Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2018


 ÔNG PHẠM THIỀU VÀ ĐỨC THẦY

Lễ đản sanh Đức Thầy năm nay, 25 tháng 11 Mậu Tuất 2018, để cung nghinh đại lễ, những điều có liên quan mà đặc biệt là sự liên quan mang ý nghĩa tôn giáo và chính trị của Đức Thầy, tôi xin trình bày, gởi đến chư đồng đạo vì sự nghiệp PGHH.
Chuyện Đức Thầy công bố thành lập đảng Việt Nam Dân Chủ Xã Hội ngày 21 tháng 9 – 1946, tin bay rất nhanh, chỉ trong vòng 10 ngày sau, 1 tháng 10 – 1946, chánh trị gia Phạm Thiều có biệt hiệu là Trường Phong mời Đức Thầy tham chánh. Vốn biết Đức Thầy trẻ tuổi mà tài đức, thế lực quần chúng đông, có thể gánh vác việc sơn hà đuổi quân chinh phạt Pháp nhưng sao Ngài lãnh đạm thờ ơ đứng nhìn nước non bị bọn xâm lăng dày xéo, cứ như ngủ vùi không hay biết.

Sự thật thì Đức Thầy không bao giờ lãnh đạm thờ ơ với nước non, có điều Ngài không tham chánh, chánh trị triển vọng đi đến vai trò chánh quyền, làm chủ một đất nước như nhiều cáo già chánh trị khác theo đuổi. Nhiều nhà làm chính trị, khi họ quan tâm vai trò làm chủ một đất nước, cạnh tranh với các đối thủ, phe nhóm, không qua tính công bằng, họ sát phạt, trừ khử các phe nhóm không cùng chí hướng làm cho nhân tài của quốc gia bị hao mòn. Trong bài “Đồng Đảng tương tàn” Đức Thầy tỏ ý khuyên thôi đi cái chuyện nồi da xáo thịt:
“…Đương cơn quyền lợi đắm say,
Anh hùng chí sĩ râu mày thế ư ?
Đường muôn dặm lời thư một khúc,
Giờ giặc đà tá túc nhà ta,
Ai ra nâng đỡ san hà,
Ai ra cứu vớt nước nhà lâm nguy ?
Phát xít sẽ tầm truy tàn sát,
Không đảng nào mà thoát tai ương.
Nghĩ càng bực tức đau thương,
Giết nhau để lợi cho phường xâm lăng.”
Hãy xem qua cuộc đối thoại Ông Pạm Thiều mời Đức Thầy tham chánh:
Mưa gió thâu canh mãi dập-dồn,
Âm-u tràn ngập cả càn-khôn.
Hỡi ai thức ngủ trong đêm ấy,
Có thấu tai chăng tiếng quốc-hồn?
Đức Thầy đáp lời ông:
Những nỗi đau thương mãi dập-dồn,
Càng nhiều luân-lạc lại càng khôn.
Lặng nhìn thế sự nào ai ngủ!
Chờ dịp vung tay dậy quốc-hồn.
Nghe nói “ Lặng nhìn thế sự, chờ dịp vung tay” là biết Đức Thầy không ưng thuận sự mời mọc khiến ông nầy nghĩ ngợi lung tung về vấn đề thương tích, chứng tích dĩ vãng, ông dùng từ xoáy vào tim:
Sao còn khắc khoải nhớ hiềm xưa?
Trang sử chùi đi những vết nhơ.
Gìn giữ tim son không chút bợn,
Mặc tòa dư-luận hiểu hay chưa?
Ai nghĩ mà coi ! Mời người ta tham chánh đứng về phía mình, sợ bị từ chối, dùng lời buột tội trước để ép, nếu không cùng ông thì gắn cho cái tội ích kỷ, bảo thủ, “nhớ hiềm xưa”mà không chịu chung tay góp sức. Kêu Đức Thầy, vì chuyện quốc gia đại sự thì hãy “chùi đi những vết nhơ” của thời quá khứ… Ngài trả lời với ông rằng:
Từ-bi đâu vướng mối hiềm xưa,
Nhưng vẫn lọc lừa bạn sạch nhơ.
Nếu quả tri âm tri ngộ có,
Thì là hiệp lực, hiểu hay chưa?
Thật tuyệt vời, đã mang trong lòng hai chữ từ-bi đâu được phép thù ai. Hiện tại cũng không thì đừng nói chi chuyện giữ thù hiềm nhau của thời quá khứ. Nhưng không thể để cho ai đó có cơ hội lợi dụng lòng từ bi của mình ủng hộ lên ngôi chủ, quyền hành trong tay, suy nghĩ đến lợi ích cá nhân, biến quốc gia của tổ tiên, của toàn dân thành vật sở hửu của riêng phe nhóm, hại nước hại dân. Phải lọc lừa lòng dạ của những người rao bán mô hình chính trị, nếu họ sạch thì cùng nhau công việc, còn nhơ, đây xin miễn. Thấy chuyện bàn bạc, quanh quẩn phí thời gian, sau cùng ông Phạm Thiều đặt thẳng vào vấn đề:
“Chẳng khoác cà-sa chẳng chiến-bào,
Về đây tham chánh mới là cao.
Non sông chờ đợi người minh-triết,
Chớ để danh thơm chỉ Võ-Hầu.
Đành chịu mất lòng chính khách, Đức Thầy trả lời là không cùng ông tham chánh với những điều tồn động làm mất đi quan điểm hợp tác: “Nếu phải hai bên đồng hiệp trí, kẻ gây thãm kịch phải qui-hàng – mà sao chánh sách bắt dân đày, vẫn còn áp dụng vì phe đảng”. Hợp tác làm sao được! kẻ gây thãm kịch với tín đồ PGHH chưa được pháp luật khắc chế và còn cái “chánh sách bắt dân đày” của họ nữa. Mình dùng chủ nghĩa vì nước vì dân, không nề hà khó nhọc trong khi cứu nước cứu dân. Bài “Quyết Rưt Cà Sa” đã nói rõ điều ấy:
“Anh hùng đâu sá cảnh gian lao,
Chiến trận giao phong rưới máu đào.
Miễn đặng bảo tồn non nước cũ,
Giữ an tánh mạng cả đồng bào.”
Còn họ, chánh sách “bắt dân đày” cứ được nâng niu cường tráng, chờ thời cơ nên đã bỏ bê công việc đuổi quân xâm lược, lo chiến đấu giành quyền với các đối thủ chánh trị khác. Nếu mô hình chính trị của họ được sự ủng hộ của các phe nhóm dẫn đến thành công, giành được chánh quyền trong tay sẽ có hại cho sự phát triển của quốc gia dân tộc. Đã vậy lại rủ ren mình, thôi thì trả lời dứt khoác là hơn:
Thà ở trong quân mặc chiến bào,
Ngày qua sẽ biết thấp hay cao.
Nào ai đem sánh mình minh-triết,
Mà dám lăm-le mộng Võ-Hầu.
Do câu “mà sao chánh sách bắt dân đày, vẫn còn áp dụng vì phe đảng” ta biết ngay là nền chánh trị của ông khách đến mời cộng tác, không dẫn tới sự tốt đẹp cho nước cho dân.
Xưa Khổng Tử cùng với các đồ đệ đi qua triền núi Thái Sơn, xảy tiếng khóc nức nở của người phụ nữ từ phía rừng xa vẳng lại. Khổng Tử nghe giọng khóc thê thãm ấy, lòng xót xa, không thể giả bộ vô tình đi qua cho im chuyện. Muốn biết người phụ nữ kia vì sao mà khóc thê lương đến vậy, bèn xai Tử Lộ theo hướng âm thanh ấy mà tìm. Tử Lộ đi một chóc rồi về bẩm báo: Bạch Thầy, có người đàn bà vùi đầu khóc lóc bên nấm mồ mới. Khổng Tử nghe nói liền thân hành đến hỏi: Cớ sao giọng khóc của bà thê lương ảm đạm đến thế? Người phụ nữ nầy đáp: Cha tôi chết vì bị cọp xé, chồng tôi cũng chết vì cọp, mới đây, đứa con yêu quí của tôi cũng bị cọp bắt ăn nốt. Khổng Tức lý nói như quát: Sao không chịu bỏ đây mà đi? bà ấy đáp: Vì nơi đây không có chánh trị hà khắc. Khổng Tử nghe thế liền kêu các đệ tử dạy rằng: Các con có nghe bà ấy nói không? “Vì nơi đây không có chánh trị hà khắc”. Như vậy, ý bà nói chánh trị hà khắc gian ác hơn cả Cọp ăn thịt người.
Nếu không đem kiểm chứng ắc có người cho rằng chuyện dẫn trên không thể nào có được. Xin khoan những ý nghĩ phản bác, hãy nhìn thẳng vào Việt Nam ta đi ! sau 30 tháng 4 năm 1975, không phải khá đông những đồng bào mình đã vì, bị nền chánh trị hà khắc mà bỏ trốn ra nước ngoài đó sao? Trong suốt chiều dài lịch sử quốc gia, ngay cả những lúc đất nước chiến tranh khốc liệt, chết chóc khôn lường, đáng lẽ là phải lưu vong để tránh họa xác thân, thế mà nhân dân ta không bỏ nước ra đi ! Huống nay nước nhà độc lập, thống nhất ba miền Nam, Trung, Bắc trở lại một dãy giang san kéo dài của tổ tiên, thì nên ở để hưởng cảnh thái bình an lạc... Sự trốn chạy nền chánh trị hà khắc, nhiều người đã chết dần dưới biển hoặc bỏ xác trong rừng hoang. Tin đồn những tên hải tặc cướp của giết người, hãm hiếp phụ nữ, hoặc những cơn sóng biển dữ dằn đã nhận chìm tàu, húc người xuống đáy sông sâu đáng lẽ là roi chừa chừa cho những ai mộng mơ chạy trốn nền chánh trị hà khắc.
Người vượt biên, nếu không may sẽ có hai ba cái lở: Lở bị hải tặc cướp của giết người, lở bị sóng biển nhận chìm và còn một cái lở đáng thương hại nữa: lở bị công an biên phòng bắt lại đẩy vào tù với tội danh vượt biên trái phép hay phản quốc cũng đành chịu đánh đổi số phận của mình coi có may mắn không. Người ta chấp nhận sự xui rủi tiếp tục trốn đi.
Xem đó, nghe thấy tin nhiều người vượt biên đã phải trả giá sự sống chết, kẻ đi sau tuy có hơi sợ nhưng sự ám ảnh mất tự do của nền chánh trị hà khắc là vấn đề cần phải giải quyết nhanh chóng, bất chấp sự hiểm nguy, nếu may mắn đến bờ tự do, không thì thà chết nhanh hơn chết lần mòn trong nền “chánh trị hà khắc”.
Sau cùng, Đức Thầy không nhận lời mời của ông Phạm Thiều.
31/12/2018


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét