Chủ Nhật, 9 tháng 7, 2017

KHÔNG SE SUA

Dự đám cúng tuần nữ đồng đạo Trần thị Bợ, nghe thân nhân của vị nầy kể về những hành trạng cao đẹp của người quá cố khiến lòng tôi cảm phục. Nữ đồng đạo sống cùng nhà cha mẹ đến già chết. Lúc xưa ở gần chợ Thuận Giang, vùng sông sâu đất lở, tính sớm muộn cũng phải di dời, cha mẹ mua đất trong đồng xa chuẩn bị cuộc đổi chỗ. Kim Cổ Tự (Phủ thờ Ông Ba) cũng chịu chung số phận, vào tuốt trong đồng, may mắn khi đổi chỗ, nhà cha mẹ cô cất cập ranh chùa để sớm chiều nghe tiếng chuông chùa nhắc nhở công phu.
Cô độc thân tu niệm tại gia, chay trường lâu, ban sơ chưa chắc lòng mà gặp bệnh kéo dài, thân nhân đùn đẩy ăn mặn cho có sức, dụ chừng hết bệnh dùng chay lại không muộn. Mới tu với phần tuổi còn quá trẻ, tinh thần đạo đức kém cỏi không kềm lòng trước lời khuyên đầy lý lẽ của người khác nên lở một lần. Không lâu sau hết bệnh cô dùng chay trở lại. Bây giờ thì đạo tâm mạnh mẽ hơn, cô hứa với lòng, lở để thua một lần nhưng sẽ không có lần thứ hai. Lâu sau cô mang bệnh khác và nhiều chứng bệnh ngặt nghèo quy tụ trong thân thể, khó chịu cở nào cũng kềm lòng niệm Phật cho, kiên trì trường chay giữ giới cho đến hết kiếp, tháng 4 năm 2017 giả biệt cõi trần gian hưởng tho 66 tuổi.
Sanh ra trong nhà nông, thân sinh có mở ruộng, gia đình thuộc dạng “nhà săn cột lớn” nhưng tính tình nữ tu chất phát không se sua quần là áo lụa mỹ mìu. Ngoại hình xinh xắn, mặt mày sáng sủa, tuổi dậy thì nữ tu khoác lên mình bộ bà ba thời cổ dáng suôn đuột, mặc nó, xa trông chẳng khác bà già chút nào. Lấy đồ ở tiệm về, thợ may đã ủi láng trước khi giao hàng cho khách, được thẳng thóm những ngày đầu, từ đó về sau quần áo lúc nào cũng nhăn nheo. Cô có hạnh cách hiền, rất hiền; là con hiếu, phụng dưỡng cha mẹ, người chị tốt, giúp đỡ các em, cháu đến hết cuộc đời mình. 
Trong khi nhiều nữ tu đương thời mặc Bà Ba thì ít nhiều vì cũng cho có hơi thời trang, kiểu cọ lên một chút còn cô thì không. Lúc còn trẻ có đi làm ruộng rẩy tiếp cha mẹ, sau nầy cha mẹ chia ruộng thì cô cũng đã qua lứa tuổi xuân xinh, ngán ngẩm việc làm lụn vất vả kiếm nhiều tiền, nhận phần ăn của cha mẹ cho, cô kêu em cháu canh tác, mình chỉ lấy ít tiền đủ sống đời giản tiện. Cha mất, cô ở nhà thường để phụng dưỡng mẹ già. Dường như cô cũng không có bạn đạo nên không mất thời giờ ngồi luận đạo với ai.
Đi dự đám cúng tuần, tôi thấy ở bàn linh vị trên có thượng hình cô, tấm hình tươm tất lắm lại trẻ không giống bà cụ tuổi 66. Tôi hỏi những thân nhân và em trong nhà còn tấm hình nào khác mới chụp đây không? Đứa cháu kêu cô bằng dì không chỉ đáp mà còn là giải đáp: dì hai hồi còn trẻ cho đến già không có giao du bạn đạo nên không rơi rớt tấm hình kỷ niệm nào, có chuyện đi đâu vài ba cây số là lội bộ. Hình để trên bàn linh là hình trong tấm giấy chứng minh nhân dân rọi ra. Mẹ cô năm nay 90 mươi tuổi vẫn còn khõe, rắn chắc, trí nhớ không tệ cũng xác nhận con gái của mình không để lại tấm hình nào ngoài hình trong giấy chứng minh nhân dân. Nói về điều cô không thích giao du với bạn đạo nào thì đứa em trai kế cô Trần văn Nhạn trả lời tôi như sau:

Chi tôi không thích đi đây đi đó vui chơi, cũng không thích lại nhà nầy nhà kia trong xóm, nhà chú tư em ruột của cha cất cập bên thế mà thật lâu chị mới qua thăm một lần, chị thích yên tịnh và có nhiều thời giờ tu niệm.
Tôi biết và nói về cô nhiều bởi vì tôi với cô là anh em cùng xóm từ thuở nhỏ, cha mẹ cô tôi kêu bằng chú thím, cha mẹ tôi cô kêu bằng bác, hai nhà tình anh em rất thân thiện. Lớn lên tôi phát tâm tu, thời gian đầu tu tại nhà sau đó đi tu xa, lâu lâu có về thăm quê, một đôi ngày tới lui trong xóm rồi đi nữa, nhiều lần như vậy mới tình cờ gặp cô một lần với vài câu chào hỏi ngắn ngủi qua đường. Sau lâu tôi về quê ở trụ lại dựng lên căn gác hẹp cũng không nhớ gì về cô. Năm 2016 bổng cô đến thăm tôi với thân hình tìu tụy, bèo nhèo, tưởng như bà già lở đường lại nhờ sự bố thí. Thời gian đã làm cho người ta già thì phải rồi nhưng không giống già thường mà hình thể giống bà già ăn xin, bộ bà ba bợt màu thời gian, nón lá rách trùm đầu, tay xách cái bị da rắng nhỏ, trông hết sức là lang thang, gương nga bầu bĩnh của lúc xuân thì đã hoàn toàn biến mất. Tôi chào chị mà lòng thì nghĩ ngợi, nhớ ngờ ngợ gặp người nầy ở đâu… chừng cô hỏi: Chị hai khõe không? tôi nghĩ tới… giật mình, hỏi chứ không đáp:
- Có phải cô hai Bợ không?
- Dạ phải !
- Hết sức lâu mới gặp. Chị hai khõe, một chút cô lên gác thăm chị hai, chắc chị ấy mừng lắm.
Chị hai tôi cũng như tôi, lúc xưa còn ở chung cha mẹ nhà gần Kim Cổ Tự (chùa ông Ba) cũ, hồi nhỏ lúc tuổi lên ba thì chị bệnh ban trái mù đôi mắt, cô Bợ là em trong xóm thương chị hai tôi, thỉnh thoảng có đến thăm, chuyện trò thân thiện quí nhau lắm.
Thời gian tôi bị đi xa, chừng về năm 2002 cha mẹ không còn, chị hai sống với người em trai út. Tôi cất nhà mới cách đó khoảng ba cây số, năm 2003 rước chị hai về ở chung, từ đó, cái cô chuyên gia đi bộ nầy không tiện tới lui thăm chị hai tôi nữa. Tất cả quên hết rồi! Bổng nhiên 2016 cô lại thăm hai chị em tôi làm tôi hết sức bất ngờ. Tôi hỏi:
- Cô đến thăm chị hai chơi hay có chuyện gì quan trọng?
- Tôi bệnh, đi hốt thuốc nam anh à. Lâu nay nghe tin anh về cất nhà trong đồng, sẵn trên đường đi hốt thuốc  tiện dịp ghé thăm chị hai và anh.
- Cô bệnh gì?
- Nhiều chứng lắm anh ơi.
- Cô đi bằng phương tiện gì sao không thấy?
- Dạ đi bộ.
- Bệnh nặng mà phải lội bộ đi và về ước chừng già 4 cây số đành lòng sao?
- Dạ, tôi lội được.
- Thời đại nầy xe cộ dặp dìu, thôn quê nhà nào cũng sắm xe, có nhà ba bốn người sắm ba bốn chiếc, cô ở nhà săn cột lớn, em cháu chắc cũng vài ba chiếc trong nhà sao lại dễ dàng để cho cô đi bộ xa trong khi cô bệnh.
- Dạ không sao đâu anh! Hồi nào vậy giờ cũng vậy.
- Hay cho câu “Hồi nào vậy giờ cũng vậy”. Tôi phục cô luôn!
Phần đông người ta thường bảo “Ăn theo thuở ở theo thời” mà cô thì bảo: Hồi nào vậy giờ cũng vậy, thế thì vẻ sang trọng, vinh hoa phú quí không khiến cô được. Có người để ý thấy cô không giao du với bạn đạo, không luận việc tu hành nhưng thường sống ở trạng thái tu mà người khác luận tu. Cô có hạnh cách bất cần đời, không chen vào chuyện phải quấy của ai, không ham tiền và sắm dọn. Quá khứ của cô sáng trưng cái hạnh “lạc đạo an bần”.
10/7/2017


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét