Thứ Bảy, 11 tháng 11, 2017

KÍNH ĐỨC THẦY HAI XÁ HAY BA XÁ ?

Hôm ngày 9 tháng 11- 2017 trời vừa sáng có một cuốc điện thoại gọi đến, tôi a lô thì bên kia đầu dây hỏi: Hiện nay người ta kính Đức Thầy không đồng bộ, có người kính Đức Thầy hai xá, có người kính ba xá, có người sợ đụng chạm bên hai bên ba chỉ hô Kính Đức Thầy thôi, không nói mấy xá. Xin thưa với chú, dựa vào ba tượng trưng trên, cách xá của người nào đúng ạ ?  
Tôi đáp: Trình bày sự hướng tâm của tín đồ đối với Đức Thầy thì đây thuộc phạm vi nhạy cảm nhất, chính vì phạm vi nhạy cảm của mỗi người nên dễ đi đến mất lòng. Qua nhận định của tôi nếu có khác luồn tư tưởng với cháu thì đây mong có sự thông cảm, cháu hứa không ?
- Dạ hứa ạ.
Nói ra không phải tự hào là mình tu lâu, nhưng qua câu hỏi của cháu tôi thấy cần có thời gian tính, tạo sự liên quan mật thiết từ nguyên thỉ mới đủ sức thuyết phục về việc kính lễ Đức Thầy. Trước biến cố lịch sử 1975, thuở ấy tôi có đi học hỏi đó đây và tham gia nhiều chương trình đạo sự, giáo sự, không nghe ai đặt vấn đề kính lễ Đức Thầy hai xá như phần đông người hướng dẫn chương trình cầu nguyện tập thể thời nầy. Nghe giọng nói của cháu tôi đoán người còn khá trẻ, tưởng cũng nên sơ lược cho cháu hiểu cách sinh hoạt đạo PGHH từ nguyên thỉ, cháu tìm ra cái thỉ chung của đạo nhà tự biết mình phải làm gì, và khi đã tự biết, ai có giỏi ru hồn khác hơn cũng không chinh phục được mình đường ngay thành cong. Trước 30 tháng 4 năm 1975, nhân dân miền nam ta đây sống ở chế độ Việt Nam Cộng Hòa, là một chế độ trị vì thiên hạ qua lập trường dân chủ, trong nước có tôn giáo thì tôn giáo sinh hoạt với mô hình dân chủ thật sự. Các Ban Tri Sự (BTS) hoạt động đạo sự không bị chánh phủ Việt Nam Cộng Hòa vẽ vòng tôn giáo và bắt buộc tôn giáo chỉ được hoạt động tự do tôn giáo trong cái vòng tròn. Các BTS bàn bạc việc gì về nội bộ tôn giáo chánh phủ không can thiệp vào. Được sự sinh hoạt tự do như vậy, tín đồ bình thường hay các chức sắc trong giáo hội muốn đề bạt việc gì phải thông qua phiên hợp BTS, nếu được sự đồng thuận của đa số thì BTS mới có quyền đi tới quyết định. Thuở ấy, nghi thức tôn giáo của giáo hội đề ra gồm những tiết mục như sau:
Kỉnh lễ Cửu Huyền Thất Tổ
Kỉnh Lễ Đức Phật, Đức Thầy
Tưởng Niệm giác linh cố Đức Ông Đức Bà và mặc niệm các anh linh tử sĩ tử vì tổ quốc và đạo pháp.
Ngay sau khi kỉnh lễ mục nào, nếu có kêu xá thì xá 3 xá hoặc đơn giản hơn thì một xá chứ không có vụ hai xá như hiện nay. Đời người ta hay dùng câu “có thỉ có chung” vô thỉ thì vô chung. Giáo hội PGHH sinh hoạt ở thời kỳ nguyên thỉ không có tiền lệ hai xá, người ta đi trong vô thỉ mà giờ lại bị đối xử hửu chung đúng là “ách giữa đàng mang vào cổ”. Nghe cháu đặt câu hỏi tôi đoán là cháu kính lễ Đức Thầy chỉ hai xá thôi, có đúng vậy không?
- Dạ phải
- Cháu có thể giải thích giùm vì sao kính lễ Đức Thầy hai xá không?
- Dạ, cháu bắt chước theo quý vị hướng dẫn chương trình, thưa chú.
- Chắc cháu đã nghe các vị ấy thuyết vì sao phải xá Đức Thầy hai xá?
- Dạ có, các vị giải thích rằng: xá người chết là ba xá, Đức Thầy còn sống nên kính Ngài hai xá thôi.
- Nay cháu điện thoại hỏi tôi qua vấn đề nầy, nếu tôi trình bày ý nghĩa khác hơn, cháu có muốn nghe không?
- Dạ rất muốn ạ.
- Cám ơn cháu. Vậy chúng ta vào câu chuyện được rồi chứ?
- Dạ được.
- Cháu có tin Đức Thầy là cổ Phật lâm phàm không?
- Dạ cháu tin với niềm tin bất khả xâm phạm.
- Có tin Đức Phật là vị đã ra khỏi vòng sống chết không?
- Dạ cháu tin.
Nếu như trong lòng người tín đồ kính trọng Đức Thầy là Phật lâm phàm độ thế như chính Ngài nói:
“Cảnh thiên trước thơm tho nồng nặc,
Chẳng ở yên còn xuống hồng trần.
Ấy vì thương trăm họ vạn dân,
Nên chẳng kể tấm thân lao khổ.
Giả quê dốt khuyên người tỉnh ngộ,
Giả bán buôn thức giất người đời…”
“Thiến trước tòa sen có chỗ ngồi,
Xuống trần chẳng dụng chốn cao ngôi…”
Phật đã tự mình thoát khỏi dòng sanh tử thì tại sao ta lại áp đặt sự sống chết đối với Ngài mà nói rằng Ngài còn sống chứ chưa chết??? Tại sao chúng ta để mâu thuẫn chính mình trong sự học Phật PGHH? Nghĩ Đức Thầy còn trong vòng sống chết thế ta có thật sự kính Đức Thầy là Phật đâu? Tín đồ PGHH mỗi mỗi đều có thờ Tam Bảo trong nhà. Tam Bảo tức ba ngôi báu: Phật Bảo, Pháp Bảo, Tăng Bảo; vậy ta xá ngôi Tam Bảo là ba xá hay hai xá?
- Dạ ba xá.

- Phật và Tăng là hai bậc trong Tam Bảo, tín đồ là người có quy y vào đạo, nếu như kém tin Đức Thầy là Phật lâm phàm ( tôi dùng từ “nếu” tức là thí dụ thôi nhá) thì Ngài cũng là Tăng; tăng được thờ trên ngôi Tam Bảo thuộc về Thánh Tăng ta cũng phải xá ba xá. Phật hay Tăng cũng được ở ngôi Tam Bảo để chúng sanh cầu nguyện kính bái hằng ngày. Quý vị nói, kính Đức Thầy là Phật lâm phàm nhưng lòng không hoàn toàn tôn trọng Ngài như vị Phật, đặt vấn đề sống và chết với Đức Thầy là đẩy Ngài ra khỏi ngôi Tam Bảo rồi còn gì. Ta hành động như không phải người trong đạo mà tự khoe mình là một tín đồ ngoan đạo thì được ích lợi sao?
Cái “Ách giữa đàng mang vào cổ” nầy xin hãy thôi đi!... như có một bàn tay nào đó cố tình làm cho đoàn thể PGHH nhiều lối rẻ khiến lâu ngày mất gốc hoặc xuống cấp, xuống màu; từ màu thiền môn nâu sồng trở thành màu trần tục. Thế gian bày vẽ, gạt gẩm là chuyện của họ, ta là người hiểu lý lẽ, không tin sự bày vẽ gạt gẩm của họ thì họ sẽ buông tay thứ lợi ích bất minh. Tín đồ của chánh đạo phải tư duy chơn chánh để kịp tháo gở những vướn mắc không đáng có trong sự tín ngưỡng tôn giáo của mình.
- Xin thưa với chú, Đức Thầy bị Bửu Vinh ám hại không chết, chuyện đã quá rõ thì ta có quyền nói Ngài không chết chứ sao?
- Qua biến cố Đốc Vàng, Đức Thầy vắng mặt bởi âm mưu chính trị của kẻ gian, trên dòng lịch sử, trường hợp bị hại mà không sao thì ta có thể nói Đức Thầy còn sống. Nhưng đây là chuyện ngoài đường diễn ra trên dòng sự kiện, còn chỗ kính lễ Đức Thầy thuộc về nghi thức tôn giáo thì Đức Thầy là Phật, ta đặt vấn đề sống chết đối với Đức Phật mà nghe được sao?  
Dạ con hiểu rồi. Xin cám ơn chú rất là nhiều.
Tôi cũng cám ơn cháu không có phản ứng.

12/11/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét