Chủ Nhật, 22 tháng 4, 2018


TU NHƯ THUYỀN THẢ TRÔI
“Tu hành như thể thả trôi
Nay lở mai bồi chẳng có thiêng tâm”
(Lời Đức Thầy)
Trong Sám Giảng quyển nhứt KHUYÊN NGƯỜI ĐỜI TU NIỆM Đức Thầy viết tại làng Hòa Hảo bằng thể thơ lục bát dài 912 câu, trong đó có hai câu khiến chúng ta nên đặc biệt quan tâm để phản tỉnh hằng ngày sự tinh tấn của mình “Tu hành như thể thả trôi, nay lở mai bồi chẳng có thiềng tâm”. Những từ như “thả trôi, lở bồi” rất là nhạy cảm và vương vấn thêm lâu khi đọc nó ta thấy có sự cười cợt, mỉa mai kẻ đi thuyền mất tự chủ, nói lên ý nghĩa gì trong việc dạy khuyên nhân thế quay đầu hướng thiện?
Tu hành: Ta hiểu chữ tu có nghĩa là trau sửa, với bản thân không để hư hèn và tội lỗi, với người khác thì tha thứ, yêu thương, với nghịch cảnh thì cứng rắn vượt qua để hoàn thiện đạo đức chính mình. Hành: là một chứng minh cụ thể qua hạnh cách, đảm bảo tu gắn liền với sửa là sự thật chứ không phải ở đầu môi chót lưỡi, “tìm đạo quá mồm”, kiểu cách khoe khoan. Đức Thầy dạy “Bởi chữ tu liền với chữ hành”. Tu không hành, chỉ làm dáng vẻ người có đạo mà các công tác đạo sự, thiện sự của đạo hay của chính bản thân không được đánh thức.
Như thể: lời ví dụ, ví như, giống như .
Thả trôi: là nói một hiện vật nào đó xuất hiện trên dòng nước. chúng ta hình dung con sông, dòng nước có khi ròng khi lớn, chiếc thuyền không có người chèo bơi, nước lớn chảy vô thuyền theo dòng nước chảy vô, đến lúc nước ròng chảy ra thuyền cũng theo đó mà trở ra. Thuyền là cái phương tiện cho người ta đi lại trên đường thủy, nhưng phương tiện ấy không chủ động việc đi lại theo ý muốn mà luôn luôn bị động bởi con nước lớn ròng. Rốt cuộc người chủ thuyền có mục tiêu phải đến mà đi hoài vẫn không đến mục tiêu.
Nay lở mai bồi: Đất chỉ một lần lở, bồi lại thì thôi đừng để cho lở nữa, chỗ lở đã được bồi bằng thì cố mà giữ lấy mặt bằng, đừng để có sự bồi bằng lần thứ hai, nếu bồi đấp bằng rồi mà mình còn cho lở nữa, cứ lở bồi, bồi lở mãi, suốt kiếp không an cư.
Thiềng tâm: Lòng thành. “Chẳng có thiềng tâm” tức chẳng có lòng thành với việc tu hành của mình.
Nhà Phật dạy: tu có nghĩa là sửa, vì ta đang rớt về chỗ mê không tự sửa mình, phải nhờ tiếng kêu nhắc nhở của Kinh Giảng hoặc thiện tri thức nào đó mới chợt tỉnh nhận ra. Mê ít, kêu nhắc qua một hai lần là thoát mê, ngay từ đó đi trên con đường sáng quyết không lùi bước. Mê nhiều, tuy được nhắc nhở một hai lần, làm gượng tỉnh chút chút chứ chưa tỉnh hẳng như chiếc xe chỉ bớt ga mà cái trớn xe lăn vẫn còn giục tới, cần có sự nhắc nhở hoài hoài đến chừng nào chiếc xe không những là bớt ga mà còn tắt máy nữa, cường độ của lòng dục vọng mê si sứt ra hoàn toàn mới xong chuyện.
Thế là đường tu chỉ một mực tiến không được lùi, tự chủ chứ không để vật chất hay ai đó làm chủ. Nếu ta để mất quyền làm chủ về vật chất, tình cảm, quyền lực… những thứ nhạy cảm đó có thể khiến ta trở thành tên nô lệ, vất vả đến chết được mà không hay mình bị kìm hãm mất tự do. Tu cái kiểu như thuyền thả trôi trên dòng nước, nước lớn chảy vô thuyền theo đó mà vô, nước ròng chảy ra thuyền khuất phục theo ra, quanh quẩn hết kiếp thuyền rả người cũng rả trên biển khổ sông mê chẳng được gì.
Nhớ lúc xưa tôi mua đất cất nhà ở kinh xáng Cà Mau, mỗi sáng chiều tôi hay xuống bến kinh xách nước tưới rau rẩy ăn hàng ngày, hôm nọ tôi thấy dưới sông có chiếc gối nằm cũ bẩn người ta vứt bỏ xuống nước, xách nước cử sáng tôi thấy chiếc gối ở ngoài trôi vô, tưới tăn chưa xong chiếc gối ấy trôi húc tầm mắt, tưởng là không gặp cái thứ dơ ẹ đó nữa, không ngờ xách tưới cử chiều tôi thấy nó trôi trở ra, và cứ như vậy mỗi ngày tôi đều thấy cái thứ không muốn thấy trên kênh nước trong veo. Nhiều ngày như vậy chiếc gối no nước khẳm thêm nó không nổi cao mà là đà trên mặt nước, hôm nọ tôi thấy chiếc gối ấy rách lòi bông gòn tè le, là lúc bệnh nặng rả xác.
Con người chúng ta không biết bao nhiêu lần rả xác trên chốn sông mê mà nay cũng còn thả thuyền trên sông mê chờ rả xác nữa sao?
“Nợ duyên đeo đắm theo đời tạm,
Kiếp số luân chìm chốn gốc gai.
Rày gặp mưa nhuần ơn Thánh Đức,
Cam Lồ rưới tắt lửa trần ai.”
Hãy dùng Thiền Tịnh tưới tắt lửa trần ai của đời mình, đã phát tâm tu là bắt đầu sự hiến thân cho Phật Pháp, từ đây sanh ra sự tranh chấp giữa đạo và đời, có thể nhiều kiếp qua ta đã khoác áo nhà tu nhưng sự tranh chấp giữa chơn và vọng, phiền não Bồ Đề, sanh tử và Niết Bàn luôn tồn tại, thua hoặc trong tình trạng gay cấn, ta muốn giải quyết sự tranh chấp bằng kết cuộc Chơn, Bồ Đề, Niết Bàn là một với ta. Điều nầy phải đặt vào ta có thành tâm chưa. Nếu không chuẩn bị chu đáo sự thành tâm đi cùng, đường còn dài, đụng một chút chuyện khó hoặc quyến rủ của danh, lợi, tình làm ta thối chí là thua.
23/4/2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét