Thứ Tư, 5 tháng 7, 2017

GIÈM PHA TAI TIẾNG

Đề mục nêu trên tôi trích trong Sấm Giảng Thi Văn Giáo Lý Phật Giáo Hòa Hảo, bài “Thiên Lý Ca” có câu như sau:
“Mặc tình ai gièm pha tai tiếng
Sửa tâm mình như miếng hoa thơm.”
Bàn qua đề tài nầy tôi rất mong có sự thông cảm của các bạn đạo, bạn đọc, để trên đường đời vạn nẽo chúng ta từng bước từng bước an vui, thông thả đi qua đi qua…
Gièm Pha: Đặt điều nói xấu kẻ khác để người ta biết mình tốt, chế giễu thỏa thích.
Tai Tiếng: Tiếng xấu, kẻ đặt điều đồn đải ra làm cho thanh danh của người bị đặt điều mất đi ảnh hưởng.
Như chúng ta biết, đặt điều tức điều đó không có, người ta không phải nói như vậy, làm vậy, mà do kẻ ác ý kiếm chuyện, không có đặt cho có. Người ta không xấu kiếm chuyện đặt điều nói xấu, không ngu đặt chuyện cho ngu, không tồi nói là tồi, không gian dối nói là gian… Sở dỉ người ta dám đặt điều như vậy cũng vì họ nung nấu trong lòng hai điều khó chịu:
1. Khi thấy người khác uy tín hơn mình, nói ra nhiều người nghe còn mình có đây không ai ngó tới. Do thấp mà muốn được ngẩng cao và thay vì làm cho mình cao hơn người cao hơn mình họ tìm cách hạ bệ người cao cho kẻ ấy thấp dưới mình để người ta thấy mình chớ không thấy người uy tín đó nữa.
2. Do tính tự cao tự đại thấy mình hay giỏi, tài trí, ai lộ ra hay giỏi, tài trí thì bị người tự cao tự đại khinh chê: Múa rìu qua mắt thợ.
Ở đời người ta hay nói với nhau rằng: sống có cạnh tranh thì cuộc sống mới vương lên, giàu thêm giàu, tài thêm tài, trí thêm trí. Dân trong nước mà vương lên như vậy thì nước giàu dân mạnh. Phải! phải! nhưng sự vương lên qua cạnh tranh thì phải cạnh tranh với tính công bằng, không có việc làm mờ ám, gian xảo. Người kia tài giỏi, mình muốn tài giỏi hơn họ thì rán học hỏi, nghiên cứu, làm việc cho hơn họ, nếu hạ nhục họ gục xuống đặng mình đứng lên là không công bằng và cũng không có chút tiến bộ nào. Trong xứ có hai người tài trí trình độ chệnh lệch một tám một mười, nếu người ở mức độ tám hại người ở mức độ mười thì trong cái xứ tốt lành bị xuống cấp, thông minh mười của ngày xưa nay chỉ còn có tám thôi. Làm như vậy bản thân không có lợi còn hại cho quê hương xứ mình. Ngở rằng không có mười thì tám ta đây là cao nhứt mà cao nhứt cũng chỉ có tám thôi, thiếu hai nữa mới được như xưa.
Nếu thật tâm tu, khi nghe ai nói xấu về mình, chê mình ngu muội ở một việc làm nào đó, đừng tự ái phựt lửa. Xét coi mình có làm chuyện xấu không, có ngu si khờ khạo đúng như miệng đời chỉ trích không. Hãy thật lòng nhìn đúng về mình chứ đừng nhìn với lối biện hộ. Nếu đúng vậy thì tự sửa mình và đừng buồn người kia đặt điều nữa, vì ta đã xác nhận mình phạm lỗi thì lời chỉ trích trên đúng sự thật chớ đâu phải người ta đặt điều. Bây giờ chỉ lo mà sửa lỗi thì lỗi chính mình mới hết, trách móc người ta chứng tỏ là mình không thật sự nhận lỗi;  hãy sửa để xấu ra tốt, dốt được thông. Bằng như ta không hành động xấu ác, gian dối, là chuyện tốt phải làm, đường thiện phải đi, dầu ta làm việc phước nhỏ, thiện nhỏ, thông minh không bằng ai, dở hơn người giỏi nhưng biết mình mang phước chớ không dời họa đến ai thì không nên thẹn lòng. Hãy khen tặng người làm ích lợi lớn cho đời, người thông minh tài giỏi, đừng vì họ hơn ta mà gần họ ta cảm thấy khó chịu. Lở khi họ có cao hứng chê ta làm chuyện phước thiện nhỏ, giảng thuyết giáo lý một cách thấp thỏi, đừng vì lời chê bai của họ mà bỏ cuộc. Trong xã hội đa dạng người, tốt xấu, nghèo giàu, cao thấp, nên cũng rất cần có nhiều người nhiều cách làm lợi ích cho đời, phù hợp với khả năng. Ông bà nhà giàu tiền đầy túi, họ nhắm tới việc lớn như cất cầu, làm đường, cất nhà cho nhà người nghèo khổ, ta nghèo có chút ít tiền là do mót mái, nhịn xài phí mà có, không thể hướng đến chuyện tu kiều bồi lộ lớn lao nhưng ta có thể chia cơm xẻ áo với những người nghèo khổ quanh ta, những ngày trời mưa dầm người ta không đi làm công cho ai được, không thể chống gậy đi xin ăn hay bán vé số, gạo không còn trong lu mà hết tiền, ta mang đến cho những người nghèo khổ đáng thương nầy một vài bửa ăn cũng quí, đâu đợi phải có số tiền to làm theo kiểu cách của ông bà chủ nhà giàu thì mới được. Gia bần trí đoản, có thể họ không nghĩ đến việc đạo đức tu hành, ta tuy không tài giỏi thông minh như những người tự hào tài giỏi thông minh, tới đâu họ cũng biểu dương sự thông minh tài giỏi của mình bằng những bài pháp cao, chân như, lý tánh, ít ai luận tới để giành hết sân. Ta không được như người thông minh đó, nhưng đứng trước những người chưa biết đạo đức tu hành hay mới biết đây thôi, với tâm trí của họ nếu có học đạo cũng chưa cần thiết phải hiểu đến chân như lý tánh của người thông minh kia nói đâu. Họ làm ác ta khuyên họ làm thiện và giải thích thiện ác lợi hại như thế nào, họ chưa tin Phật ta khuyên họ nên tin Phật, họ không biết nhân quả báo ứng là gì ta khuyên họ để họ kịp thời sửa sai làm phải chuyển đổi ác nghiệp thành thiện nghiệp. Làm được việc là làm giỏi, dù có bị kẻ khôn chê dở cũng không sao.
Đức Thầy dùng từ “Mặc tình ai” tức là mặc kệ ai nói nếu mình chuyên vào việc “Sửa tâm mình như miếng hoa thơm” là việc phải nên làm không vì sự đặt điều nói xấu của người khác về mình mà giận lên bỏ cuộc, tính đi ăn thua tranh luận với kẻ ấy sao? Đức Thầy dạy:
“Mặc ai tranh luân đấu tài
Khuyên dân hãy rán miệt mài đường tu.”
Ăn thua là đấu khẩu, đem pháp Phật ra làm sức mạnh bào chửa, làm vũ khí tấn công đánh chụp đối phương buộc họ đầu hàng thua cuộc sao? Thật ra, nếu pháp của Phật có là vũ khí thì vũ khí ấy chỉ cấp cho chiến sĩ Như Lai để các vị đánh bại kẻ thù phiền não không phải để ăn thua chiến sĩ Như Lai với chiến sĩ Như Lai, đồng đạo với đồng đạo. Có ai đó đã viết:
Luận thôi cải riết rùm rang
Ai cũng bảo thủ cái đang hành trì.
Pháp giáo hướng dẫn ta đi,
Chớ không là chỗ ở thì mà tranh.
Nếu ta thông minh giàu tiền bạc có tấm lòng tốt thương đời, dạy người cũng nên vì cái phúc đức của đời trước đã làm, giữ mình một cách cẩn trọng đừng để có cao hứng, một lúc mất tự chủ nói ra những lời chê bai kẻ thấp, thật sự họ có dở hơn ta, sự hiểu biết chậm chạp hơn ta, làm phước thiện không bằng ta nhưng họ đã đi đúng hướng đúng đường ta đang đi. Muốn cho họ tiến thêm ta nên an ủi vổ về hơn là dùng lời chê bai khiển trách.

06/7/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét