Thứ Bảy, 7 tháng 10, 2017

NHỚ CHÙA TỪ QUANG

Nhân dịp tham dự lễ cúng tuần xa một nữ đồng đạo hỏi tôi:
Chú có đi đám giỗ ông Út Kiệt không?
Ông Út Kiệt chết sao?
Dạ.
Ngày mấy?
Vậy là chú không có đi, hôm nay thưa chú!
Chắc cô có dự đám?
Dạ phải.
Ôi ! vô tình hóa ra thất kính. Cô nhắc làm tôi sực nhớ. Lúc xưa năm 1972 tôi có đến tu ở chùa Từ Quang 3 tháng mùa hạ. Trong chu vi đất chùa phía mặt trời lặn có một hàng nhà nhỏ người ta gọi là cốc tu, từ đó dẫn hoành lại phía nam. Đầu ngoài có Ông Nguyễn Anh Kiệt đầu trong phía nam có Ông Võ Như Sanh, Kỉnh Trung và một số huynh đệ khác. Ông Nguyễn Anh Kiệt có những tên khác mà đồng đạo thường gọi: Như Quang hay ông Út Từ Quang. Từ Quang là tên chùa, bấy giờ ông Như Quang là chủ tự nên người hâm mộ gọi tên ông gắn liền với tên chùa. Tôi may mắn được có chỗ tu 3 tháng mùa hè gần 2 vị trưởng thượng Như Quang và Như Sanh. Nếu tôi nhớ không lầm, Ông Như Quang ở cốc bìa phía mặt Trời lặn, cách một cái nữa là đến tôi. Cốc nầy trước kia của huynh hai Vinh, Trần Sung Vinh, anh ruột của tu sĩ cao niên Trần Quang Quậng.

Trước 30/4/1975 Từ Quang Tự nhỏ gọn ở giữa đồng, cô đơn với thế sự nhưng rất là sung khách. Hai vị tiền bối đức độ tài ba có đủ tư cách hàng cao thủ võ lâm đối địch với quân ma phiền não để cho hàng hậu học đến học hạnh nương tu đánh thắng phiền não chính mình. Được biết ông Như Quang Nguyễn Anh Kiệt là Thầy giáo trong thời Pháp thuộc nên chữ tiếng Pháp khá thông. Nhớ có lần tôi cùng ông giáo Ba, cụ thân sinh của tu sĩ Trần Quang Quậng đến viếng, lúc đó trên bàn viết của nhà tu nầy có một tập sách mỏng: Tạp chí Từ Quang, số mới ra, trong tạp chí có đăng một bài thơ bằng chữ Pháp, chưa biết hay ho đến độ nào nhưng ông Như Quang coi bộ rất quan tâm thích ý. Biết ông giáo Ba là nhà giáo có học tiếng Pháp nên mời xem. Ông giáo Ba tiếp lấy quyển sách một cách miễn cưởng, vì biết trình độ của mình chưa đủ để đọc thơ chữ nước ngoài một cách nhanh gọn. Ông giáo Ba mò mẩm đọc, ngập ngừng, dầu vậy có chỗ cũng gật đầu khen hay. Ông giáo Ba đọc xong hoàn lại, chủ nhân của nó đọc mướt rượt và dịch giải lưu loát.
Ông Như Sanh có thông tiếng Pháp hay không thì tôi không biết nhưng biết chắc là ông ấy rất thạo chữ Tàu. Tôi tuy chưa có diễm phúc được nghe ông giảng dạy Hán Văn để chứng minh cụ thể tài trí về bộ môn nầy nhưng ông có đàn em, cháu, thân cận là Kỉnh Trung đã dịch quyển Thập Đại Đệ Tử của Đức Phật Thích Ca, thành công với ý nghĩa sắc sảo, là có sự đóng góp rất to tác của ông trong đấy. Ông là tác giả của nhiều quyển sách được giới học Phật, PGHH ái mộ, kể điển hình là quyển “CẶN BÃ KÝ ỨC”.
Như vậy, chùa Từ Quang đương thời trước năm 1975 ở xã Bình Mỹ, quận Châu Phú, tỉnh Châu Đốc đã có hai cây cổ thụ tàng che bống mát, tân học và cựu học bảo sao khách thiền môn không đến chia sẻ niềm vui đạo. Chùa Từ Quang thuở ấy có đề ra những chương trình như: Hợp Bạn Liên Hoan, Đố Vui Để Học… dễ gây ấn tượng. Tiếc vì có ngày 30 tháng tư năm 1975 một ngày mà từ đó về sau bầu trời trở nên ảm đạm đối với các tôn giáo, nhứt là PGHH. Tôn giáo bị nhà nước ra lệnh giải tán và tịch thu hết các cơ sở của các ban trị sự giáo hội từ trung ương đến hạ tầng. Từ ấy tôi không còn tới lui chùa Từ Quang nơi mà tôi rất yêu quí và trân trọng. Lúc Ông Như Quang mãn kiếp hồng trần tôi thật không hay vì hình như, tôi nói là hình như thôi nhá: tôi còn ăn cơm tù, nay nghe nói đám giỗ ông, không biết là năm thứ mấy, lòng tôi bàng hoàn nhớ những chuyện xưa.
Hai vị tiền bối của Từ Quang Tự đã rời khỏi thế gian về miền Phật quốc; tôi chợt nghĩ cái cảnh tre tàn mà măng không mọc cho buội tre tồn tại như người đến sau tiếp nối sự nghiệp của người đi trước. Sau 30 tháng tư 1975 chùa Từ Quang cũng chịu chung số phận với các cơ sở của tôn giáo, giáo hội. Thuở ấy, thần thổ địa của làng xã nào có chút hiền từ không mạnh tay đàn áp tôn giáo, chiếm dụng tài sản; vô vi cho vài vị ở tu nhưng chỉ tu tâm, không cho sinh hoạt tôn giáo và tín ngưỡng. Chính vì không được sinh hoạt giáo sự nên chương trình của chùa Từ Quang về Hợp Bạn Liên Hoan, hay Đố Vui Để Học … bị thất truyền. Một số đồng đạo không vững lòng tiến bước mất phương hướng bị vật dục cám dỗ, có vị tương chau tàu hủ bao năm văng sạch bách ra, có vị còn giữ tương chao tàu hủ để chứng minh phong độ của kẻ tu hành nhưng bên trong thì những xúc sự không chảy gở.
Cô bảo rằng có măng mọc lên trong buội tre già. Phải, măng có mọc lên trong buội tre già nhưng nhìn hình dáng của cây măng không khõe, nhợt màu, ảm đạm, một mai có lớn lên thành cây, nó không đủ sức làm cột kèo ở vị trí chính trụ nữa. Vì vậy, cho dù buội tre còn tiếp nối nhưng sức mạnh của cây tre đã bị xuống cấp, giống lai, khiến cho thế hệ người trồng tre cảm thấy đau buồn.
Trước 1975 cháu không biết, nhưng sau 1975 và nói đến thời điểm nầy thì vấn đề học Phật PGHH cũng rất là thạnh, mừng chứ chú?
Sao lại không mừng được! Dù đạo chưa hoàn toàn có tự do nhưng nhờ vào sức kiên nhẫn, vượt khó của phận tín đồ cũng mang lại kết quả khả quan, làm qui mô chương trình học Phật lẻ nhỏ vào tận xóm làng, để người tín đồ theo đạo không chỉ biết có cúng lạy, làm lành, mà còn phải học hiểu sâu thêm giáo lý của tôn giáo mình đang tín ngưỡng. Một giáo lý mang tính giải thoát, thoát tục, phải được cập nhựt và hiện hửu khả năng giác ngộ chứ không phải là lời nói, chữ đọc, qua rồi thôi. Sự hiện hửu của giáo lý là làm trải nghiệm vào cuộc sống để cuộc sống có hương vị giải thoát, thoát tục trước khi có giải thoát, thoát tục bằng siêu sinh lên cõi Niết Bàn. Một tín đồ có lòng từ bi, phát sinh việc làm từ thiện sẽ đặt đúng vị trí: Từ thiện của tôn giáo đạo Phật chứ không phải từ thiện của một tổ chức từ thiện đơn thuần. Do đó, người tín đồ khi làm từ thiện cần được kiểm chứng qua giới luật của tôn giáo, có trách nhiệm, bổn phận, truyền đạt sinh hoạt tôn giáo trên việc làm từ thiện. Bản năng học Phật không phải gọn ghẽ vào việc học thông kinh pháp, chất chứa trong lòng tự cao tự đại mà phải đặc biệt chú ý đến tác dụng của học Phật là gì. Xin hãy nghe đây lời giải thích của Đức Thầy về sự học Phật ở PGHH như sau:
“ Vậy quy y đầu Phật là nương nhờ cửa Phật và làm y theo lời Phật dạy. Phật từ thiện cách nào ta phải từ thiện cách nấy, Phật tu cách nào đắc Đạo rồi dạy ta, ta cũng làm theo cách nấy. Thầy cảnh tỉnh giác ngộ điều gì chánh đáng thì khá vâng lời. Cần nhứt là ở chỗ giữ giới luật hằng ngày. Còn sự lễ bái là điều phụ thuộc, là món trợ đạo để nhắc nhở các trò nhớ phận sự mà làm…”
Theo đạo không phải dựa vào đó để hưởng sự ban bố của các đấng thiêng liêng mà theo đạo để làm đạo, bằng vào những việc từ thiện Phật làm, bằng vào cách tu đắc đạo của Phật tu và trong thời gian tu hành, giới luật là điều quan trọng bậc nhứt đối với hành giả đặt trọng tâm chấm dứt luân hồi trong một kiếp nầy. Hai ông Như Sanh, Như Quang của chùa Từ Quang xưa đã đề ra chương trình học Phật, hành thiện có khá nhiều triển vọng giúp đồng đạo hành giả đi sâu vào thế giới nội tâm, thắp sáng hiện tiền trách nhiệm của người tín đồ đối với tôn giáo, thắp sáng bổn phận phổ độ chúng sanh.

08/10/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét