Thứ Tư, 25 tháng 4, 2018


ĐI CÚNG CHÙA VÁI THẾ NÀO?
Nhớ lần nọ đi cúng chùa Thới Sơn vào mùa nắng hạ, khí Trời oi bức, nguyện vái xong tôi trở ra trước sân dưới tàng cây bóng mát, nhà chùa có đặt nhiều băng ngồi bên những cội cây, tôi vừa ngồi xuống thì thấy hai người phụ nữ đi lại hướng tôi với vẻ khép nép, một cô nói:
- Thưa chú, đi chùa bái Phật, nguyện thế nào mới đúng nhờ chú dạy?
Thấy băng ngồi đằng kia xa quá, nếu hai cô qua ngồi bên đó tôi e mình trả lời rát cổ chưa chắc hai vị đã nghe, phần thính giác của tôi giờ cũng kém cỏi nhiều, còn để quý cô đứng hoặc ngồi chòm hỏm nghe tôi giải thích thì cũng rất là tội nghiệp. Tôi ngồi sát lại một góc, tróng chỗ cho hai cô ngồi. Một cô nói có vẻ như để trấn an tôi:
- Con kêu ông bằng chú là thói quen của con chứ tính ra phải kêu bằng bác mới đúng, vì chú lớn hơn cha con tới bảy tuổi.
- Sao rành tuổi chú quá vậy?
- Tuy mới gặp và nói chuyện với chú nhưng con được mấy anh chị nói con nghe nhiều về chú.
Sắp sếp xong chỗ ngồi và cách xưng hô thân mật tôi đáp:
- Nói dạy thì tôi không dám vì câu hỏi của cháu rất khó trả lời.
- Thật vậy sao chú?
- Mỗi người mỗi mang tâm trạng khác nhau, giống như món ăn tôi thích chưa chắc hai cháu đã thích. Nguyện tức là cầu xin các đấng từ bi gia hộ nguyện ước của mình, đâu chắc rằng ước nguyện của hai cô và tôi có điểm giống nhau, nên đúng chỉ là đúng với riêng mình. Ví dụ tôi nguyện “Mãn kiếp hồng trần sanh Lạc Quốc”, nguyện bỏ hết các duyên sự đời để nhiếp tâm Niệm danh hiệu Đức Phật Di Đà cầu vãng sanh Tịnh Độ là hợp hay không hợp với hai cô? Có người quỳ trước bàn thờ Phật nguyện cải hối ăn năng làm lành lánh dữ, cầu Phật cho thêm sức mạnh tinh thần, ý chí kiên cường vượt qua chướng ngại rồi tự tin mình đã làm lành, thêm sức mạnh tinh thần, vượt qua chướng ngại; tới chừng đụng chuyện mới biết mình chưa lành, sức mạnh tinh thần không có và chướng ngại không thể vượt qua. Trong lúc nguyện ăn năn mà lành không chịu làm, dữ không chịu lánh; nếu câu “Nguyện cải hối ăn năng làm lành lánh dữ” chỉ ở đầu môi chót lưỡi thì việc tu hành, đi chùa bái Phật sẽ không có kết quả tốt.
Lại có người quỳ trước  bàn thờ Phật cầu cho mua may bán đắt, làm ăn khá giả, tình duyên đôi lứa nồng ấm. Có người quỳ trước bàn thờ Phật nguyện Phật độ bệnh nhân là thân nhân của mình được bệnh tật tiêu trừ, tai qua nạn khỏi… Người ta nghĩ Đức Phật là đấng tam toàn: Toàn thiện, toàn giác, toàn năng:
“Thiên thượng thiên hạ vô như Phật
Thập phương thế giái diệc vô tỷ.
Thế gian sở hữu ngã tân kiến,
Nhứt thiết vô hữu như Phật giả”
Đức Thầy dịch:
Trên dưới Trời chẳng ai bằng Phật,
Khắp mười phương hẳn thật khó so.
Dòm xem cõi thế rộng to,
Một người khó kiếm sánh đo cùng Ngài.”
Với khả năng tuyệt đỉnh đó Ngài giúp gì cho ai cũng được nên chúng sanh tâm tính không đồng cứ theo yêu cầu của mình mà khẩn vái sự linh thiêng đến.
- Thưa chú, người ta khấn nguyện như vậy có kết quả không?
Nếu khấn nguyện không mang đến kết quả thì Đức Phật Đức Thầy không dạy. Theo tôi, kết quả hay không còn tùy thuộc ở điều nguyện của mình khấn vái có đi đôi với hành động không. Nguyện hoặc nói cao thêu lêu mà hành động quá thấp, đến đổi những hành trì căn bản của một tín đồ đôi khi bị những chuyện không đâu làm rối tung, quên lảng, bỏ cử. Đức Phật muốn chúng sanh cải hối ăn năng làm lành lánh dữ, vượt bờ mê sang bến giác khi mãn kiếp hồng trần không còn ai vào ra trong sanh tử luân hồi. Ta nguyện như vậy và đem thực hành, lý sự hợp nhất, tuy còn ở cõi mê mà không đắm mê, người ta làm ác mình làm thiện thì từ đây sống tỉnh chứ không sống say, sống thiện không sống ác, tất nhiên vòng quay luân hồi không còn tác dụng cuống húc đến ta. Đức Thầy dạy:
“Xa nơi tranh đấu lợi danh
Giữ lòng thanh-tịnh tánh lành trau tria.
Gắng công trì niệm sớm khuya,
Thân tuy còn tục tâm lìa cõi mê.”Những ai nguyện mua may bán đắt, làm ăn khá giả, duyên tình nồng ấm đối với bàn thờ Phật, tôi không nói là nguyện sai (bởi mỗi người đều có tự do tín ngưỡng của mình) mà là nguyện không đúng chỗ.
- Vậy theo chú, những người mang tâm trạng mong làm giàu sang phú quý, hôn nhơn bền chặc nguyện ở đâu mới đúng chỗ?
- Đừng nói tôi vẽ đường cho hưu chạy nha! Hãy đến bàn thờ Thần tài, Thần tình (nếu có) nguyện mới đúng. Nhưng nên nhớ, Đức Phật có lịch sử đàng hoàn còn Thần Tài hay Thần Tình (ông tơ bà nguyệt) do người ta giàu tưởng tượng vẽ ra. Muốn giàu sang nên kiếm việc làm và tích cực làm việc, điều nên tránh là đừng đốt thời gian vào cờ bạc, uống rượu, lăn nhăn chơi bời đàng điếm. Muốn hôn nhơn đi đến một kết cuộc tốt, hai bên nên đem lòng dạ của mình thương yêu chung thủy, biết nhường nhịn, tha thứ, biết quan tâm và chia sẻ những lúc bệnh hoạn, đau buồn ấm ức. Hai bên đều tìm thấy một chỗ dựa của nhau thì trong họ không ai nảy sinh tìm chỗ dựa đâu nữa, họ dựa với nhau đi suốt đoạn đường tình.
Thưa trong chùa có nhiều ngôi thờ, mỗi ngôi nguyện giống hay khác nhau?
Nếu nguyện giống nhau thì một ngôi thờ thôi là đủ đâu cần phải lập nhiều ngôi. Lập nhiều ngôi thờ và mỗi ngôi hình thức khác nhau thì nguyện cũng phải khác nhau. Những chùa thuộc đạo Bửu Sơn Kỳ Hương và Phật Giáo Hòa Hảo ngoài ngôi thờ Phật (Tam Bảo) có những ngôi thờ như: Đức Phật Thầy Tây An, hoặc Quan Thượng Đẳng Đại Thần Nguyễn Trung Trực, Đức Cố Quản Trần Văn Thành. Các vì trên trước mỗi vị có công hạnh khác nhau, như Đức Quán Thế Âm Bồ Tát, công hạnh của Ngài là tầm thanh cứu khổ, Ngài có thiên thủ thiên nhản (ngàn tai ngàn mắt) để nghe rõ thấy rõ những chúng sanh bất cứ nơi đâu, nếu đang gặp phải tai nạn mà niệm danh hiệu của Ngài Nam Mô Đại Từ Đại Bi cứu khổ cứu nạn Quan Thế Âm Bồ Tát, do công hạnh tầm thanh cứu khổ nên nghe bất cứ nơi đâu trong chốn hồng trần, người gặp khổ mà nguyện danh hiệu của Ngài thì Ngài sẽ dùng thần thông đến cứu. Công Hạnh của Quan Thượng Đại Thần Nguyễn Trung Trực, Đức Cố Quản Trần Văn Thành là hai vị công thần xả thân vì nước, chánh nhơn quân tử, quyết bảo vệ giang sơn của tổ tiên, giữ an ninh trong dân chúng. Bấy giờ nước nhà không có giặc ngoại xâm, máu tươi không còn đổ ở chiến trường là điều ai cũng muốn, những vị công thần chánh nhơn quân tử xả thân vì nước là hướng đến sự tự do cho nước cho dân, chiến trường không đổ máu nhưng nhân dân sống mất tự do sẽ là nỗi ám ảnh lớn trong cuộc sống con người. Bởi công hạnh đó, ta nguyện các Ngài hiển linh dùng oai lực đại Thần cứu nước cứu dân thoát khỏi sự cai trị bởi bạo lực độc tài.
Tóm lại, ở chùa có nhiều ngôi thờ, mỗi ngôi thờ đều có giá trị riêng về mặt thiêng liêng, thiện nam tín nữ đến kính bái ngôi thờ nào thì phải biết ngôi thờ ấy thờ vị trên trước nào nguyện cho hợp lý, phải lẽ, như người tín đồ PGHH không thể có chuyện cầu cúng ngôi Cửu Huyền Thất Tổ mà đọc bài Quy Y trước bàn thờ Phật, Tây Phương Ngũ Nguyện, trái lại cũng không thể cầu cúng ngôi Tam Bảo lại đọc bài cúng Cửu Huyền Thất Tổ.
26/4/2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét