Thứ Năm, 31 tháng 8, 2017

TRỒNG BỒ ĐỀ PHẢI BẮT SÂU PHIỀN NÃO

Chỗ đất tôi ở trước sau nhà đều có trồng cây ăn trái. Mới đầu tôi trồng xoài các Hòa Lộc bởi nghe thấy người ta trồng ra trái sum sê tiêu thụ mạnh bán khá tiền. Nhưng tôi trồng cây xoài trái không sum sê như tôi thấy người khác, mùa nào cũng thất. Trước tiên thất gì cây ra ít trái, kế đó trái nhỏ, da sần sượng, thương lái gặp hàng của tôi không dám ghé mắt đừng nói là trả giá. Chịu nhiều năm như vậy kiệt quệ, thua một keo thật đau, bị sự thiếu thốn nó giật mệt xác.
Sau tôi phá xoài trồng mít, nhưng mít của tôi giống xưa đụng với loại mít giống mới là ế hàng. Nghe người ta gọi tên giống mới là Siêu xốp, ăn rất ngon, bán cao giá. Hồi ấy, đồng đạo từ miệt vườn Cây Lậy đến thăm, thấy cảnh tôi sống thiếu thốn khuyến khích trồng loại mít nói trên và họ chở cho cây giống tới nơi, không lấy tiền.
Phá vườn nầy lập vườn khác đâu phải dễ, tôi biết là vất vả đối với một người lớn tuổi như tôi, nhưng muốn tự lực cánh sinh thì phải chấp nhận để có sự sống. Trước hết là đem cây giống mới về trồng rồi hạ bỏ cây cũ, dọn vườn cưa củi, móc gốc, tưới tăn nhiều năm liền chừng thu hoạch cũng không được một phần ba như người ta nói. Lại chứng kiến cái nghèo tàn mạt như thuở trồng xoài, trồng mít giống cũ. Riết rồi vườn mít của tôi có khi để cỏ lên thành rừng giống như vườn bị bỏ hoang. Cháu tôi thấy vậy kêu tôi trồng nhản, nó giới thiệu loại nhản giống mới, năng xuất cao bán đắt tiền. Nghèo mà nghe nói làm gì có tiền là ham, nhưng trong trồng trọt tôi bị dị ứng về sâu mò, liền hỏi nó:
- Giống nhản nầy có bị sâu mò cắn phá không?
- Trồng cây trái gì cũng phải xịt thuốc sâu mới có ăn, hễ cho nó sống là mình chết. Cháu trả lời gọn ghẽ như vậy.
- Tôi nói: vậy hãy thôi đi cho xong.
- Sao vậy chú?
- Cháu cũng biết, chú không có khả năng xịt sâu; ba lần lập vườn: xoài Hòa Lộc, mít giống xưa, giống nay. Thôi thì giống xưa không kể, kể nay thôi, hai món hàng nầy đâu phải hiện giờ bị khách hàng chê bỏ không dùng, thương lái còn đi kiếm mua không có đủ mà bán chứ ế ẩm gì phải đi kiếm giống khác về trồng. Do là Mít sâu sia đeo bám, ăn không nhường chủ, hồi mới ra nụ thì ăn nụ, thành trái là ăn trái, ăn riết như vậy còn gì đâu mà bán? Chú tưởng giống nhản mới là sâu không phá nên lóng tai mà nghe, ai dè cháu nói trồng cây trái gì cũng bị sâu phá hại, chú không có khả năng trừ chúng thì mần mụn làm chi cho cực thân. Nói thiệt, nếu như chú trị được sâu mò, với nhu cầu ít oi về đời sống vật chất thì mấy chục cây mít nầy cấp dư đủ cần gì phải đem nhản vào thay cho cực xác?
Thằng cháu nghe tôi trình bày như vậy, nó tính không còn cách nào chăm vô ý kiến cho tôi nghe, liền lui bước.
Nói về sâu phá hại Đức Thầy kêu gọi nhà trồng trọt:
“Giết cho sạch những loài sâu bọ,
Giống hại người lúc bỏ rẩy trồng”.
Đức Thầy lâm phàm dạy đạo cho nhân sinh tìm lấy con đường giải thoát. Giải thoát lớn nhứt của cuộc đời là giải thoát sanh tử, ra khỏi dòng sống chết tất không trở lại phàm phu thì tiếng lời “giết cho sạch những loài sâu bọ” là nhân cách hóa cho vấn đề trở nên phong phú dễ hiểu để có chủ động, thực dụng ngay. Ví nhà trồng trọt cũng như nhà tu hành, nhà trồng trọt muốn bảo vệ mùa màng rau trái thì phải chận đứng sự xâm hại của các sâu mò tấn công vào cây trái, đòi hỏi tính cấp bách chứ còn ham học thuộc cho nhiều bài bản, cách trồng, mà không đem ra thực hành; sự hiểu rộng, sâu sắc ấy không giúp ích gì cho mình giàu hơn lên một chút.
Trồng trọt không xịt sâu coi như thua đứt, hoặc thái độ xịt sâu không siêng năng tha thiết với công việc, chậm một chút thì sâu cắn phá một chút, chờ cho hư hao mà bồi bổ thì lâu mới thành công. Xem vườn thấy sâu cắn ngày nay lòng thiếu cấp bách, tới hai ba ngày sau mới quảy bình ra xịt, sâu nó cắn còi cọc, bông nụ rụng rơi lả tả, làm vườn như vậy nữa sau thu hoạch lổ thôi chứ lời gì được.
Nhà tu hành cũng vậy, phát hiện phiền não đang quấy rối mà bỏ qua, đổ thừa là đang bận việc nhà, việc xã hội từ thiện chờ chừng giải quyết xong việc nhà, xong việc xã hội từ thiện mới giải quyết phiền não thì liệu cây Bồ Đề mình trồng còn tươi tốt, đứng vững được không? Thấy phiền não quấy rối mà bỏ qua, Bồ Đề tâm lu mờ, phiền não thừa cơ hội mình bận việc như đã nói, cường độ quấy rối được nước tăng lên, tăng cao. Về điều nầy, để không còn sợ phiền não huy hiếp Bồ Đề ta hãy nghe Đức Thầy dạy:
Chữ Bồ Đề như cội Bá-Tòng,
Rán dưỡng nuôi chữ đó trong lòng,
 thì là được định chừng diệu quả”.
Tu mà Bồ Đề giữ được trong lòng (Bồ Đề Tâm) là đâu còn có chỗ cho phiền não ở, thế không có sự diệt phiền não nữa đâu. Bồ Đề không giữ trong lòng thì lòng đây chứa đầy phiền não nên phải ra công sức diệt nó. Nhà tu muốn bảo vệ được trái quí Bồ Đề thì nên quyết lòng chận đứng sự xâm hại của phiền não khi còn ở xa, đừng chờ nó xâm nhập mới tính chuyện ăn thua là không mấy tốt. Bằng như, nếu không chận đứng sự xâm hại của bọn chúng thì công việc trồng Bồ Đề của nhà tu hành cũng như nhà trồng trọt hoa màu không xịt sâu mò, chịu kết quả ngược lại với lòng mong ước.
Trồng Bồ Đề diệt phiền não cũng mang tính cấp bách như nhà trồng trọt khi phát hiện có sâu cắn, không được chậm trễ, lập tức diệt sâu ngay. Tập cho tâm trí nhạy cảm và bén nhạy, nhạy cảm để khi tâm trí mình nhớm động là hay, bén nhạy là khi hay thì chặc đứt ngay tại chỗ. Ông Thanh Sĩ nói:
“Vọng trần vừa mới thoán ngang,
Chận ngay chớ để lan tràn trong tâm”.
Trong đạo Phật, xưa Phật thuyết pháp dạy nhiều pháp môn để chúng sanh tùy duyên, căn cơ, chọn lựa pháp nào cho phù hạp với khả năng và hoàn cảnh, nhưng trong các pháp Phật dạy thì pháp môn nào cũng phải diệt sâu mò phiền não mới đạt mục đích cứu cánh. Đừng tưởng lo học nhiều pháp là hay, pháp nào chỉ một pháp mà diệt được phiền não là hay hơn hết. Học nhiều pháp không hành thế có khác nào nhà trồng trọt tham lam, thấy ai làm giàu là hỏi học, sự hiểu biết cách làm giàu để chồng đống trong bụng mà không làm hoặc làm đâu thua đó vì trong khi làm việc thiếu tính năng động để tự giương lên… nói chuyện đánh phiền não thao thao mà phiền não nó hiện diện đè đầu nắm cổ không hay, bị nó bạt tay đá đít đau thiếu điều muốn siểng niểng mà luôn mồm tự hào mình đạt được cái nầy cái nọ.
Chúng ta, mỗi hành giả hãy xem lại lòng Bồ Đề của mình đi, còn đó hay đã mất? Sự thật thì Bồ Đề không có chuyện bị ai đó làm mất, bởi vì phiền não lăng xăng mà tâm tư không còn sáng suốt để thấy được Bồ Đề. Như người tu pháp môn niệm Phật, ngày giờ nào diệt trừ được vọng niệm chúng sanh thì sự niệm Phật mới đi vào tự tánh, “nhứt tâm bất loạn”.
Vậy nên, nhà trồng trọt phải đòi hỏi có khả năng diệt sâu thì trồng, không là thôi, chứ đừng có đổ công đổ của ra đó làm thức ăn ngon miệng cho sâu là không nên. Đồng ý thành đạt phải qua nhiều yếu tố như bón phân tưới nước mần cỏ…nhưng sâu rầy đứng ở phần then chốt, nếu không diệt nó thì cái công bón phân tưới nước không còn có ý nghĩa trong việc trồng trọt. Người tu hành không diệt sâu phiền não cũng vậy thôi, phải có khả năng diệt sâu rầy phiền não cho Bồ Tâm phản diện được ánh sáng trong chính mình. Chẳng phải Đức Thầy đã dạy như vầy sao:
“Niệm Phật thì phải diệt lòng tà”
“Niệm Phật là để trừ vọng niệm chúng sanh”
Nếu niệm Phật mà không diệt lòng tà, niệm Phật không trừ vọng niệm chúng sanh có đúng phương pháp, bài bản không? Hãy coi nhà trồng trọt không xịt sâu rầy nói trên thì biết.

01/9/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét