Thứ Hai, 25 tháng 7, 2016

NIỆM PHẬT CẦU VÃNG SANH
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
Kính thưa chư đồng đạo! Hôm nay chúng ta bàn qua đề tài Niệm Phật theo tôn ý của Đức Thầy, có hai hướng Niệm Phật như sau:
1, Niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh Độ
2, Niệm Phật bản lai, hiển lộ Phật tánh, đắc Phật của chính hành giả.
Ra đề như vậy nhưng thời giờ của buổi nói chuyện có hạng, e chúng ta phải thiếu nợ cách niệm Phật thứ nhì cho một dịp may khác.
Niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh-Độ.
Từ khi Đức Phật Thích Ca đắc đạo Vô Thượng Bồ Đề Ngài giới thiệu cõi nước Cực Lạc (cũng gọi là Cõi Tịnh-Độ hay Tây Phương) tính nay đã trải qua gần ba ngàn năm mà pháp môn cầu vãng sanh vẫn còn tồn tại và phát triển tốt. Bởi sự ưu việt của pháp môn phù hạp căn cơ chúng sanh mà sau Đức Phật nhập Niết Bàn chư tổ chư sư tiếp tục ra đời hưng truyền pháp môn niệm Phật với vô số người vãng sanh Phật quốc. Dưới đây là câu chuyện điển hình:
Ấn Quang Đại Sư người Trung Quốc chuyên lòng niệm Phật cầu sanh Tịnh Độ. Sức Niệm Phật chí thành của Đại Sư đã cảm ứng lên Đức Phật A Di Đà nên biết trước ngày quá vãng. Là đại sư trong chùa Ngài làm hoàn tất thủ tục truyền thừa người kế vị đâu cho xong đó để dân chúng tin không nói là chết bất đắc kỳ tử. Ngài cho mời tăng chúng đến Linh Nham Tự, có mặt đầy đủ tăng chúng đại sư truyền thừa Hòa Thượng Diệu Chơn kế nhiệm trụ trì. Hòa thượng Diệu Chơn và cả tăng chúng y lời. Ngày kia, mùng 4 tháng 11 năm dân quốc thứ 29, đại sư phát bệnh cảm thường, bệnh không cản trở việc sư tinh tấn niệm Phật. Sắp đến giờ Phật rước sư kêu đệ tử đem nước lại cho sư rửa tay. Rửa sạch sẽ sư nói: Phật A Di Đà Đã Đến rước, chào mọi người tôi đi. Nói xong Sư bước thông thả lại bồ đoàn ngồi kiết già chấp tay niệm lục tự Di Đà an nhiên thị tịch, thọ 80 tuổi.
Kể từ Đức Phật, chư tổ chư sư cho đến ngày nay dù đã vô số người niệm Phật vãng sanh Tịnh Độ, khoảng cách quá xa từ cõi Ta Bà về Tây Phương Phật, không gian rộng lớn mười muôn ức Phật Độ đáng lẽ phải thu ngắn cho hành giả dễ đến mà chưa có sự thu ngắn nào. May mắn thay! Cuối buổi hạ ngươn đời nhiều cặn bã lại có một cổ Phật lâm phàm xét căn cơ chúng sanh phải than “Người tâm trí tối đen, đời lắm ma vương khuấy rối”. Người và đời như vậy chỉ có phương pháp niệm Phật mới có thể cứu họ. Ngài đưa ra phương cách Niệm Phật cầu vãng sanh về Phật Quốc mà nhiều học giả cho đấy là “con đường tu tắt” như sau:
“Lòng thương chúng thuyết phương tịnh-độ
Đặng dắt dìu tất cả chúng sanh.
Nếu như ai cố chí làm lành
Chuyện niệm Phật cầu sanh Phật quốc.
Cả vũ trụ khắp cùng vạn vật
Dầu Tiêm Phàm Ma quỷ sức sanh,
Cứ nhứt tâm tín, nguyện, phụng hành
Được cứu cánh về nơi an dưỡng.
Chỉ một kiếp tây phương hồi hướng
 thoát mê đồ dứt cuộc luân hồi”.
Bởi “người tâm trí tối đen”, chỉ rõ ràng e còn lắm kẻ nghi ngờ nên Ngài đành thố lộ thân phận là ai, từ đâu đến:
“ Tìm Cực Lạc đây rành dường ngỏ
Hãy mau mau tu tỉnh mới mầu”.
“ Đức Di Đà truyền mở đạo lành.
Bởi vì Ngài thương sót chúng sanh,
Ra sắc lệnh bảo ta truyền dạy”.
“ Có người tu niệm đáng thương,
Điên mới chỉ đường Tịnh Độ vãng sanh”
Những câu trích dẫn trên có những từ ngữ: rành đường, chỉ đường, sắc lệnh, dạy niệm Phật … đã quá đủ để ta tin Đức Thầy từ bên cõi Cực Lạc lâm phàm:
“ Bồng Lai điên dại có ngôi
Tây-Phương Cực-Lạc khùng ngồi tòa sen”.
Niệm Phật A Di Đà cầu vãng sanh phải đi cùng ba yếu tố Tín, Nguyện, Hạnh đầy đủ. Đội ba chủ lực nầy ở các kinh sách Phật Học thuộc Tịnh Độ Tông và những vị giảng viên có bàn qua nhiều chắc ai cũng hiểu nên đây miễn phần chi tiết. Chúng ta đi vào thực hành với ba điều quan trọng:
1, Khởi tâm chận đứng các vọng niệm
2, Thường niệm Phật
3, Lòng khát niệm Phật.
- Thế nào là khởi tâm chận đứng các vọng niệm?
Lúc chưa tu hay chưa tu pháp môn niệm Phật thì vọng niệm trong ta chồng đống, như nhà bỏ hoang đầy rác bẩn. Chận đứng tức thời kỳ đầu sửa sang dọn dẹp thứ tự, nhà có chủ lại. Ví dụ theo đạo thì phải chận đứng dòng đời, chận đứng những thói quen bị cám dỗ, thói hư tật xấu. Người ta niệm Phật không được yên, không lâu bền phần lớn cũng vì hấp tấp vội vàng chưa có sửa sang dọn dẹp thứ tự đâu đó; nói nhập thất một tuần niệm Phật mà vài bửa là vọng niệm đẩy ra rìa. Ví như ta có thẻ nhớ, lúc còn đời ta thu toàn là nhạc, vọng cổ, cải lương; vào đạo, những thứ nầy ta coi là đồ ăn hại không xài nữa. Không xài mà để đó coi chừng có ngày tâm tu còn kẻ hở len lén mở nhạc, bệnh cũ tái phát là nguy to, hết cứu. Hồi còn đời thẻ nhớ chép nhạc, cải lương, nay theo đạo rồi thì đáng lẽ phải cho có thẻ nhớ Kệ Kinh, Niệm Phật. Muốn chép kệ kinh niệm phật vào thẻ nhớ nhưng thẻ nhớ ấy đã chứa đầy dữ liệu làm sao mà chép vô nữa được, phải xóa hết các dữ liệu nhạc cải lương cho trống phộc, coppy Niệm Phật Kinh Kệ,  pass vào thì thẻ nhớ toàn là kinh kệ niệm Phật, mở ra không còn cải lương cải liếc vọng cổ vọng kiết vì nữa cho mà mê nhiễm, Nam Mô A Di Đà Phật thẳng đường.
- Thế nào là thường niệm Phật?
Muốn được niệm Phật đến trạng thái nhất tâm bất loạn không phải từ chỗ ngoài đời sôi nổi vọng niệm gào thét ầm ì nhảy vào tu niệm một chút là đạt nhất tâm đâu! Đã tu niệm lâu, tương chao tàu hủ đầy người đến giây phút quyết định vãng sanh mà niệm còn không nhất tâm lựa là tu kiểu cà lơ phất phơ mà được. Muốn nhất tâm bất loạn thì trước phải thường niệm, niệm một niệm Phật là bỏ bớt một vọng ra, thu ngắn đoạn đường Tây phương lại, càng Niệm Phật là càng thu ngắn, ngắn, ngắn… để lúc “mãn kiếp hồng trần” không tìm đâu xa, bước một bước tới cõi Cự Lạc. Rất là nhẹ nhàng:
“Nhứt cú Di Đà vô biệt Niệm
Bất lao đàn chỉ đáo Tây Phương”
Mỗi ngày sắp xếp có mấy cử tịnh tọa thì đâu hết thời giờ trong ngày, ta còn phải làm lụng, ăn uống, ngủ nghỉ… Không phải mấy cử tịnh tọa là xong mà phải tịnh trong đi, đứng, nằm, niệm phật tiếp tục trong ba oai nghi còn lại. Ăn cơm là ăn bằng miệng chớ đâu phải bằng tâm thì hãy niệm Phật bằng tâm ngay lúc ăn cơm cũng được, đi đâu thì di chuyển bằng chân, tâm không bị động phạm tới thì hãy cho nó niệm Phật trong lúc đi vậy, nằm nghỉ hay chờ ngủ giờ phút rảnh rang đó hãy niệm Phật cho đến chừng ngủ thì ngủ. Nếu không niệm Phật trong lúc rảnh rang ấy thì vọng niệm đến kè, nghĩ ngợi lung tung trước khi ngủ, cái trớn ấy mà thức vậy thì cũng suy nghĩ lung tung nữa thôi. Để vọng tâm náo loạn như vậy lâu, tới cữ ngồi tịnh tọa khó mà giải quyết yên ổn đám giặc loạn lúc nào cũng ở cập kè. Ta phải thường niệm hơn nữa để lấp bớt những khoảng cách không có tịnh tọa, khoảng cách ấy thường là những sinh hoạt, chặt củi nấu cơm, lau nhà quét dọn hay công việc đồng án, hãng xưởng… Hãy niệm Phật trong các khoảng tróng đó để cái trớn niệm Phật có hoài riết sẽ thuần.
Đừng bảo rằng thường niệm phật như vậy còn giờ đâu để làm, có gì mà ăn? Quý đồng đạo ơi! Làm ăn đi lại bằng tay chân còn niệm Phật là sử dụng cái tâm, hai thứ đâu cản trở nhau, tại ta không kiên quyết mà đổ thừa chớ sự thật rõ như ban ngày, nếu không niệm Phật thì sẽ niệm thứ khác, niệm thứ khác trong khi làm lụng sao ta không đổ thừa do vọng niệm những thứ khác đó mà làm việc không được ???
Có khi vọng niệm thét gào, đương làm ăn đó bỏ đi chơi cờ bạc, mầng không kịp thây kệ, bỏ đi để nghe đài sổ con số gì, làm công sở mà nhớ … bạn tình, làm không đạt… không lâu bị đuổi việc. Những điều nói trên là bằng chứng trước mắt, cũng vì vọng niệm bên ngoài trong khi làm khiến cho mất việc, tan nhà nát cửa sao ta không đổ thừa vì vọng niệm quá mà nghèo đói lại đổ thừa thường niệm Phật là sao? Người thường niệm Phật thì không giàu nhưng chắc chắn sẽ đủ ăn đủ sống. Tuy làm ít mà không dính vào tứ đổ tường, chơi bời thứ nầy thứ nọ thì đâu hao tiền, làm lai rai cũng dư ăn mà tu không sợ nghèo đói.
Có ai không niệm Phật và cũng không niệm gì khác được không? Trừ những bậc tu hành phát huệ làm chủ được mình vào chánh định mới “Bất động như như”. Chúng ta không sánh với các bậc ơn trên đó được, trình độ tu tập của ta đang ở mức thấp, sùng chánh truất tà còn chưa xong, lòng đục ngầu những ác và các thứ dục vọng thì ta phải thường niệm Phật nếu không là niệm ma chen vào cắt đứt chính niệm hoài hoài, việc nhất tâm bất loạn khó thể thành đạt.
Ta đừng để mắc bẫy vọng niệm. Niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh Độ là phải tập cho thường niệm rồi mới thuần niệm, không có thường niệm sẽ không có thuần niệm và như thế không có nhất tâm bất loạn cho mà trông.
Thế nào là khát niệm Phật?
Quý vị có ai bị khát nước lâu mà không có nước uống chưa? Hãy suy nghĩ đến điều đó. Khi con người đã quá đói ăn khát uống lúc nào cũng nhớ đến ăn uống. Tấm thân tứ đại lúc nào cũng bị rược đến chỗ tử, mỗi ngày đã qua là mỗi ngày gần đến cái chết một bước. Khổ như vậy là đủ biết, chịu tử một lần nầy thôi không sanh lên cho có tử nữa đâu. Niệm Phật để “Về Cực Lạc mới là hết khổ. Vậy hãy thèm khát niệm Phật để lúc nào cũng nhớ niệm như người đói cơm khát nước lúc nào cũng nhớ đến ăn uống. Người niệm Phật có khoảng cách, thưa rỉnh xa mới nhớ Phật một vài câu tại vì không khát niệm, thực hành thì mỗi lúc nhớ Phật sâu vào, sâu tới bên trong chỗ chỉ có nhớ niệm Phật chớ không còn nhớ gì khác, sẽ đi đến nhất tâm bất loạn.
Hãy tập cho tâm nhạy bén về sự niệm Phật, nhạy để khi vừa mất niệm Phật là hay, mất Phật trong tâm quá lâu mới hay là không nhạy. Trong khi không có Phật thì niệm ma chen vào, gặp nó mà chặt cái một không đứt là dao không bén, là trí huệ lô cal. Khát niệm Phật, hễ hay câu niệm Phật mất là tìm lại liền, hay đứt là nối lại liền, hay rớt là chụp lại liền. Đừng bao giờ thấy mất để mất thêm, hay đứt để đứt thêm, hay rớt để rớt thêm. Hãy cương quyết như thế mà hành động lâu ngày câu niệm sẽ bớt mất, bớt đứt, bớt rớt; trụ tâm một buổi không mất, không đứt, không rớt câu niệm Phật, dần dần vào nhứt tâm bất loạn, giữ như vậy chừng thọ mạng mình hết, vãng sanh tịnh độ là chắc chắn.
Kính chúc quý vị tinh tấn niệm Phật thường.
MAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
26/7/2016




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét