Thứ Ba, 22 tháng 8, 2017

SỰ NHẬN ĐỊNH VỀ NGHIỆP

Mấy hôm trước tôi có dịp tiếp chuyện hai nữ đồng đạo với vai trò làm mẹ cùng một hoàn cảnh bị con trả báo, nhưng hai người có hai hướng giải quyết khác nhau. Một cô bảo rằng: cho dù con cái là nợ nần tứ kiếp trước nhưng nó đã sanh vào làm con mình thì mình có cái quyền, làm mẹ đâu đễ cho nó trở nên hư thân mất nết. Ví dụ như nó đi trộm cướp, hiếp dâm, giết người, hút chít, cờ bạc và hung hổn với tôi… làm mẹ cũng bị tai tiếng là người mẹ không biết dạy con. Thế nên, ngày nào tôi còn sống và con của tôi vẫn kêu tôi bằng mẹ tôi quyết định phải răn dạy, nó nạc nộ, ươn ngạnh không nghe tôi cũng quyết dạy. Nhưng tôi tính rồi, phải đi cho khuất mắt chúng nó thì mới yên, chứ còn đây thì phải la rầy… ở chịu chừng hai đứa con tôi cưới vợ lấy chồng tôi sẽ giao nhà cho nó ở, đi kiếm nơi yên tịnh tu hành suốt kiếp nầy.
Cô kia nói rằng: Những năm về trước con tôi là đứa hung dữ, bất nghĩa bất hiếu với mẹ, không chịu làm ăn, chơi bời lêu lỏng, cờ bạc gây nợ nần người ta hay tới nhà đòi nợ mà nói động tới nó thì nó nạc ngang, có khi xô đổ, đập bể đồ đạc trong nhà. Đụng trường hợp như vậy lòng tôi cũng phát hỏa, đâu có nhường nổi thằng con bất hiếu ác ôn nầy, tôi rủa xả, có cây thì quất, phan, không thì chụp được cán chổi cũng đập thí lên mình nó. Không khí gia đình ngột ngạc, u ám. Tôi thường trong đêm vắng khóc cho số phận của mình quá bạc bẻo: hồi còn là một thiếu nữ con cưng của cha mẹ, em cưng của hai anh trai nhưng đã bị gả thanh niên dạng hào hoa lời đường tiếng mật thề non hẹn biển nên nhẹ dạ mà trao thân cho anh ta, chừng hay tôi có thai thì dở vọng sở khanh chạy trốn trách nhiệm không hẹn gặp tôi nữa. Tôi phải ôm cái bào thai mà chịu nhục với tông tổ họ hàng nội ngoại. Càng khổ tôi càng ân hận cuộc đời mình, kế sanh con ra tôi nghĩ có đứa con hủ hỉ vậy cũng được. Ai ngờ nuôi cho lớn lên nó lại là đứa con ngang tàng, mất dạy.
Hết ham sự đời tôi nguyện ăn chay niệm Phật, vang vái Phật Tổ Phật Thầy và Đức Thầy từ bi xá tội và hộ độ cho mình tỏ tâm sáng ý, đồng thời tạ lổi với cửu huyền thất tổ, họ hàng nội ngoại. Dần dần tánh tình nguội lạnh, quên thù tên sở khanh làm hại đời mình, không giận thằng con ngang tàn bất hiếu, cũng không mặc cảm với những phụ nữ hạnh phúc hơn tôi, và con tôi, cũng thay đổi được đôi phần về cách đối xử với mẹ, có chút ít ngọt dịu hơn hồi lần. Sự thay đổi cả mẹ lẩn con, tôi cho rằng có phép nhiệm mầu của Phật độ nên càng tin tưởng Phật, Phật Tổ Phật Thầy và Đức Thầy huyền nhiệm giúp những chúng sanh quày đầu hướng thiện cho suôn sẻ việc nhà.
Bổng tôi nhớ chuyện lúc giận lên đánh mắng con, xét lại, sự hung hăng của tôi hơn sự hung hăng của con tôi nhiều. Nếu quả thật, cho con là cái nghiệp đến đòi nợ mình thì người thiếu nợ chỉ nên nan nỉ chủ nợ chứ không có quyền la mắng lại chủ nợ đến đòi. Dù thế nào chủ nợ cũng là ân nhân mà ta là kẻ thọ ân. Ví dụ: Họ cho ta vay nặng lãi nhưng họ đâu có ép buộc ta phải vay tiền của họ, là tại ta thôi, vay nợ là ta đồng ý và khi nhận tiền còn nói lời cám ơn nữa mà chừng trả sao lại mắng người ta ăn lời gì mà ác nhơn sát đức là sao? Ta đã sai chỗ đó, hễ muốn là muốn lấy được mà chừng đụng kết quả của sự ham muốn ấy thì chạy trốn trách nhiệm. Chẳng phải nhờ đồng tiền của họ ta đã cứu được mạng sống của cha mẹ hoặc vợ con ta, chẳng phải nhờ đồng tiền của họ làm vốn mà giờ nầy ta còn sống khõe và làm ăn mua bán phất lên sao? Đáng lẽ khi phất lên ta trả nợ đúng giao ước thì đã hết nợ nần rồi chứ đâu mà dài tới năm nầy, kiếp nầy tiền lãi tăng lên chồng đống. Do ta trì hoãn việc trả nợ mà tiền lời mỗi tháng năm kê lên hãi hùng, giờ bị trả nhiều cũng do ta thôi. Trách ai chứ?
Càng suy nghĩ tôi càng cảm thấy mình có lỗi với con, cái cán chổi tôi quất lên mình nó, khúc cây tôi phan què chân nó mấy ngày đi cà nhắc giờ nghĩ mà thương, mà sợ… từ lúc tôi ăn chay, cầu cúng mỗi ngày hay lần theo tôn chỉ PGHH, con tôi có lười biến hỗn xược cở nào tôi cũng không rầy la nó nữa, ai lại nhà mắng vốn, đòi nợ tôi quỳ gối năn nỉ người ta chứ không nói xóc óc như hồi lần, và cũng từ đó, tôi cảm nhận không khí gia đình có hơi dễ chịu, con tôi ít đi chơi lại bắt đầu làm ít chuyện lặt vặt trong nhà. Tôi rất mừng và nghĩ rằng do sự phát tâm tu của mình mới chảy gở được xúc sự linh diệu cở vậy nên hy vọng nhiều hơn…
Một buổi chiều nhạt nắng, mặt trời vướng lên chùm lá chuối non xanh rậm rì bờ giậu trước nhà, tôi nhắc chiếc ghế ra sân ngồi hóng mát cho thư thản một chút đặng vào khóa công phu chiều, bổng con trai tôi cũng ra sân xẹt qua xẹt lại, tay rờ nhánh kiểng nầy, mân mê nụ hoa nọ. Thấy có cơ hội trút đi những lo âu khắc khoải trong lòng, tôi kêu nói lại, nói:
- Mẹ xét mẹ có lỗi với con…
Nghe tôi nói nó ấp úng
- Ớ! Mẹ…
- Sao mẹ lại quá ngu xuẩn đến đổi đánh mắng con mình một cách tàn nhẫn vậy được!
Nói xong tôi nắm tay nó, vén quần rờ rờ cái chân chỗ tôi cho nó một khúc củi bửa, đi cà nhắc mấy hôm:
- Cho mẹ xin lỗi. Mẹ hy vòng từ rày gia đình mình không có chuyện xáo xào như vậy nữa.
Tôi thấy mặt và đôi mắt con trai tôi có biểu hiện cảm động thẹn lên, nó cúi mặt, nói nhỏ nhẹ:
- Lỗi lớn là tại con.
- Con nghĩ thoán như vậy sao?
- Dạ.
- Bao lâu rồi cho mẹ biết có được không con?
- Sau mấy hôm mẹ ăn chay cúng nguyện.
Con tôi trụ hình lại, lo làm lụn kiếm tiền và săn sóc tôi chu đáo lắm. Nó xin tôi cho đi Bình Dương làm công ty, tôi khuyên nó kiếm việc làm ở quê để mẹ con gần gủi phục sinh lại khoảng cách tình cảm đã mất. Tôi bảo: mình chịu khó dùng tiếc kiệm một chút là không thiếu, nhưng con tôi muốn đi quá thì tôi cũng chìu. Trước khi đi, nó mua sắm cho tôi rất nhiều đồ đạc để ăn uống lâu trong nhà, và nó kêu tôi đừng lo nghĩ gì hết, rán giữ gìn sức khõe. Ở Bình Dương ngày nào nó cũng gọi điện về thăm tôi và hàng tháng tới đợt lãnh lương nó gởi tiền về cho tôi dư mức yêu cầu. Nó nói mẹ ăn chay thiếu chất dinh dưỡng hãy mua dùng thêm sửa hoặc bột dinh dưỡng cho cơ thể điều hòa tốt. sau 3 tháng nó đi làm công nhân, chị bà con của nó thỏ thẻ với tôi: Thằng Chính giờ có hiếu với dì lắm, nó không muốn sống xa dì nhưng nó bảo rằng, trong nhà có hai mẹ con mà không được dùng bửa chung, nó chưa thể dùng chay theo dì được mà để dì nấu ăn mặn cho nó, nghĩ không đành lòng. Nó nói, ngày nào nó có thể dùng chay được, hoặc cưới vợ, có vợ nấu ăn thay mẹ thì mới về sống trọn bên dì.
Chuyện tôi kể đến đây xin hết. Thưa chú tư, thông qua hai câu chuyện nhà của hai chị em chúng tôi, chú có điều gì dạy bảo không ạ?
Tôi đáp: Riêng về chuyện gia đình của cô như vậy rất là hoàn hảo, khen cô khéo léo vận dụng cảm hóa nghiệp nợ rất hay. Còn cô trình bày trước, cứng rắn trên lập trường tìm chỗ tu niệm là điều đáng trân trọng nhưng cách giải quyết về nghiệp nợ đối với con cái bằng sự giận hờn trách móc và trông chờ cho con lập gia thất thì bỏ nhà đi tu có thể là chưa xác đáng lắm.
- Nếu nói như vậy thì thời tiền sử Phật Giáo, Sĩ Đạt Ta cũng bỏ nhà đi tu là sao?
- Nhưng Sĩ Đạt Ta có trách móc, giận hờn ai trong hoàng cung mà đi tu không? Tôi nghĩ cô không nên đem chuyện đầy phiền phức của cô so sánh với tâm giác ngộ sự đời của vị thái tử được vua cha yêu mến kêu nhường ngôi cả, sống có kẻ hầu người hạ, đi tu vì một lần thấy cảnh sanh, già, bệnh, chết, mà động lòng “Về đền đài cảm xúc buồn riêng, hằng để trí tìm phương giải thoát” (Lời Đức Thầy), Sám giảng quyển tư cũng đã xác nhận điều nầy:
“Khuyên chúng sanh khuya sớm chuyên cần,
Tìm nguồn cội diệt từ tứ khổ.
Sanh với tử từ kim chí cổ,
Sanh với già hai chữ hoài hoài.
Đức Thích Ca xưa ở lầu đài,
Nghiệm tứ khổ nên Ngài tìm đạo.”
Trường hợp cô định đi tu vì chịu không nổi mấy đứa con bất hiếu, quậy hoạn thành ra chán đời tìm nương thân nơi chốn bình yên có giống như Sĩ Đạt Ta đâu mà so sánh? Như cô đã xác định, con của cô là cái nợ nần từ kiếp trước mà nó là chủ nợ của cô. Cô trách hờn giận ghét chủ nợ tức là có ý không chịu trả nợ nên mới đi trốn nợ. Sĩ Đạt Ta đối với phụ vương và mẫu hậu cùng với kẻ hầu cận của Ngài đều có ân chứ không có oán, đáng lẽ phải ở cho người ta trả ân. Người ban ân không để cho những kẻ chịu ân mình trả lại là người tốt việc tốt; cô đối với con cô ngược lại hoàn toàn, có oán chứ không có ân, ôm buồn phiền oán hận mà đi tu sao?
Xin lỗi cô, vì tôi không muốn ai hiểu lầm gương sáng của Sĩ Đạt Ta, để đừng, hễ người nào đi tu là đem chuyện của Ngài ra làm chỗ dựa rồi kẻ thất tình, người trốn nợ, giận chồng, giận vợ, giận con… ôm một bầu tâm sự nặng nề như vậy lội từ bến mê sang bờ giác mà đem so sanh với vị đại Bồ Tát Hộ Minh từ cung Trời Đâu Suất lâm phàm, cung vàng điện ngọc không ham, chỉ ham tìm cách nào cứu độ chúng sanh thoát khỏi vòng sanh lão bệnh tử thật không công bằng chút nào. Ngoài lý do nói trên, tôi không phản đối hay chê trách kẻ trốn trả quả đi tu, chỉ nói là nên cẩn thận suy xét. Trốn nghiệp báo đi tu cần chuyên hành đạo từ lần cũng có thể trả nghiệp bởi sức kiên trì; Không phải Đức Thầy có nói như vầy sao! “Niệm chữ Di Đà tan chướng nghiệp”. Một lần nữa tôi xin lỗi vì những điều biện luận của tôi đã phá vỡ mộng ước hướng tới của cô. Chúc hai cô tinh tấn tu hành.
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.
08/8/2017


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét