Thứ Hai, 20 tháng 2, 2017

CỜ NGUY NGỰA CHỐT ĐÁNH DỒN

Thưa chú, Thi văn Giáo Lý Đức Thầy có câu “ Cờ nguy Ngựa Chốt đánh dồn, trước sau cũng chữ vong tồn an nguy”. Dạy đạo chúng sanh nói như đi đánh trận, cháu không hiểu nổi dụng ý của Đức Thầy, xin chú hoan hỉ dẫn giải giùm.
Trước khi giải thích từ ngữ xin mời quý vị cùng tôi lần tìm lý do vì sao Đức Thầy hạ bút gai câu thơ giảng tuồng như đi đánh trận, bày ra trên bàn cờ tướng và con Ngựa, con Chốt giữ vai trò gì trên chiến trận của quân cờ trong bàn cờ. Thưa quý vị! hai câu thơ giảng đồng đạo vừa nêu lên nằm trong bài CẢM TÁC Đức Thầy sáng tác bài nầy trong khoảng giữa của cuộc sống lưu cư, sự lưu cư được Đức Thầy tâm sự qua LỜI NÓI ĐẦU cho quyển sáu như sau:
“Năm năm trường xa cách, cái chánh-sách áp-bức tôn-giáo gắt-gao của người Pháp làm cho tôi không được gần-gủi các người hầu giải-bày tường-tận Tôn-Chỉ Hành Đạo của tôi”.
Đức Thầy khai sáng đạo Phật Giáo Hòa Hảo ngày 18-5-Kỷ-Mão 1939, dân chúng gần xa ngày ngày đến Đức Thầy xin thọ giáo quy y; thời gian kéo dài chưa đầy một năm, mới 12-4 Canh-Thìn 1940 cò Bazin sở mật thám Pháp và ông quận trưởng quận Tân Châu đến nhà Đức Ông dời Đức Thầy đi khỏi làng Hòa Hảo. Sự dời chỗ một cách bắt buộc, dụng ý của quân chinh phạt là giải tán đám đông quần chúng mỗi ngày đến nghe Đức Thầy giảng đạo, phát phù trị bệnh vượt quá giới hạn kiểm soát của họ, nên cách đối xử đó không riêng vì ở làng Hòa Hảo, Đức Thầy bị đưa đi đâu, hễ quần chúng hay tin tìm đến quy y, học đạo, một là tỏ thái độ cứng rắn ngăn cấm để hạn chế bớt lượng khách đến viếng Đức Thầy, hai là, nếu quá sức chịu đựng họ sẽ dời Đức Thầy đi nơi khác nữa. Bằng chứng đó, ta đọc bài TẠM NGƯNG LÝ Lsẽ hiểu căn nguyên. Bài nầy có chú thích (vì nhà cầm quyền ở Bạc Liêu buộc ràng, dòm ngó):
“Gặp lúc truân-chuyên lắm buộc ràng,
Cảm tình bổn-đạo tiếng riêng than.
Tạm ngưng lý lẽ trong cơn túng,
Xin chớ ưu sầu cuộc dở-dang.
Nghĩ cuộc đời lương-tâm càng cố-gắng,
Lòng ta sao rối-rắm cuộc tằm-tơ.
Vì đâu nên nỗi hẫng-hờ,
Với người tha-thiết đợi chờ ngoài song”.
Sự khó khăn do nhà cầm quyền Pháp gây ra là biểu hiện cho CỜ NGUY. Lúc Đức Thầy bị đưa đi sống nhờ trong nhà của Ông Bà Ký Giỏi, vị tiểu thơ trong nhà nầy báo tin hủy bỏ hôn ước với bên nhà chồng, tạo một cú sốc cực mạnh cho Ông Nguyễn văn Ngọ thông gia đàng trai. Họ nghi kỵ Đức Thầy làm cản trở cuộc hôn nhơn sắp đi đến lễ cưới với những lời lẽ đắng cay, oán trách. Tuy ta không nghe những lời lẽ giận giổi của Ông Nguyễn văn Ngọ nhưng đọc một đoạn trong bài CẢM TÁC sẽ hiểu rõ những lời bạ miệng của Ông ấy :
“Lòng ta trong sạch người ơi,
Người sao chẳng xét luận lời phi ngôn.
Cờ nguy ngựa chốt đánh dồn,
Trước sau cũng chữ vong-tồn an nguy.
Tỏ lời tâm huyết lâm-ly,
Mong ai ngộ-nhận quyết nghi duyên trần.
Sự chỉ trích, nghi kỵ, luận đàm tương lai…chính là biểu hiện của ngựa chốt đánh dồn.
Thưa quý vị! chúng ta đã tìm được nguyên do khiến Đức Thầy hạ bút hai câu dẫn trên, giờ chúng ta chú thích từ ngữ để xem sự lợi hại của quân cờ trong bàn cờ và Đức Thầy dù bị ngựa chốt đánh dồn dập Ngài cũng thắng được cuộc chơi cờ “an nguy”.
Cờ nguy: Cờ đây không phải là biểu tượng của quốc gia, màu cờ sắc áo mà là con cờ trong bàn cờ tướng; nguy: tình thế bất lợi xảy ra như nạn nguy hay có nguy cơ phá sản. Nói cờ nguy tức nói trong bàn cờ, sự đi cờ của phía đối phương dùng sức mạnh tấn công, ta trong thế yếu, điều bất lợi hiện ra trước mắt.
Ngựa: loại súc vật có tính năng chay nhanh. Lúc xưa, thế giới loài người chưa phát minh xe tàu, máy bay, để duy chuyển nhanh thì ngựa là nhanh nhất. Ở đây, ngựa là một quân cờ được bố trí trong bàn cờ với hành động lẹ làng, nhanh nhẹn tiến thủ; nước đi của nó là đi cách mức, xéo qua xéo lại vùn vụt trong chiến đấu.
Chốt: Quân cờ đi thẳng, từng bước, không thì ở tại chỗ, có chết cũng ở tại chỗ chịu chết chớ không được phép đi lùi.
Trong bàn cờ, ngựa đánh xéo qua xéo lại vùn vụt còn chốt đi tới chớ không đi lui, ứng binh đánh dồn dập, phía đối phương khó mà chống cự. Trong trường hợp nầy, Đức Thầy lại ở vào vị trí bất lợi bởi chánh quyền thuộc địa ép buộc Ngài phải “Lìa quê tách bước xa ngàn”. Lâm phàm là để dạy đạo cứu độ chúng sanh thoát khỏi luân hồi quả báo, ở tại quê hương Hòa Hảo rất thuận lợi cho việc thu nhận tín đồ, ngày ngày dân chúng kéo đến Ngài xin được quy y, nghe Pháp, hoặc nhờ trị bệnh, rần rộ, hân hoan. Quân chinh phạt không muốn cho Ngài thực hành sứ mạng cứu độ chúng sanh, đã bị đày đi xa mà đất Trời dường chưa hài lòng, đưa chuyện trần ai dấy lên ngọc thể của Ngài.
Tóm lại, đại ý hai câu trích hỏi trên, Đức Thầy lâm phàm giữa lúc quân chinh phạt Pháp đóng chiếm bờ cõi Việt Nam, dân tình khốn khổ Đức Thầy ra tay cứu khổ chúng sanh họ lại không cho, dời Ngài đi xa xứ để cắt đứt dòng chảy của nhân dân đến với Ngài, sự tỏ thái độ quyền lực của quân Pháp đối với Ngài là “Cờ nguy”; đã đi xa xứ còn thêm bị lời đồn đãi làm cản trở cuộc hôn nhơn của người khác , đã thể hiện rõ trong câu “cờ nguy ngựa chốt đánh dồn”. Nhưng Đức Thầy là Phật lâm phàm dạy chúng, có bị tuồng đời bày trận cho thua, mà rốt cũng thoát trận biến nguy thành an gọi là “An Nguy”.

22/2/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét