Thứ Ba, 3 tháng 10, 2017

VUN TRỒNG CỘI PHÚC CỦA CHA

Người cha tôi đề cập nơi đây là ông Năm Phước, Huỳnh văn Phước, xã An Phong, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp. Ông quá vãng khoảng 4 hay 5 năm lại đây nhưng lúc sinh tiền ông đã tạo cho con ông những ấn tượng sâu sắc về việc làm đạo đức, nên nay dù không còn tồn tại trên đời bởi sự chi phối của của luật thành, trụ, hoại, không mà việc thiện ông gây vẫn được vận hành tốt, giống như việc ông vừa bỏ gánh xuống thì các con của ông chụp gánh tiếp liền theo đó.
Ông Huỳnh văn Phước là cư sĩ PGHH dù sống bề bộn trong gia đình một vợ nhiều con ông vẫn chọn mục tiêu cầu sanh Lạc Quốc trong một kiếp, nên cho dù có bận rộn về kế sinh nhai thế nào ông cũng cương quyết duy trì nền đạo đức trong tâm. Những lúc hết mùa trồng trọt, rảnh rang ông hay đi học hỏi cách tu, có đến nương tu trong chùa  Đồng đạo Mười Nghĩa ở Bình Tiên Sa Đéc tìm giác ngộ chính mình để vượt qua những thách thức, hiện hửu sự trong sáng tấm gương đạo đức cho con ông.

Thức ngộ việc tu, chỉ có tu mới mang đến lợi ích chắc thực cho bản thân, gia đình và xã hội, chiêm nghiệm lời giáo huấn của Đức Thầy “Biết làm sao gieo đạo khắp đại đồng, đưa nhơn loại đi vào vòng hạnh phúc” mà thấy bà con trong đạo phần nhiều giữ đạo qua sự thờ phượng chứ không rành tu tâm sửa tánh là gì, ngày với tối quay quần những việc làm ăn và vui chơi, sanh mê nhiễm nặng, tội lỗi chất chồng. Để lôi kéo họ thoát khỏi sự mê nhiễm và tội lỗi, ông mở bày sự nghiệp vì lợi ích của người khác. Hằng năm vào ngày 12 tháng 8 âm lịch ở chùa Thới Sơn, vùng Nhà Bàn, dưới chân Anh Vũ Sơn (núi Két) các vị chức sắc trong đạo có tổ chức lễ cúng ngày viên tịch Đức Phật Thầy Tây An; thời điểm nầy nhằm mùa nước lên đất rẩy bị ngập không làm được, bà con ở không, nhân dịp ông tổ chức chuyến đi dự lễ viên tịch như đã nói trên tinh thần đùm bọc. Ông cho chuyến đi kéo dài thời gian bốn năm ngày, dẫn bà con đi hành hương chiêm bái quanh miền Thất Sơn oai linh hùng vĩ, ông mời vài vị đồng đạo có khả năng giảng thuyết đạo lý theo đoàn để lúc nghỉ ngơi nói chuyện khuyên tu. Rất là lợi ích, chuyến đi nào cũng có thêm người phát tâm tu hành trường chay giữ giới.
Lúc xưa dân làng còn nghèo khổ, đường sá chưa mấy thuận tiện lưu thông nên tổ chức cho đoàn đi bằng ghe máy nhà, ông tự móc tiền túi ra mua dầu chạy máy, mang theo nồi trách, gạo nước, các thứ thực phẩm chay đãi ăn cho bà con đi hành hương chiêm bái suốt lịch trình mà không lấy của bà con cắt bạc nào.
Ông Huỳnh văn Phước có một đặc điểm tưởng cũng nên chia sẻ để bà con đồng đạo ai có duyên  thì mến. Mỗi lần tổ chức đoàn đi dự lễ viên tịch Đức Phật Thầy, hành hương chiêm bái ở miền Thất Sơn, thường là đi và về 5 ngày, trong khoảng thời gian ấy ông không ăn gì hết chỉ có uống nước thôi và nước thì một màu nước lạnh lạt. Người ta hỏi sao ông không ăn thì ông trả lời đơn giản: vì không muốn xả trược trên núi. Tất nhiên những ngày ấy ông chỉ có tiểu, hoàn toàn không đi tiêu. Trong bốn năm ngày lên đèo xuống thẵm người ta một ngày hai lần dùng cơm mà có người dở chịu đói còn bủng rủng tay chân, phải mua bánh trái hay khoai củ gì ăn thêm mới đi nổi, nhưng ông thì tỉnh bơ, tự mang đồ đạc cá nhân của mình mà thấy ai đi coi bộ mệt ông còn biểu đưa đồ cho ông mang tiếp.
Có lần chúng tôi 6 người đi ba chiếc xe Hon Da, hai chiếc loại một trăm phân khối, một chiếc 50 đời 81, lên dạo miền Thất Sơn trong số có ông, ông đi trên xe 50 với người em trai. Gởi xe dưới chân núi, lội đi từ núi nầy qua núi nọ leo trèo suốt 4 ngày liền lạc cũng không ăn gì hết mà thể lực vẫn mạnh, nói năng hoạt bác, mặt mày vui tươi, hành động lẹ làng. Lúc xuống chân núi Phụng Hoàng Sơn (Cô Tô) là dứt điểm hành trình, thấy gần lộ Huệ Đức, đường từ chợ núi Cô Tô ra Ba Thê, Núi Sập, Long Xuyên nên đoàn chọn đi ngả nầy để tiện dịp ghé viếng một vài chỗ. Em trai ông làm tài xế suốt bận đi, chừng về, xuống núi thì trời đã quá trưa, chúng tôi đành phải tăng ga xe. Ông đi xe 50 mà em ông tay lái yếu coi bộ lái theo không kịp, Ông kêu em trai mình ngừng xe lại để cho ông đổi tay lái. Chúng tôi biết được chuyện vậy khuyên ông đừng giành đổi tay lái để chúng tôi chạy chậm lại một chút. Đi suốt bốn ngày trên núi không ăn, xuống đồng bằng rồi mà cũng còn treo bụng nói về tới nhà mới ăn. Tôi sợ ông ta lửng thửng như mây gió, cà lơ phất phơ giữa chừng có hại nên can thiệp, không đồng ý cho chiếc xe 50 đổi qua ông lái. Ông nói với chúng tôi: Đừng ai lo ngại, tôi vẫn bình thường như mọi lúc bình thường và tự tin lái xe có nhanh hơn cũng yên ổn.
Kể về đặc điểm của ông Huỳnh văn Phước không phải tôi cố ý nêu cao sự nhịn ăn của ông là tấm gương để học. Chúng ta học là học tu chứ nhịn ăn trong khi leo núi bốn năm ngày cũng không phải là đề tài đáng khuyến khích nhưng sự hiện diện sức chịu đựng trong ông qua thời gian dài như vậy mà thân thể vẫn còn sức mạnh nói năng hoạt bác hành động lẹ làng khi lên đèo xuống thẵm quả là chuyện phi thường. Những nhà tu khổ hạnh, trong khi đi sâu vào thế giới thiền định nhiều hành giả mang bụng đói lâu hơn cũng đâu có sao. Nhờ nhập được định không hay đói là có cái lý của nó, nghe lọt tai, chứ leo núi hoạt động nặng nề hơn cuốc đất, giẩy cỏ, đâu như các vị thiền định, ngồi một chỗ không dùng sức, đói ai mà chịu nổi ? Có khi ta đi chơi, hay nằm chơi mà trễ bửa một chút là khó chịu, cằn nhằn, đừng nói là bốn năm ngày leo núi vất vả không ăn gì hết mà sức khõe bình thường. Còn nữa, việc ông không để lại sự ô uế trên núi linh thiêng huyền bí là biểu hiện tấm lòng sạch sẽ, đáng khen chứ không thể chê được.
Sau khi ông Huỳnh văn Phước mãn kiếp hồng trần, cái thiện nguyện giúp độ bà con đồng đạo đi dự lễ viên tịch Đức Phật Thầy mỗi năm và hành hương chiêm bái, giảng giải đạo lý của ông làm lúc sanh tiền đã được các con cháu ông cho thành sự nghiệp của tiền nhân để lại, chúng vun đấp việc làm thiện nguyện của ông. Quý vị nhìn trên hình, hai vị lớn tuổi đứng trước là hai đồng đạo lối xóm thuộc dạng huynh đệ quen thân với ông năm Phước rất ái mộ việc làm đạo đức của ông, nay chịu trọng trách người đở đầu, cố vấn đoàn, chứng minh và thúc đẩy cho các cháu làm tốt sự nghiệp đạo đức của cha nó để lại, hầu hết những người đứng phía sau đều là con cháu của ông: con trai con gái, dâu rể, cháu nội cháu ngoại đồng chung tay chung sức góp công góp của tổ chức chuyến đi cho đồng đạo kém may mắn về học đạo, bốn năm hôm được cận kề người đạo, tắm mình trong đạo… các cháu xung phong vào công việc hậu cần, chuyển tải các đồ dùng đãi chay từ đồng bằng lên núi qua núi, tiếp độ sức khõe cho các thành viên đi trong đoàn những bửa ăn ngon miệng, tạo sức dẻo dai, vui vẻ.
Ông chết đi để lại một sự nghiệp đạo đức rất lớn, con ông bảy đứa không lỏi một, đều biết tu hiền; điều đáng ca ngợi hơn nữa, dâu rễ nào bước vào nhà nầy cũng cùng với anh em bên vợ, bên chồng, chung lòng chung sức chăm bón cây thiện nguyện của ông.
Đàn con của ông năm Phước có hai đứa trồng trọt vụ mùa lổ lả phải ra Bình Dương đầu quân vào công ty mà tới ngày thiện nguyện của cha cũng phải cởi xe nhanh về cùng các anh em ở quê nhà đang đợi chung tay chung sức đẩy mạnh công tác Phật sự mà lúc sinh thời cha rất là trân trọng. Mời bà con đồng đạo tham gia chuyến đi nói trên bà con chỉ đóng góp một số tiền vừa đủ, giá nhẹ cho người có nguồn thu nhập ít cũng đi được, nếu sau có thiếu các con của ông dan tay ra chịu.
Rất mừng cho gia đình ông Năm Phước tiêu biểu được lời dạy của Đức Thầy:
“Tu cầu gia đạo vuông tròn,
Chồng hòa vợ thuận cháu con thảo hiền.
Tu cầu thoát khỏi xích xiềng,
Dựa kề chơn Phật xa miền trần lao.”
04/10/2017


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét