giỗ xứ xa, tôi hỏi lại câu chuyện đáng ghi lòng mà tôi chỉ nghe thoáng. Một tín đồ dù đang sống trong bể ái bến mê nhưng đạo Thầy rất kính, không chấp nhận nghe ai nói lời xâm hại đến PGHH và uy danh của Đức Thầy. Quanh chiếc bàn tròn có đông người và câu chuyện của đệ Ấy kể làm những người ngồi bàn bên cạnh phải lắng tai nghe:
Tôi có một người em rễ con nhà chú _ đệ Ấy nói_  sau nầy tôi mới biết tên của dượng là Tâm. Có lẽ quý vị nghi ngờ, đã em rễ gần như vầy mà sau nầy mới biết tên là sao? Thưa quý vị chẳng những vậy thôi, cho đến bây giờ tính ra bẳng đã hai mươi năm tôi chưa biết mặt mày dượng nó mới lạ chứ.
Hồi đám cưới, em gái có mời nhưng tôi thuở ấy đã là người tu trường chay giữ giới tôi tự nguyện chỉ đi đám giỗ cúng chay, đám cầu nguyện và những đám cúng tương tợ nối liền vòng tay đạo ngoài ra là miễn hết. Đã không đi dự đám cưới chúc lành mừng duyên phận cho đôi uyên ương mà đối lòng tôi bấy giờ không thích ngồi nghe chuyện đời, vì thế sau đám cưới của họ tôi cũng không cần gặp họ và tôi hoàn toàn bỏ quên họ. Gần hai năm sau đó tôi nghe tin chúng nó đổ bể chuyện vợ chồng, thôi nhau.
Thật ra Tâm không đòi thôi, chỉ rủ hai đứa dắt nhau đi khỏi gia đình cha mẹ vợ sống đời tự lập. Vợ Tâm có bầu gần ngày sanh mà lại là sanh đứa con đầu lòng, hơn nữa người con gái có cuộc sống sang trọng quen thân rất cần có sự giúp đỡ của cha mẹ mình trong khi sanh con. Thương vợ thì rất là thương nhưng không vì thương mà ép nàng bỏ cha mẹ được.
Nghiệp chướng là chàng rễ gặp Ông cha vợ  không thích đạo, ngay cả Đức Thầy mà Ông còn không kiêng, thốt lời phàm tục; tư cách nầy nó đâu phải chuyện chỉ có một ngày một buổi mà nhịn kiểu nín thở qua sông. Tâm đi ra một mình với vài bộ đồ trong chiếc cập trầy trụa và một lời thề là mãi mãi không trở về nhà nầy nữa.
Nghe chuyện quá sốt mà kín đầu bít đuôi, có người không chờ đợi được lâu câu chuyện không đầu nầy, vội vàng hỏi:
- Trông như có vụ xảy ra lớn giữa vợ chồng?
- Không, _đệ Ấy đáp.
- Thế sao tình hình thấy quá căng thẳng vậy?
- Chú tôi làm chủ tịch xã _ đệ Ấy nói_ chàng rễ đi xịt thuốc sâu từ ruộng về tắm rửa xong là leo lên võng, lật quyển Sám Giảng Thi n Giáo Lý của Đức Thầy đọc ghiền hồi nào không hay, mới chừng nửa giờ đồng hồ thì Ông chủ tịch xã làm việc về tới thấy con rễ xem cái gì mà ghiền… bất cần cha vợ. Ông liết mắt thấy bìa sách có những dòng chữ in to “ Sấm Giảng Thi Văn Toàn Bộ của Đức Huỳnh Giáo Chủ”. Kiểm điểm lại, quyển Sám Giảng nầy nhà Ông đã bỏ nó từ lâu rồi, xác định là chàng rể đã xin hay mượn từ nhà ai đem về. Nóng như phỏng tới con mắt buông một câu chóa hỏa tâm tinh “Nhà nầy chọn lầm thằng rể để nó về đây mà theo đạo Ông khùng” (Tôi nói Ông Khùng là còn nhường miệng đỡ cho Ông chủ tịch xã chứ chữ Ông dùng còn thấp tệ hơn nữa) Tôi không biết phản ứng thế nào của chàng rể đối với cha vợ có những lời xúc phạm như thế. Nhưng lại nhè vợ mà phản ứng trong khi cô ấy không có tội tình gì.
Sau nầy nghe chuyện thì Tâm đã đi mất. Tôi tiếc không thấy mặt Tâm để khen thằng em rể một câu “ ĐẠO LÀ TRÊN HẾT”. Tâm đi biệt tích, con trai của Tâm đã học lên đại học rồi cha con chưa một lần gặp mặt. Cha con họ còn vậy đừng nói là tôi. Có hôm tôi nghe người ta bàn: Tâm lên tu trên núi Tà Lơn. Núi nầy ngoài giang san nước Việt, nằm ở bờ cõi Cam Pu Chia. Chỉ là lời bàn nhau thôi không chắc gì đúng thế nhưng vì quí tính bảo vệ đạo của người em rễ, chuyến đi cầu may mà tôi cũng rán vượt biên qua một quốc gia láng diềng leo trèo lên núi Tà Lơn tìm. Tôi gặp một Ông đạo người Việt Nam tu trong hang đá, lạnh gió heo mai còn thêm lạnh cảnh vắng người, thanh tịnh bao trùm, lòng trần mới đây tôi còn muốn tiêu diêu lựa là người tu lâu trên núi. Tôi hỏi nguồn gốc, Ông đạo không trả lời ở đâu trong nước Việt Nam.
Như đã nói, tôi và Tâm chưa gặp nhau, biết đâu Ông đạo ấy chính là người tôi đi tìm. Câu chuyện coi như đến đó hết một cách bí mật như sự khởi đầu cũng bí mật. Quanh những chiếc bàn có câu nói vọng lên:
- Nếu Ông đạo ấy là Tâm, quên được quá khứ của mình như vậy cũng tốt cho việc tu trì để không phạm phải điều cấm kỵ của nhà chùa, như Đức Thầy dạy:
“Đã từng dựa kẻ nâu sùng,
Cớ sao tâm trí còn tùng ngoại duyên”.
- Yêu cầu tôi biết thôi _ đệ Ấy nói_ không cần khơi lại chuyện củ.
- Nhưng, trông hoàn cảnh, Tâm có thể quên mình là ai… được chứ ?
- Còn Ông chủ tịch xã gì đó thế nào?
- Ông chú nghỉ việc lâu rồi, sức khõe hiện nay cũng tốt.
- Đúng, sức khõe Ông ấy phải tốt để nữa gặp lại thằng con rễ của Ông ta chứ.
- Còn tính ăn thua sao?_ một đồng đạo ngồi chung bàn nói.
- Điều đáng nói để ấm ức trong lòng làm gì, nói ra có thể dễ chịu hơn.
- Trong câu chuyện có tốt có xấu,_ đệ Ấy nói_ về lý tưởng của mình nên khen người tốt việc tốt “Đạo là trên hết” được rồi; điều xấu của mình trị mạnh tay cỡ nào cũng được khen hay, còn xấu của người ta nếu không dùng lời khuyên được thì lặng lẽ cho qua. Gặp ai xấu chê rồi cầm miết nó trong tâm xét cũng không chút ích lợi nào, có khi còn lổ về mặt đức hạnh nữa là khác.
- Lổ là sao?
- Thương và ghét đều động tâm, trí huệ không phát ra ánh sáng, nhưng động tâm về ghét chẳng những không phát ra ánh sáng mà phát tối lại cho ta là khác. Xin  bỏ đi những động tâm vô ích để còn tu lên được.
Sau một lúc ồn ào về chuyện của Tâm “Đạo Là Trên Hết”, có một người lắng nghe suốt, giờ lên tiếng:
- Thưa đồng đạo gì đó ơi!
- Là đồng đạo nào?
- Tôi không biết danh tánh, là người khi nảy đã đọc chứng minh hai câu giảng của Đức Thầy “đã từng dựa kẻ nâu sùng, cớ sao tâm trí còn tùng ngoại duyên” đó!
- Dạ tôi đây! Chứng minh giảng của Đức Thầy có gì không phải với anh sao?
Thưa không dám. Tôi muốn tìm hiểu “Sồng nâu” và “Sùng nâu, nâu sùng” về ý nghĩa có khác nhau không; còn “kẻ nâu sùng” là thế nào mà bảo là “dựa kẻ nâu sùng”. Đồng đạo đem đọc chứng minh tôi tin rằng lòng đã hiểu, đây xin được học.
Vậy là mừng lắm, xin chào anh nhá! Theo sự hiểu biết của tôi “Sồng” hay “Sùng” là do tiếng đọc trạnh ra ví dụ: chúng sanh và chúng sinh, đường và đàng, vìa và về… đều đồng nghĩa; sồng nâu hay nâu sồng là do dùng đảo ngữ, để nói về người chọn sự nghiệp tu hành là chính, đem thân vào cửa thiền môn hay ở tại gia, may mặc màu dà biểu hiện sự thoát tục, như Đức Thầy nói:
“Từ mang một tắm áo dà,
Mùi thiền đã thấm ơn nhà lợt phai”.
Và câu:
“ Nên ta thở dắn than dài,
Cúi đầu lạy Phật niệm hoài mấy câu,
Dứt trần mang bộ sồng nâu,
Trông ngày chư quốc chư hầu tỉnh tâm”.
Dựa là nhờ vào, nương dựa; kẻ là chỗ, nơi chốn. Ý nói: đã đem thân dựa chỗ tu hành, lánh các sự đời, mặc màu biểu hiện sự thoát tục, tương dưa đạm bạc, đáng lẽ tâm trí phải dính liền trong sự tu cớ sao còn tòng theo những duyên đời, vào chùa mà suy nghĩ chuyện đâu đâu?
Tôi hiểu rồi. Cám ơn những lời diễn dẫn của anh.
19/3/2016


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét