Thứ Năm, 13 tháng 12, 2018


LỄ TANG ÔNG TRƯƠNG LONG

Ông Trương Kim Long, tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo nguyên quán xã Hội An Đông, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp (rạch Cái Tàu Thường xuôi vào ước độ hai ngàn mét). Trong giới đấu tranh đòi hỏi quyền tự do tôn giáo PGHH thường gọi tên ông là Bảy Long và người ta hay nhắc nhở nhau nghe về những chuyện ông tánh tình cương trực, thẳng thắng và bạo miệng. Khi bị đàn áp quyền tự do tôn giáo ông dám trực diện ăn to nói lớn trước công an, không chỉ là việc của riêng mình, nghe tin đồng đạo ở đâu bị đàn áp là lòng như lửa đốt muốn nhảy vào can thiệp. Bởi thế, phía nhà cầm quyền quan tâm rình rập đánh động điều nọ điều kia không để ông yên, lâu lâu thì gởi giấy mời ông đến văn phòng công an để điều tra xét hỏi những mối liên quan với đồng đạo có tiếng tăm trong làng đấu tranh quyền tự do tôn giáo, hoặc buột tội nầy, gài tội nọ cho ông sợ đặng chừa chừa. Nhiều lần bị gài tội lợi dụng quyền tự do tôn giáo nhà cầm quyền phát lệnh xử phạt hành chánh và cũng lắm lần ông bị đánh mang nội thương, dù sau những lần bị đánh, thân nhân của ông cũng chở ông đi thang thuốc, nhưng tuổi ngày già thêm, sức khõe như bị xuống cấp đáng ngại, vài năm trở lại đây ông bị bệnh hoạn triền miên.
Nhớ lại chuyện của ông, cách độ bốn hay năm năm lại đây thôi, một buổi chiều tôi công phu xong, ước khoảng 8 giờ tối, tôi định lật mấy quyển tự điển tra một ít từ chưa thông thoán bổng bên ngoài có tiếng gỏ cửa, tôi vội lại nhưng ngại không dám mở e có chuyện không lành. Vì chưa xác định tiếng của nên tôi chần chờ. Lại nghe kêu nữa bằng cái giọng yếu ớt, tôi hỏi ai kêu hãy nói rõ họ tên hoặc mục đích đến đây giờ nầy là gì.
Dạ tôi là Bảy Long đến cùng Năm Mãnh.
Tuy lạc giọng, yếu ớt nhưng tôi chắc là hai vị ấy. Vừa mở cửa, nhờ ánh sáng từ bóng đèn trong nhà phản chiếu, tôi hốt hoản khi nhìn thấy hai ông Trương Kim Long, Tô văn Mãnh mặt sưng và tươm máu trên tráng vết thương nứt nẻ mà thời gian chưa kịp xóa nhòa dấu tích. Tôi hỏi gì sao bị thương thế nầy? Tô văn Mãnh nói: chúng tôi đi đám cúng giỗ ở nhà chú Út Trung, vì đường xa phải đi trước một buổi chiều cho kịp sáng mai dự đám, nghe thuyết trình giáo lý PGHH. Chiều đến, chúng tôi thấy công an xã Phước Hưng bày trận, phối hợp với cảnh sát giao thông, tớp thì xông vào chận bắt người, tớp khác lại bắt xe, hai chúng tôi đứng gần đó thấy phát tức hết chịu được, buộc miệng la lên: Công an sao lại đàn áp tôn giáo, nhà nước của mấy chú đã đề trong hiến Pháp cho nhân dân có quyền tự do tôn giáo. Trên cho mà dưới bắt, các chú làm vậy là vi phạm pháp luật; đâu thể có cái kiểu người đại diện cho pháp luật lại phạm luật với những công dân bình thường trong khi yêu cầu của họ chỉ là đi dự đám giỗ và nghe thuyết giảng đạo lý.

Không để nói nhiều, chúng hai ba tên vẻ mặt hầm hầm xông tới đánh anh em tôi đến nông nổi nầy.
Cho dù có gặp  khó khăn về tự do tôn giáo, ông Bảy Long cương quyết không chùng bước thi triển lòng gan dạ sắt bảo vệ tự do tôn giáo. Những lúc gặp rắc rối bởi cường quyền ông thường đọc bài “Hiến Thân Sãi Khó” của Đức Thầy để tự an ủi lòng:
”Phận tớ xác phàm tớ sẽ dưng,
Cúng dường cho Phật, Phật đành ưng.
Dù cho phải chịu ngàn cay đắng,
Cũng nguyện đạo mầu sẽ chấn hưng.”
Hôm ông bị đánh thương tích nặng phải nghỉ đêm ở nhà tôi, sáng lại tôi đi mua Trật Đả Hoàn về cho nhị vị anh hùng nầy dùng để chế ngự, khắc phục hậu quả nội thương. Mặc dầu lưng ngực còn đau nhói khi phải nói chuyện nhưng Ông Trương Kim Long vẫn muốn tâm sự với tôi, ông đọc lên hai câu giảng của Đức Thầy “ Đạo diệu mầu gặp lúc truân chuyên, phận môn đệ phải lo vun quén” rồi tự mình dẫn giải: Tình cảnh của đạo Thầy hiện nay đã quá mức truân chuyên, mặc kệ nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đề trong bộ luật có tự do tôn giáo cho nhân dân, ta hãy nhìn hành động của họ sẽ tốt hơn không nhìn mà chỉ tin lời họ nói. Tự do tôn giáo cái kiểu gì mà đương  quyền ra lệnh tịch thu hết các cơ sở của tôn giáo, giáo lý bị cắt xén, chức sắc trong đạo không được tín đồ bầu chọn, họ đưa đảng viên hoặc những người có thân thế với nhà nước vào các chức vụ điều hành, đề ra cái gọi là giáo lý viên mới được đi giảng thuyết, ai không phải là giáo lý viên thì cứ mà im miệng cho.
Đại cuộc dựng bảng Tổ Đình PGHH hai lần, lần đầu vào ngày mùng 9 tháng 11 không thành công, cách mười hôm sau, 19 tháng 11 năm Kỷ Mão 1999 tái dựng bảng Tổ Đình, Ông Trương Kim Long đến cùng chư đồng đạo kề vai sát cánh công việc, tất cả đều bị công an huyện Phú Tân tấn công đánh phá, nhiều vị bị thương tích không được đem đi cứu chửa, Ông Trương Kim Long bị đánh khá nặng đòn, thở hổn hển…  những tín đồ ưu tú vì sự nghiệp PGHH đòi hỏi và bảo vệ cương vị Tổ Đình, hôm đó, đều bị cường quyền đưa hết vào nhà giam.

Trương Kim Long và chư huynh đệ làm phản ảnh trung thực cái gọi là tự do tôn giáo của nhà cầm quyền Việt Nam nên được tổ chức PHONG TRÀO YỂM TRỢ TỰ DO TÔN GIÁO và NHÂN QUYỀN tặng giải thưởng, vinh danh người có công “đã góp sức cùng đồng bào trong cuộc bảo vệ nhân quyền và bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam”.
Bệnh chứng nội thương không trị khỏi, lâu ngày trở nên trầm trọng. Ngày mùng năm tháng mười một năm Mậu Tuất – 11 tháng 12, 2018 Trương Kim Long từ giả cõi đời hưởng thọ 63 tuổi. Gia quyến hợp cùng bà con láng diềng và chư đồng đạo, nhứt là những chiến hửu đã cùng ông đấu tranh đòi hỏi quyền tự do tôn giáo, đồng đến thắp nhang nguyện cầu các đấng thiêng liêng tiếp dẫn vong linh ông về miền Phật cảnh. Trong khoảng thời gian cử hành tang lễ, người hướng dẫn chương trình có phát sơ về công trạng, sự nghiệp vì đạo vì Thầy của ông, đặc biệt có hai điếu văn, một của người thiếu niên ước chừng chưa đầy hai mươi tuổi, Nguyễn năn Nhựt và một nữa của cụ Nguyễn văn Địch (sáu Địch) người chủ sự hai lần dựng bảng Tổ Đình hồi năm 1999. Cả hai bài điếu văn ai nghe qua đều ngậm ngùi thương cảm.
13/12/2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét