Thứ Năm, 16 tháng 6, 2016

QUY Y PGHH
Hôm đi thám sát những tỉnh vùng bị nước mặn xâm nhập chúng tôi có ghé nghỉ đêm một nhà người mới quen ở xã Lưu Tú, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng. Trong nhà người quen không thấy thờ một tôn giáo nào, nhưng nói chuyện ra tôi đoán ngay là PGHH.
Nhà tổng cộng có bốn người ba nữ một nam. Chị tư sống độc thân làm gia trưởng tuổi tròm trèm bảy mươi, Nam là em trai út của chị tướng tá mặt mày trông rất ngộ, tánh tình niềm nở, vui vẻ hơn năm mươi tuổi cũng độc thân, hai người phụ nữ khoảng giữa một em gái kế chị gia trưởng và một cháu gái. Gia đình rất hòa thuận chị nói em nghe.
Chị tư gia trưởng và chị năm thỉnh thoảng có về Thánh Đại Hòa Hảo thăm viếng chùa Thầy “An Hòa Tự” và Tổ Đình. Họ Hòa Hảo như vậy nhưng sao trong nhà không có ngôi thờ còn chơn dung của Đức Thầy thì để trong tủ kín. Chẳng những không thờ PGHH mà cũng không thờ một tôn giáo nào khác; có chiếc tủ đặt giữa gian nhà trước nhưng trên treo tấm hình liệt sĩ là Ông cụ thân sinh của các chị, người Ba Tàu.
Tôi nhớ ra rồi, vùng đây lúc xưa Việt cộng đặc biệt, ảnh hưởng chủ trương tôn giáo không đã lâu đời nếu ai có tôn giáo thì để trong bụng chứ đâu mà dám; nhứt là PGHH, hó hé lên là họa đến ngay thôi. Dầu nay nhà nước có cho nhân dân tự do tôn giáo nhưng thói quen sợ sệt vẫn còn nên vô vi đến lạnh tanh trong nhà người có tín ngưỡng.
tổ chặt thuốc nam

Chiều xuống chúng tôi thả ra đường, đưa mắt nhìn xa xa, đây như thể cụm dân cư nhưng không phải dân cư theo quy hoạch của nhà nước hiện giờ mà dân cư từ thời Ông Cha. Một cụm nhà trông có vẻ khá lắm, nhà nào cũng xây tường, bóng láng. Cận nhà chị tư có một tổ chặt thuốc nam, người ta huy động một số bà con trong xóm nhất là phụ nữ rảnh việc hoặc biết sắp sếp công việc nhà cho có giờ tróng là đến chặt thuốc phơi khô cung cấp không phân biệt cho các phòng thuốc từ thiện. Tôi rất vui khi biết bà con ở đây có tâm lành.
Có lẽ chủ nhà báo tin chúng tôi đến và ở nghỉ đêm nên vừa tối trời một số bà con lần lược tới chào hỏi chúng tôi và yêu cầu cho họ được nghe giảng thuyết đạo pháp. Tôi biết mình không giỏi về giảng thuyết mà bị yêu cầu thì cũng gượng gạo coi có may ra…Vì thấy trong nhà không có thờ phượng tôn gióa nào tôi chọn đề thuyết quy y Phật Giáo Hòa Hảo.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT

Kính chào quý bà con! Lần đầu tiên chúng tôi mới có dịp đi xa đến đây, lạ cảnh lạ quê nhưng tình người quý vị đem đải chúng tôi là không lạ, rất đẹp. Được quý bà con đến thăm han hỏi và yêu cầu giảng đạo, tôi chắc quý vị nghe chúng tôi đến từ Thánh Địa Hòa Hảo và tưởng chừng chúng tôi hay ho lắm mới dám đi xa thuyết đạo. Sự thật thì không phải vậy, chúng tôi đi thám sát những tỉnh vùng trước đây có ruộng lúa mà giờ bị nước mặn xâm hại, nhất là những vùng có chứng kiến hai kỳ tích của Đức Thầy, đi Dạo Lục Châu và Khuyến Nông. Đi dạo Lục Châu, trong Sám Giảng Quyển Nhứt “Khuyên Người Đời Tu Niệm” có đoạn:
“Buồn trong lê thứ ủ ê
Sóc Trăng chợ ấy thuyền kề đến nơi.
Đến đâu thì cũng tả tơi,
Nói rõ việc đời sắp khổ sắp lao”.
Trong chuyến đi khuyến nông Đức Thầy có đến thuyết Pháp ở Sóc Trăng và Bãi Xào ngày 15/6 1945. Sự hâm mộ đạo pháp của quý bà con đây nếu có quý vị giảng viên chuyên môn đi trong đoàn thì hay lắm, chúng tôi không được vậy chỉ thay thế tạm thời, xin quý vị hiểu cho. Kính thưa quý bà con! Không biết quý bà con mình đây có là PGHH hay chưa, phải thì chuyện giải trình của tôi không ngỡ ngàn xa lạ, còn không phải mà quý vị đến nghe coi như tôi giới thiệu về PGHH cho quý vị nhá!
QUY Y PHẬT GIÁO HÒA HẢO
bà con đến nghe nói đạo đạo pháp

Quy Y: Hãy theo sự giải thích của Đức Thầy: Quy là về, mà về đâu? Về nơi cửa Phật. Y có nghĩa là vâng lời theo khuôn mẫu.
Vậy quy y đầu Phật là nương nhờ cửa Phật và làm y theo lời Phật dạy. Phật từ thiện cách nào ta phải từ thiện cách nấy, Phật tu cách nào đắc đạo rồi dạy ta, ta cũng làm theo cách nấy”.
Phật Giáo: Phật: đấng đại giác, Giáo: Dạy. Phật Giáo có ý nghĩa là Phật dạy đạo của Phật cho chúng sanh học tu để đắc Phật như Ngài.
Hòa Hảo: địa danh, nơi mang tên làng Hòa Hảo. Phật Giáo Hòa Hảo là đạo Phật được khai sáng tại làng Hòa Hảo.
Vừa qua tôi đã trích lời của Đức Thầy  nói về ý nghĩa của quy y thứ đến chúng ta đi vào chi tiết của sự quy y nhá!
Đạo PGHH dạy bổn đạo tu hành tại nhà pháp tu là Học Phật Tu Nhân. Mỗi nhà đều có ba ngôi thờ, giữa nhà hai ngôi thờ hai cấp trên dưới, cấp dưới thờ Cửu Huyền Thất Tổ, cấp trên thờ Tam Bảo, giữa sân nhà có ngôi thờ Thông Thiên. Đức Thầy dạy đạo gồm tam giáo quy nguyên nên ý nghĩa của ba ngôi thờ tượng trưng cho Tam Giáo. Ngôi thờ Cửu Huyền Thất Tổ tượng trưng cho Thánh Đạo, ngôi thờ Tam Bảo tượng trưng cho Phật Đạo và ngôi Thông Thiên tượng trưng cho Tiên Đạo. Đức Thầy có câu:
“Phật, Thánh, Tiên đông độ lướt sang,
Miền Nam Địa phân chia đẳng cấp”
Và:
“Kể từ rài vàng lộn với thau,
Phật, Tiên, Thánh cùng nhau xuống thế”
Về tổng thể PGHH là đạo Phật nên việc quy y Tam Bảo là chính. Tam Bảo tức ba ngôi báu: Đức Phật là Phật Bảo, những lời Ngài dạy ra là Pháp Bảo, những vị đại đệ tử của Ngài quyết tu, đem gương sáng và giáo pháp của Ngài truyền bá là hàng Tăng Bảo. Xưa lúc Đức Thầy giảng hóa độ chúng, vì đạo mới khai sáng lại nhằm thời kỳ Pháp thuộc nếu không lý lịch chặc chẽ e có kẻ giả vờ quy y vào đạo làm những điều không phải đạo sẽ bị trách nhiệm nặng nề, Ngài dạy cách quy y vào đạo là phải có hai người bổn đạo cũ đức hạnh dẫn dắt đến ban trị sự. Hiệp định Geneve 1954 đã buộc quân chinh phạt Pháp cút khỏi Việt Nam, sau này đến thời dệ nhứt đệ nhị Cộng Hòa an ninh tốt hơn người ta giảm bớt phần hình thức hai người bổn đạo cũ đức hạnh chứng minh bảo lãnh đến ban trị sự, cứ lập ba ngôi thờ mà quy y, trước khi quy y Tam Bảo họ phải qua trình lễ Cửu Huyền Thấy Tổ như sau:
BÀI NGUYỆN TRƯỚC BÀN THỜ ÔNG BÀ
“Cúi kính dưng hương trước Cửu Huyền,
Cầu trên Thất Tổ chứng lòng thiềng.
Nay con tỉnh ngộ quy y phật
Chí dốc tu hiền tạo phước duyên”
Xong đứng dậy cấm hương rồi chấp tay đọc tiếp:
“… Tu cầu tông tổ siêu thăng Phật đài
Nguyện làm cho đẹp mặt mày,
Thoát nơi khổ hải liên đài được lên.
Mong nhờ đức cả bề trên,
Độ con yên ổn vững bền cội tu.”
“Cúi Kính… rày con xin giữ đạo hằng” thật là căn bản tuyệt vời, trước khi quy y Tam Bảo Đức Thầy dạy cho một lễ trình kính Cửu Huyền Thất Tổ, “nay con tỉnh ngộ quy y Phật, chí dốc tu hiền, cầu ơn trên Cửu Huyền Thất Tổ chứng cho tấm lòng của con, có được sự giúp đỡ che chỡ của các vị cho con vững bền cội tu con hứa sẽ tu cầu tông tổ siêu thăng Phật đài. Chỉ có lễ trình quy y nguyện chứng tấm lòng thiềng còn chắc ăn như vậy, thật là quá chân xác.
BÀI NGUYỆN TRƯỚC BÀN THỜ PHẬT
Nam Mô Ta Bà Giáo Chủ Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (tam niệm)
Nam Mô Thập Phương Phật
Nam Mô Thập Phương Pháp
Nam Mô Thập Phương Tăng
Nam Mô Phật Tổ, Phật Thầy, Quan Thượng Đẳng Đại Thần, Chư Quan Cựu Thần, Chư vị Sơn Thần, Chư vị Năm Non Bảy Núi cảm ứng chứng minh, nay con nguyện cải hối ăn năn, làm lành lánh dữ, quy y theo mấy Ngài, tu hiền theo Phật Đạo”.
Câu nguyện nầy kéo dài qua nhiều ngôi các bậc ơn trên, trước hết ta thấy có bốn chữ tiếng “Ta Bà Giáo Chủ” cần phải giải thích. Trong Sám Giảng Thi Văn Toàn Bộ của Đức Thầy ta đọc thấy nhiều câu hơn Đức Thầy dạy không có chữ tiếng Ta Bà Giáo Chủ điển hình như bài “CÁCH CẦU NGUYỆN CHO NGƯỜI CHẾT” Niệm ba lần câu “NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT” không có tiếng chữ Ta Bà Giáo Chủ. Đức Thầy viết bài “Khuyến Thiện” quyển năm và “Lời Nói Đầu” cho quyển sáu, chừng chấm hết cũng đề NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT thôi. Vậy ý nghĩa của Ta Bà Giáo Chủ ở đây là gì?
Qua sự nghiên cứu của tôi Niệm Bổn Sư Thích Ca không có Ta Bà Giáo Chủ là niệm để tu, cầu cứu cho mình hay cho tha nhân, có Ta Bà Giáo Chủ là câu niệm thỉnh Phật đến chứng Minh. Phật thì hằng hà sa số, nhưng Vị Phật tối cao và tối quan trọng trong lễ quy y Phải là Đức Phật Thích ca hiện đang là vị Giáo Chủ cõi Ta Bà. Một chúng sanh ở cõi Ta Bà, Nguyện vị Giáo Chủ cõi Ta Bà ở Phật vị trên các Phật vị đến chứng minh cho lễ quy y thì còn gì bằng. Đức Thầy dạy như thế để người phát tâm quy y tin tưởng chắc chắn thì chuyện tu hành mới tinh tấn. Cũng trong quyển Khuyến Thiện, khi Đức Thầy định “lược tả sách Kinh” của đạo Phật cũng nguyện câu có Ta Bà Giáo Chủ:

Nam mô Thích Ca Như Lai
Ta Bà Giáo Chủ xin Ngài Chứng Minh”.
Như vậy chữ tiếng Ta bà Giáo Chủ quá rõ nghĩa rồi phải không bà con? Địa vị chứng minh trên hết là Đức Bổn Sư Thích Ca cùng đi theo có Thập Phương Phật Thập Phương Pháp Thập Phương Tăng, Phật Phật Thầy, Quan Thượng Đẳng Đại Thần, Chư Quan Cựu Thần, Chư Vị Sơn Thần, Chư Vị Năm Non Bảy Núi cảm ứng chứng minh… Một Lễ quy y cho tín đồ PGHH mà mời thỉnh các ơn trên cỡ vậy đến chứng minh lời nguyện tu hành theo Phật Đạo thì quá là chắc chắn.
Tóm kết: Người tín đồ PGHH mỗi nhà đều có ba ngôi thờ để tín đồ cúng nguyện hằng ngày. Mỗi lần cúng nguyện là mỗi lần tu: thân tu, khẩu tu, ý tu và nhắc nhở lời nguyện hứa với Cửu Huyền Thất Tổ “Nay con tỉnh ngộ quy y Phật” để mà “Tu cầu Tông Tổ siêu thăng Phật Đài” sẽ tinh tấn thêm lên. Đối với ngôi thờ Tam Bảo, sự cúng nguyện hằng ngày của ta là nhắc nhớ không thể quên được, trong lễ quy y PGHH ta đã thỉnh mời các vị Phật Thánh Hiền Tăng đến chứng minh thì ta không thể thất tín, thất kính với các vị khi ta đã hứa “Cải hối ăn năng…tu hiền theo Phật đạo”.
Mỗi ngày hai thời nguyện vái các vị ơn trên chứng minh cho việc quy y tu hiền theo Phật đạo, tư duy nối liền về sự tu, tâm tâm cải hối ăn năng làm lành lánh dữ và khi sự cải hối ăn năng đến cao độ thì không còn phạm ác nữa; tu hiền theo Phật đạo là chắc chắn.
Kính thưa quý bà con! Đề tài Quy Y PGHH tôi vừa trình bày, nếu bà con nghe thấy phù hạp căn cơ thì xin mời Phát tâm quy y. Cần thì chúng tôi chép bài cúng nguyện của Đức Thầy dạy cho quý vị học thuộc.
Cúi nguyện chư Phật mười phương, Phật Tổ, Phật Thầy và Đức Thầy đồng lại hộ độ cho quý vị sức khõe an khang, sớm phát nguyện quy y, tu hành tinh tấn.
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.
17/6/2016




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét