Thứ Hai, 28 tháng 3, 2016

BUỔI HỌC 12
NHÓM HỌC GIÁO LÝ PGHH
ĐỀ HỌC: ÁC SÂN NỘ VÀ MÊ SI
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

Kính thưa chư đồng đạo! Hôm nay là buổi học thứ 12, học qua hai tiết mục ác Sân Nộ và Mê Si. Đây là hai ác cuối cùng trong thập ác để kỳ tới chúng ta bắt đầu học bài mới “Luận Về Bát Chánh”. Mong chúng ta hôm nay chăm chỉ học thuộc phần chánh văn, trả bài lưu loát và ghi kỷ nhớ sâu trong khi nghe chú giảng, hiểu nghĩa để sau nầy tùy duyên học hạnh sứ giả Như Lai.
PHẦN 1 : HỌC CHÁNH VĂN
SÂN-NỘ. – Tánh nóng-nảy thường xúi con người làm những chuyện bất-công sái phép, chém giết oán thù nhau. Kẻ thắng kiêu-hãnh, người bại hổ-ngươi, nên sự hiềm-thù càng lan rộng. “Giận mất khôn”, cơn giận làm cho con người cuồng trí, mất sự tự-chủ, trở nên dữ-dằn bạo-tợn, chẳng còn nghĩ đến việc công-bình, lẽ phải trái.
Diệt được nó tâm ta được thảnh-thơi, trí ta được thông-thả. Hãy mở lượng khoan-hồng dung-tha kẻ lầm-lỗi. Hãy nhẫn-nhịn và chẳng nên cãi-cọ tranh-luận hơn thua làm cho nảy sanh ra những điều hiềm-khích.
MÊ-SI. – Tội ác nầy do sự thiếu óc phán-đoán, thiếu sự nghĩ-suy mà ra; vì vậy con người ít hay phân-biệt được lẽ phải trái, bo bo giữ thiển-kiến sai lầm, chẳng chịu nhìn-nhận chân-lý, suốt cả đời ngu-muội, chỉ biết mê-mang theo những vật nhỏ-nhen mau tan, mau rã, chỉ biết tin bướng làm càn, không tìm hiểu con đường giải-thoát.
Hãy xóa bỏ các điều mê-tín, qui thuận theo tinh-thần đạo-đức, lánh chốn mê-lầm tỉnh cơn mộng-huyễn, phá tan màn vô-minh che mờ tâm-trí, lần bước trên con đường đạo-hạnh, đi đến chỗ bất diệt, bất sanh.
PHẦN 2: CHÚ GIẢNG
Sân Nộ: Là nóng nảy, đụng chuyện trái ý phát nổi nóng lên và khi nổi nóng thì lời lẻ nặng nề, nạc nộ, thô tục.
Xúi con người: Những chữ nầy không phải là danh từ kép nhưng chỗ dụng ý là “xúi con người”. Xưa nay người ta dùng từ người xúi người, nhưng đây không phải vậy, đứng trước sự khuấy động ác cảm khi người ta không làm chủ được mình tính Sân Nộ nổi lên xúi dục.
Bất công: Là không có sự công bằng. Khi tính sân nộ nổi lên ở độ cao vượt khỏi mức kềm chế, lời nói hay hành động đều muốn dẹp người khác, hiếp đáp đè miệng, phủ chụp, lấn lước.
Sái phép: Phép là khung hình giáo dục. Trái phép là sống Không đúng phép tắc đối nhân xử thế. Một khi ai đã làm cho mình nóng nảy, trong lòng hầm hầm, mặt lên sát khí, mất tự chủ đôi khi với đấng sanh thành còn không xài phép tắc, ngang ngược, nặng lời.
Kẻ thắng kiêu hãnh: Kẻ thắng là nói lên cuộc so tài đã giành được phần thắng. Kiêu hãnh là lòng tự cao tự đại với đối thủ, kẻ đối đầu; khi thấy mình thua người, tự ty mặc cảm bực bội ghét ganh, nói xiên xỏ, khiêu khích làm phiền lòng người khác. Đức Thầy nói:
“Hơn tự đắc khoe khoan dõng sức,
Phải bị người hiềm khích ghét ganh”.
Người bại hổ ngươi: Trong việc so tài người bại là người thua cuộc, mang hận trong lòng, lúc nào cũng thấy mình bị nhục có ác cảm với người thắng, tính chuyện trả thù, nên Đức Thầy nói:
“Thua hổ ngươi làm chuyện bất lành,
Gây nghiệp dữ oan oan tương báo.
Trong cơn giận kể gì nhơn đạo,
Tỷ như con cọp dữ trên rừng.
Gặp thịt toan cấu xé tưng bừng,
Phân từ mảnh mới là hả dạ”.
Cuồng trí: Tức mất trí, rối trí, không còn khôn ngoan sáng suốt, có thể dẫn đến sự điên dại, khùng khịu. Người xưa bảo “Giận mất khôn” cơn giận đã làm cho con người không còn tỉnh táo để phân biệt đúng sai.
Mất sự tự chủ: Tự chủ có nghĩa tự làm chủ lấy mình, không để sự nóng giận sai khiến; tự chủ trước sự khen chê, phải quấy. Nhưng ở đây chánh văn bảo “Mất sự tự chủ” tức là khi gặp điều trái ý hoặc sự sai phạm của người khác thì lửa nóng giận lừng lên vượt mức kiểm soát không còn biết mình là ai, chưởi bới tan tành rồi sau hối hận muộn.
Lẽ phải trái: Trên đường nào cũng có bên phải và bên trái, mình đã lỡ đi bên trái sanh phiền cho người bên phải, có lỗi dám nhận là còn biết phải quấy, chứ rống to miệng cãi cho bằng được để chạy tội hoặc đổ tội ngược lại người đi phải là không tôn trọng phép tắc lấy lẽ phải ở đời. Con cháu nhà mình đụng chạm đến con cháu của nhà người khác, nghe tới là binh, lôi ra chưởi, không hay con cháu mình sai phạm mới sanh ra chuyện cãi vả, đánh nhau.
Khoan hồng: Người có tội được xá tội. Đây bắt đầu Đức Thầy chỉ cách trừ tánh sân nộ bằng xá tội để lòng có yêu thương không sanh nóng giận. Tội còn được xá bỏ thì thôi giận ghét nữa làm gì.
Dung tha kẻ lầm lỗi: Không phải xá tội lấy tiếng khen là đủ rồi cứ bỏ mặc cho họ đi đâu thì đi, làm gì thây kệ, ta còn phải bao dung, bảo bọc người được ta khoan hồng, để họ sớm chôn vùi quá khứ mà thân thiện với ta.
Cãi cọ tranh luận: Việc cãi cọ tranh luận ít ai không dính mắc, nên tôi xin bàn rộng mục nầy. Trong giao tiếp nên tránh sự cãi cọ, những cuộc tranh luận thường hay đi đến mất lòng. Hãy biết kềm chế bản thân trước những hơn thua cao thấp vô ích. Khi đã làm cho người ta phực lửa lòng, tranh luận sẽ dẫn đến sự cãi cọ thì thôi đi là hơn. Đức Thầy dạy những câu rất hay:
“Ai chưởi mắng thì ta giả điếc,
Đợi cho người hết giạn ta khuyên.
Chữ nhẫn hòa ta để đầu tiên,
Thì đâu có mang câu thù oán.
Việc hung ác hễ vừa thắp thoáng,
Chữ từ bi ta diệt nó liền.
Sự oán thù đáp lại chữ hiền
thì thù oán tiêu tan mất hết”.
Tranh luận, cãi cọ thường bắt đầu từ chỗ chê bai mới sanh ra trận đấu miệng. Người không thích nghe tiếng chê bai thì không đợi là chê bai mình, với ai, nghe là ấm ức. Ta hiểu chê bai tức chê bướng chê càn thì mang tội vào thân, tránh tranh luận cãi lẩy với họ, để việc đó cho trên trước quyết định:
“Có mấy kẻ ăn năng xét kỷ,
Mãi ỷ tài chê bướng chê càn.
Thì ngày sau đừng có trách than,
Những tội lỗi của mình tạo lấy.
Bị háo thắng việc người không thấy,
Rồi mảng lo gièm siểm nhiều lời.
Vì vậy nên tình nghĩa xe lơi,
Đâu gần gủi mà tường diệu lý.”
MÊ SI: Mê là ngu tối, si là đắm vào, đắm đuối. Mê si do vì lòng dạ đen tối đắm mình vào chỗ hư hèn, tội lỗi. Ví dụ mê si vì tín ngưỡng thì dị đoan mê tín, ham linh nghiệm bỏ đạo chánh theo đạo tà. Xưa có người tìm Thầy học đạo, rất kính trọng và cung phụng Thầy. Lòng không ham chuyện thế gian, khi đã học đạo chỉ còn ham đắc đạo thôi. Thầy Ông có bà vợ còn trẻ đẹp, lòng nấu nung dục vọng mà gặp chú đệ tử trẻ trung bảnh trai thì thích lắm. Hôm nọ Chồng già đi vắng bà ở nhà đòi hỏi chuyên mây mưa với chú học trò bảnh trai nầy. Chú đệ tử lòng không ham hố chuyện ấy đặt để vợ của Thầy như mẹ mình còn lên lớp dạy bà biết vai vế và bổn phận người mẹ. Vợ của Thầy không giải quyết được khát vọng còn bị  mắng mất nết, giận quá bà làm cho lợi gan, tự cào cấu trầy xước mặt mày, áo quần xé rách dựng cớ cáo gian tên học trò của chồng hà hiếp. Ông nầy nghe qua giận lắm thay vì đuổi tên học trò Ông cố đè nén dùng lời nhỏ nhẹ: con có thể đắc đạo được rồi, vậy con hãy đi chặt lấy một trăm ngón tay người để ta làm phép cho con đắc đạo. Dạy như vậy mà chú đệ tử cũng tin đi làm công việc ác có phải đã quá mê si rồi không? Mê si về tình yêu có thể dẫn đến sự chết chóc không đáng.
Thiếu óc phán đoán: Phán đoán tức lường trước việc xảy ra, phán đoán để thấy việc đó, người đó làm vậy phải hay quấy, lời đồn kia đúng hay sai. Nhưng thiếu óc phán đoán đụng đâu tin bướng nghe càn, chuyện nghiệm ra hết sức vô lý mà cũng tin. Xưa có một tà sư ngoại đạo hay nói tứng ứng. Ông ta đi dùng tiệc chỗ có đông người, gây sự chú ý bằng những chuổi cười bung miệng, quan khách hỏi Ông gì sao mà cười to thế. Ông trả lời: Cách đây năm trăm dặm có con Khỉ chuyền cây trật tay rớt xuống dòng suối nên cười. Quan khách khen Ông có thần thông quảng đại, riêng người con trai của Ông chủ nhà biết nhìn hạnh cách nói thầm trong bụng: Đây là tên khoác loát lừa bịp. Chừng cho cơm vào bác mời dùng, các quan khách thì chú con trai để đồ ăn vun lên trên cơm riêng tên tà sư chú cho cơm trắng. Tà sư bắt lỗi cách đổi sử tệ thì chú trai tay sới miệng nói lớn cho mọi người nghe: con Khỉ chuyền cây năm trăm dặm còn thấy mà thịt cá dưới một lớp cơm không thấy, vầy là sao?
Thiếu sự nghĩ suy: Nghĩ suy là năng động tư tưởng, tư duy rộng thêm sự hiểu biết, thiếu nghĩ suy là thiếu thước tất, không đo tới chỗ thăm dò mà hành động đúng chỉ là hên xui may rủi. Người xưa bảo “Trật con tán bán cái nhà” Tán ở đây là bàn tán để lấy cách suy nghĩ của mình hay của nhiều người khác. Thiếu sự nghĩ suy là thiếu bàn bạc bàn tán kỷ lưỡng. Đức Thầy có câu:
“ Khi nói, làm ít chịu suy lường,
Mãi phạm tội nên rằng nghiệp ác”.
Lẽ phải trái: Lẽ là lý lẽ, từ chỗ có lý lẽ mà ra phải trái để giữ phải tránh trái. Nếu không giữ phải theo trái kết quả phải chịu ngược ngạo, trái ngang. Dùng lẽ phải là cuộc đời đi lên, trái là con đường đi xuống. Cho dù mình thiếu nghĩ suy ra lẽ, nhưng người ta khôn hơn nghĩ suy ra lẽ nói lên thì mình biết, đường thiện người ta đi, phải nên theo.
Bo bo giữ thiển kiến sai lầm: Bo bo tức là bảo thủ, ví dụ như ý kiến của mình đề ra tự cho là đúng, có ai bàn bạc khác hơn không nghe, chung cuộc người đi theo sự bàn bạc khác hơn đó còn ta ngồi một chỗ tự tôn thờ ý kiến của mình. Thiển kiến tức cái thấy hoặc sự hiểu biết cạn cợt. Đường đạo rất sâu mầu bởi nó đi cả con đường dài từ cõi Ta Bà sang Tịnh Độ, từ mê sang giác, cạn cợt thiếu hiểu biết là khó đi; đi lâu, hết kiếp chưa được thì phải đầu thai một kiếp hoặc nhiều kiếp tiếp tục con đường. Đó là nói đi đúng mà thiếu hiểu biết, còn sai lầm là không đúng đường, suy nghĩ sai dẫn đến hành động sai và tội lỗi phải theo vòng quay của bánh xe luân hồi đền tội, chưa thấy lối ra.
Chẳng chịu nhìn nhân chân lý: Chân lý là lý lẽ chân thật, chân chánh, không thay đổi trước mọi cám dỗ hay sức mạnh của quyền lực, giàu nghèo; như một bài toán nhơn đơn giản hai lần hai là bốn, nó không chấp nhận lối giải thích là năm hay là ba. Chân lý sáng ngời như vậy nhưng những người quen thói vạy tà, thích đi cong, tăm tối là không chịu nhìn nhận chân lý bởi vì chân lý không có đường cong, không có sự tính toán.
Ngu muội: Ngu là dốt nát, muội là mê tối; ngu muội là đã dốt mà còn tối dạ. Điều nên bàn ở đây, nói tới ngu muội là áp dụng ở trường hợp nào? Có những người học hành hơn ta, hiểu biết hơn ta, kiếm ra tiền hơn ta, họ có chức quyền, sành sỏi việc đời nói ra thông thái, tự hào học hành hơn, hiểu biết hơn giàu sang hơn và quyền chức, thế giới đạo đức có công nhận như vậy là khỏi ngu muội chưa? Từ ngữ ngu muội ta bàn, không động phạm đến sự có học hay vô học, có cách làm giàu hay nghèo suốt. Giàu hay nghèo cũng một kiếp người thôi. Chân lý là lý lẽ chân thật, bất cứ ai hễ không chịu nhìn nhận chân lý là ngu muội.
Mê mang: Thường thường người ta dùng từ mê mang nối liền với bất tỉnh cho dễ hiểu. Ví dụ: Tôi thấy anh ấy bệnh nằm mê mang bất tỉnh cả ngày không dậy mà cơm nước. Chỗ Đức Thầy dùng là “ Mê mang theo những vật nhỏn nhen, mau tan, mau rả”. Như thế Mê mang còn được coi là trạng thái ghiền nhiễm nặng hết lo nghĩ việc gì khác, thậm chí sắp chết đến còn ghiền. Thảo nào Đức Thầy chẳng bảo:
“ Thấy sanh chúng quá ghiền cảnh tục,
Nên nhiều lần giục thúc muôn dân”.
Như vậy mà nhơn dân cũng cứ ghiền nặng:
“ Lời lành mắt lấp tai ngơ,
Đua theo vật chất hẩng hờ đàng Tiên.
Hố sau tình dục lại ghiền,
Ghiền cho đến lúc chúng khiêng quan tài”.
Tin bướng làm càn: Tin bướng tức là tin khi chưa rõ sự việc, nguồn gốc. Chỉ mới nghe người ta nói là tin. Làm càn: Vì dễ tin mà kẻ lừa đảo lợi dụng vào lòng tin của mình tìm cách thu phục hoặc phá hoại. Đức Thầy viết bài “Nhổ Bàn Thông Thiên với  bốn câu thơ sau đây:
“Đạo ác xảy ra rất thảm phiền,
Làm cho dân sự nhổ thông thiên.
Xô ngang ít bữa rồi trồng lại,
Phật Thánh đi xa khó rước liền”.
Các điều mê tín: Mê tín là tin lầm, nghe ai nói huyền huyền diệu diệu là tin, người ta xưng hơi Đức Thầy cũng tin là Ngài trở lại. Nhà có người vừa chết Đức Thầy dạy “ Trong lúc ở nhà hay trong lúc đưa đám tang gì cũng vậy, nếu có tổ chức sắp hàng chắp tay niệm “Nam Mô Tây Phương Cực Lạc thế giới tam thập lục vạn ức, nhứt thập nhứt vạn cửu thiên ngũ bá đồng danh đồng hiệu đại từ đại bi tiếp dẫn vong linh A DI ĐÀ PHẬT”. Những năm gần đây có một số tín đồ trong đạo không chịu làm theo lời chỉ, chết sống gì cũng niệm A Di Đà Phật thôi. Họ bị ảnh hưởng bởi lý luận của một số người tu phai màu Hòa Hảo: Niệm Phật A Di Đà là cầu sự cứu độ của chính Đức Phật mình niệm mới đúng. Nghe cách biện luận vậy mà tin bỏ qua lời dạy của Đức Thầy. Nói về sự hướng dẫn người sang Tịnh Độ không ai đủ tư cách hơn Đức Thầy vì Ngài đã thốt”
“ Tìm Cực Lạc đây rành đường ngõ”
“Đức Di Đà truyền mở đạo lành,
Bởi vì Ngài thương sót chúng sanh,
Ra sắc lịnh bảo ta truyền dạy.”
Người dạy đạo có sắc lịnh và ta cũng đã quy y mà không tin, lại tin những kẻ ta không quy y, lý luận vu vơ.
Màn vô minh:  Vô minh là không sáng, màn là miếng che. Màn vô minh như tấm màn tối che phủ ánh sáng. Do sống trong bống tối, nhận định không còn là đôi mắt mà cảm giác qua sự rờ đụng. Như câu chuyện những người mù rờ Voi.
Bất diệt, Bất sanh: Bất diệt, Bất sanh là nói không còn sanh ra với thân giả tạm Đất, Nước, Lửa, Gió hợp thành, không sanh tất nhiên là không diệt, chấm dứt vòng quay luân hồi.
Tóm kết:
Đức Thầy nói ra bản tính của ác Sân Nộ là sự nóng nảy xúi con người làm nên những điều tội lỗi có thể dẫn tới sự chém giết oán thù. Quá giận sẽ làm cho con người cuồng trí, lơ láo mất tự chủ. Kể ra những ác do sân nộ gây nên, liền theo Ngài dạy cách diệt trừ là “hãy mở lương khoan hồng dung tha kẻ lầm lỗi”.
Đến ác Mê Si Ngài kể ra những tội ác không hại người, chỉ hoàn toàn là hại mình như “thiếu óc phán đoán thiếu sự nghĩ suy” dẫn đến “ tin bướng làm càn” cho tâm hồn mỗi lúc thêm mờ mịt. Kể ra những ác chướng đưa đến sự mê tín và Ngài dạy cách trừ những ác chướng nầy bằng “Qui thuận theo tinh thần đạo đức phá tan màn vô minh” là thoát ác mê si.
PHẦN 3: ĐẶT CÂU HỎI:
-         Sân nộ là gì?
-         Sân nộ dẫn tới bao nhiêu thứ tội ác? kể ra!
-         Đức Thầy dạy những gì để diệt ác sân nộ?
-         Thế nào gọi là Mê Si?
-         Tội ác nầy do đâu mà ra?
-         Mê si dẫn tới bao nhiêu thứ tội chướng ? Kể ra!
-         Đức Thầy dạy cách nào diệt ác mê si ?
Kính thưa chư quý đồng đạo! buổi học thứ 12 đến đây hết giờ xong việc, hẹn gặp lại quý vị buổi học 13 bắt đầu với bài “Luận Về Bát Chánh”.
Kính chúc tất cả thân tâm thường lạc, học bài mau thuộc, nhớ sâu, hành đúng.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

28/3/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét