Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2018


ĐỨC BI CỦA PHẬT

Rất hân hạnh được chú giảng lý về Đức Từ của Phật theo giáo lý PGHH, chúng cháu còn muốn nghe thêm xin kính mời chú giảng giải tiếp về Đức Bi của Phật có được không?
Được chứ. Huynh đệ cũng biết là được mà phải không! rào trước đón sau chi cho nhọc lòng mong đợi.
Dạ, cám ơn chú.
Đức Thầy nói về Đức Bi của Phật như sau:
“Đức Bi: Nếu chúng sanh nào dạy dỗ chẳng nghe, làm điều độc ác để phải tội thì Phật chẳng vì thế mà ghét bỏ, lại thương xót vô cùng.”
Nếu chúng sanh nào dạy dỗ chẳng nghe: câu nầy đem áp dụng giữa con người với con người, dầu giữa con người với con người nầy có quan hệ huyết thống ruột rà như cha, mẹ, anh chị em, kế đó là bạn bè thân thiết; tình nồng ấm như vậy mà thấy họ làm điều sai khuyên sửa sai không thèm nghe lời, ngoan cố làm chuyện không đúng, ảnh hưởng dây chuyền từ mình đến cha mẹ, anh em, bạn bè về danh dự tức đừng nói tới, không ghét bỏ là may mắn chứ bảo “thương xót vô cùng” là rất khó phải không? Có kẻ biết mình làm sai chứ không đợi ai đến khuyên lơn mới thức ngộ nhưng không thể sửa sai vì cường độ của việc sai phạm như sự giận dữ, lòng ham muốn chẳng hạn, đã chạy quá đà, mất tự chủ, thắng lại không được mà chận đứng các việc xấu và tội lỗi. Có kẻ không tin về nhân quả báo ứng tội phước, họ không chịu ràn buộc bởi một mô hình đạo đức nào, sống là tranh đấu bảo vệ sự sống theo ước muốn vì danh lợi, tiền bạc, quyền uy thế lực. Vì danh lợi, tiền bạc, quyền uy thế lực họ sẵn sàng làm thù địch dù với người cùng huyết thống huynh đệ, ngay cả đấng sanh thành. Nói tóm lại, bất cứ ai, nếu làm vật cản đường sự tiến thân, dù là sự tiến thân của một tên ngông cuồng, nghịch lý, đáng bị nguyền rủa họ cũng sẽ không tha thứ.
Làm Điều Độc Ác: Điều ác độc, những từ nầy ta thường nghe nói quen tai với một sự thật rất dễ hiểu, làm chuyện gây tai hại người khác mà nguyên nhân của sự ác độc có thể cùng trên chiến trận danh, lợi, tình, tiền, quyền, đôi khi phải dùng tới thủ đoạn cực độc, hiếp đáp người khác, không từ việc nào: đâm thuê chém mướn hoặc trộm cắp, mưu ma chước quỷ, làm ăn bất chính, sang đạt tài sản… vì quá ham lợi nhuận có thể dẫn đến mua bán hàng quốc cấm như ma túy, súng đạn, chất nổ.
Phật chẳng vì thế mà ghét bỏ: Đối ở phương diện chúng sanh mà nói, dầu dạng tu hành đụng phải chuyện mình cố công dìu dắt dạy dỗ mà họ không nghe một đôi lần là chán nản hết muốn gặp những kẻ dạy dỗ không nghe đó nữa, chẳng những không muốn gặp mà suy nghĩ về họ không còn chút tình nào, đôi lúc ta còn rao bán tật xấu của họ để cho ta tốt lên, lỡ họ có nghèo khổ, xảy ra bệnh tật, tai nạn gì gì… ta cũng không xúc động thương tâm lại còn dọn mồm cai cú: Dạy dỗ không nghe lời, ngu si quá chết chịu !
Phật lâm phàm cứu độ chúng sinh là cứu hết, độ hết, không phân biệt sang hèn, quen lạ, hiền lương hay hung dữ. Ta thích tu hành nên gặp người hiền ta cho là tốt, thấy kẻ ác lòng không thích không ưa. Họ chỉ biết làm hiền bằng không hung hiếp gian tham, giành giựt với ai nhưng không có hướng làm tiêu hạt giống sanh tử thì Phật phải lo mà cứu độ họ từ chỗ hiền lương bước lên đường giải thoát khỏi luân hồi. Huống chi đối với người hung dữ, làm chuyện ác độc hại người, tội với người bị hại, gieo tang tóc đau thương khiến người ta đời sống không yên, tội với họ vì chính bản thân họ làm ác là cái nhân sẽ bị gặt hái quả ác, hết kiếp nhọc nhằn, chết đi đầu thai chưa chắc được trở lại loài người, và nếu may mắn trở lại loài người chưa chắc có tấm thân mạnh khõe, lành lẽ như hiện kiếp. Phật có lòng từ bi cứu độ chúng sinh, những kẻ gai gốc ngang ngạnh ta không ưa, họ cũng là chúng sanh mà Đức Phật thệ nguyện cứu “Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ”. Đức Huỳnh Giáo Chủ có câu:
“Nếu thế gian còn chốn mê tân
Thì ta chẳng an vui Cực Lạc.
- Bể trầm luân khô cạn sáu đàng
Tăng sĩ mới trở về nơi thanh tịnh”.
Đối với kẻ dạy dỗ một đôi lần chẳng nghe, hét bỏ mặc họ thì họ cứ tự do gây thêm tội làm sao có chuyện “khô cạn sáu đàng”??? tín đồ Phật Giáo phải biết rõ điều nầy hơn người thường.
Đề Bà Đạt Đa lăn đá núi hại Phật nhưng Ngài chỉ bị thương ngón chân thôi. Như đời thường, gặp độc ác như vậy thì thôi cắt đứt quan hệ cho xong, nhưng Phật thì không thể, khi Đề Bà Đạt Đa lâm trọng bệnh sắp chết, Đức Phật đến thăm dỗ về an ủi, khuyên cải ác tùng thiện…Ông ta chết đi, bị đọa xuống tam đồ, Đức Phật xai đệ tử đến thăm dùng phương tiện giáo độ ông.
Bửu Vinh mời Đức Thầy họp và tổ chức ám hại Ngài ngay trong kỳ họp nầy, một cuộc chém giết rùng rợn xảy ra, quân Bửu Vinh làm ba người hộ vệ của Đức Thầy chết tại trận, phía vách sau chỗ Đức Thầy ngồi nói chuyện với Bửu Vinh bị ăn nhiều phát đạn làm hư đổ nhưng Đức Thầy thì không sao. Trong thời điểm đó Đức Thầy khẩn cấp viết một lá thư gởi hai tướng lãnh PGHH như sau “Tôi vừa hội hiệp với Bửu Vinh bỗng có sự biến cố xảy ra, tôi và Ông Vinh suýt chết, chưa rõ nguyên nhân còn điều ta… Sáng ngày tôi sẽ cùng ông Bửu Vinh điều tra kỷ lưỡng rồi về sau.”
Khi nhận được hung tin Đức Thầy bị ám hại các tướng lãnh và tín đồ PGHH đều thương Thầy muốn kéo đi trả thù nhưng kịp nhận được bức thư nói trên thì không còn thấy kẻ thù ở đâu nữa mà đòi đi trả thù. Ông Bửu Vinh, kẻ chủ mưu ám hại Đức Thầy nhưng Đức Thầy đã xóa tan dấu vết xấu xa của ông ấy bằng những lời lẽ thiện cảm đậm đà trong thư “Án Binh Bất Động” như trên “Tôi vừa hội hiệp với Bửu Vinh bỗng có sự biến cố xảy ra, tôi và Ông Vinh suýt chết” như vậy Ông Bửu Vinh và Đức Thầy cùng chung số phận bị hại chứ đâu phải ông ấy hại Đức Thầy.
Nghe qua hai câu chuyện nêu trên, dầu Đề Bà Đạt Đa, Bửu Vinh có được “dạy dỗ chẳng nghe, làm điều độc ác để phải tội thì Phật chẳng vì thế mà ghét bỏ, lại thương xót không cùng.” Đức Thầy đã không giận hờn trách móc kẻ đang tâm hại mình còn đưa hắn trở thành người bị hại “Tôi và Bửu Vinh suýt chết” để tín đồ PGHH có thương được thì thương cho thù hận tan đi. Nếu chỉ có Bửu Vinh, Đề Bà Đạt Đa làm điều độc ác mà mọi người đều không làm thì lục đạo luân hồi chỉ còn vỏn vẹn hai tên đó thôi, tương lai gần “Bể trầm luân khô cạn sáu đàng” là có thể. Nhưng nếu ta không nhịn được bằng cách siêu hóa ác cảm đó đi, vì cái ác của Bửu Vinh, Đề Bà Đạt Đa mà thù hận, lửa sân si ngút lên thì lục đạo luân hồi không chỉ có hai ông Đề Bà Đạt Đa, Bửu Vinh, mà còn thêm nhiều nhiều chúng ta nữa, thử hỏi chừng nào Đức Thầy mới về “Yên vui nơi Cực Lạc”?
15/9/2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét