Thứ Năm, 16 tháng 2, 2017

TỪ BỆNH ĐẾN LÂM CHUNG

Kính chào chư đồng đạo! rất hân hạnh được quý vị từ xa đến thăm. Nếu quý vị có rộng thời giờ chúng ta hỏi han, tâm sự vài câu đạo lý để bổ túc cho nhau sự tu học qua giáo lý PGHH.
- Dạ thưa, lời nhắc nhở của đạo huynh là mục đích của chúng tôi đến đây. Thời giờ không rộng lắm nên chúng tôi xin được đi ngay vào vấn đề không qua thông lệ xã giao.
- Được, tôi cũng muốn vậy.
- Thưa Huynh,  một hành giả từ bệnh đến lâm chung họ không đủ sức tập trung tinh thần để niệm Phật là do đâu và đại huynh có lời khuyên gì với đồng đạo nầy?
- Những lời hiền đệ vừa thốt rõ ràng hai câu hỏi tóm lược thế nầy. 1, đã là hành giả tức người thường hành pháp môn sao lại không tập trung được sự niệm Phật ngay trên tuyến đường từ bệnh đến lâm chung là do đâu?  2, ở vào trường hợp nầy đại huynh có lời khuyên gì với đồng đạo tôi vừa nhắc?
Câu hỏi nầy tôi rất ngại trả lời, vì hiện giờ tôi còn mạnh mẽ, chưa biết ngày sau sẽ ra sao, có bị rơi vào trường hợp bất trị như đã kể trên. Người tu đổ công rất là nhiều trong việc kiên trì hành đạo nhưng nếu còn xảy ra một kẻ hở không tu thì kẻ hở ấy biết đâu chừng, sẽ có phiền não chen vào làm mưa làm gió, gây bất an trong lúc ta sắp sửa qua bên kia sông. Sắp sửa qua sông mà gặp chướng khó khỏi bị “trễ đò”.
Nói ra dễ mà thực hành thì rất là khó. Bởi vì khi ta nói không ai cấm cản nhưng đi vào thực hành thì có đấy, rất nhiều sự cản trở không như lúc ta lý luận. Sự cản trở của hành giả đang lúc bệnh là tứ chi đau nhức, tâm thần tán loạn. Hành giả cho dù quán triệt được xác thân nầy là của tạm mượn có ngày sẽ chết thì không sợ chết nữa, không làm bận lòng cho việc chết hay sống nhưng chưa chắc sẽ không bận bởi những thứ khác.
Còn thứ nào mạnh hơn việc chết sống?
Có những người không tu hành gì, họ xem cái chết nhẹ tợ lông hồng nhưng nặng thứ khác, như từ đây xa cách những người thân thương chẳng hạng, làm cho cõi lòng tan nát. Người tu quán thọ thị khổ đành rành, chết là một bài học đã học thuộc lòng, mới mẻ chi đâu, sẵn sàng bỏ thân nhưng có thể không sẵn sàng bỏ những quyến luyến, những điều hoặc người mình yêu thích nhất như cha mẹ, vợ chồng, con cái, ruộn vườn nhà cửa… là những thứ không mời mà nó vẫn kéo đến hiện hửu trong lòng làm choáng mất sự tu niệm hành giả đang cần. Niệm Phật ăn được lũ nầy cũng trầy vi tróc vảy chứ đâu dễ như lúc mình lý luận. Chúng ta thử đọc một đoạn trong bài thơ Đức Thầy viết cho cô Võ Thị Hợi sẽ không tránh nổi trăn trở lòng:
“Thầy thấy con nay đắm cõi trần,
Đường tu lơ lảng chẳng ân cần.
Thương thay công quả tu từ trước,
Nay lại bỏ đành gốc thiện căn…”
Câu có tính quyết định sự đổ vỡ là “Đường Tu Lơ Lảng Chẳng Ân Cần” từ đó vọng niệm chen vào không hay không biết; ta còn đây nhưng nó làm chủ, ta làm lính, nó chỉ huy. Ta ngoài còn khoác cái tướng đạo coi cũng ngon như ai mà bên trong chứa đầy giặc phiền não. Lúc mạnh mẽ hằng ngày còn không ăn được nó, khi bệnh hoạn sắp chết tới nơi tâm thần phân tán nó hoàn toàn làm chủ tình hình không dễ cho ta niệm Phật cầu vãng sanh Cực Lạc. Nên ở vào trường hợp của cô Võ thị Hợi Đức Thầy kết luận qua hai câu:
Ắt là hồn trẻ còn chi nữa,
Địa ngục trầm luân cách thượng tằng”.
Không phải chỉ có bao nhiêu đó làm trở ngại khiến ta không nhiếp tâm niệm Phật cầu vãng sanh; trong thời gian “Đường tu lơ lảng chẳng ân cần” lơ lảng việc tu bởi đam mê vật chất vinh hoa, có đam mê tất nhiên tội lỗi không sao tránh được. Ta còn sống đây chủ nợ chỉ đòi cầm chừng chớ không quyết liệt, lúc con nợ sắp lìa đời chủ nợ sợ mất của nên đến đòi vồn vập, gây áp bức mạnh. Cả hai thứ vừa đam mê vừa nghiệp ác giành giựt ta như vậy, khó mà nhớ Phật.
Bấy lâu ta đọc câu “Niệm chữ Di Đà tan chướng nghiệp” thuộc lòng mà gặp trường hợp hai thứ chướng đến đòi, niệm Phật được đâu mà mong tiêu tan chướng nghiệp? Chúng ta biết, có người lúc lâm bệnh cũng niệm Phật được nhưng khi nhớ khi quên, nhớ niệm thì TAN quên niệm thì TỤ, mà quên niệm lại nhiều hơn là nhớ niệm. Người mình hễ quên niệm Phật liền có niệm chúng sanh, còn niệm Phật nữa đâu mà mong Phật đến rước.
Đằng khác của niệm chữ Di Đà tan chướng nghiệp, người niệm Phật phải thành tâm, thiết tha với Đức Phật thôi, trong niệm Phật không bị lập lòe những niệm khác. Chính sự chánh tâm niệm Phật mới có công năng tan chướng nghiệp và công đức để phiền não không ló đầu ra quậy hoạn, nhẹ bổng lên cho Phật rước đi.
Vừa qua chúng ta bàn về nguyên nhân hành giả từ bệnh đến lâm chung không đủ sức tập trung tinh thần để niệm Phật vì “đường tu lơ lảng chẳng ân cần”. Giờ ta muốn ân cần nhưng trường hợp sai trái đã đi qua rồi, nó thành nợ nần chồng đống, muốn hết nợ không phải có ngay đâu; ta đi từng bước ăn năng hối cải và luôn luôn thắp sáng sự ăn năng hối cải trong lòng những vì ta phạm phải tội lỗi và những điều nào khiến ta mê nhiễm không tinh tấn tu hành. Thắp sáng sự ăn năng cải hối, một mặt bày tỏ tấm lòng của người biết mình làm những việc quấy cầu có sự tha thứ của chủ nợ. Cảm động tiếng thở than hối lỗi của con nợ, chủ nợ có thể xóa hoặc giảm nợ cho ta, một mặt ta không để vướng vào tình trạng tội lỗi và mê nhiễm nầy nữa. Ta niệm chữ Di Đà tan chướng nghiệp với tư tưởng hoàn toàn trả nợ chớ không gây thêm, trả dứt nợ cũ không sanh nợ khác mới gọi là tan chướng nghiệp.
Điều nầy rất quan trọng với người tu, Đức Thầy nhắc nhở cô Võ thị Hợi:
“Chẳng sớm về nhà lo sám hối,
Cầu trên Phật Tổ giải mê căn.
Ắt là hồn trẻ còn chi nữa,
Địa ngục trầm luân cách thượng tằng”.
Đọc đoạn khuyến tu nêu trên, trong khi con người vướng nhiều tội chướng, tự mình vùng vẫy với nợ nần chồng đống để được tỉnh tâm niệm Phật coi bộ trăm sự khó khăn, trường hợp như vậy hãy nên “mau sám hối” là trước hết rồi sau mới “cầu Phật giải mê căn”. Cũng giống như bài nguyện quy y trước bàn thờ Phật “…Nay con nguyện cải hối ăn năng làm lành lánh dữ, quy y theo mấy ngày tu hiền theo Phật Đạo”.
Người trong cửa đạo lâu năm chuyên tu tịnh hạnh lòng không màng danh lợi hay suy nghĩ lung tung về những duyên sự đời. Cải hối ăn năng đã có, từ rày không gây thêm, trả hết nợ chừng lâm chung không bị tuồng đời gò bó, thông thả đi theo Phật về cõi Phật.

17/2/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét