Thứ Tư, 20 tháng 6, 2018


ĐỪNG TRÁCH TRỜI, HẬN NGƯỜI

Là tín đồ nhà Phật thì phải học Phật, trong học có môn học về nhân quả, phải tin tưởng luật nhân quả của Phật thuyết. Ai cũng nói là tin nhân quả nhưng cứ nhìn cách sống là biết ngay người nào chưa học hiểu và hành động rõ ràng về thuyết nhân quả của Phật Giáo.
Mỗi khi làm ăn thất bại, cuộc sống khó khăn, nhà ở không đàng hoàn vững chắc, ăn uống thiếu cao lương mỹ vị không đủ yêu cầu dinh dưỡng, cơ thể suy mòn thành bệnh, khi bệnh không có tiền trả viện phí, nằm nhà chờ chết hoặc đi vay nợ nữa sau phải trả vốn lẩn lời, tài sản tiêu hao. Buồn bực trách Trời Phật không công bằng, cho người giàu giàu lên phơi phới, người nghèo nghèo mãi không thôi, ganh tỵ với kẻ giàu sang, học cao, làm ăn giỏi và thông minh hơn mình, đôi lúc có ác cảm nặng nề với họ.
Chỉ vì cuộc sống khó khăn mà trách Trời, giận người trong khi Trời và người không động phạm gì đến chúng ta. Bị khó khăn về cuộc sống là do chúng ta làm ăn không giỏi, tính không tới, khi tính tới mà làm không tới thì có tính cũng bằng không. Đưa ra lý thuyết người ta nghe bắt ham mà bản thân của người thuyết cho người ta bắt ham làm chẳng việc nào xong. Ví dụ chúng ta sống nghề trồng trọt, nhiều người cũng hành nghề như mình nhưng ruộng người ta chăm bón tốt, lúa trúng, thu hoạch mỗi công mỗi tấn lúa lấy lên còn chúng ta chỉ chừng 30 giạ một công, có 6 trăm ký lúa so với 1000 ký, thua quá xa. Làm dở như vậy nghèo là phải chứ Trời không giúp ai nhiều, cũng không hại ai ít. Người bạn trồng trọt bên cạnh cũng không muốn cho ta thất thu hay hiếp ta việc nầy việc khác. Họ cũng muốn được vui khi thấy mặt môi ta có nở nụ cười. Việc làm dở của chúng ta là NHÂN từ nhân đó mới ra kết QUẢ giàu nghèo.
Người chăm sóc hoa màu kỷ lưỡng, thường hay ra đất cây trồng dòm ngó, nhờ thế lúa chỗ nào thiếu phân, đủ phân hay dư phân là biết và khi phát hiện những chỗ thiếu phân họ lập tức hành động cứu nguy ngay chứ không chần chờ. Thường thăm ruộng, cây lúa có bị sâu mò phá hại, chủ ruộng hay sớm sẽ trừ hại sớm không hư nhiều, chứ người chủ ruộng mà bỏ bê công việc chăm sóc, sâu mò cắn tan nát mới hay là lổ to. Khi thấy sâu mò hại lúa, người có chuyên môn nghề nghiệp biết loại sâu mò đó dùng thuốc nào mới tiêu diệt được chúng và xử lý thuốc cách nào mới được hiệu quả đúng như mong muốn, đánh một trận là xong ngay.
Làm chủ ruộng nếu không siêng năng chăm sóc thửa ruộng của mình, ít ra đồng và khi ra đồng, lúa nhiều chỗ thiếu phân không hay, cỏ lên như rừng cũng thây kệ nó, sâu mò đeo cắn tơi bời mới chạy đi mua thuốc trị, nếu chưa đạt nghề nghiệp chuyên môn mua thuốc cũng chưa chắc đúng hiệu và xử lý đúng cách, đánh một trận không xong, đi mua thêm thuốc đánh trận hai trận ba, đã hao tiền vốn, mất nhiều thời gian mà kết quả chỉ chừng như gượng gạo. Cây lúa sanh bệnh lâu hóa thành tật, còn sức đâu để cho nhiều bông trái, thu hoạch thất bác là phải thôi. Tại mình dở chứ tại Trời tại người đâu mà trách Trời giận người?
Bạn thấy đàng xóm, hễ trong nhà có thân nhân bệnh, bất cứ họ ở vai vế nào, Ông Bà, Cha Mẹ hay những trẻ con, búp bé, đều được mọi người cùng lo, không ngại tốn công sức, hao tiền cho việc tìm thầy hay, dược giỏi hoặc đưa đi điều trị ở những bệnh viện chuyên khoa. Nhà bạn không được diễm phúc đó, đôi khi vì bạn hay bậc sanh thành của bạn trong cuộc sống không quan tâm ai nhiều hơn bản thân mình, với cha mẹ thì thiếu bổn phận của người con hiếu thảo, với vợ con thì thiếu trách nhiệm làm chồng làm cha chính là cái nhân vô tình nữa sau sẽ gặp quả vô tình. Hồi đó mình lo cho cha mẹ, vợ con là “ lo hờ” thôi thì nay mình bệnh người ta lo hờ lại. Tại mình gieo nhân vô tình phải trả quả vô tình. Đừng thấy cả nhà người ta thương nhau mà mình cai cú khó chịu, tự ái tuyệt giao.
Người kia đi tới đâu cũng được bạn bè quan tâm, chào đón và xin được học hỏi mà mình không được vậy cảm thấy buồn lòng, cai cú khó chịu, họ chào người đi chung với mình nhưng không chào mình, nghĩ tới là tự ái phải không? Chỉ biết tự ái dồn dập cho sanh chuyện trong lòng, dây đang suôn cũng cố mà buộc cho thắc gút. Tôi nhớ lúc xưa có đọc bài thơ như vầy:
“Lưỡi cày để séc đã lâu
Thấy cuốc sáng sủa câu mâu phân bì.
Cuốc rằng: Anh trách cũng kỳ,
Tôi ra ngoài ruộng suốt ngày lao lung,
Thế nên tôi mới sáng trưng.”
Ngoài tính nhân quả hiện tại đôi khi chúng ta chịu ảnh hưởng nhân quả đời trước của mình đã phạm lỗi là nhân để kiếp nầy gặt hái cái quả bất lành đó. Tại sao ta học một bài ca hay nghe một câu chuyện bá sàm thuộc nhanh hơn là học Kinh Giảng của Phật trong khi đó cũng có những người chỉ nghe hay chính mình đọc Kinh Giảng một đôi lần là thuộc làu lòng? Phải chăng người đọc học Kinh Giảng thuộc chậm hơn học bài hát và câu chuyện bá sàm vì tính ca hát, bá sàm là môn sở trường của vấn đề học tập? Đối với họ, học Kinh Giảng chỉ là duyên hờ thôi đâu thể lấn chỗ, lấn sân sở trường. Muốn đọc học Kinh Giảng là môn sở trường phải chịu cực khóa bít chuyện học ca hát lại và mở rộng thời gian học Kinh Giảng: học trên bàn, học ngoài bàn thậm chí đi đâu hoặc vào đồng ruộng mầng cỏ, be bờ, bón phân, bơm nước… dò dẫm lại đoạn Kinh Giảng lúc mình học trên bàn, miệt mài như vậy thì não trạng sẽ thay đổi tối thành sáng, mê ra ngộ.
Mình tu người ta cũng tu, nhưng người ta tu trúng được cái gì mà mặt mày tỉnh táo, hoan hỉ… còn mình thì cứ ùng ục ùng ục chuyện thế gian cho mặt mày cao có, giận hờn, đôi khi đổ quạu lên tới đỉnh với những chuyện không đâu. Người tu mặt mày tỉnh táo, hoan hỷ nói trên, phải chăng vì họ dám dứt bỏ chuyện thế gian trên đường tu niệm. Họ sống trong mật thất của chánh Niệm, chánh tư duy. Ở trong hai điều chánh nầy không chấp nhận sự có mặt của tà tư vọng tưởng đến làm náo loạn hiện trường, hiện trường của các vị tu nầy là một màu phẳng lặng. Còn ta tu, ta luôn tự hào hơn các vị ấy, thậm chí chê bai các vị đáng yêu đáng kính ấy thế nầy thế nọ, thấp thỏi hơn ta. Ví như các vị ấy có thấp thỏi hơn ta thì ta nhẹ lời khuyên chứ không chê bai chỉ trích, hoặc để hỏng thẳng họ từ từ tiến lên, còn ta bây giờ đang đi trên đường về Phật, hãy hành động ngay các điều Phật dạy mà rửa sạch tấm lòng, cứ kéo chuyện thế gian theo hoài thì con đường về Phật mỗi lúc mỗi dài thêm, đi suốt kiếp cũng không tới. Có tu mà không có tỉnh, có niệm mà không giữ được chánh niệm, mỗi lần công phu như vậy là bị lép, đứng tại chỗ trên con đường người ta đang đi về cõi Tịnh Độ.
Cũng giống như những nhà nông nói trên, làm ruộng có kẻ trúng người thất phần lớn là do tay nghề cao thấp và siêng năng hay lười biếng. đồng là tu, người coi tôn giáo như chỗ ăn gởi nằm nhờ, lo cho cuộc sống no béo, không có trách nhiệm bản thân về việc tu học. Đức Thầy trong bài LUẬN VỀ BÁT CHÁNH ĐẠO mục Chánh Mạng có nêu:
“… người ta tìm đủ phương-thế bổ dưỡng thân xác mình, làm cho trí huệ càng ngày càng thêm mờ ám, ngu đần, không còn lo lắng đến sự tiêu diệt.
Thế nên, hãy xa lánh những điều làm tinh-thần bị đen-tối; bỏ hết đài-các xa-hoa, thân mình tự-chủ để tìm chỗ bất diệt bất sanh; thiền định đặt làm thể, trí-tuệ đặt làm mạng, linh-hồn nhập liên-hoa, siêu-sanh vào cõi Niết-Bàn.”
Người tín đồ xem việc tu hành là tối quan trọng, ngoài việc gắng sức công phu mà thấy chậm tiến, có trách là trách mình không minh lòng sạch dạ “chiếu kiến ngũ uẩn giai không độ nhứt thiết khổ ách” để mà sách tấn hơn nữa, gột rửa trần tâm hơn nữa. Mê hay ngộ là việc của ta, tự mình giải quyết thoát mê khai ngộ chứ Phật Trời không giúp cũng không hại ai, các Ngài chỉ tỏ lời khuyên nhơn sanh hành thiện tránh ác, bỏ vọng theo chơn; lời khuyên như vậy kết cuộc thế nào là do chúng ta làm. Đức Thầy cảnh tỉnh:
“Mục Chánh-Mạng chúng sanh ơi hỡi,
Cho hồn-linh cai-quản châu-thân.
Lấy chơn-nhơn dẹp tánh phàm-trần,
Mới có thể mong về Cực-Lạc.”
Người tín đồ chuyên tu hay không chuyên kết quả khác nhiều, giống như nhà trồng trọt giỏi hay dở ra kết quả thất với trúng dẫn đến sự nghèo giàu. Tu mà siêng năng như ông chủ ruộng siêng năng, kết quả nhất định trúng mùa.
21/6/2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét