NÊN CÓ TU SĨ KHÔNG?
Tọa Đàm trực tiếp nghe nói bằng chính giọng nói của người yêu cầu
hay đọc email mà biết, người ta đã gởi gấm nhiều hy vọng sự giải trình một câu
hỏi về Tu Sĩ trong PGHH. Đọc, nghe lòng tôi có chút xao xuyến nhưng chưa hứng
thú cầm bút hay gỏ vào bàn phím computer. Mới đây, tôi được mời gặp một số đồng
đạo trẻ, tuổi đáng cháu, trong buổi gặp các cháu nói với tôi là rất dị ứng khi
đã áp dụng danh từ Tu Sĩ với tính cách “xưa bày nay bắt chước” thì bị người ta
không niềm nở. Nghe nói mà tội nghiệp! Nhìn sắc thái của các cháu hiện lên biểu
cách Tu Sĩ, tôi trông các cháu có nhiệt huyết phục vụ vì lợi ích của đạo, làm nên
sức phát triển tôn giáo, muốn cống hiến công sức vào đạo qua nghiệp vụ chuyên
môn của giới tu độc thân lại bị trả giá rất thấp bởi những người anh em “Con
Một Cha”. Nghe các cháu nói câu “xưa bày nay bắt chước” làm tôi chợt nhớ chuyện
xa xưa, lòng liền sanh hứng thú. Tôi nói:
Vậy hôm tôi nói chuyện với cháu về tên gọi Tu Sĩ trong PGHH phát
xuất từ đâu nhá!
Để bàn về tên gọi “Tu Sĩ” tôi xin đưa ra một số thắc mắc mà tôi đã
bị hỏi trước đây
- Trong Đạo PGHH có Tu Sĩ không?
- Nếu có, bắt nguồn từ giáo lý PGHH hay phải đi qua lối rẽ nào?
- Nếu không, sao trong
tín đồ PGHH người ta vẫn dùng gọi nhau là Tu Sĩ?
Theo tôi, không thể phủ nhận việc trong đạo PGHH có hàng Tu Sĩ và
càng không thể phủ nhận sự hiện diện của những tu sĩ lớn tuổi, xưa đã đem sức
đóng góp cho giáo hội, sinh hoạt tôn giáo qua các ban, ngành từ thiện hay
truyền bá giáo lý.
Bắt nguồn từ Sám Giảng Giáo Lý hay do một lối rẽ nào?
Sự thật, trong quyển Sấm Giảng Thi Văn Giáo Lý toàn bộ chưa đọc
thấy câu nào Đức Thầy nhận có Tu Sĩ.
Tìm hiểu danh từ nầy trong các thư tịch, có sách khi viết về đạo
Bà La Môn đã đề là Các Tu Sĩ Bà La Môn, Với Đức Phật Thích Ca, có khi người ta
gọi Ngài là Tu Sĩ Cồ Đàm. Sau Bà La Môn Giáo và Đức Phật Thích Ca, ở Đạo Công
Giáo cũng dùng danh từ Tu Sĩ. Tất cả sử dụng chung một ý nghĩa, là những vị
tu độc thân, cốt cán trong giáo hội để gánh vác các công việc làm phát triển
tôn giáo. Giáo hội mà thiếu
thành phần tu độc thân nầy, đem sự phát triển tôn giáo mà đưa cho quý vị tín đồ
có vợ có chồng con cái đùm đề, đến một lúc có hai công việc đời và đạo thì họ
ưu tiên cho việc nào? Nếu như giáo hội có yêu cầu về công tác sinh hoạt giáo sự
mà hẹn để “tính lại công chuyện nhà xem có rảnh không” thì Ối thôi rồi! Đó còn
chưa nói về hạnh cách của vị Tu Sĩ là chuyên tu, nghiêm gìn giới luật, hết lòng
vì Đạo, giữ vững lập trường “lạc đạo an bần xã thân tu tỉnh” để làm một tấm
gương sáng theo lời dạy của Đức Thầy. Thử hỏi: Các giảng viên trong ngành
truyền bá giáo lý, thuyết qua đề tài “ lạc đạo an bần xã thân tu tỉnh” có thể
giao được cho những Ông Bà tín đồ con vợ đùm đề không?
Bách Khoa Toàn Thư nhận rằng “Tu sĩ hay nhà
tu hành, thầy tu là người tu dưỡng tôn giáo khổ hạnh, sống một mình hoặc với một nhóm các thầy tu
khác trong tu viện. Thầy tu có thể là người cống hiến cuộc đời mình để phụng sự
chúng sinh hoặc là một người tu hành khổ hạnh tránh xa trần thế để sống cuộc sống cầu nguyện và chiêm nghiệm cuộc
đời”.
Tính từ năm 1964 về trước nhất là trong vòng pháp nạn của thời Ngô
Đình Diệm 1954 – 1963 ngoại trừ đạo Công Giáo, các đạo khác bị chính quyền Ngô
Đình Diệm cho hoạt động như một hội từ thiện bởi đạo dụ số 10 và sắc luật 002.
Sau khi nhà nước gia đình trị cáo chung, sức mạnh tôn giáo PGHH được phục hưng,
thành lập ban trị sự. Vì yêu cầu cho sự phục hưng nền đạo, thấy cần có những
người tu độc thân hiến mình cho đạo, gánh vác những trọng trách. Ban trị sự
trung ương họp bàn, sau cùng đi đến quyết định có Tu Sĩ trong các sinh hoạt của
giáo hội PGHH. Một vị Tu Sĩ có danh sớm nhất ở cấp trung ương ngành phổ thông
giáo lý là Tu Sĩ Thiện Tâm tác giả của “Mười Điều Ơn”, bút hiệu của Ông Bùi văn
Ưởng.
Hàng loạt giấy “Chứng Minh Thư hoãn dịch” vì lý do tôn giáo của
Ban Trị Sự Trung Ương cấp ra (nay gọi là nghĩa vụ quân sự). Tôi lúc đó cũng có
một vé vào, đề tên họ… Tu Sĩ trị sự viên phổ thông giáo lý của BTS giáo hội PGHH,
đã có gởi hồ sơ xin hoãn quân dịch lên chuẩn tướng giám đốc Nha Động Viên Việt
Nam Cộng Hòa.
Tôi xin kể cho các cháu nghe một lần tôi bị “thử giấy”. Nếu tôi
nhớ không lầm là vào khoảng mùa đông năm 1973, là Tu Sĩ xuất thân từ một gia
đình không dư giả, làm việc ở phổ thông giáo lý là thiện nguyện, tôi xin phép
ngành đi cắt lúa mướn xa nhà. Cắt xong một vụ lúa mùa, trên đường về bị một
toán rất đông những cơ quan chánh quyền: cảnh sát áo trắng, cảnh sát áo rằn,
nghĩa quân, sư đoàn và còn có cả quân cảnh xuống trạm ở khoảng giữa kinh 9 kinh
10 vùng Bảy Thưa. Hầu hết ghe tàu đều bị chận xét bắt quân dịch những thanh
niên còn trong độ tuổi cầm súng đưa ra chiến trường. Đi đường, ở độ tuổi đó thì
ai cũng biết mà tránh. Các ghe tàu bị chận xét đều không có thanh niên trúng
tuổi, những võ đò đưa rước khách đứng mũi chịu sào hay coi lái cũng đều là
thanh thiếu nữ. Dưới đò chỉ có tôi và một chú ngoài tuổi quân dịch là nam nhân
còn hầu hết đều là phái nữ. Bị mời lên trạm, tôi giới thiệu mình là một tu sĩ
làm việc ở ngành phổ thông giáo lý của BTS giáo hội PGHH. Họ hỏi tôi có giấy tờ
chứng minh không, tôi đáp có và móc giấy chứng minh thư hoãn dịch ra.
Giấy có hình và dấu mọc nổi ấn lên hình. Họ nhìn mặt tôi, nhìn hình trong giấy
đúng mặt rồi trả giấy lại, kêu tôi đi. Dưới chiếc đò dọc chạy từ Ba Thê về Chợ
Mới một số khách ngồi chờ lâu không thích, thúc cô chủ đò bỏ tôi nhưng cô chủ
đò đinh ninh rằng tôi sẽ được bình an trở lại đò. Cô khuyên bà con chờ thêm một
chút. Đúng như vậy, thấy tôi xuống đò bà con mừng rỡ như đón thân nhân đi xa về.
Thử giấy một lần đã ăn, lần thứ hai cũng…ăn mà hơi “bầm
giập”. Hành trình chưa xong, đò chạy tới đầu vàm kinh xáng Cây Dương, ra
sông lớn quay hướng về Chợ Mới thì có một chiếc tàu tuần Giang Cảnh đậu chơi
vơi giữa sông ra dấu hiệu gọi xét đò. Hai cô nữ chủ đò tôi nghiệp, bị có tôi mà
đi không trơn. Ghé lại cô đứng mũi cầm dây cột đò bước qua chiếc Giang Cảnh.
Lính giang cảnh kêu tôi lên tàu của họ, cô ở lái chen giữa hai hàng người ngồi
đi lần ra mũi đò nan nỉ hàng hai với mấy chú lính giang cảnh: Ông đạo đây là Tu
Sĩ mới bị xét giấy ở trạm trong, Ông có giấy chứng minh trình lên là trạm trong
cho đi ngay. Các anh làm ơn làm phước sau vợ đẻ con trai, đừng chận xét nữa có
được không, mất thời giờ, bửa nay về trễ lắm rồi đó. Nghe cô lái đò nói chuyện
có duyên, mặt mấy tên giang cảnh rất vui. Trông chừng họ muốn cho tôi đi mà
không cần phải hỏi giấy nhưng tên thuyền trưởng cầm lại để có đôi câu qua lại
với cô chủ đò, hắn mời tôi vào trong muôi tàu kêu xuất trình giấy tờ và cô chủ
đò cũng đi theo nói đẩy nói đưa chút chuyện. Tôi móc đưa giấy Chứng Minh Thư
hoãn dịch ra đưa, tên thuyền trưởng cầm giấy lật qua lật lại cô chủ đò nói: trả
giùm cho em đi nhanh mấy anh ơi, trễ đói quý cô bác là các anh có tội đó. Tên
thuyền trưởng nói: dựa vào giấy nầy là chưa được, chỉ mới có cấp cao bên đạo
ký, thôi lỡ lần đầu tôi tha Ông đi, sau nầy chờ chừng nào phía giám đốc nha
động viên cấp thì mới có hiệu quá. Tôi bước qua đò, không biết sao tên thuyền
trưởng buông một câu vói theo: Có cô đò làm chứng, chúng tôi không ai đòi tiền
đòi bạc vì Ông Tu Sĩ nhá.
Tôi kể chuyện đúng sự thật để xác định trong PGHH lúc xưa có các
vị Tu Sĩ là do BTS trung ương đề ra cho phù hợp các sinh hoạt nhằm phát triển
PGHH.
Như lúc nảy chú nói: Những vị tu độc thân, cốt cán trong bộ máy
giáo hội để gánh vác các công việc làm phát triển tôn giáo. Nói những vị tu độc
thân vậy được rồi, còn bảo họ là tu sĩ chi cho có người không chịu, bắt bẻ?
Cháu à, dầu vì cũng phải cho có tên gọi đúng chứ! Từ “tu độc
thân”là tiếng nói chung trong toàn xã hội, chưa xếp ngành nghề. Người tu theo
đạo Phật phải sử dụng từ ngữ chuyên môn của đạo, ví dụ, người có vợ chồng mà
phát tâm tu, Phật giáo xếp hạng cư sĩ tại gia chứ không lẽ nói theo xã hội,
người tu có vợ chồng, trơ trẻn như vậy sao? Có vợ chồng tu, Phật giáo gọi tên
là cư sĩ, tu độc thân gọi là tu sĩ, quá đúng đi chứ.
Hỏi: Ở giáo lý PGHH Đức Thầy không đặt để có cái danh Tu Sĩ, lập
trường của BTS giáo hội làm vậy có đúng không?
- Ý các cháu nói, hễ cái gì Đức Thầy không dạy thì giáo hội không
được bày?
- Dạ đúng.
- Ta nên phân biệt để
hiểu, Giáo lý của Đức Thầy ta tôn là Giảng Kệ dạy tu, tuyệt đối không ai dám
sửa hay thêm bớt, còn giáo hội là do sự tập họp của các tín đồ, tổ chức sinh
hoạt tôn giáo, phát thảo kế hoạch, phương hướng, có sửa chữa hoặc thêm ban thêm
ngành làm phát triển tầm vóc đạo của Đức Thầy không thể chê là dở được. Ví dụ
như xưa trong ban từ thiện của giáo hội PGHH không có ngành sưu tầm dược, trại
hòm miễn phí, phát cơm cháo nước sôi trong nhà thương, nay vì nhu cầu cho sự
phát triển tôn giáo, cần mở rộng công tác từ thiện xã hội qua đó, thêm tên
ngành là chuyện nên làm. Phải hay không phải chư đồng đạo mình cũng làm rần rần
đó. Làm rần rần là phải rồi chứ còn gì nữa!
Giáo hội xưa tổ chức trên cán cân công lý thực hiện theo tính dân
chủ, chức sắc trong tôn giáo đều do tín đồ bầu chọn, nhà nước không có quyền
chen vào nội bộ của tôn giáo bằng đưa những quan chức của họ vào lãnh đạo giáo
hội. Khi tín đồ vồn phiếu cho ai, giống như chọn mặt gởi vàng là biết người đó
có khả năng hoạt động đạo sự và có thể thảo gở những dính mắc khi bộ máy giáo
hội bị trì trệ không đáng. Trong guồng máy giáo hội có nhiều ban, ngành, yêu
cầu mở rộng ảnh hưởng cho giáo hội không phải chỉ Ông hội trưởng BTS muốn sao
là tùy ý. Ông kêu hợp các ban ngành trong BTS đưa ra đề xuất của Ông hay của
thành viên nào trong các ngành. Đề xuất được đưa vào hoạt động là phải đạt tỷ
lệ đa số.
Qua đó, Tu Sĩ có một chỗ đứng trong giáo hội là quyết định theo
tính dân chủ, hợp lý, hợp tình còn giới thiệu tính hợp lý hợp tình lên phía
chánh phủ, ngành có thẩm quyền, yêu cầu cấp giấy hoãn miễn quân dịch cho những
tu sĩ nầy. Và chánh phủ cũng đã chứng nhận tư cách pháp nhân cho các tu sĩ
trong giáo hội PGHH từ xưa.
Nói tóm lại, trong bộ
máy giáo hội PGHH trước năm 1975 là có Tu Sĩ. BTS do tín đồ bầu chọn, khi cấp
lãnh đạo tôn giáo được thành hình đi vào hoạt động, tín đồ sinh hoạt tôn giáo
cũng theo sự điều hành của BTS. BTS chấp nhận có Tu Sĩ trong guồng máy giáo hội
thì tín đồ và trị sự viên các cấp không nên phủ nhận tính hợp pháp của BTS
trung ương do mình bầu ra.
3/4/2015
Lê Minh Triết
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét