Thứ Hai, 29 tháng 1, 2018

TÀI THÍ, PHÁP THÍ

Nhớ lần đi cứu trợ xa không về kịp trong ngày, đêm đến có người địa phương lại cùng tôi chuyện trò thân mật. Tuy mới biết nhau nhưng đã mang chung tâm sự vì Đạo vì Thầy nên tình mới đó thì đã thắt chặt, trò chuyện tới khuya lắm người bản xứ nầy mới chào tạm biệt. Thời gian qua lâu, câu chuyện đã chìm về dĩ vãng nay bổng nhiên nhớ lại phát hiện sự hay hay trong đó. Đến tôi hôm ấy bạn nói qua một tràng diễn thuyết: Dân tình đây không thiện cũng không quày đầu hướng thiện ăn năng tội lỗi thì nghiệp ác có thể đến với họ hằng ngày, khiến lâm cảnh nhà tan cửa nát, nghèo đói bệnh tật. Họ không học đạo để biết mà tu nhơn tích đức, ta đâu có khả năng đem tiền của đi cứu khổ họ hoài hoài; nhưng nếu ta mở ở đây một lớp học đạo, họ học biết, tự mình sẽ thay đổi ác nghiệp thành thiện nghiệp. Khi đã hành thiện nghiệp thì khổ đau sẽ hết hoặc từ đó vơi dần và họ có thể chịu đựng với cảnh nghèo thiếu, biến khổ thành vui, từ đó ta không còn bận rộn việc cứu trợ họ nữa. Tôi nói như vậy anh nghĩ có đúng không?
Tôi đáp: Luận như vậy hoàn toàn đúng, nhưng đời đa dạng người, hễ nói tiếng độ đời thì phải tùy theo hoàn cảnh để tìm ra cái gọi là phương tiện cho phù hợp. Như bạn nói: Dân tình đây không biết đạo, nào hiểu tội phước là gì, có đem cho họ ăn hoài cũng không có cơ hội khá lên để đừng nhờ nhỏi của từ thiện nữa. Bạn muốn dùng Pháp Thí chứ không ưng chúng tôi tài thí. Họ tối tăm như vậy bạn muốn đem dạy đạo cho họ liệu họ có chịu học không? Và học, họ có tiếp thu được không? Không học với học mà tiếp thu không được rốt cũng như nhau.
Đức Thầy là Phật lâm phàm, quán xét căn cơ của chúng sanh trong thời hạ nguơn sắp hết. Theo lý Tam Nguơn thì hạ nguơn là điểm cuối của một vòng quay để sang qua vòng quay khác, điểm cuối của nó từ thượng nguơn đổ xuống hạ nguơn, nhiều cặn bã xã hội tích tụ không phải đùa vào kẻ tục. Người tu nép mình trong cửa thiền môn đem lòng hoạt động cho Danh, Lợi, Tình lắm vị cũng bôi trai phá giới là cặn bã xã hội vô tới chùa. Thời kỳ mà Đức Thầy cho rằng “Người tâm trí tối đen, đời lắm ma vương khuấy rối”. Do chúng sanh đa dạng thì độ đời cũng phải nhiều cách nên Đức Thầy dạy chúng, dùng giải pháp độ đời bằng “Tam độ nhứt như”:

1, Trị bệnh để truyền giáo,2, thuyết pháp để truyền giáo, 3, viết Kinh Giảng để truyền giáo.
Đứng trước người mà trình độ giác ngộ về đạo đức không nhiều, ta có thuyết giảng cho họ nghe chưa chắc họ chịu nghe, viết bài khuyến thiện cho họ đọc họ cũng không màng đến. Nhưng khi họ lâm vào hoàn cảnh nghèo khổ, bệnh tật, mà ta đến cứu khổ họ bằng tiền của và sự trị bệnh, tư cách đạo đức trong ta có thể truyền qua họ không phải bằng lời mà bằng sự thiện cảm, thương cảm qua con đường vật chất. Họ có thể mở rộng ý thức căn bản để chiếu cố tình thương với kẻ đi ban bố tình thương không dụ lợi với mình. Như bạn biết, Đức Thầy dạy chúng sanh tu thành Phật hay vãng sanh về cõi Tây Phương là chuyện đã đành, sao lại đi phát tài trị bệnh độ chúng sống lâu trên cõi trần gian cát bụi nầy mà Ngài luôn vỗ về chúng sanh đừng tham đắm cõi hồng trần, mọi lúc sẵn sàng bỏ đây đặng về cõi Tây Phương. Nếu suy nghĩ như bạn, công cuộc độ đời của Đức Thầy dùng Tam Độ Nhứt Như đã hoàn toàn nghịch lý sao?
Trước một người bệnh chưa biết đạo đức tu hành là gì, trong khi bệnh hành hạ làm đau đớn xác thân, yêu cầu của họ là hết bệnh ta không giúp họ trị bệnh mà ở đó nói nhân nói quả do đời trước làm ác đời nầy chịu quả báo, đời trước ích kỷ tham lam đời nầy phải chịu cảnh nghèo nàn, họ nghe như mình bị sỉ nhục quá đáng. Đem Phật Pháp nhét vào lổ tai họ không đúng với yêu cầu của họ. Cách độ chúng như thế phải chăng cho uống lộn thuốc không? Viết bài “Thay lời tựa” Đức Thầy có đoạn “Nên phương pháp của ta tùy trình độ cơ cảm của tín-nữ thiện-nam, trên thì nói Phật-Pháp cho kẻ có lòng mộ đạo qui căn, gây gốc thiện duyên cùng Thầy tổ, dưới dùng huyền diệu của Tiên Gia độ bệnh để cho kẻ ít căn lành nhờ được mạnh mà cảm lòng Từ-Bi của chư Vị với Trăm Quan”. Đọc đoạn trích dẫn trên ta thấy vị thế của tài thí có dự phần đắc lực trong việc Pháp thí.
Trở lại vấn đề hôm nay, ví dù chúng ta hai người hai quan điểm nhưng cũng tiến đến mục đích chung với tâm nguyện giúp đời thì dù hai điểm cũng không làm mất lòng. Như bạn đánh giá dân tình xứ bạn rất tối tăm về Phật Pháp, cần mở lớp dạy đạo, học đạo họ sẽ tự khắc phục bản thân không lười biếng, giỏi chịu đựng sự nghèo thiếu, không ăn xài phung phí… Nếu không được khai trí, họ đói kém đem cho họ ăn no mà không cải thiện được lòng họ thì cho ăn mãi cũng không làm cái tâm đạo họ nhú lên. Tôi không tin là tâm đạo họ không nhú lên, bằng chứng là Đức Thầy đã thành công trong việc độ bệnh để truyền bá như câu chuyện Đức Thầy độ bệnh bà Chung Bá Khánh, vợ Anh Sinh, hay trị bệnh tà truyền thống ở xã Hưng Nhơn… độ bệnh hay độ nghèo khổ cũng là phương tiện dẫn dắt đến sự tu hành. Dù khởi đầu Đức Thầy không đề cập sự khuyên tu hay giảng đạo lý, chỉ là trị bệnh mà sau đó các bệnh nhân và thân nhân của họ đều là tín đồ thuần thành của PGHH. Đức Thầy có câu:
“Ông nào lòng dạ hải hà,
Động tình bác ái ra mà làm đi.
Giúp người đói khó nhu mì,
Dạy nó tâm trì niệm Phật làm ngay”.
Học theo cách của Đức Thầy thì cứu nghèo cứu bệnh cũng là cứu độ cái tâm cho họ tu hành và phương pháp Đức Thầy đưa ra dạy chúng dù đã trải nhiều thời gian vẫn được tiếp nối. Tôi đồng ý với bạn tu học Phật Pháp là con đường chính dẫn đến sự giải thoát toàn diện nhưng hềm gì trong chúng sanh tâm tính chẳng đồng nhau. Theo đạo Đức Thầy, ta nên áp dụng câu “Tùy trình độ cơ cảm của tín nữ thiện nam” mà phổ hóa đạo đức trực tiếp hay trung gian. Theo tôi, ở vào trường hợp của bạn dùng phương pháp mở trường dạy đạo cho lớp người tối tăm, lấm lem trần tục tôi thấy là hơi quá đà vì dẫn còn trong thời kỳ “Cửa thiền môn còn hỡi khóa then”. Ta hãy tính đến với họ bằng phổ hóa Phật Pháp nhưng không phải ở mô hình mở lớp dạy đạo mà bằng tâm tình và tâm sự, gởi gấm tiếng kêu Phật Pháp nho nhỏ có thể dễ đi vào lòng họ hơn. Khi lòng họ có hứng thú về đạo đức, sau nầy dịp may đưa đến ta mở trường dạy đạo cho họ cũng không muộn.
Ở đây chúng tôi đang cứu trợ nạn nhân nghèo đói bởi thiên tai là việc làm từ thiện nên từ thiện là mục tiêu chính. Bạn bảo cho họ ăn mà không cho họ đạo đức để chuyển hóa nghiệp chướng như vậy là bạn đã phụ rải việc làm từ thiện của chúng tôi rồi. Nhưng điều nầy chúng tôi không buồn bạn hay trách bạn vì chúng tôi biết bạn có chánh tâm về vấn đề truyền bá Phật Pháp để sớm chuyển hóa ác nghiệp thành thiện nghiệp cho cái xứ nghèo khổ nầy. Bạn bày tỏ là cố ý rủ ren tôi làm công việc mà bạn cho là đáng làm hơn, giải quyết từ gốc chứ không như chúng tôi hành động nhánh nhóc ngọn ngành.
Theo như anh nói: dùng tâm tình và tâm sự đạo đức, là thế nào anh có thể nói rõ hơn không?
Tâm tình: chữ tình được đánh thức từ trong tâm với lòng yêu thương mến mộ, bày tỏ tấm lòng của nhau. Tâm sự: của nỗi lòng, nỗi niềm, những thứ tình cảm được giấu kín chờ đúng đối tượng mới đem ra nói để chia sẻ. Đức Thầy chia sẻ tâm tình, tâm sự của Ngài qua những câu như sau:
“Thân khùng đem vắng khóc thầm,
Cựa mình cũng nhớ giấc nằm nào an.
Từ nay cách biệt xa ngàn,
Ai người tâm đạo đừng toan phụ Thầy”.
Bước đường độ chúng dầu gặp lắm chông gai của thế sự, trò đời, tình  thương chúng vẫn không thay đổi:
“Ta bước, bước đường gặp nẻo chông,
Mà không nản chí với nao lòng.
Dắt dìu nhơn loại câu huyền bí,
Bủa đức dạy đời rạng Á-Đông.”
“Nhìn dân châu lụy ủ ê,
Biết sao trút hết gánh về ta mang”.
Những lời tâm tình, tâm sự của Đức Thầy rất dễ chinh phục lòng người. Bạn nghĩ, ai đâu mà thương mình phải “đêm vắng khóc thầm” vì mình, đến độ “cựa mình cũng nhớ”? Thấy người lâm cảnh khổ, nước mắt ràng rụa mà thương, muốn lãnh hết cái khổ của những người đang “châu lụy ủ ê”. Nghe thế bạn lòng nào không cảm động mà làm cái gì đó cho Đức Thầy không còn “đêm vắng khóc thầm, cựa mình cũng nhớ” nữa.
Ngày nào chúng ta có được tấm lòng thương cảm, có những lời nói thương cảm, gây sự thương cảm đến người khác là ta đã và đang thực hành tốc độ bí quyết Pháp Thí trong khi chúng ta đang ở chỗ tài thí.

30/1/2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét