Thứ Sáu, 21 tháng 9, 2018


ĐỨC PHẬT THẦY VÀ CHÙA XẺO MÔN
không khí lễ tưng bừng, bà con đang nghe đọc viễn văn khai mạc.

Lễ viên tịch Đức Phật Thầy Tây An ngày 12 tháng 8 năm 2018 nầy, tôi đến tham dự ở chùa Tòng Sơn căn gốc, thuộc tỉnh Đồng Tháp, dù là tỉnh Đồng Tháp nhưng địa phương nầy gần giáp ranh huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang. Xưa lúc còn là Ông già cô đơn Đoàn Minh Huyên, Đức Phật Thầy có đến trị bệnh, dạy tu cho bá tánh nhiều điểm trong quận huyện Chợ Mới như làng rạch Trà Bư, làng Xẻo Môn, làng Long Kiến… Theo những tài liệu có giá trị về lịch sử, cụ Đoàn Minh Huyên là một người rất xa lạ đối với dân làng Tòng Sơn, vào mùa mưa năm 1849, trong làng có một cây Da trốc gốc ngả xuống dòng kênh, cành cây làm chận bít sự lưu thông xuồng ghe qua lại, người ta huy động trai tráng trong làng kéo cây Da lên khỏi dòng nước nhưng gần suốt ngày trời vất vả mà cây Da vẫn nằm yên tại chỗ thì cụ già Đoàn Minh Huyên xuất hiện, cùng vời dân làng, đem cây Da lên khỏi dòng nước một cách nhẹ nhàng. Từ đó ông già xa lạ nầy được dân chúng kính phục, cho về làm trụ trì đình Tòng Sơn.
Ở đình Tòng Sơn không lâu, vì sứ mạng độ đời không thể ở yên một chỗ, Cụ Đoàn Minh Huyên phải đi khỏi làng Tòng Sơn. Thật ra, theo suy nghĩ của tôi, việc ông già cô đơn xa lạ nầy, chiêu khai lý lịch trước khi rời khỏi đình chỉ là cái cớ, bởi qua thời gian ngụ nhờ trong đình, bá tánh coi Ngài một người cô độc, nghèo khổ đáng thương, mà thật sự, ở đó, dường như chưa có cơ duyên độ bệnh, dạy tu cho người đời để họ biết Ngài là ai.
lúc nầy bà con đang nghe phát biểu về sự nghiệp của Đức Phật Thầy Tây An,
khai sáng Bửu Sơn Kỳ Hương

Rời khỏi đình Tòng Sơn, Ngài đến rạch Trà Bư, trong lúc dân làng bệnh dịch nổi lên dữ dội. Cơ duyên đã đến Ngài ra tay độ bệnh, qua thời gian ban ân bố đức, dạy tu nơi vùng Trà Bư không bao lâu thì dân ở làng Tòng Sơn cũng phát lên bệnh dịch ghê gớm. Nghe tin ông già cô độc đến rạch Trà Bư phát trổ tài trị bệnh, linh ứng như Phật Tiên giáng thế cứu đời, họ cho người đến mời ông già ấy trở lại làng mình cứu bệnh. Bây giờ thì ông già đã không còn cô độc nữa nhưng ông từ chối lời mời, không phải do hiềm khích chuyện chiêu khai lý lịch mà vì, ở đây, có rất đông bà con đến chờ ông cứu bệnh, đương cuộc không thể bỏ đi được. Tuy không trở về đình làng Tòng Sơn mà việc trị bệnh thì ông có cách và cách ấy dẫn đến kết quả tốt: Ông chỉ chỗ cho sứ giả đến mời ông biết rằng: trên ngôi thờ đình thần làng Tòng Sơn có cái mo nang, trong có giấy vàng, vải và cán cờ, dùng đó mà trị bệnh. Sứ giả về báo lại ban hội tề đình, trước thực trạng mắt thấy tai nghe ông già cô đơn trị bệnh, trị đâu hết đó, bà con trong làng làm theo lời chỉ. Linh diệu thay! Mới đầu bệnh nhân đến trước còn dùng được giấy vàng, người đến sau hết thuốc, người ta nghĩ bụng: Ông già ấy là đấng linh thiêng hạ phàm độ chúng, cái vì của ông ta chắc đều có sự linh thiêng như nhau, là  linh đơn Tiên dược. Nghĩ vậy nên người ta không ngại xé chút vải cờ làm thuốc rồi cũng được hết bệnh, sau nữa người ta vạt đến cán cờ ngâm lấy nước mà dùng thì cán cờ cũng là linh dược hiệu quả như nhau. Mầu nhiệm thay dân làng đã được khỏi cơn dịch bệnh chết người.
Phật Thầy trị bệnh, khuyên tu, lần lần đến làng Xẻo Môn. Thời điểm đó phần nhiều là bệnh thổ tả, giống bệnh khá lây nhiễm người sang người, nhất đối những thân nhân gần gủi, nếu không được Thầy hay dược giỏi cứu trị kiệp thời, dập tắt con bệnh lây nhiễm, lo mà vác xác đi chôn. Phật Thầy trị bệnh không cần xem mạch kê đơn lâu lắc, bệnh chi cũng dùng một thứ nước lả giấy vàng, với bàn tay của bậc siêu nhơn sáng tâm đầy đức, biến nước lả giấy vàng thành linh dược như Giảng xưa đã mô tả:

” Dầm trời thiên hạ như mưa,
Ban mai tới tối phát chưa rồi bùa.
Người đi tới trước vô chùa,
Mấy người tới trễ lạy dùa ngoài sân.”
cầu rạch Trà Bư, cách mộ Phật Mẫu khoảng non cây cây số

Diễn tả cảnh bệnh nhân đến nhờ Phật Thầy trị bệnh, số lượng ngoài sức tưởng tượng, từ sángs sớm tới tối phát bùa trị bệnh cũng chưa tróng chỗ cho người đến sau vào, họ phải ở ngoài sân lạy dùa vào, cầu Phật Thầy ban ơn đức.
Công cuộc trị bệnh và dạy đạo được nhơn dân kính mến, nhiều người phát tâm tu niệm. Theo sách “Thất Sơn Mầu Nhiệm” tác giả nói rằng Phật Thầy Tây An có thu nhận nhiều đệ tử. Đã đông người quy Phật tu hành, phải lập nên cơ sở tôn giáo để có chỗ cho bà con đến cầu phước, nương bống từ bi. Sau nầy làng xẻo môn có thành lập ngôi chùa, lấy tên làng làm tên chùa như làng Tòng Sơn có tên “Chùa Tòng Sơn” vậy.
Những năm gần đây tôi nghe nhiều người nói về xuất xứ của ngôi chùa Xẻo Môn là do lời tiên tri của Đức Phật Thầy khi Ngài đến làng nầy trị bệnh cho bà con. Chỉ nghe chuyền miệng thôi chứ thư tịch thì không thấy. Lắm lần tôi tìm hỏi xem có quyển Sấm Cơ hay sách nào nói về chuyện trên để dựa vào bút tích cho có cơ sở vững chắc. Năm trước, 24-4-2017 tôi đến chùa Xẻo Môn may mắn gặp được ông Nguyễn Hửu Hạnh, thầy giáo về hưu, cũng là khách đến viếng chùa cùng lúc. Nhà chùa cho biết ông Hạnh là cháu nhiều đời của ông bà chủ đất cất chùa Xẻo Môn. Tôi định dẫn xe ra về mà nghe giới thiệu vị khách nầy, lòng mừng như tìm được của quí, nghĩ hôm nay mình sẽ biết thêm những điều mình thiết tha mong muốn. Tôi đặt ra câu hỏi về sự liên quan đất đai và chùa Xẻo Môn, ông Hạnh kể câu chuyện như sau:
Ông của tôi, nếu tính theo gia phả, tôi là cháu 5 đời. Ông tôi tên Nguyễn văn Trường, làm quan có ấn sắc của vua ban, triều đình cấp cho ông 300 công (ba trăm công đất), ông tôi có năm người con, ba trăm công chia đều cho năm người, mỗi người 60 công. Trong năm người con có một cô con gái tên là Nguyễn thị Tư, Ông rể là Trần văn Đạo, hai ông bà nhận đất và theo đất cất nhà để dễ dàng canh tác. Ông bà không có sanh con nối dõi. Lúc Đức Phật Thầy đến làng Xẻo Môn trị bệnh cho dân chúng, ông bà tôi có nghe đồn đãi nhiều về Phật giáng trần, trị bệnh ai hết nấy, lòng kính mộ, thích ý nhưng chưa tới lúc, khiến bận việc mãi không đến bái kính Ngài. Một sáng sớm hôm nọ Phật Thầy có đến chỗ đất của bà tôi, với thân vóc một ông già bình thường, Phật Thầy đi từ mũi nhọn của hai nhánh kênh (giờ đã liếp một nhánh), chỗ đó còn hoang lâm, cỏ nằm sấp lớp, Phật Thầy tay cầm cây như đi gậy, có lúc lấy cây gậy vẹt cỏ mà đi và cắm gậy xuống đất mà nói rằng: Sau nầy có cất ở đây ngôi chùa. Ngay sáng hôm đó ông rể tôi thấy vậy, có ra chào kính và mời Phật Thầy vào nhà uống trà sáng, nhưng Phật Thầy từ chối vì còn phải về điều trị bệnh cho dân làng.
Xưa ông bà chúng tôi cất chòi nhỏ lo tu, vì không có con nối dõi chết rồi là hết. Thời gian không biết bao lâu, cho đến năm 1962 thì tại nơi đất của ông bà, chỗ Đức Phật Thầy cắm cây nói trên, đã khởi công dựng lên ngôi chùa, năm 1963 hoàn tất khánh thành đề tên “Chùa Xẻo Môn” mà người chủ động việc xây cất là ông Nguyễn văn Vịnh, phụ thân tôi, cháu 4 đời của Bà Nguyễn thị Tư.
Chùa hằng năm có hai lễ cúng giỗ:  Bà Nguyễn thị Tư ngày 20 tháng 2: Ông  rể Trần văn Đạo ngày 20 tháng 11.
22/9/2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét