Thứ Bảy, 25 tháng 6, 2016

BÀN VỀ TU VÀ CHẾT
 “Phải rán tu đặng mà chết, chớ đừng để chết đến mà chẳng có tu.”
Lời của Đức Thầy
Kính chào quý vị! Hôm nay chúng ta bàn đề tài TU VÀ CHẾT nhá!

Phần đồng người cho rằng tu để thoát ra khỏi vòng sống chết như Đức Thầy có câu “Tử thần kia đâu dám dắt hồn, thoát luân chuyển khỏi đeo khổ tử”, nhưng bài có tựa là “Tư Tưởng” Ngài dạy dường thể khác hơn “Phải rán tu đặng mà chết, chớ đừng để chết đến mà chẳng có tu” nói câu không hứa hẹn gì về đắc đạo, vãng sanh mà ai tu cũng mong đợi. Sự bất nhứt nầy nghĩa là sao?
Một vị nào đó nói rất đúng “Tu nhơn tích đức già đời cũng chết, hung ác bạo tàn tới số cũng không còn”. Có tu hay không tu đều chết bởi vì người có tu hay không tu đều mang thân tứ đại như nhau, có sanh có tử là tự nhiên. Sanh là gốc, tử là ngọn; nếu không có gốc cây sẽ không có ngọn cây. Thân ta đây là thân sanh mượn của: Đất, Nước, Lửa, Khí hiệp thành, không tu để tìm thân Kim Cang bất hoại hoặc Liên Hoa hóa thân hết kiếp chết đi sẽ theo những thiện ác ta làm mà đầu thai thọ thân khác cũng của Đất, Nước, Lửa, Khí rồi tới thời hạn cũng chết nữa, chết nữa ... Người tu hành đúng lời Phật dạy đến đắc đạo hay vãng sanh Cực Lạc, nếu cần dùng thần thông trụ thế lâu để độ chúng có lúc cũng phải bỏ xác thì chỉ một lần tử nầy thôi sẽ không còn chịu khổ tử thêm lần nào nữa đâu. Đức Thầy có câu:
“ Chỉ một kiếp Tây Phương hồi hướng,
Thoát mê đồ dứt cuộc luân hồi”.
Thân mượn thì tới hạn kỳ phải trả; trả đây để vãng sanh Tây Phương hay trả để đi theo bánh xe luân hồi thêm một kiếp khổ khác? Điều nầy do người có tu hay không tu, hoặc tu ít tu nhiều; tu hết mình hay tu cái kiểu cà lơ phất phơ cho vô phong trào chứ không nặng lòng về việc trau tâm sửa tánh, Phật Tánh hay Ma tánh. Đức Thầy viết bài đề là “Thay lời tựa” ta thường gọi là bài Sứ Mạng của Đức Thầy có đoạn:
“ Trải qua bao kiếp trong địa cầu lăn lộn mấy phen, tùy cơ pháp chuyển kiếp luân hồi ở nơi hải ngoại để thu thập những điều đạo học kinh nghiệm huyền thâm, lòng mê si đã diệt, sự dị kỷ đã tan mà kể lại nguồn gốc phát sinh, trải bao đời giúp nước vùa dân cũng đều mãi sinh cư nơi đất Việt. Những tiền kiếp dầu sống cũng là dân quan đất Việt, dầu thác cũng quỉ thần đất Việt chớ bao lìa. Những kiếp gần đây, may mắn gặp minh sư cơ truyền Phật Pháp, gội nhuần ân Đức Phật, lòng đà quảng đại từ bi”.
Cứ như đoạn trích dẫn trên Đức Thầy đã tự sự nhiều kiếp lên lên xuống dưới chốn hồng trần, có khi làm dân quan đất Việt có khi làm quỉ thần đất Việt, những kiếp gần đây may mắn gặp được minh sư cơ truyền diệu pháp mà tu hành đến chốn “Lòng mê si đã diệt, sự dị kỷ đã tan” và tận hưởng “muôn ngày vô sự, lóng sạch phàm tâm, sao chẳng ngồi nơi ngôi vị hưởng quả bồ đề trường thọ mà còn len lỏi xuống chốn hồng trần để chịu cảnh chê khen?”
Đức Thầy đã “thoát luân chuyển khỏi đeo khổ tử, kim thân thị hiện dứt trừ tử sanh”. Thân hiện tại của Ngài con của Đức Ông Đức Bà chỉ là mượn xác, như những câu Ngài nói:
“Từ ngày mượn xác trần hồng đáo lai”
“xuống mượn xác từ năm Kỷ Mão”
“Hòa thôn hảo cảnh xứ chi ta”.
Xứ của Ngài là Vô Trụ Xứ Niết Bàn, là xứ cùng mười phương chư Phật như chính Ngài thố lộ “ Sao chẳng ngồi nơi ngôi vị hưởng quả bồ đề trường thọ mà còn len lỏi xuống chốn hồng trần đặng chịu cảnh chê khen?” đã chứng minh được điều xuống trần mượn xác là đúng. Chúng ta nên phân biệt giữa mượn xác và mượn thân tứ đại. Mượn của tứ đại là đi đầu thai trong vòng nghiệp quả, định luật của nhân gây ra quả, hễ con người gieo nhân xấu tất nhiên hưởng quả xấu, không muốn những sản phẩm của mình làm cũng không được. Còn mượn xác thì khác hơn và người mượn xác không bị chi phối bởi định luật nhân quả, họ có quyền lựa chọn xác nào và không bị khổ trong xác đó. Đức Thầy có câu:
“ Thân tuy còn tục tâm lìa cõi mê,
Chí toan gieo giống bồ đề,
Kiếm người lương thiện rước về Tây Phương”
Người mà “tâm lìa cõi mê” chẳng những được quyền lựa xác để mượn mà còn có quyền “Kiếm người lương thiện rước về Tây Phương” nữa. Khi hiện thân trên đời, khổ đau lớn nhứt của con người là dục vọng, sự ham muốn không ngừng. Ham muốn làm cho ta khổ tâm, lao đầu vào công việc để tiếp ứng cho những ham muốn là khổ xác. Chẳng thế, vì lao đầu vào vào công việc do dục vọng xai khiến thì hoàn toàn là những điều dẫn tới tội lỗi làm nguyên nhân cho sự luân chuyển báo đền qua kiếp khác, trùng trùng sự khổ nối tiếp, bao vây.

Giờ chúng ta trở lại phần đầu câu chuyện nhá! “Phải rán tu đặng mà chết, chớ đừng để chết đến mà chẳng có tu”, quý vị sanh nghi “Phải rán tu đặng mà chết” chứ gì? Sao không tu để được đắc đạo, vãng sanh, tu để chết mà còn kêu “rán” nữa chứ?
Tôi xin hỏi quý vị nhá! có người nào vãng sanh Tây Phương mà đem nguyên cái xác dơ bẩn hôi thúi nầy theo luôn bên ấy không? Không có chứ gì? Phải chết bỏ xác mới về Cực Lạc được. Vậy nên câu khuyên thúc của Đức Thầy tôi vừa nêu trên là quá đúng đi chứ! Kiếp sống con người định luật đã ghi lên bảng tuổi thọ của ta rồi, ta không biết ta thọ được bao lâu mà trước mắt ta có vô số người chết trong đó có người chết già, có người còn rất trẻ; có người sanh ra vài tuổi thì chết, có người chết trong bào thai, có người sanh ra một chút rồi chết. Thế là cái chết diễn ra phức tạp, vô chừng đổi, định luật đã ghi lên bảng ta sống tới ngày tháng năm đó thôi nhưng ta không hay cứ tuông tiền ra tìm thầy hay dược giỏi tốn tiền cho đã rồi cũng chết theo số. Có người dời được tuổi thọ nhưng rất ít, như câu chuyện trong cửa thiền môn: một chơn tăng theo Thầy học đạo, tu niệm siêng năng, vị Thầy biết người đệ tử thọ mạng ngắn ngủi, cho về nhà làm hiếu sự với cha mẹ; trên đường về, chỉ vì cứu sống nguyên đàn kiếng cộng với tâm từ bi của Ông, chỉ còn tâm từ bi theo Ông làm việc cứu sống đàn Kiếng, không có tâm sợ chết và không suy nghĩ việc làm thánh thiện là tăng tuổi thọ, giành lại sự sống. Tất cả về sự chết là không, tất cả về sự ân ích là không, chính việc làm không trụ tâm sanh vô vàn công Đức mà tăng tuổi thọ, đến Thầy Ông còn phải giật mình khi thấy Ông trở lại Phật Đường.
Nhưng trong cái chết có sự giành lại sự sống còn sẽ bị rắc rối cho việc đầu thai kiếp tới, đừng nói là Phật cứu vãng sanh Tịnh Độ vì chính bản thân người giành lại sự sống trong lúc nên bỏ đi, chứng tỏ họ yêu mến cõi trần hơn cõi Tây Phương Tịnh Độ. Yêu trần chết trở lại trần là lẽ tất nhiên. Vì biết chúng sanh không hiểu được thọ mạng của mình sống bao lâu nên Đức Thầy khuyên rán tu cho kịp trước khi tử thần đến nhắm mắt là vãng sanh Tịnh Độ. Chu đáo như vậy cho người quyết một kiếp tu, chuẩn bị hành đạo xong, trước khi chết là hội đủ điều kiện vãng sanh, tâm tâm nối liền chánh niệm, chết, liền thay đổi tấm thân phàm tục thành thân Liên Hoa, hay Kim Cang bất hoại.
Có người hay khoe rằng mình thường niệm Phật và thường giữ chánh niệm. Vậy là hay quá rồi còn gì! thế nhưng bệnh sắp chết thì rất là sợ chết, không đành với số mạng ngắn ngủi, lòng hoảng loạn lên là sao? Người thường niệm Phật và thường giữ chánh niệm, chết là vãng sanh Tịnh Độ, sợ chết là sợ vãng sanh sao? Nói thường giữ chánh niệm mà ỷ hay, xao lảng tâm một chút thì chánh niệm bị mất, sắp chết là lúc cần chánh niệm hơn bao giờ hết thì chánh niệm đi đâu biệt tích, vọng niệm tràn vào làm chủ tình hình ham sống hơn là ham vãng sanh. Đây là điều mâu thuẫn mà chính hành giả tạo ra, một là tham đời hai là không tin mình sẽ được vãng sanh. Tham đời đến độ ghiền nhiễm nặng, sắp chết tới nơi cũng còn ghiền là trong tâm không có Phật. Còn về việc không tin mình, người đời mỗi khi thấy người ta khoe khoan mình hay giỏi, để trị cái bệnh hay múa máy họ nói “Cạn đìa mới biết Lóc Trê, còn ăn móng biết đâu Rô Sặc”. Cá Rô Cá Sặc người ta gọi là cá bổi, nó hay lên ngớp, ăn móng lủm chủm ghẹo lòng người ham, cái thứ bán không nhiều tiền, quan trọng là cá Lóc cá Trê mà công kỷ tác đến cạn đìa thấy không có mấy con là lổ nặng. Tu tới hồi kết cuộc ví như tác nước đến “cạn đìa”, chính sự không tin mình là điều tai hại nhất đối với người Niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ, tự biết khả năng tu của mình chưa đạt, nói trước chỉ là khoe tuồng giả thôi. “Chết đến mà chẳng có tu” thì quý vị thừa biết chết đây để đi về đâu rồi. Đức Thầy dạy đạo, điểm chính là con người ở thế gian phải được “mãn kiếp hồng trần sanh Lạc Quốc”. Ngài ước mong:
“Ước trăm họ nhẹ mình có cánh,
Đồng bay về Cực Lạc một đàng.
Thì thân Thầy hết phải gian nan,
Đâu có chịu mang câu nhạo báng”.
Tóm lại: Câu “phải rán tu đặng mà chết” không có nghĩa chết là hết để mình tiếc uổng công tu hành. Uổng là không tu hay ít tu làm mất một kiếp người khó được, Phật Pháp khó nghe trong khi kiếp người khó được mình đã được, Phật Pháp khó nghe mà mình được nghe, quí hóa vô cùng. Người chết có tu đúng chuẩn là chết được vãng sanh về An Lạc Quốc. Những người ỷ mình là đạo lâu năm mà tu cứ bị vọng niệm nó “ngắt khúc” cho mất chánh niệm, lại nhằm lúc tử thần đến réo đi thì nguy to lổ nặng một kiếp người. Không ai biết mình chừng nào chết thì rán tu cho kịp trước tử thần đến để “ Tử thần kia đâu dám dắt hồn”. Nếu không rán tu tức tu cầm chừng, vọng niệm xen vào, tu lúc có lúc không là không kịp, chừng “chết đến mà chẳng có tu” phải đầu thai kiếp khác, tiếp nối sự sống khổ của thân thể khác, chưa biết thân người hay thân thú vật.
26/6/2016



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét