Thứ Ba, 15 tháng 8, 2017

“ TƯỞNG NIỆM PHƯƠNG PHÁP HÀNH ĐẠO”
Kính chào quý đồng đạo! Hôm nay chúng ta gặp gỡ nhau hâm nóng tình đạo qua tựa đề “HÃY RÁN TƯỞNG NIỆM PHƯƠNG PHÁP HÀNH ĐẠO”. Đây là lời dạy của Đức Thầy trong bài “Luận về Bát Chánh”, mục Chánh Niệm.
Tưởng Niệm: Nghĩ ngợi, nhớ đến ai hay việc gì đó, ví dụ: Tưởng niệm các anh linh tử sĩ. Thông thường thì chúng ta hiểu tưởng niệm thuộc hệ tư duy, suy nghĩ; nhưng đây, Đức Thầy đặt “tưởng niệm” ở vị trí giải thích về chánh niệm là “Ghi nhớ sự chơn chánh”.
Phương Pháp: Cách thức, phép tắc để tiến hành công việc: Làm việc có phương pháp chứ không phải làm càn.
Hành Đạo: Hành: thực hiện việc làm cụ thể; Đạo: chân lý. Hành Đạo: thực hành cụ thể sự tu tỉnh để sớm đạt chân lý đạo đức.
Thông thường, như chúng ta nghĩ, hành đạo là hiện hửu trạng thái tâm linh, ở đó không có suy diễn đạo là thế nầy thế khác. Ví dụ: người tu pháp môn Tịnh-Độ, hành đạo của họ là Niệm Phật, niệm A Di Đà Phật liên tục nhập tâm, Nam Mô A Di Đà Phật chỉ là Nam Mô A Di Đà Phật không còn suy nghĩ vì khác. Trong khi hành pháp môn niệm Phật mà nghĩ ngợi điều nầy việc nọ, dầu là pháp của Phật cũng bị coi là vọng niệm. Thế thì đâu có thể “tưởng niệm phương pháp” vì ai niệm Phật và ai tưởng niệm phương pháp niệm Phật? Chánh niệm về niệm Phật thì không có tưởng niệm, tưởng niệm không có chánh niệm, hay nói cách khác: tưởng niệm làm mất chánh niệm.
Ta phân tách như vậy để thấy được cách dùng từ của Đức Thầy với dụng ý làm phản tỉnh cội nguồn tư duy của hành giả, những vị lúc nào cũng tự hào rằng mình tu nhưng lại suy nghĩ lung tung làm cho tiến trình tu mất dấu; như người đi biển mất là bàn, kẻ tu hành mất phương hướng, phương pháp, pháp môn, gây việc trần ai, nhiễm trược nặng. Do vậy tâm thần chao đảo theo sa hoa vật chất, dệt mộng đời “Còn cũng tưởng, mất cũng tưởng, có cũng tưởng, không cũng tưởng, thành cũng tưởng, bại cũng tưởng, thương cũng tưởng, ghét cũng tưởng… thất tình lục dục bắt buộc con người phải phí biết bao tâm cơ, bao nhiêu trí não phụng sự nó. Lợi danh, cảm tình, uy quyền, phú quí… dược hằng ngày ghi nhớ. Vì thế, con người mãi mãi lăn lộn trong sáu đường không thoát khỏi vòng sanh tử”.
Để đối lại với các niệm tưởng xằn bậy dẫn trên, Đức Thầy dạy cách cắt đứt chúng nó bằng “Tưởng niệm phương pháp hành đạo”. Khi nào việc tưởng niệm phương pháp hành đạo được luôn luôn ghi nhớ, tức thì, những cái bản mặt khó ưa như “Thương cũng tưởng, ghét cũng tưởng, thành cũng tưởng, bại cũng tưởng... thất tình lục dục bắt buộc con người…” sẽ bị đem chôn.
Xem đó thì biết, Đức Thầy không hài lòng khi thấy người tu lâm nạn bởi “còn cũng tưởng, mất cũng tưởng…” vậy ta nên xét lại mình… “Thất tình lục dục bắt buộc con người những điều ấy trong ta có hay không? Nếu có thì tức khắc đào mồ chôn nó ngay bằng chuyên “tưởng niệm phương pháp hành đạo” thì sẽ bỏ được. Cũng mường tượng như trên, Đức Thầy truyền dạy cho một nữ tín đồ ở Bạc Liêu có mấy câu sau đây:
“Rày đã tu thân lánh bụi hồng,
Dạ đừng suy nhĩ chuyện minh mông.
Để tâm yên tĩnh tầm chơn lý,
Phổ cứu nhơn sanh khắp đại đồng.”
Và câu:
Đã từng dựa kẻ nâu sồng
Cớ sao tâm trí còn tòng ngoại duyên.”
Đã đi tìm chỗ tu thân dưỡng tâm thì thôi bỏ hết việc đời, đừng để lòng suy nghĩ ba cái chuyện vớ vẩn không đâu “còn cũng tưởng, mất cũng tưởng, thương cũng tưởng, ghét cũng tưởng” chi cho tâm hồn xao lảng Phật sự? Nương cửa Phật thì phải là người sống chết theo Phật, ăn cơm chùa nên lo việc trong chùa, nghĩ việc ngoài đời là sái phép, để cho thất tình lục dục đeo bám không buông là sái phép.
Nhớ cách nay không lâu có lần tôi ngồi nói chuyện với mấy em cháu trẻ tuổi, độc thân, chúng than nghe tội nghiệp: Văn minh vật chất mỗi lúc phất lên ồ ạc, bày bán đủ thứ khêu gợi lòng người, chú ơi, rất khó mà tu kiểu “Lạc đạo an bần” Đức Thầy dạy, nếu không thể lạc đạo an bần lấy đâu có “xả thân tu tỉnh”, vậy tính sao giờ chú? Tôi an ủi:
Khó tu tu được mới hay! Xét ra, các em cháu trẻ giờ nên cứng rắn lắm mới chảy gở xúc sự đeo bám, đi không để dừng sựng vì dừng sựng làm mất trớn và lúc dừng sựng nợ đời ghì níu, phủ chụp thì tự chủ không còn. Tôi nói các em cháu trẻ giờ nên cứng rắn không có nghĩa là tôi xem thường các vị không cứng rắn, và lên mặt dạy đời. Không, nói như nhắc nhở để các vị đề phòng trước những chuyện không may có thể xảy ra.
Thật tình, đường tôi đi, lúc xưa, ít bị vật dục làm trở ngại, rất nhẹ có sắc màu đưa đón, quyến rủ, cám dỗ; sống với vật chất eo hẹp thì một phần “an bần” đã được đặt sẵn cho thân, từ đó dụng công hành đạo thì tính an bần có trong tâm nữa. An bần mà có từ ngoài vào trong tạo nên sức mạnh tinh thần, sức mạnh sẽ làm chủ tình hình, vật chất phù hoa khó mà xâm hại. Chúng ta so sánh từ Ăn, Mặc, Ở của xưa và nay để thấy sự khó hay dễ. Ăn: xưa tu độc thân dùng chay trường, ở thôn quê mấy chợ nho nhỏ nếu có bán đồ chay như tương chao tàu hủ chẳng hạng, rất là hiếm, xứ đạo cứ theo 4 ngày chay qui tắc người ta làm bán, hăm sáu ngày kia muốn được tàu hủ ăn là không dễ được đâu, thèm quá thì mua cối về xay nấu trong nhà. Thành ra người dùng chay bây giờ hết sức là qua loa đơn giản, ăn để không yếu đói mà lo tu. Mặc: Xưa việc mặc rất là giản dị, thường là bộ bà ba đen, hoặc quần đen áo màu dà, thứ vải thường. Ở: Những vị tu độc thân nơi am cốc, hình thức giống như che cái trại, cột tre, lợp lá, có vị cất sàn, lót ván hoặc đóng vạc nằm. Có vị đơn giản hơn, để cái nền nhà đất rồi đóng bộ vạc, kê ở một góc nào đó trong nhà, đi đâu thì lội bộ hoặc chạy xe đạp. Ăn để tu thì các chi phí không nhiều, mua gạo và dầu lửa thắp sáng trong nhà, nơi bàn thờ cúng Phật, hao tốn như vậy là xong.
Nay, người tu độc thân, phần đông đua theo vật chất ăn hết sức là sang giàu, mua tàu hủ ngày nào cũng có, còn đồ thứ đóng gói, vô hộp bày bán đầy các quầy chay, lo làm cho có nhiều tiền để mua mà dùng. Mặc: cũng áo bà ba nhưng sửa dáng áo, nhứt là giới nữ mặc thắc và bống láng. Ở: Phần đông những vi tu độc thân chỗ ở giờ không còn là vẻ am cốc thanh tịnh, nhà như nhà đời, sắm sửa đầy đủ tiện nghi: Bếp điện, bếp ga, quạt điện, đi đâu xe máy nổ vù vù.
Nói như thế không có nghĩa là tôi chê sống theo thời nay là sai. Lúc không có xe đi đâu lội bộ là phải nhưng giờ thời kỳ xe cộ nhà nhà dư ế mà lội bộ nữa là coi sao được. Lúc xài đèn dầu, nấu cơm củi vì chưa có điện, ta phải cho rằng xài đèn điện nấu cơm điện sẽ tiện lợi hơn xài đèn dầu nấu củi thổi phèo phèo ung khói trong nhà. Cốc am dựng cột tre hoặc những cây tạp nhạp, lợp lá, 3 năm thì cột đứt chưn, mái lợp dột mưa, phải cất lại. 3 năm kiếm chưa đủ tiền thì nhà hư đổ. Nay người ta cất nhà tốt, tốn nhiều tiền nhưng cất một lần ở cả đời không còn lo cái vụ 3 năm cất lại chẳng phải hay hơn sao?
Tức nhiên là tôi không phản bác văn minh khoa học, so sánh xưa và nay nhắc nhở em cháu rằng: xài phí nhiều thì phải làm lụn nhiều, biết vật chất cám dỗ thì “Hãy rán tưởng niệm phương pháp hành đạo”, từ tưởng niệm phương pháp hành đạo đến hành đạo thực tế nối liền, tâm không dính trược có đâu cho cám dỗ. Khi ở vào trạng thái tâm không dính trược, có ai cho cả cái trần gian nầy cũng không mê đắm, cấu nhiễm, thì vật chất hết bao vây hay ngăn đường lấp ngõ. Người đời ham có nhiều tiền của, sống vật chất phủ phê, trụ tâm vào ham muốn vật chất mà sống, chừng vật chất có bị mất mát qua tay người khác thì buồn bả, thở than hoặc vật chất được bảo vệ tốt mà thân lại xảy bệnh trầm trọng, sợ chết đâm ra hoản loạn tinh thần… Đâu như những người biết đạo, hiểu được thân nầy là giả thân, tạm mượn nó để tu, tạm mượn thì có lúc phải trả, biết vậy người ta lấy chuyện tu hành làm trọng, nhu cầu vật chất vừa đủ nuôi thân thì thân không dư sức phát sinh dục vọng “còn cũng tưởng, mất cũng tưởng, thương cũng tưởng, ghét cũng tưởng … từ đó, việc “tưởng niệm phương pháp hành đạo” được bảo đảm tốt.

16/8/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét