Chủ Nhật, 5 tháng 10, 2014

Tham Quan Hành Hương:

CHUYẾN THAM QUAN PHÚ QUỐC 

Trời đêm 20/9/2014 rất dài, chờ vừa hết đêm, ngày đến còn mờ, chúng tôi từ xứ sở có câu sấm truyền“ Tổng Định Hòa người tới vẫy đầy” lên xe thẳng về Hà Tiên, xứ mộng mơ vương vấn của Thi Sĩ tài danh Đông Hồ. Non 11 giờ trưa chúng tôi đến phòng vé tàu cao tốc để lấy giờ khởi hành qua Đảo Phú Quốc cùng ngày. Lấy vé xong thì bụng đà kêu đói, thế này mà nhịn cho tới chiều qua đảo mới dùng bửa thì coi chừng không còn là du lịch mà là du côn mới báo! Đói quá sanh giận xảy ra chuyện gì ai mà biết. Xem lại thời gian còn đủ để chúng tôi tìm một tiệm cơm chay thật ngon không mấy xa “khách sạn Đông Hồ”.
Tàu cao tốc chạy thật nhanh 15 giờ cùng ngày đã đáp cảng Phú Quốc chúng tôi hỏi đường về cầu Sấu cách bến cảng khoảng 20 cây số, tìm một nhà quen thân ở trọ suốt chuyến tham quan du lịch này.

                         CÒN NHỚ DUYÊN XƯA

Khi một người nặng tình với đạo, đến đâu cũng muốn có cơ hội để làm một cái vì đó cho đạo cứu đời.
Đêm ở trọ nhà quen chờ sáng để tiếp tục chuyến du lịch trên đảo tôi chợt nhớ duyên xưa, chuyến tham quan của hai năm trước. Khi đoàn đến nghỉ đêm cũng ở ngôi nhà be bé nầy, chuyện trò với những bạn xứ đảo, xem chừng thời gian chỉ còn để ngủ nghỉ,  tối lắm mới “xin tỳ” hẹn mai thì liền đó Ông chủ nhà nhận được lời mời qua cuốc điện thoại đi cầu siêu cho một nữ đồng đạo vừa cởi bỏ huyễn thân trong khi tuổi còn rất trẻ. Vất vả suốt một ngày đường từ huyện Chợ Mới đến, mệt mỏi lắm, đáng lẽ là lúc cần nên quấn chăn nơi xứ lạnh để khỏi bị gió biển lùa vào sau khi hương nước lệ chiều, dưỡng sức là hay nhất để ngày mai tiếp tục chuyến đi đường dài phải lượn qua mấy dãy đèo ngang ngoằn ngoèo ngước mặt trông xa với những mô đất đá chông chênh. Nhưng sau lúc nhận cuốc điện mời, tôi nghe một ít anh em kể sơ về nữ đồng đạo mới phát tâm quy y Phật Giáo Hòa Hảo có điểm đặc biệt khiến lòng tôi tríu mến, chẳng những không thể từ chối hay phải đi với tính cách miễn cưỡng. Không, tôi thật sự vui thích đến đổi chưa đi thì giàu tưởng tượng rồi. Tôi cho đây là sự báo trước một chuyến tham quan đặc sắc và hấp dẫn.

Nữ Tu Nguyễn thị Đậm là một trong số đồng đạo có mặt suốt, trợ tu cho Huỳnh thị Được ( tên của người chết)ngay lúc cô ấy lâm chung,  vui vẻ kể lại:



 Nghe tin cô Huỳnh thị Được lâm trọng bệnh, qua nhiều ngày thuốc thang không thuyên giảm, nghĩ bệnh nhân không qua nổi kiếp nạn. xét tình làng nghĩa xóm chúng tôi rủ nhau một ít người đến thăm cô và  khuyến thiện, đừng lo sợ hay suy nghĩ vì khác ngoài niệm Phật. Hãy tin tưởng lời Phật dạy và chí thành niệm Nam Mô A Di Đà Phật để được cứu độ lúc lâm chung. Chúng tôi làm vầy với người chưa phải là đồng đạo là hơi vội vàng. Thà như thế xem có chút may mắn nào để cô nương tựa trong lúc ra đi về một nơi không còn đau khổ nữa. Hôm thăm cô ngày mùng 9 tháng 10 al năm Nhâm Thìn ngay lúc con bệnh trong cô hoành hành bất kể giờ giất. Bệnh nằm suốt, đau nhức hành hạ nét nhăn trên mặt như còn mới đâu đây mà thấy chúng tôi đến thì cô lại lộ nét vui, thể hiện sự dễ chịu, tuồng như niềm mong ước đã được, mỉm cười thật đẹp! Cô nói:
May mắn thay! có quý anh chị em nhà đạo đến thăm, hôm nay tôi rất hạnh phúc. Từ thuở sinh ra vừa lớn biết chút ít thì đời tôi là một chuổi ngày liền lạc làm lụn vất vả. Ham tiền tài danh vọng, mong mỏi giàu sang, người ta có của vì tôi cũng muốn có của đó, đôi khi còn muốn cao hơn những ước muốn bình thường, vì vậy cứ đem thân đợ mãi qua công việc nầy, buôn bán nọ để kiếm tiền cho cái mặt mủi mình sướng hơn. Quá mê đời thì giờ đây chán sự đời cũng đâu có oan ức. Nay tôi muốn được quý anh chị em nói cho nghe về đạo pháp tu hành để tôi đi từ đổi đời đến đổi kiếp.
Nói quá đúng! Mục đích của chúng tôi đi thăm bệnh nhân là như thế, vì biết bệnh nhân không còn sống được bao lâu trên cõi hồng trần nên đã bàn bạc nhau sự khuyến thiện bằng cách nào cho bệnh nhân nhẹ bớt trần duyên, tin sâu sự cứu độ của Phật để nhất tâm niệm Phật cầu vãng sanh Cực Lạc ngay khi mãn kiếp hồng trần. Đến chưa kịp gợi chuyện thiền môn thì bệnh nhân đã chực hờ, nói trước. Chúng tôi không ngờ người đời ham chuyện đời như cô mà lại chịu chuyển đời ra đạo hết sức nhanh nhẹn và dứt khoát. Chúng tôi lần lược mỗi người một câu khuyên tu: sửa tánh ăn năn, làm lành niệm Phật, chuyên trì Lục Tự Di Đà thì cái cảnh sinh tử chịu khổ sẽ chấm dứt ngay sau khi “ Mãn Kiếp Hồng Trần”.
           Nghe qua những câu đạo pháp khuyên tu, lòng tẩy rửa thêm một ít trần tục, tâm trí phấn khởi, mạnh dạn, cô kêu trình qua với chồng về tín ngưỡng tôn giáo và yêu cầu chúng tôi chứng minh cho cô làm lễ quy y Phật Giáo Hòa Hảo. Chồng của cô sau một lúc ngỡ ngàng rồi cũng ưng thuận và chúng tôi rất vui với chuyện quy y vào đạo xảy ra hết sức là tình cờ.
 Không kịp lập trang hoàn 3 ngôi thờ theo “Tôn Chỉ Hành Đạo” của Đức Tôn Sư, thấy trong nhà có sẵn tượng Bồ Tát Quán Thế Âm an vị trên chiếc tủ, chúng tôi sửa sang một chút cho thành Ngôi Tam Bảo và lập liền theo đó ngôi thờ Cửu Huyền cho cô làm cơ sở quy y. Bệnh nặng, cô không đứng hay ngồi được, nằm mà nguyện vái. Quy y xong, liền đó cô mời chồng lại kề một bên rồi nói: cám ơn anh cho em có quyền quy y theo đạo mà em tín ngưỡng, giờ em đã là tín đồ PGHH, sống hay chết cũng phải theo đạo mà tu, nếu mai này em chết đi, đám tang của em kính mong anh tổ chức theo nghi lễ PGHH, mời chư đồng đạo đến nhà mình cầu siêu cho em được vãng sanh Tịnh Độ.
Dự lễ phát nguyện quy y xong chúng tôi ra về, tối đến bệnh trong người cô quậy lên dữ dội, những người thân trong gia đình và họ hàng xúm lại khóc la cho cố lên sức mạnh mà giành giựt xác với tử thần. Cô xô mọi người dan ra và yêu cầu cho cô mặc chiếc áo choàng dà(chiếc áo dành để cúng nguyện với Phật), niệm Phật để đi theo Phật.
Thật khá khen! Mới quy y PGHH mà chắc lòng đến vậy. Không sợ đau chết, không nuối tiếc bất cứ việc gì, chỉ còn một lòng với Phật, mong được mặc chiếc áo nâu sồng dành riêng cho việc cầu cúng Phật, đừng ai ở quanh đây làm cản trở lúc Phật đến rước đi.
Hỏi: Đồng đạo có biết nguyên nhân nào đưa đến mà cô Huỳnh thị Được phát tín tâm quy y PGHH không?
Nguyễn thị Đậm đáp:
Tôi chưa chắc do đâu là chính nguyên nhân nhưng có lẽ cũng một phần lớn chịu ảnh hưởng Tu Sĩ Lý Hón( người gốc ba Tàu) tên thường gọi là Ba Quạ, vị Tu sĩ này có hạnh cách tốt, thật thà, dễ mến. Tu Sĩ là người anh kết nghĩa với Ông anh rễ của cô Huỳnh thị Được. Sự kết nghĩa của hai người là tâm đắc tâm giao, sống chung một nhà, tình như ruột thịt. Tu sĩ không có nghệ thuật nói trước công chúng để giảng thuyết đề tài khuyên tu nhưng hạnh cách của Ông là bên trong của những đề tài mà các vị thuyết trình viên thường nói đã được Ông đem ra áp dụng. Huỳnh thị Được cảm kính chọn Tu Sĩ là Đồng Đạo đỡ đầu cho việc cô quy y PGHH là chọn đúng chỗ, bằng chứng ngay hôm mùng 9/10 Tu Sĩ sắp đặt tốt cho việc quy y của cô không qua chờ đợi thời gian nào, Ông nghĩ, kéo dài sự vô tín ngưỡng tôn giáo với bệnh nhân là không tốt, khi người ta thèm khát tín ngưỡng đến chết thì lo giúp chứ ở đó mà so đo sao? Đồng thời cô còn gởi gấm, yêu cầu vị này lo về hậu sự tang chay đúng nghi thức PGHH.
Ngày mùng 4 tháng 11 âl 2012 nghe tin bệnh cô đến hồi nguy kịch, tấm thân tứ đại bị đòi quyết, báo hiệu sự ra đi một chuyến không về, chúng tôi đến hộ niệm cho cô chặc gìn tâm Phật, thay nhau ở suốt bên cô để tạo thêm sự mạnh mẽ vững tâm niệm Phật đi về cõi Phật. Những lúc ngặt người khó chịu, có biểu hiện “Tắt Đèn”, nhưng đèn chưa đến lúc phải tắt, sáng gượng lại. Mọi người có cảm tưởng dễ chịu như một cơn lóc xoáy đi qua, nhà cửa vẫn còn nguyên vẹn thì mừng. Chờ sau hồi thập tử nhứt sanh, bình tỉnh lại, tôi hỏi cô còn nhớ niệm Phật không thì cô gật đầu rất rõ nét để thay cho tiếng trả lời “Có”. Kéo dài đến 12 giờ rưởi trưa ngày mùng 5, bệnh nhân không giãy giụa rênh la, nhờ sức hộ niệm của chư đồng đạo tạo nên sự niệm Phật của cô không lạc mất đề tài, Phật đến rước đi về cõi Phật, hưởng dương 38 tuổi.

Nghe chuyện trên làm chúng tôi quên mệt mỏi, đi một ngày đường hơn hai trăm cây số, tới nơi không nghỉ còn phải chuyện trò đến tối lắm chưa vừa, mót mái chút sức đi cầu siêu và câu chuyện cũng rất cảm động khiến tôi phải vượt hơn thời gian của một chuyến tham quan, ở lại trên đảo thêm một ngày để dự lễ an táng đồng đạo hữu duyên nầy.
                  

Nghe tin một người vừa vào đạo với tín ngưỡng chơn chánh, trước phút lâm chung có hiệu ứng tốt đã gây sự chú ý đến các đồng đạo quanh vùng, đất đảo lưa thưa tín đồ nhưng nhờ chuyện cô Huỳnh thị Được quy y PGHH trong trường hợp khá đặc biệt khiến nên lễ tang của người đạo hữu mới toanh nầy thật sum đông. Xứ lạ, một số tôi có quen biết như đồng đạo Tư Phải, đồng đạo Hai Đạt đương nhiệm hội trưởng ban trị sự giáo hội PGHH thị trấn An Thới và đồng đạo Tư Hải phó hội trưởng với nhiều đồng đạo khác trên đảo mà tôi chưa quen.
    


                                    Đình Thần Nguyễn Trung Trực, Xã Gạch Dầu, Phú Quốc
Từ chỗ ở trọ nhà người thân vượt chợ qua chợ, rừng qua rừng, đèo qua đèo khoảng 70 cây số, hơn 10 giờ trưa chúng tôi đến ngôi đền thờ vị anh hùng dân tộc. Áo quần ai cũng đầy bụi, hương bụi khó chịu mà cũng còn cười được. Sự trang điểm vô tình của bụi đường cho chúng tôi duyên dáng khi nhìn nhau, chiếc mặt nào cũng vui với cái vẻ vui xuân, cười thoải mái! Chúng tôi đập phủi bụi trên quần áo và lấy khăn Mỹ Lan hoặc khăn ướp lạnh ra lau bụi trên mặt cho tươi tỉnh da dáng trời sanh. Da trời sanh của tôi màu đen đen áo quần màu tối tối hợp bụi đường Phú Quốc phủi sơ sài cũng không sao, mấy cháu trong đoàn có làn da trắng bưởi, mặc đồ nhạy bẩn, bụi đường Phú Quốc chẳng nể nang vì, phải vất vả lau phủi nhiều hơn.
Đợi có đôi phút thảnh thơi nhàn nhã chúng tôi mới vào ngôi đình kính bái hương linh Ngài Quan Thượng.
Khu đình không rộng lắm chúng tôi vãng cảnh qua một chút là xong ngay. Sân có nhiều cây treo bống mát ban tổ chức lễ  Đình Thần thật khéo chiều ý khách, cho đặt nhiều tấm băng đá dưới tàng cây xanh rậm, ngồi hóng mát lúc trời nắng nóng thì thật lý tưởng! Tuyệt Vời! muốn ở lâu trong bống mát tôi đặt vấn đề: Cụ Nguyễn Trung Trực sao lại là Quan Thượng Đẳng Đại Thần? và người tín đồ đạo Phật Giáo Hòa Hảo ít nhất mỗi ngày 2 lần phải niệm đại danh của Cụ trong bài Nguyện Quy Y trước ngôi Tam Bảo là sao?


Bên dưới cây Da bống mát có một quán đãi Sâm thí, nữ tu Nguyễn thị Đậm hợp tác với anh chị Ba Y Tế chủ trì và vận động tiếp viên rất đông để phục vụ kịp yêu cầu của bà con dự lễ. Tôi cũng được đãi một ly Sâm đầy mà chưa chịu đi thì tiếp viên cho một ly thứ hai. Tôi nán lại để xem sức tiêu dùng của bà con cũng như nhân cách của hầu hết thành viên trong tổ chức đãi Sâm thí nầy. Bấy giờ hết dám chần chờ, chịu tới hai ly Sâm là phát ách, ở mà thêm ly thứ ba là khốn, phải dong ngay.
                                                           Nhiều tỉnh thành phía Tây Nam của Tổ Quốc đã dựng đền thờ Cụ Nguyễn, so với các vị thần sở tại thì địa vị của Cụ vượt trổi hơn. Bởi đó mà chính danh Quan Thượng Đẳng Đại Thần không có ở vị Thần nào khác ngoài Cụ. Nhiều đình thờ như vậy, tất nhiên mỗi nơi thờ phượng đều có mang dấu dết riêng của lúc Cụ còn đi chiến đấu với quân thù cướp nước. Có Cụ đi ngang qua làng nào đởm khí của vị anh hùng để lại trong lòng dân những kỹ niệm ân tình sâu sắc khó quên, từ đó mới dựng ngôi thờ cho dân làng kính bái.

Chúng tôi rời khỏi ngôi đền thờ Nguyễn Trung Trực xứ Gành Dầu để đến với một ngôi Đình khác mới cất ở vùng Cửa Cạn, cũng thờ Cụ. Trải qua nhiều con đường đất nhỏ liên tục cây với cây, rừng với rừng mới đến ngôi thờ chìm trong hoang vắng, nếu đây không nhằm ngày lễ cúng quan thượng chắc không mấy khách qua lại trên đường. Tôi có cảm tưởng như chốn rừng hoang nhà tạo mẩu đã vào giữa rún khoét một lổ tróng dựng lên ngôi thờ thật là thanh tịnh. Đình mới cất, buồng vách chưa phân thì lễ tới rộn ràng. Đình chưa cất nhà khách, khách đến phải lang thang ngoài trời đội nắng. Đối diện với ngôi đình là nơi bảo tàng một chiếc ghe đã ra mê bên kia con rạch nước, nằm trong hộc đá xây dài, trên có lợp kiếng. Ghe này của Quan Thượng lúc xưa trưng dụng làm tàu chiến đánh Pháp. Ban tổ chức lễ hội cho treo cầu vồng nhỏ nhắn, xinh xắn ngang rạch nước để ai có tấm lòng với một người vì nước quên thân vì dân chịu chết qua đó mà xem, kính bái. Tôi chậm lại trên chiếc cầu vồng, nhìn quang cảnh thâm u mà duyên dáng, gợi cảm chuyện xưa, cái thuở Cụ Nguyễn đốt tàu Tây, đánh lấy đồn Tây ở nội thành tỉnh Kiên Giang dễ như chơi.

Chúng tôi vừa xuống dốc chưa ra khỏi cầu thì thấy ngay sự trải dài của hộp kiếng to và rộng, trong hộp kiếng dài rộng ấy chứa đựng những chiếc be ghe trân quý, chiều dài của be ghe ước khoảng 10 thước, bề dầy của mỗi be ghe có kích cỡ từ 8 phân đến một tấc, kết liền những tấm be cho thành ghe xưa các cụ không dùng mũi đinh nào, sử dụng toàn chốt cây làm khóa thay đinh.
Rất lâu xa sau cái ngày quan thượng bị hành hình có người được báo mộng, theo sự chỉ dẫn trong mộng người ta mới phát hiện chiếc ghe này của Quan Thượng nằm trong rừng cây rạch cửa cạn, qua thời gian bào mòn chiếc ghe xuống cấp rả tệ, dân làng mới gở từng chiếc be đưa vào hộp kiếng để bảo quản dấu tích của người xưa, có những chiếc be rất khó tháo, nại ra tất nhiên là bị mẻ vụn người ta kính cẩn đến đổi không dám bỏ lăn thành rác, còn nguyên hay vụn tất cả đều đưa vào hộp kiếng. Theo cảm kính của tôi, Quan Thượng đã đại thành công hai chiến tích oanh liệt đánh đồn Pháp ở tỉnh Kiên Giang và đốt tàu của quân thù dị chủng ở dòng sông Nhựt Tảo. Pháp tặc bị suy bại khá to, chúng huy động toàn lực lượng truy đánh đội Nghĩa Quân cảm tử. Quan Thượng nghĩ nếu đối chiến thì vũ khí không cân bằng, địch bắn súng từ xa còn mình thì dùng kiếm đao, dao găm mả tấu, tầm vông vạc nhọn chờ đến gần để “xáp lá cà”. Có ai chịu đến gần cho mình xáp? Cần có kế sách mới, tìm chỗ ẩn náo để lâu ngày không có tăm hơi vì về mình và đội Nghĩa Quân, địch hết sức kiên nhẫn sẽ đến thờ ơ, chính là thời cơ đến, Quan Thượng sẽ vùng lên tác chiến đánh úp một cái là thành công. Ngài bèn dấu mình trong rạch Cửa Cạn, hoang vắng không một bống người. Không truy tìm được Ngài, quân Pháp huy hiếp sự sống còn của mẹ Ngài và những người dân vô tội, buộc Ngài đem thân ra đổi. Chiếc ghe vô chủ ở lại vùng hoang vắng đã chìm về dĩ vãng không còn ai biết tới, sau này nhờ sự báo mộng của Thần Linh.
Còn tiếp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét