Thứ Bảy, 30 tháng 9, 2017

CHÙA TÒNG SƠN VÀ ĐỨC PHẬT THẦY
(KỸ NIỆM LỄ VIÊN TỊCH 12,8 NĂM 2017)

Cứ mỗi lần đến viếng chùa Tòng Sơn, cảm tưởng về Đức Phật Thầy Tây An dậy lên trong lòng tôi sự tôn kính; nhưng cũng có điều làm tôi khó chịu khi nghiên cứu cuộc đời đầy hào quang của Ngài gần như mai một ở phần thân thế. Tôi tiếc lắm! Viết lên trang sử nào nhà làm sử cũng phải kê ra hai phần chính: Thân Thế và Sự Nghiệp. Như ta biết, sự nghiệp của Đức Phật Thầy Tây An lớn trùm cả miền Tây Nam nước Việt với những chứng tích đã đi vào lịch sử, đến đổi triều đình vua Thiệu Trị cũng phải công nhận sự nổi bật của một Thầy tu chơn chánh mang nhiều lợi ích cho dân cho nước.
Sự nghiệp của Ngài lớn lao bấy nhiêu thì thân thế của Ngài thật là nghèo nàn, nhạt nhẻo, gượng gạo, nói chẳng ra lời. Lịch sử không ghi cha mẹ Ngài là ai, ở làng nào, lúc nhỏ học hành ra sao đến lúc thành nhân theo đuổi mục đích là gì?... Tất cả đều không có. Giống như Ngài từ trên Trời Cao xuống thế vào mùa nước lên năm 1849, cây da trốc gốc ngả xuống ngăn ngang dòng nước khiến ghe xuồng không qua được, Ngài cùng với nhân dân trong làng Tòng Sơn kéo cây da đổ ngả ấy lên bờ một cách nhẹ nhàng chỉ bằng sợi chỉ, trả lại sự lưu thông cho bà con. Dân làng biết chuyện kính Ngài là ân nhân, cho Ngài ở lại trong đình Tòng Sơn. Sáng nào Ngài cũng dậy sớm trước khi Trời sáng, quét lá Da làm củi nấu nước uống. Đình Thần xưa mái lợp bằng lá tranh, vật rất bén lửa, dầu ông khách ở trong đình là ân nhân đã tiếp kéo cây Da lên bờ cho dòng nước lưu thông ghe xuồng qua lại nhưng dẩu sao cũng là người xa lạ, chưa rõ lý lịch nếu như vì nấu nước mà đình sanh ra hỏa hoạn thì sao? Người ta dùng lời lẽ như muốn đuổi khéo ông đi. Ông đồng ý ra khỏi đình và điều ông nên làm là không để lại dân làng đây ý nghĩ bất hảo với người xa lạ như ông, yêu cầu thực hiện văn bản chiêu khai lý lịch, Ngài họ Đoàn tên Minh Huyên. Nghe tên họ của người khách lạ, xét giờ trong làng còn có hai ông họ Đoàn: Đoàn văn Điểu, Đoàn văn Viên, hương chức liền cho mời hai ông nầy đến tìm hiểu coi may ra có liên quan trong gia tộc. Chừng ni mới biết, hai ông Đoàn văn Điểu, Đoàn văn Viên với Đoàn Minh Huyên là anh em chú bác đã thất lạc lúc còn nhỏ.
Thân thế vắn tắt như vậy khiến cho những kẻ quá vô duyên mà kể điển hình như Scripolieu chẳng hạn, lợi dụng chỗ khuyết điểm về thân thế của ông Đoàn Minh Huyên các nhà viết sử tạm thời chưa tìm ra được, ông xuyên tạc chính sử bằng soạn ra tác phẩm“THÂN THẾ PHẬT THẦY TÂY AN VÀ NGỌC HÂN CÔNG CHÚA QUA KIM CỔ KỲ QUAN” giải thích kỳ hoặc vào những câu Sấm Giảng của Ông Nguyễn Văn Thới, như sau:
“Củi ước không cháy thảm sầu,
Cây khô MỤC phứt, đứt đầu đồng Nai
Việc mình né nạnh cho ai
So đàn đánh gậy, con Nai vào rừng.
Nói chuyện nói cũng Mắc công…
Có chi không biết dạ tường Đồng quan…
Nhặt rơi không biết, che khen Cái màu…
Thảm cho Tây quốc bán Cầu Long Xuyên
E là quan cựu dân Tân
Dân Tân Quan cựu không phân chánh tà …
Đất Đồng Nai đèn đỏ một nhà,
Độ trong bá tánh thượng Hòa hạ An”.
Trích ra những câu có chữ như vậy tự mình phán quyết: “Những từ Cầu, Nai, Cái, Long Xuyên. Ta kết hợp lại thành Cầu Cái Nai Long Xuyên, chữ Mắc, Mục, Quan (Quang) là ám chỉ Nguyễn Quang Mục. Đồng Nai: ám chỉ là đồng Cái Nai, hay rạch Cái Nai.”
Trong nguyên tác các chữ trích dẫn trên là chữ thường không phải địa danh, tên riêng, ai mà viết hoa? Nhưng Scripolieu muốn cho những nơi ấy thành địa danh, tên riêng, tự ý viết hoa, kéo câu chữ từ bên đông kết hợp với câu chữ bên Tây thành Nguyễn Quang Mục, con trai của Nguyễn Huệ và Ngọc Hân để nói rằng sau khi thành Phú Xuân tan rả, Ngọc Hân công chúa cùng con là Nguyễn Quang Mục tẩu trốn vào Nam thay tên đổi họ là Đoàn Minh Huyên cho mất tung tích để không bị quấy rầy mà tu hành đắc đạo và Mộ Phật Mẩu ở rạch Cái Nai chính là mộ phần của Ngọc Hân Công Chúa.
Có thể ông Scripolieu giỏi biện luận khiến giả thành thiệt nhưng không qua được con mắt của lịch sử. Vua Quang Trung băng hà năm 1792, Đoàn Minh Huyên ngày tháng năm sanh được khắc lên bia mộ rằm tháng 10, Đinh Mão 1807. Tính từ năm 1792 cho đến năm Đinh Mão 1807 như vậy Nguyễn Huệ chết đi đúng 15 năm sau Đoàn Minh Huyên mới được sanh ra thế mà cha con được sao? Hay ông Scripolieu tưởng tín đồ BSKH – PGHH khù khờ nói sao cũng tin?
Họ quá là thất lễ với Phật Thầy Tây An đồng thời cũng không hiểu vì về tu chứng của giáo lý nhà Phật, phạm hai điều cấm kỵ: Một nói bà Ngọc Hân công chúa sắm soạn cho con làm Phật và hô biến cho Đoàn Minh Huyên là nhà tu bất đắc dĩ, phải giấu tông tích giả dạng tu hành để tránh sự truy đuổi của Nguyễn Ánh. Người ta chơn thật tu hành, lòng tha thiết mà triệu người chưa chắc có một người thành Phật, đắc Tổ huống là tu kiểu bất đắc dĩ… ông dẫn giảng “Kim Cổ Kỳ Quan”của Ông Ba luận giải cong quẹo không chút ngượng miệng.
Những kẻ vô duyên nói trên sử dụng kẻ hở của nhà làm sử, tự đẩy vua Quang Trung Nguyễn Huệ và Ngọc Hân công chúa vô làm cha mẹ, ngông cuồng mượn giảng luận của Ông Ba Nguyễn văn Thới, xâu một chữ ở đầu non một chữ dưới chân núi kết lại theo ý riêng để biện luận hùng hồn rằng, mộ Phật Mẫu ở Cái Nay chính là mộ của Ngọc Hân Công Chúa và Đoàn Minh Huyên là thái tử Nguyễn Quang Mục đã thai tên đổi họ đi cùng mẹ vào nam tránh sự săn lùng của Gia Long Nguyễn Ánh.
Đã chiêu khai lý lịch trước khi đi, như mây đen bị gió mạnh đẩy bay, bầu trời quang đảng cho ông Đoàn Minh Huyên gặp lại hai người anh em chú bác,  chứng tỏ người khách lạ có gốc gác tốt. Dở lẽ ra, người ta yêu cầu ông Đoàn Minh Huyên ở lại nhưng ông già ấy vẫn là ông già cô đơn với gia tộc họ hàng, lên đường làng qua làng độ bệnh cho bà con, giảng dạy cơ huyền đạo lý. Sau nầy, qua nhiều thử thách của quan chức của tỉnh An Giang: bắt bớ, khó khăn hoặc dùng đòn thử thách để xem thiệt giả và đức hạnh, qua đó Ngài luôn luôn chứng tỏ thái độ một chơn sư minh triết. Quan tổng đốc tỉnh An Giang kính phục, báo lên triều đình; từ được lệnh triều đình cho ông Đoàn Minh Huyên tu hành hợp pháp, dân chúng làng Tòng Sơn sau nầy dựng lên ngôi chùa lấy tên làng đặt tên chùa để thờ ông, bảo vệ cây da di tích. Từ đó mãi mãi về sau bá tánh gần xa đến kính viếng chùa là viếng luôn câu chuyện một ông già, cứ mỗi ngày, vào lúc trời chưa trở sáng, dậy thức quét lá Da làm củi nấu nước uống ấm lòng người cô độc lại là bậc thực tài thực đức có sứ mạng độ đời.
Sơ khai, không rõ chùa Tòng Sơn được dựng lên từ năm nào nhưng tới chừng trùng tu lại ngôi chùa là năm 1963.

Chúng tôi đến chùa Tòng Sơn lần nầy lựa không phải ngày rằm hay lễ hội vì thế thưa thớt người, trước sân rộng chỉ có vài người khách. Chỗ cây Da di tích là khoảng rộng, người ta có kê quanh đó nhiều băng đá cho khách ngồi chiêm ngưởng dấu dết xưa. Dưới bống cây Da mát diệu chúng tôi ngắm nhìn bổng một vị trong chùa ra mời chúng tôi vào nhà khách dùng nước. Tôi trả lời, cám ơn sự quan tâm của nhà chùa, hãy để chúng tôi vào chánh điện lễ bái Phật xong, chuyện dùng nước để thông thả đi nhá.

Ngày thường hoặc cũng có thể chúng tôi đến nhằm giờ ít khách, trong chánh điện vắng vẻ, cảnh già lam thanh tịnh bao trùm, lễ bái không phải chen người như những ngày rằm lớn hoặc lễ hội. Vang vái xong thay vì phải đi liền ra hậu đường như đã hứa, tình cờ, mắt tôi đập vào mấy bức tranh cảnh vẽ trên tường chùa, phựt lên cái chuyện, hơn một trăm năm mươi năm qua đã đi vào lịch sử bổng nhiên hiện lại trước mắt. Cây Da to đổ ngả xuống dòng kênh năm 1849 dân chúng làng Tòng Sơn tập trung kéo, họ hì hục suốt buổi không đem cây Da lên bờ được. Rất đông thanh niên sức lực mệt mỏi bỏ về, còn lại một số ít chưa kịp tan hàng bổng có ông già xuất hiện, cùng với số thanh niên ít oi còn lại, ông cho cột dây chỉ trên ngọn cây Da mà dây chỉ lại là sức mạnh vô biên, giựt dây một cái thì cây Da dưới kênh bay vụt lên bờ.
Trời ngã về chiều chùa Tòng Sơn vắng khách vãng lai, cũng đến lúc chúng tôi gọi nhau ra về.
30/9/2017


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét