Thứ Năm, 15 tháng 6, 2017

KHÔI HÀI

Trưa ngày 16 tháng 5 ta, tức còn hai hôm nữa, tín đồ PGHH các nơi, có đến điểm lễ hay không đến, trong cõi lòng đều cung nghênh lễ khai sáng đạo Phật Giáo Hòa Hảo lần thứ 79, 18-5-1939 _ 18-5-2017, Thiên Quang Am có bốn người khách đến viếng, trong đoàn có một cô bác sĩ đã nghỉ hưu, đến từ một tỉnh lân cận, các vị đều là tín đồ PGHH xin được đàm đạo chuyện trò. Cô nói rằng về Thánh Địa Hòa Hảo cúng lễ nghe ai đó nhắc nhở về tôi mà cô muốn gặp. Khấn lạy xong ở chùa Thầy, Tổ Đình, trên đường về quý vị ghé thăm đây cho biết. Nghe qua tôi nói:
- Quý vị bảo là đi dự lễ, chưa tới ngày chánh lễ đã về là sao?
Có lẽ câu hỏi của tôi đã làm cho khách không hài lòng, cô bác sĩ nhìn tôi, buông giọng thật nhẹ:
- Chúng tôi muốn được vái lạy trong cảnh quang không quá ồn ào chen lấn. E ngày chánh lễ rần rần, chen nhau mà cúng ngợp hơi người, vọng tâm lu bu, uổng công uổng tiếng đi cúng Phật… với lại…
- Với lại sao?
- Hồi đó tôi đi cúng lễ đúng ngày, giữa chừng bổng xảy ra rắc rối, đến giờ, dầu thời gian qua lâu mỗi lần nhớ tới là kinh hoàng.
- Cô làm tôi tò mò và hồi hợp lên rồi đấy !
- Dạ, không có gì
- Sao lại không có gì được! Chuyện kinh hoàng mà để lòng hay ho gì chứ? ám ảnh lâu không tốt đâu.

- Vâng, tôi sẽ kể. Năm 1999 nhà nước xã hội chủ nghĩa ký cho phép đạo Phật Giáo Hòa Hảo tái phục hoạt nhưng thay vì tên gọi là Ban Trị Sự Giáo Hội từ nguyên thỉ, họ đặt tên là Ban Đại Diện Toàn Đạo, thông báo cho cúng lễ kỷ niệm ngày Đức Thầy khai sáng đạo PGHH. Nghe tin tôi rất là mừng, liền xem lại dương lịch, ngày đại lễ tôi không có ca trực trong bệnh viện nên đã âm thầm tham gia với bà con cô bác làng nhà, tổ chức chuyến đi dự lễ ở Thánh Địa Hòa Hảo. Chúng tôi đi chung trên một chiếc ghe rộng, máy lớn. Bà con ngồi trong muôi ghe vui vẻ chuyện trò vây quanh đề tài tự do tôn giáo mà đã hơn hai mươi năm qua nhà nước triệt diệt. Ghe chạy lâu lâu, bà con trông ngóng mau mau bổng trên bờ có tiếng kêu: Ghe ghé lại! Ghe cập vào bờ, chánh quyền, công an có cả chục tên ra lệnh không cho ghe chở khách. Chúng tôi lên hết trên đường và tôi bắt đầu sanh nghi về thuyết tự do tôn giáo của nhà nước nầy đưa ra. Đã đi xa rồi, vài người yếu bóng vía muốn về cũng không có phương tiện để về. Những người lòng mạnh mẽ đọc ngâm giảng của Đức Thầy động viên an ủi:
“Chánh tinh-tấn dầu thành hay bại,
Cũng một đường tín ngưỡng của mình.
Dầu cho ai phá rối đức tin,
Ta cũng cứ một đường đi tới.”
Nghe qua những câu giảng vài người nói trên đã cởi bỏ sự nhút nhát, sau cùng chúng tôi cùng nhau, hướng về Hòa Hảo mà bước. Đi, ai cũng có xách hay quảy bị hành trang trông giống như đi tản cư. Khoảng hơn cây số có một ông chủ ghe tốt bụng khác, khi biết chúng tôi đi dự lễ gặp chuyện gay go như vậy thì thương tình, mời hết xuống ghe chở giùm về Hòa Hảo.
Vì lội bộ thêm quảy, xách quá mệt xuống ghe số đông bà con nằm dựa một chút là ngủ. Ghe chạy tới ngả ba sông Vàm Nao, có người phát hiện, xa xa phía sau có chiếc siêu tốc rược theo trắng nước, lên tiếng báo động cho bà con, liền theo đó chú tài công hô to: Bà con chuẩn bị hành trang chạy nhanh lên bờ. Nói xong ông cho hướng mũi ghe vào đuôi cồn, tăng ga, máy nổ lên khói đen ngùng ngụt vùng trời, chiếc siêu tốc rược tới cận bên, chưa kịp chận bắt ai, chúng tôi thoát lên bờ, mạnh ai co dò mà chạy lạc tứ tán. Hồi trên ghe phóng xuống chân tôi lún phải sình non của bệ sông có nhiều phù sa làm bỏ lại đôi giày, vì là nơi xa lạ đâu rành đường xá thêm sợ phía sau rượt tới, chạy thí mạng lên cỏ lên sỏi và gai, đôi vớ bị những thứ chướng lột hồi nào không hay, băng hết cánh đồng đuôi cồn mới đến chỗ dân cư đông đúc, thoát được sự sợ hải, xem lại đôi bàn chân máu chảy đỏ vệ. Vì sợ bị lính tuần bắt lại, chạy như chạy giặc, mang nhiều vết thương dưới chân mà không hay. Bây giờ thì tôi nghe đau rát rần người, đôi chân mệt mỏi rả rời.
Bà con ở đây rất tốt bụng, chăm sóc rửa thương mua thuốc nầy thuốc nọ cho tôi, họ không biết tôi là bác sĩ nhiều năm trong nghề, có đáng gì ba cái thứ trầy xước ngoài da chân nầy. Nghĩ khõe một lúc lâu, những bà con tốt bụng ở đây đối đải như bạn bè thân thiện hướng dẫn tôi đi dự lễ cách khoảng 5 cây số.
Tôi_ chủ bút_ hỏi:
- Phật Giáo Hòa Hảo bị bế tắt các sinh hoạt hơn hai mươi năm mới được vén mở, không khí cuộc lễ đạo năm đầu nầy, xin cho biết qua cảm nghĩ của cô.

- Cảm nghĩ của tôi rất vui mừng vì tín đồ PGHH đã có sức chịu đựng giỏi. Hơn hai thập niên đạo bị cấm, các cơ sở của đạo bị tịch thu mà người đạo không ai chịu bỏ đạo bởi đã khắc ghi lời châu ngọc của Đức Thầy “Nhờ công tu niệm âm thầm quá hay”, do tu niệm âm thầm nên lệnh cấm hoạt động tôn giáo đối với họ không còn ý nghĩa. Trường hợp cho PGHH tái hoạt động sau hai mươi năm là thái độ thăm dò tín đồ ai còn ai mất. Không ngờ lễ đạo đông rần rần, còn đủ hết chứ có mất mát ai đâu.
- Đi dự lễ giữa chừng gặp rắc rối như vậy, về nhà thì sao?
- Tôi bị cơ quan mời họp kiểm điểm và kể từ đó, mỗi năm đến ngày lễ đạo tên của tôi được sắp lên bảng trực bệnh viện hoặc mở phiên họp để giữ chân các y bác sĩ có nguồn gốc đạo PGHH. Trừ hai năm trở lại đây tôi được nghỉ hưu, đi dự lễ tự do nhưng vì nhớ chuyện xảy ra trong quá khứ khiến tôi phải đi cúng lễ sớm hơn.
- Cô nói năm rồi có về Thánh Địa dự lễ sớm, cũng ngày 16 tháng 5, nếu đem so sánh cùng kỳ, lượng khách năm nay có bằng năm trước không?
- Chưa tới ngày chánh lễ e hãy còn quá sớm khi tuyên bố kết quả.
- Chỉ là cùng kỳ bước khởi đầu thôi mà.
- Nếu nói cùng kỳ thì năm nay khách đông hơn năm trước một cách rõ rệt. Khoảng trên dưới 11 giờ ngày 16 tháng 5, 2016 trước đường và cổng vào Tổ Đình hay An Hòa Tự khách có lưa thưa nhưng năm nay 16 tháng 5, 2017 thì hai nơi ấy tôi đi chen người và vào ngôi chánh điện kẻ lạy người quì chật chỗ.
- Mới có ngày 16 mà khách đông tới vậy  sao?
- Dạ
- Mấy năm nay bà con các làng quê mình nghèo quá, dân làm ruộng rẩy cứ liên tục thất mùa, những nông dân giỏi áp dụng phương pháp trồng trọt theo khoa học chống chỏi với thời tiết bất thường có được sản phẩm bán cũng rẻ mạt, nông dân không được phép tìm thị trường mua bán ổn định với mối lái nước ngoài, mua giống mắc ơi là mắc mà chừng làm ra sản phẩm bán giá rẻ như bèo. Người vốn liếng ít oi, chỉ cần một vài lần là lâm nợ, đồng vốn thâm hụt riết rồi làng nào cũng chạy đói ra Bình Dương. Sự nghèo thiếu này tôi nghĩ sẽ làm ảnh hưởng không ít đối với tín đồ qua các cuộc lễ đạo vắng vẻ đìu hiu. Không ngờ, người ta nghèo tiền nghèo bạc nhưng tín ngưỡng không nghèo, lễ đạo đông thiệt là đông.
- Người Đạo đức sống nặng về tinh thần hơn là vật chất và càng gặp khổ khó ý chí trở nên sắt đá, kiên quyết thúc giục mạnh phải sống chết vì đạo. Nghèo không có tiền mua sắm, xài phí nhưng cũng chắc mót chút đỉnh để làm phước, tiền đổ xăng xe đi cúng chùa, dự lễ đạo. Bất cứ thế lực nào mạnh muốn phá hại đạo của nhân dân, nhân dân bất chấp những ràng buột, khó khăn của kẻ quyền lực liều mình bảo vệ sự sống còn và làm phát triển đạo nhà; lịch sử đông tây đã từng chứng minh kẻ quyền lực, phe nhóm phá hại tôn giáo nhiều nơi, qua ngày tàn có những kết cuộc không tốt mà tôn giáo họ cố tình phá hại, triệt diệt, vẫn sừng sửng uy nghi mãi mãi với non sông.

16/6/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét