Thứ Ba, 26 tháng 12, 2017

CỨU TRỢ MIỀN TRUNG
Chúng tôi, tín đồ PGHH 3 tỉnh An-Giang, Đồng-Tháp, Kiên-Giang hợp tác tổ chức một chuyến đi cứu trợ nạn nhân những tỉnh, vùng bị thiên tai ở một số tỉnh miền Trung. Nhờ vào công nghệ thông tin loan tải rộng cho nhân dân trong nước xem cảnh khổ của đồng bào gặp lũ đã phải vất vả thế nào làm khơi dậy tình thương mà thực hiện ngay cuộc giải cứu kịp thời. Bà con miền Tây Nam Việt chúng tôi đi đây, đa phần là tín đồ PGHH theo dõi qua báo, đài, Internet, đã thấy đồng bào mình ở vùng bị bão dữ hốt mất hoặc đẩy xập nhà cửa, phải sống cảnh màn trời chiếu đất, đói thiếu cơm ăn, bệnh không được chăm sóc y tế, thuốc men. Có nhiều nhà bị lũ cuốn sạch những đồ đạc, chỉ còn một bộ đồ mặc trong mình, tưởng như một giất chiêm bao, mới thấy đó rồi lại mất đó.
Thương quá là thương! Chợt nhớ lời Đức Thầy dạy:
“Nam Kỳ đâu thể sống riêng,
Mà còn cung cấp cho miền Bắc,Trung”.
Đọc qua lời dạy trên, người tín đồ như chạm đến lòng vàng, xét có trách nhiệm với Thầy Tổ, bổn phận với đồng bào, thực hành câu Ca Dao “lá lành đùm lá rách” hay “một nắm khi đí bằng một gói khi no” kêu gọi hảo tâm của bà con đóng góp ít nhiều vào công cuộc cứu trợ.
Trước lâu lắm rồi, năm nào miền Trung cũng bị lũ lụt cuốn trôi nhà cửa, nhận chìm mùa màng kéo dài những ngày tháng mùa mưa, bà con ở dựa lúa đồng bằng Sông Cửu Long thỉnh thoảng có đoàn nầy đoàn khác quyên góp chở những chuyến hàng ra Trung cứu trợ. Nhưng những năm gần đây không biết vì sao bão lũ miền Trung tăng số lượng và tăng tốc độ thiệt hại, chín vì vậy mà bà con ở vùng dựa lúa phải mở tấm lòng hơn nữa cứu trợ liên miên chuyến. Năm rồi 2016 bão dữ cuồng cuộn, nước dâng cao, nhân dân ở vùng Formosa chịu tơi tả, tôi có cùng bà con mình chở hàng cứu trợ ra đó. Trên đường tôi thấy có nhiều chiếc xe cứu trợ lần lược về và những chiếc cùng lần lược đi, chứng tỏ dân trong Nam không quên tình lúc người miền Trung gặp khó.
Trong chuyến nầy, có vài vị thiện nguyện viên đi quyên góp bài tỏ với tôi: trước chúng ta không lâu đã có đoàn đến đây quyên, người ta quyên rồi mình quyên nữa tôi rất ngại, nhưng không ngờ vì tấm lòng độ lượng, vị tha người ta cũng có nữa để đóng góp.
Nghe vị thiện nguyện viên nầy nói mà chợt nhớ, lúc xưa tôi có tiếp chuyện với hai tổ chức gây quỹ rất hay: một tổ chức của quý vị chạy Hon Da đưa đò, mỗi tuần đóng góp tùy hỷ những đồng tiền bằng sức lao động của mình. Một số trong đó có vị còn hút thuốc lá và nhăm nhi ít rượu sau những buổi chiều muộn, nguyện bỏ để đóng góp số tiền lảng phí hại thân vào việc từ thiện mỗi cuối tuần, nhờ đó mà quỹ từ thiện của tổ xe Hon Da đưa đò khá lên. Người ta dùng tiền đó giúp người nghèo hoặc những gia đình trong vùng gặp khó hoặc nhằm đợt cứu trợ vùng xa như miền Trung chẳng hạng có cơ hội tốt thì trút sạch quỹ đưa đi. Thêm một tổ chức gây quỹ khác: vận động bà con trong xóm nhân lúc rảnh rang việc nhà lãnh lặt ớt mướn. Tổ chức nầy phần đông là người lớn tuổi, hết gánh vác việc nhà, hoặc những cô nội trợ, nấu ăn, dọn dẹp sau bửa ăn xong thay vì mở ti vi xem phim hoặc nằm ngủ thì đến tụ điểm mỗi ngày lặt ớt mướn đóng góp công sức, nhiều người như vậy, lâu lâu kiểm lại cũng khá tiền, nghe nhà ai gặp khổ khó, nghiên cứu kỷ lưởng thấy phải việc thì đề nghị tập thể đem cho.

Sự thật, dân miền Tây Nam Bộ sống nghề nông, lợi tức của mỗi năm không dư nhiều nhưng nhờ lãnh thụ giáo lý PGHH làm kỷ cương trong cuộc sống “Khuyên đừng xài phái sa hoa, ăn cần ở kiệm đặng mà lo tu”. Từ đó người tín đồ tập tánh không sa hoa mà còn thêm “ăn cần ở kiệm” nữa, mới có dư mà làm chút phước đức cho bản thân. Đồng bào miền Trung nhận của bố thí từ trong Nam đa phần là tín đồ PGHH, người ta tưởng rằng đạo nầy giàu lắm, năm nào cũng nhiều đoàn, nhiều chuyến chở hàng ra Trung phát thí. Sự thật không phải vậy, bà con trong Nam có được hàng đem cho là vì người tín đồ có tâm quyết chia cơm xẻ áo với người bất hạnh nên đã tự động ý thức bản thân làm cái gì đó cho đời. Nhiều người nhà làm ăn không dư mà có tấm lòng thương tha nhân họ khắc phục bản thân tiếc kiệm, hạng chế tối đa việc mua sắm lảng phí, đồng thời lãnh làm chút ít công việc để có tiền cứu tế chứ trích ngân sách gia đình là điều không thể. Cái ăn cái mặc đã được chuẩn bị tốt không cần lo, họ chiết bớt thời giờ nhàn rổi làm mướn kiếm thêm. Có người đi cuốc đất mướn, vẩy cỏ mướn mà ai đến khuyên làm phước họ sẵn sàng bỏ ra một vài ngày công hoặc năm mười ngày công, số tiền lên đến nửa triệu hoặc một triệu bố thí. Nhờ thái độ thương tha nhân mà bà con ta tiếp tục hâm nóng tinh thần lá lành đùm lá rách. Đối với quý vị ấy, nói cho đúng lý, nó không còn là lá lành đùm lá rách nữa mà là lá rách ít đùm lá rách nhiều: đáng kính thay!
Đến ngày 25 tháng 12 – 2017 nhằm mùng 8 tháng 11 năm Đinh Dậu, các thiện nguyện viên đã hội đủ tài vật cho một chuyến cứu trợ, chúng tôi tất cả đều lên chiếc xe chở đầy tình thương hướng thẳng ra dãy đất miền Trung. Ngồi trên xe, các thiện nguyện viên qua bao ngày vất vả đi gôm tài vật từ các thí chủ gần xa giờ đã có chút thảnh thơi, miệng nhếch môi cười sung sướng.
Xe chạy suốt ngày đêm mà công phu lễ bái của người tín đồ PGHH vẫn không bỏ sót cữ nào. Có một vị hướng dẫn chương trình cầu cúng tập thể phát biểu lời mời rất hay: Con người sống với hai bửa cơm căn bản, nếu không có căn bản chắc thân thể sẽ bị suy nhược. Đức Thầy dạy hai thời cúng lạy mỗi ngày là nuôi sống tinh thần, nếu thiếu công phu hành đạo tinh thần sẽ bị tuột xuống giống như sự yếu đuối của xác thân. Người không ăn thì không thể sống tốt, một tín đồ có đạo mà không hành đạo thì không thể nuôi sống tinh thần để theo đuổi mục đích tối thượng.
Trời mờ sáng chúng tôi đến tỉnh Khánh Hòa Nha Trang, ăn sáng đỡ dạ lúc ngoài trời đầy mưa rơi, chúng tôi cũng phải đi trong mưa và phát hai trăm phần quà cũng trong mưa gió đầy trời. Phát xong hai trăm phần quà, trên đường ra huyện Song Cầu Phú Yên, đoàn có ghé thăm Hội Người Mù ở thị xã Khánh Hòa Nha Trang.

Phước Sơn Tự, tỉnh Tuy Hòa, lúc Trời vào tối 26/12/2017.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét