Thứ Năm, 23 tháng 11, 2017

HƠN, THUA

Đọc Sám Giảng Thi Văn giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo ta biết, Đức Thầy nhìn lê dân mãi mê lặn hụp trong biển hồng trần, thương không ngủ được Ngài đã tỏ tâm sự qua bài viết mang tựa đề KHÔNG BUỒN NGỦ, đã thốt lên tiếng thở than giùm nhân thế:
“Nhớ những kẻ bê tha trong ảo mộng.
Đường danh lợi đua chen mùi ong ỏng,
Đâu có mạng tiếng vọng của người tu.”
Không nghe lời khuyên tu vọng vào tâm mà kìm chế các ham muốn, từ đó nảy sanh những cuộc tranh giành xâu xé, hơn thua, cao thấp, tự đắc khoe hơn chứ không thua, cao chứ không thấp. Nhưng sự tranh giành để hơn người khác giống như bọt nước không mấy chóc cũng bị nước cuốn tan; nên liền theo đó Đức Thầy gợi lên sự khổ não đọa đày, đánh thức “ những kẻ bê tha trong ảo mộng” ấy qua những câu:
“Cảnh thế gian dường thể chốn ao tù,
Trong biển khổ mấy ai mà thoát đặng.”
Đã đọc thấy trong “Lời văn tao nhã hửu tình” thì đáng lẽ mọi người lo chạy thoát thân ra khỏi cảnh khổ ví như ao tù bằng thái độ dứt khoác: chạy không ngoái lại và trong khi chạy thoát thân thì phải ngưng ngay thái độ hơn thua để chứng tỏ không còn luyến lưu bịn rịn cõi trần, thẳng đường qua bờ giác nhưng tiếc thay!... Đức Thầy cảnh báo: “Hơn cùng thua nhắm mắt cũng ra ma”. Nếu hơn là tồn tại vinh hiển suốt thì tranh cho hơn cũng đành đi, đằng nầy mang thân tứ đại thì phải chết, tính hơn làm chi cho mệt sức, mất lòng, chẳng được gì mà có khi trong sự hơn thua đã sanh vô vàn tội lỗi, phải luân chuyển đọa thân khác để báo đền.
Quan hệ trong cuộc sống, thường thì sự hơn thua có mặt trong những đặc điểm sau đây: Hơn thua về giàu nghèo, sang hèn, đẹp xấu, cao thấp, trí ngu… trong thế giới của người tu, tạm thời ta không bàn việc hơn thua mang tính vật chất như giàu nghèo, sang hèn, đẹp xấu vì nó quá trắng trợn nhìn vào ai cũng biết và khó có điều kiện để bào chửa hợp lý khi người ta sa đọa vào vật chất. Cao thấp, ngu trí thuộc về tinh thần, chỉ có tự biết chứ không ai biết được mình. Chìm ngập trong sự ganh tỵ về ngu trí, cao thấp cũng khéo giấu kín, biểu lộ bằng nụ cười ấm ức nhạt nhẻo, hỏi han kẻ hơn thua với mình, diễn tuồng thân thiện… người khác không hay không biết về ta nhưng ta thì biết ta rõ lắm. Đôi lúc ta cũng phát hiện mình là ác nhân và khinh thường mình là kẻ gian đáng bị nguyền rủa mà vì tính hơn thua mang trong lòng không dừng được để hóa giải cho thanh thảng.
Xã hội đa dạng người, mỗi ai đều có sự sống và chí hướng riêng. Không nói sự khác biệt của kẻ đạo người đời, ngay cả người có đạo với người có đạo, khác đạo hoặc đồng đạo với nhau. Có cùng đạo nhưng lập trường và sở thích không giống nhau, nếu đem cái không giống của người nầy đối với cái không giống của người kia trong trò chuyện không khéo thì sự bất đồng nầy có thể làm đổ vỡ tình thân thiện giữa nhau mà hai bên từ lâu vun đấp. Trừ những công việc lớn lao của tập thể hoặc là người đứng đầu trong tập thể mà bị cá nhân hay tập thể khác chơi trò hơn thua, tính bảo vệ tập thể hay tổ chức phải được nâng cao vai trò lãnh đạo, chịu trách nhiệm về việc sinh tồn và làm phát triển tổ chức một cách chính đáng thì tôi đây không dám khuyên thôi. Họ có thể vượt qua hai vòng vây thử thách và thách thức để gặt hái kết quả tốt cho tập thể, tổ chức.
Tôi bàn gốc cạnh cá nhân, hơn hay thua chỉ gây ảnh hưởng đơn phương thôi thì coi cái nào nhịn được nhịn cho nó qua, chịu thua một chút về tranh biện cũng không tổn hại gì cho mình buông đi cho nó rảnh. Nhưng nhịn được, cái tướng nhịn đừng để nó trong lòng mà hãy siêu hóa nó tức khắc cho mất dấu dết. Đừng có hở hở mượn cớ vì đạo mà quất thẳng không nhường, sự không nhường của mình cũng tự mình đặt để mình là phải, nhưng cũng chưa chắc bên kia là quấy. Ta dựa hơi đạo và tự hào rằng mình vì đạo mà để tiếng cải cọ ùm lên, văng ra những lời thách thức, thô lổ, kích bác giận hờn thì cái chỗ dựa “vì đạo” của chúng ta nói, thiếu tính thuyết phục.
Ta nói vì đạo mà hơn thua với người không có đạo, đồng đạo hay với người khác đạo dẫn đến sự cãi cọ, giận hờn; trước mắt khách quan, cái tinh thần “vì đạo” của chúng ta không hiện thực để họ kính tin: họ chỉ thấy một đống người cãi cọ chứ đâu còn thấy chút đạo nào cho ta khoe mình vì đạo.
Tôi đây hơn 5 năm có mặt trên FaceBook, nhờ sự phổ rộng của trang mạn nầy tôi đưa những bài viết có nội dung giáo lý Đạo Phật, Phật Giáo Hòa Hảo bay xa để tìm thêm đạo hữu. Trên mạn cũng có những tiết mục làm tôi không hài lòng nhưng tôi đã tự kiểm điểm và đánh thức lấy tôi: Mình làm việc của mình, người khác cũng có công việc của họ. Hãy chấp nhận sự thật sống chung mà tình riêng là tùy hỉ, đừng vì chút chuyện không được hài lòng mà bỏ cuộc hoặc ở đó lằn nhằn. Những năm trước, tín đồ PGHH ít có người sắm máy để chơi Internet, chừng hai năm trở lại đây đồng đạo ta có khá nhiều người lên FB tung hình Đức Phật, Đức Thầy cho cả thế giới xem qua. FB là trang mạn xã hội nó rộng hơn cái xã hội mà ta đang sống và tới lui trong những sinh hoạt vật chất hằng ngày, người ở những quốc gia khác cùng ta tham gia trên fb và họ có thể post bài, post hình lên fb như ta. Ta vừa post hình Đức Phật Đức Thầy lên tường nhà của mình thì người khác cũng post lên những tấm hình họ thích trên tường nhà của họ. Tường nhà ai cũng giống như con hẻm nhỏ dẫn ra đại lộ, ra đến đại lộ thì chung đường. Hình Đức Phật Đức Thầy của mình đến trước, hình của họ đến sau sẽ nằm phía trên hình Đức Phật Đức Thầy. Nếu nhằm thế giới của tuổi trẻ yêu đời nồng nhiệt, họ đăng những hình họ thích lại là những hình có thái độ ỏng ẹo, lỏa lồ trên hình Đức Phật Đức Thầy, ta cầm con chuột để điều khiển computer theo đường chuyền Internet hay vuốt cái điện thoại thông minh sẽ thấy rõ điều đó. Thú thật, tôi rất đau khi thấy những tấm hình đó trên hình Đức Phật Đức Thầy. Theo suy nghĩ của tôi, Đức Phật Đức Thầy là đấng thiêng liêng phải được đặt ở vị trí trang nghiêm trân trọng để chúng sanh thờ lạy, van vái, cầu sự cứu độ. Nhưng fb là sân chơi tự do, mình đã vào sân chơi chung thì không có quyền đòi hỏi người khác chơi giống kiểu chơi của mình. Hãy nén đau thương bức xúc bỏ qua buồn giận cho rảnh mà theo đuổi công việc ta đã tính. Nếu cưởng chế họ giống ta thì luật lệ trên fb không cho phép và người bị cưởng chế sẽ từ đó không coi ta là bạn bè trên fb nữa mà là kẻ thù danh dự.
Trên đời có những cái hết sức là nghịch lý nhưng vẫn có sự chở che cho cái nghịch lý ấy tồn tại. Một bà mẹ hay con mình mang bệnh thì phải sốt sắn lo việc trị bệnh cho con. Trị bệnh là phải dùng thuốc, nó còn bé không có khả năng nuốt trọng viên thuốc, mẹ phải cà nhuyễn những viên thuốc ra hòa tan trong nước. Ly nước thuốc rất đắng, bé sợ không chịu uống, mẹ vì thương con phải nan nỉ: uống xong mẹ cho cục kẹo. Có kẹo thằng bé không sợ bị đắng lâu liền nhắm mắt nhắm mủi ực đại nó vộ miệng để chụp viên kẹo ngậm liền. Người làm mẹ đâu phải không biết, uống thuốc mà ăn kẹo đường vào sẽ làm giảm tác dụng của thuốc, nhưng vì muốn cho con uống thuốc để khỏi bệnh cực chẳng đã phải dùng giải pháp thấp nầy.
Đồng đạo chúng ta vào sân chơi fb, các đạo hữu ấy thích chơi kiểu đăng hình Đức Phật Đức Thầy thì họ có quyền làm việc đó, nếu ta thấy điều họ làm không hay có thể ta dùng lời nhỏ nhẹ khuyên thôi chứ không được cấm cản, bày bác. Nếu ở vào trường hợp gặp Đức Phật Đức Thầy họ bày tỏ: Kính bạch Đức Ngài, hãy cho con có treo hình của Đức Ngài lên thì con mới chịu quy y tu hành được, chắc Đức Ngài cũng sẽ mỉm cười hoan hỉ thôi.
Đối với những đạo hữu đồng cảm với tôi, không đăng hình Đức Phật Đức Thầy trên fb, tôi luôn luôn trân trọng ý kiến của quý vị và ủng hộ mãi mãi ở lập trường nầy. Nhưng sự ủng hộ của tôi không phải tạo nên sức mạnh phe nhóm áp đặt để người khác không làm những điều họ thích. Đàng muốn có đàng muốn không đã tạo ra sự bế tắt tình cảm. Tôi nghĩ chúng ta nên giải quyết những bế tắt đó bằng chăm chỉ vào một bài học hữu hiệu nhất mà Đức Thầy đã dạy chúng ta:
“Hơn cùng thua nhắm mắt cũng ra ma.
Chi cho bằng:    Lúc sống sanh tìm lấy cuộc nhơn hòa
Chữ thuận thảo hay hơn là tranh đấu.”
24/11/2017


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét