Thứ Bảy, 13 tháng 1, 2018

YÊU MẾN
Sự học hỏi dù ở lãnh vực nào cũng rất cần thiết nhưng quá ham kiến thức gặp ai cũng yêu cầu người ta nhồi nhét vô cho mình, học hỏi những điều không bổ ích cho môn học, đôi khi làm học trình chậm kết quả.
Một người từ lúc trẻ có ước mơ sống độc thân, thích ở riêng nơi vắng vẻ tập phản tỉnh tâm hồn mà kết giao với người thích đông vui, vợ chồng, họ bày tỏ sự đông vui, vợ chồng, nghe hoàn toàn ngược lại với sở thích của ta, đáng lẽ ta không tới lui thân mật, thôi sớm đi để đở mất thời gian vào những chuyện không đâu, mà tại cái gì đó níu ta lại, có thể là tình cảm ăn sâu, hoặc họ đã giúp đở ta rất nhiều về đời sống vật chất nên chưa thể từ chối. Đường đi về Phật Quốc trải dài mười muôn ức Phật Độ, thật quá xa, nếu hành giả bị tình cảm hay vật chất ghì níu không giãy sứt thì…
Người không ăn thịt cá đi qua chợ bán thịt cá, mùi hôi tanh khiến ta bụm mủi đi riết qua nhưng nếu ta kết giao và thường đến chơi trong khu chợ thịt cá riết sẽ quen hơi, không cảm thấy khó chịu khi vào chợ bán thịt cá nữa. Không tanh hôi không có nghĩa là khu chợ đó hết hôi mà do ngửi nhiều quen hơi thành ra bình thường. Cũng có thể như vậy, ta tự đề ra lập trường độc thân, tập trung sức mạnh tinh thần gánh vác đạo Pháp, lập trường tịnh tu nơi thanh vắng mà giờ sống gần gủi với những kẻ quá yêu đời, họ nói ra toàn cái chuyện vợ chồng, tình duyên trai gái, mèo mở, tiền bạc vui chơi. Rủ nhau đi làm từ thiện, cái tính vui chơi, yêu đời, tiền bạc, mèo mở hay bày ra giành đài, giành sân đôi khi bung ra những chuyện thằng cha nầy, con mẹ nọ… làm cho việc làm từ thiện chịu thiệt thòi về ý nghĩa, còn chưa nói, lập trường tịnh tu nơi thanh vắng đã có ít nhiều lung lay…
Đến họ, lúc đầu ta không muốn nghe thấy điểm sở trường của họ nhưng vì một lý do gì đó ta phải tự ép mình ngồi bên họ một cách miễn cưỡng nghe họ nói những chuyện những điều vô bổ cho sự học hỏi của ta. Điều trái ngược nầy nếu ta không sớm dứt để lâu ngày sẽ bị nhiễm nặng. Đó là lý do cổ nhân đã báo trước “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Còn theo Đức Tôn Sư, Ngài nói rằng:
“YÊU những kẻ tâm đầu ý hiệp
MẾN những ai biết kiếm đạo mầu”.
Hai câu giảng dẫn trên một câu có chữ “yêu” một câu có chữ “Mến”. Câu có chữ yêu là yêu ai? Câu có chữ Mến là mến hạng người nào? Lời Đức Thầy dạy được kết tập, đề tựa là Sám Giảng Thi Văn, ta đem chứng minh là sự chứng minh có căn cứ trên sách vở, nếu ta yêu mến ngoài cách chỉ dẫn của sách vở mà đạt được sự YÊU MẾN tốt đẹp chắc phải vất vả lắm.
Có những bạn rất thương người, thấy ai đi trong mưa ước ác lạnh lẽo thì chạy đến cứu mưa hỏi han thân mến nhưng nông nổi quá, đến cứu mưa cho người ta mà mình không mặc áo mưa, cũng không đem theo chiếc áo mưa nào dư cho người mắc mưa mặc. Rốt cược, kẻ bị mưa người đi cứu mưa đều bị mưa làm ước.
Thường thì người tu, lo dưỡng đức từ bi nhiều hơn việc làm thế nào để phát sanh trí huệ, phóng tâm thương hết những ai nghèo khổ, bệnh tật, nạn tai… xót xa lòng, muốn giúp hoặc trông có ai đến giúp. Nhiều vị còn đi xa hơn, không phải vì kẻ nghèo đói, bệnh tật, nạn tai; họ vui vẻ bình an trong vinh hoa phú quí và thừa tiền họ say sưa với vật chất, các vị cho đây là sự sa đọa và vì thế la cà đến đó đánh thức họ trong khi các vị không quan tâm sự đánh thức chính mình để xem mình đủ khả năng hành động lợi lạc đó không. Ngày nào có được việc làm từ thiện, từ bi ta cho như vậy là thể hiện yếu tính đạo đức, tu hành. Thực chất của đạo đức và sự tu hành là nâng cao sự nghiệp trí tuệ trên các sự nghiệp đạo và đời. Con đường ta đi làm từ thiện cũng phải có sức sáng soi tỏ rõ việc làm mới không bị lẩn khuất trong bống tối vô minh. Dầu sao, việc làm có ánh sáng tỏ rõ sẽ đạt kết quả tốt hơn người làm việc trong đêm tối, không thấy gì. Người ta lựa một đống đồ để theo thứ tự, rất cần có ánh sáng phơi bày chứ đêm tối, tối tăm thấy gì mà lựa. Chẳng phải Đức Thầy cũng đã dạy ta lựa đó sao:
“Ai ai cũng rán xét mình,
Nếu còn tánh xấu thì rinh ra ngoài.”
Ta yêu mến những người gặp hoàn cảnh khó khăn nghèo đói, bệnh tật, nạn tai… điều nầy chỉ xảy ra ở trường hợp nào đó xong rồi mất, nhưng yêu mến trong đối đải, kết giao bạn bè thân mật không phải là chuyện qua đường, ta muốn quên cũng khó được. Thế nên, Đức Thầy đặt tín đồ vào vị trí yêu chỉ là “Yêu những kẻ tâm đầu ý hiệp” thôi. Tâm đầu ý hiệp là cùng nhau một suy nghĩ, sở thích, phương pháp tu hành. Tính đồng thuận như vậy không gây xáo trộn tinh thần thì tinh thần mỗi lúc được tập trung sức mạnh, không dễ bị đời lôi cuốn, xâm nhập. Với kẻ tâm không đầu, ý không hợp ta có quyền thôi đi sự chơi thân với họ để tránh ảnh hưởng “gần mực thì đen”. Bằng như ta có ý nghĩ cao thượng, muốn dẫn dắt kẻ từ thuở giờ nghe nói tới đạo là không ưa, tu hành không thích; nếu chỉ là ý nghĩ cao thượng mà cao thượng chưa để nằm lòng thì hãy gò tu cho điều cao thượng ấy nằm lòng cái đã, vì những điều cao thượng để nằm lòng sẽ có sức mạnh hơn nếu chỉ là ý nghĩ. Đến khuyên tu những người còn đam mê danh vọng, ngủ vùi trong vật chất vinh hoa, ta có ý nghĩ không mê vật chất, danh vọng nhưng thật sự trong lòng mình chưa dứt hẳng chúng nó, ta chỉ làm được cái việc “tạm dừng” thôi, còn lúc nào tiếp tục thì chưa biết. Phá rừng mà người ta chỉ làm cái việc mé nhánh cưa cây, không đào lên tận gốc thì cái chỗ mé chánh cưa cây đâm ra chồi tược mới và sẽ thành rừng trở lại.
Ta biết ta đến làm thân đây là không phải chỗ tâm đầu ý hiệp thì ta nên coi lại mình trước khi đi. Coi mình còn thiếu cái gì để sắm đủ cho mình những thứ cần thiết bảo đảm sự bình an khi ta la cà với người ngoài sách vở hướng dẫn để tránh đi sự lôi cuốn ngược lại: chán đạo thèm đời.
Lập trường sẵn và chí đã quyết thì căn cứ theo đó mà hành động. Hạn chế cái bệnh ham học, đi học hỏi cho nhiều dễ mang tính phân vân, sức mạnh tinh thần bị phân tán dầu là phân tán bởi pháp môn thì pháp môn bị phân tán đều là sự hiện diện của phiền não lộng hành. Trong lúc ta tu Tịnh Độ sự cần thiết là chánh tâm niệm Phật, những pháp khác xen vào trong lúc hành giả trì lòng lục tự Di Đà chúng đều là phiền não đến chọc phá. Ví dù bạn tâm đầu ý hiệp có xuất hiện trong trí bằng những lời lẽ, ý kiến hay ho mà trước đây ta tâm đắc cũng đều là sự hiện diện của phiền não lấn chiếm tiến trình niệm Phật Tịnh Độ của mình. Trong tám con đường chánh của Phật dạy đi đến giải thoát có ba thứ chánh thuộc hệ tư tưởng: Chánh Tư Duy, Chánh Niệm, Chánh Định, mỗi thứ chánh vận hành theo chức năng riêng, Chánh Tư Duy có vai trò làm cho suy nghĩ chơn chánh, dẹp bỏ những suy nghĩ không chơn chánh. Chánh Niệm: theo sự giải thích của Đức Thầy là ghi nhớ chơn chánh, đạt đến chánh niệm, nhất tâm bất loạn. Cứu độ một hành giả tu pháp môn Tịnh Độ là chánh niệm chứ không phải chánh tư duy. Vì thế khi miệt mài hành đạo niệm Phật cần chánh niệm chứ không cần sự có mặt của chánh tư duy.

14/01/2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét