Thứ Bảy, 16 tháng 9, 2017

VÌ THẦY

Tiếng hay chữ “Thầy” dùng đây là gọi tắt, đáng lẽ nên dùng hai chữ Đức Thầy mới đúng để không bị nhầm lẩn qua các vị Thầy như Sư Thầy, Thầy Giáo, Thầy dạy nghề chẳng hạn, nhưng một số không ít trong đồng đạo chúng ta lúc tâm tình hay khi bàn chuyện có liên quan đến Đức Thầy mà muốn nói cho gọn thì hay dùng từ Thầy mình: Thầy mình dạy, Thầy mình vì thương chúng sanh mà chịu khổ, Thầy ơi cứu con… Thật ra, tiếng kêu “Thầy Mình” nghe hết sức là gần gủi, thân thương, đầy vẻ thông cảm. Câu vì Thầy vì đạo chúng ta thường dùng là kiểu gọi tắt cho gọn lại cũng không mất ý nghĩa tôn kính.
Thế nào là vì Thầy?
Tôi thấy có vài ý nên bàn bàn bạc:
1. Vì ta đã thương Thầy. Điều nầy rất dễ thấy, ở đời khi người ta thương người nào thì hết lòng vì người đó mà làm việc, giúp đở hoặc hy sinh tiền của, sanh mạng mình vì người mình thương. Đối trước trường hợp của Đức Thầy sự thương yêu đặc biệt hơn nhiều so với các sự thương yêu khác. Lúc Ngài chưa vắng mặt, số tín đồ may mắn được sống gần gủi với Ngài hoặc ở xa mà lòng thầm kính, hay nói: Vì Thầy con sẽ liều chết để bảo vệ hoặc vì Thầy có vào dầu sôi lửa bổng con cũng không sợ.
2. Vì Thầy bằng nghe lời dạy của Đức Thầy gắng công tu tập. Sám Giảng có câu:
“Ai mà ta dạy chẳng gìn
Thì sau đừng trách mất tình yêu thương”
Và câu:
“Rán nghe lời dạy của Thầy,
Để chừng đến việc kiếm Thầy khó ra.”
Những câu trích dẫn trên có giá trị như tiếng lệnh phải nghe lời còn ý nghĩa của sự dạy dỗ bao gồm trong Sám Giảng Thi Văn giáo lý chính tay Ngài viết. Ngoài ra, còn vô số những câu chuyện có chứng cứ từ các đạo lão tiền bối mục kích  cuộc tiếp chuyện giữa Đức Thầy với tín đồ hoặc với những người ngoài đạo, tường thuật lời dạy của Đức Thầy qua truyền khẩu mà đoàn hậu tấn kế thừa sự nghiệp PGHH đủ tài liệu để viết “Chuyện Bên Thầy”.
Hôm nay chúng ta bàn luận chuyện “Vì Thầy” qua lời dạy của Đức Thầy được lưu trong quyển Sám Giảng Thi Văn Giáo Lý PGHH. Bài gởi cho hai ông TRẦN VĂN SOÁI và ông NGUYỄN GIÁC NGỘ có nội dung phát lệnh Án Binh Bất Động, ngày nay còn giữ được thủ bút của Đức Thầy, bài văn lệnh ấy như sau:
“Ông TRẦN VĂN SOÁI
Và Ông NGUYỄN GIÁC NGỘ
Tôi vừa hiệp hội với Bửu-Vinh, bỗng có sự biến cố xảy ra, tôi và ông Vinh suýt chết, chưa rõ nguyên nhân còn điều tra; trong mấy anh em phòng vệ không biết chết hay chạy đi, nếu có ai chạy về báo cáo rằng tôi bị bắt hay mưu sát thì các ông đừng tin và đừng náo động.
Cấm chỉ đồn đãi, cấm chỉ kéo quân đi tiếp cứu, hãy đóng quân y tại chỗ.
Sáng ngày tôi sẽ cùng ông Bửu Vinh điều tra kỷ lưỡng rồi về sau.
Phải triệt để tuân lệnh.
Ngày 16-4-47;9 giờ 15 đêm
Ký tên: S ”
Người tín đồ PGHH từ trước đến nay, hầu hết đều tin Đức Thầy bị kẻ gian mưu hại là có thật, Bửu Vinh ám hại Đức Thầy cũng là chuyện có thật, các vị tướng lãnh và binh sĩ thuộc quân đội PGHH khi nghe tin Đức Thầy bị kẻ gian mưu sát không thành đều muốn kéo quân đến bao vây tiêu diệt phe nhóm ác ôn nầy nhưng hai vị tướng lãnh đã tiếp nhận văn lệnh của Đức Thầy “Cấm chỉ kéo quân đi tiếp cứu, hãy đóng quân y tại chỗ … phải triệt để tuân lệnh”. Nhận được văn lệnh, cho dù có nóng giận mấy cũng đè lòng, lớn gan cở nào cũng không dám trái lệnh Đức Thầy kéo binh đi tiêu diệt kẻ ác, bỏ qua sự trả thù cho phe nhóm Bửu Vinh đi lại thong dong.
Tiền nhân ta sống cùng thời nên đã mắt thấy tai nghe về biến cố Đốc Vàng, trong tay đủ binh lực nếu xua quân đi đánh trả thù thì ăn gọn ghẻ. Tiếng đồn tướng Lê Quang Vinh (Ba Cụt) hễ tấn công đâu là địch bỏ chạy đó, quân lính ông rược giặc như đuổi bắt đàn gà, sức mạnh quân sự như vậy mà Đức Thầy ra lệnh “Cấm chỉ kéo quân đi tiếp cứu, hãy đóng quân tại chỗ… phải triệt để tuân lệnh” là không dám làm trái. Xét trả thù là không hay nên Ông, Cha, Chú của chúng ta nghe lời Thầy bỏ qua không trả thù. Ta là kẻ hậu sanh cũng nên noi theo gương trước mà làm.
Giờ chúng ta xét qua vài khía cạnh khác, chung quanh sự vắng mặt của Đức Thầy. Tín đồ PGHH ai cũng hiểu Đức Thầy là cổ Phật lâm phàm, thần thông quảng đại, đi dạo lục châu thử lòng bá tánh phải “khi già lúc lại trẻ thơ, giả gái không chồng đi bán cau tươi, giả bận áo màu ai cũng dòm xem, giả chị bán chè dạo khắp các nơi…” có nhiều cách để vắng mặt sao lại chọn chách vắng mặt trong âm mưu mưu sát của Bửu Vinh? Ông Mười Tỷ một trong số bốn người theo hầu Đức Thầy, từ chiến trường Đốc Vàng được thoát chết trở về thuật lại, trong cuộc họp giữa Bửu Vinh và Đức Thầy đã đến hồi quyết liệt, chỉ cần một cú đấm tay lên bàn làm lệnh thì những tay súng bên ngoài có khả năng thiện xạ nhắm ngay Đức Thầy mà bóp cò, phía sau chỗ Đức Thầy ngồi vách phên xụp đổ mà Đức Thầy không hề hớn gì, Ngài viết văn lệnh gởi cho hai ông như đã nói trước. Trong khi hổn chiến, bốn tên cận vệ của Đức Thầy bị tám tên lính của Bửu Vinh chia ra hai người kè một người đánh xáp lá cà làm ba tên cận vệ của Đức Thầy chết ngay trong vòng chiến, Ông Mười Tỷ vì có võ công cao, né được đòn thù, phóng mình ra bờ giậu trước, dùng súng my tray vết chọi lại mấy phát rồi cũng rút đi trong đêm.
Chuyện rõ ràng như vậy nhưng viết văn lệnh gởi cho hai tướng lãnh Trần văn Soái và Nguyễn Giác Ngộ thì hoàn toàn ngược lại “Tôi vừa hội hiệp với Bửu Vinh, bỗng có sự biến cố xảy ra, tôi và ông Vinh suýt chết”, như vậy Ông Bửu Vinh cùng là nạn nhân như Đức Thầy, tên mưu sát là ai khác chớ không phải Bửu Vinh.
Sự kiện trên như bài toán đố Đức Thầy đã ra đề hồi 25 tháng 2 nhuần năm Đinh Hợi 1947 cho đến sau 30-4-1975 người ta mới đáp án được bài toán cực khó nầy. Nếu lúc xưa Đức Thầy không ra văn lệnh “Cấm chỉ kéo quân đi tiếp cứu” để các tướng lãnh binh sĩ thuộc quân đội PGHH kéo đi trả thù thì việc gì sẽ xảy ra cho sự an nguy của tín đồ PGHH sau 30-4-1975 ? Còn nữa, Đức Thầy biết trước sau nầy chủ nghĩa cộng sản sẽ thống nhứt đất nước, phô trương sức mạnh vũ lực nhưng họ vốn vô thần và Ngài giải thích về phái vô thần như sau:
“Phái vô-thần-luận thường cho rằng thân xác tức là con người. Thân còn tức người còn, thân mất tức người mất. Không có Thánh, Thần, Trời, Phật, không có quả báo luân hồi; cũng không có tội, có phước, có vía, có hồn. Đời là thân xác con người, sống là tranh đấu, mạnh được yếu thua. Thế nên biết bao mánh khóe gian hùng, bao nhiêu ngón điêu-ngoa xảo-trá, bao nhiêu tàn bạo ngược ngang đều được đem ra dùng cả thảy.”
sợ e người tín đồ thấy oai vũ của chủ nghĩa vô thần rồi ngả theo, đối với Đức Thầy, muốn vắng mặt có thiếu gì cách sao lại phải chọn cách vắng mặt bằng chịu thọ nạn trong bàn tay của Bửu Vinh? Tới đây thì ta biết: Vì để chận đứng phái vô thần xâm nhập PGHH Đức Thầy phải làm như thế.
Ta là tín đồ của tôn giáo đạo Phật, tin tưởng có quả báo luân hồi thì không thể nghiện ngập cái học thuyết “sống là tranh đấu, mạnh được yếu thua” và cũng không thể dùng “Mánh khóe gian hùng, điêu ngoa xảo trá, tàn bạo ngược ngang” với ai được. Người tín đồ chân chính hãy giữ đạo, chờ Thầy, đừng hám danh hám lợi bị cái thuyết vô thần làm mê hoặc.
17/9/2017


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét