Thứ Sáu, 23 tháng 6, 2017

GIÀ

Ai sanh ra nếu còn sống thì cũng phải lớn lên: thiếu niên, trung niên, già, già ít, già nhiều… do biệt nghiệp của mỗi người thọ lấy thân Nam, Nữ, đẹp xấu, lành lặn hay mẻ sứt. Chừng chết, chết già hay chết trẻ, chết tốt hoặc chết xấu cũng là chết để chấm hết một kiếp người. Trong khoảng thời gian từ sanh ra, lớn khôn dần cho đến chết, chặn đường dài ngắn là do thọ mệnh chính mình đã đặt trước. Có cần thắc mắc tại sao người ta không đặt vé chết già mà để chết trẻ không? Nói đặt vé trước tức nói do cái nhân mình gieo đó. Xưa, trong lúc tham tiền tài danh vị, cần đạt mục đích người ta bất chấp thủ đoạn hay e dè sự gian xảo nào, dùng mưu mẹo cướp quyền lợi trên tay kẻ khác. Nhờ chết già để có thời gian ôn lại đoạn đường đi qua, thấy mình có tội thì làm phước lấp bằng hố sâu tội lỗi do chính mình đào, nếu không, tội sẽ tích thành nghiệp, dẫn đến tác hại cho hiện kiếp hay kiếp lai sinh, Đức Thầy có câu:
“… Tranh đấu thành ra mãi oán cừu.
Chung cuộc chỉ mang câu thất vọng,
Xong đời ghi chất mối sầu ưu.
Cổ kim máy tạo nhiều huyền bí,
Lão ấu xây vần lắm mẹo mưu.
Cũng chẳng cướp xong quyền võ-trụ,
Mà còn đeo đắm thú phong lưu.”
Thời Phật Thích Ca tại thế có một anh nông dân đang cày ruộng, trông thấy Đức Phật và các đệ tử của Ngài đi ngang qua gần vùng đất của mình, ông ta muốn bỏ cày để đến quy y với Đức Phật nhưng nhớ lại, ruộng cày dang dở, hứa với lòng, chờ cày xong thì hãy tìm đến Phật quy y.
Đây không phải chỉ một lần với Đức Phật Thích Ca mà kể cả có bảy lần gặp Phật trong nhiều đời trước đã xảy ra như vậy. Cày chưa xong, tuổi chưa già, trên vai đang gánh nhiều trách nhiệm, bổn phận, duyên cớ gì quỷ vô thường đến trong khi người ta mới tính tu nhưng chưa kịp thực hiện ý định thì đã bắt đi? Sách dở có ghi: Địa ngục chứa rất nhiều rất nhiều những ai có dự định tốt.
Thế nào gọi là đầy đủ sự hiểu biết và phước đức cho thân?
1. Người sống, về già là có thời gian rảnh việc gia đình, ôn lại quá khứ, tất nhiên đã trải qua nhiều sự hiểu biết như người lính nhiều năm trên mặt giặc đủ kinh nghiệm chiến trường. Đâu phải tuổi còn nhỏ nhít gì trong việc “ăn chưa no lo chưa tới” để bị người lớn quở trách, chỉ biết vui chơi ham hố những lạc thú và buồn buồn khi mình kém phai nhan sắc, tiếc uổng cõi trần gian thắm tươi, mọi vẻ quyến rủ còn nồng nàn, diễm lệ, mà mình thì bất lực trong hưởng thụ. Muốn kéo hoài sự trẻ trung nhưng đâu ai thành công bởi lòng ham muốn đi ngược với luật định: sanh, già, bệnh, chết. Có những ông hay bà già sống hai ba thế hệ: bạn bè, con và cháu; đã qua những cuộc vui chơi, ham hố, thấy người khác vui chơi ham hố. Sự ham hố một tấm thân trẻ đẹp của mình hay của bất cứ ai khác đều không tồn tại, chừng ni mới biết, hễ sống lâu lên “già”, là thứ định luật bất di bất dịch, “sợ già xấu” sợ cũng không khỏi thì thôi bỏ qua chứ sợ nữa được gì?
2. Phước Đức cho thân. Người ta thường bảo, cuộc sống thọ là do kiếp trước có gieo nhân lành nên nay hưởng quả tốt: phóng sanh chim cá hay giúp người qua khỏi khổ nạn chết chóc thì kiếp nầy tăng tuổi thọ. Bởi vậy, ở thế gian, ai mà chết lúc còn bé trẻ bị tiếng xầm xì, chê bai là chết yểu! Hiểu được những điều đáng hiểu như vậy từ đây họ sẽ không tạo ác, quyết lòng tạo thiện để có một kết cuộc cho thân nầy và thân sau. Không tạo ác, tạo thiện, lòng dục vọng ham hố các duyên sự đời từ từ phai mờ trong tâm trí, cạn kiệt lực húc đam mê thì già không lo, chết không sợ, những ngày tháng năm còn lại nhắm thẳng con đường tu nhơn tích đức đi tới.
Mặc khác, người già đã phế việc dân quan, rời khỏi quan trường là rời khỏi sự rủi ro, lìa cái “nhất thời” để đến với hồi “vạn đại”. Làm quan qua các triều chính, về dân cũng là lúc phế việc nhà, họ đã gần một đời hy sinh cho quốc gia, xã hội, gia đình, nay đến lúc phế các việc để cho già hưởng thụ thảnh thơi, sung sướng. Kinh nghiệm qua một thời tuổi trẻ, quay lại cuồn phim đời mình, những việc tội lỗi để có được thứ nầy thứ nọ nhớ tới là ớn óc bây giờ còn lại gì đâu? Ý thức mới vươn lên, may mắn là chưa chết trẻ cho già kịp suy nghĩ, còn thời gian tháo gở những tội chướng của lúc tuổi sanh đương độ quanh quanh liệt liệt, thành công ở lĩnh vực tiền bạc, tình tứ lãng mạn. Nay bống ngả về chiều, ăn không ngon, ngủ không yên thì tội lỗi của lúc xưa mình làm đã trở thành nổi ám ảnh. Hồi nào tình tứ lãng mạn, hai ba vợ, hai ba chồng, tiền bạc đầy rương đầy tủ giờ già không xài được; hết hứng thú cho việc tiêu tiền khoe sang mà, những việc làm tội lỗi để có được nhiều tiền, nhiều vợ nhiều chồng bắt đầu qua tay người khác còn tội nghiệp của chính mình thì quyết ở lại, không chịu qua tay ai, dầu người đó là con muốn lãnh tội thế cho cha. Đừng nói là hy sinh cho con cháu, tội của ai làm nấy chịu, đổ thừa vì con cháu mà làm ác cho chúng có hưởng, Diêm vương sẽ không tha tội cho đâu.

Nhờ sự ám ảnh đó người già còn có cơ hội làm lại cuộc đời, chứ chết hồi còn trẻ, trên mình mang nhiều trách nhiệm, gánh vác oằn vai đâu có thời giờ suy nghĩ lung tung cái chuyện tội phước, lo kiếm tiền tài danh vị còn không kiệp với người ta, có chết là chết trong ác. Già nầy, khi đã thức ngộ ăn năn, từ rày cho đến chết, có thể, nếu họ kiên trì, sẽ không dính dấp đến tội lỗi nữa.
Như đã trình bày, không chết trẻ để được sống già với những năm phế việc dân quan, có thời giờ ôn cố, học hỏi cho bản thân, lúc tuổi về chiều phải làm gì. Đừng tưởng hễ già rồi là vô tích sự, thảnh thơi chờ cho con cháu trong nhà dâng cơm dâng nước. Những tội lỗi của thời trẻ trung đã làm giờ làm thiện lại, biết mình ác nhiều thì mau mau làm thiện cho nhiều, khắc phục và sử dụng phương pháp nào khả dỉ đủ để bù đấp, nếu áp dụng phương pháp không xong thì đi đến biện pháp. Người ta có phương pháp giáo dục con cái trở thành người tốt nhưng đám con họ không nghe, tự ý làm xấu, bắt buộc phải áp dụng biện pháp trừng trị mới xong. Đổ thừa già tu nhân tích đức không được có thể là do tính toán sai, phải dùng biện pháp kiềm chế, khắc phục.
Khổng Tử có một đệ tử làm việc quốc gia xả tắc, mong đến tuổi từ giả quan trường, ông xin với Thầy cho về vườn vui thú điền viên. Lời xin không được Khổng Tử chấp nhận. Người đệ tử hỏi qua chuyện khác: Hết một đời trai trẻ phục vụ lợi ích cho nước cho dân, đã quá mệt mỏi giờ xin được một cuộc sống bất cần đời. Lời xin nầy cũng không được vị Thầy của ông ta cho phép. Cảm thấy như mình bị trừng phạt, lòng khó chịu, người đệ tử nói lên trong sự bực tức: Điều nầy không được, điều kia không được vậy suốt cuộc đời Tử tôi chẳng có ngày yên ổn sao? Khổng Tử đáp: có chứ, ông chỉ được yên nghỉ khi có cái huyệt đào sẵn, nhiều người đội khăn tang, bà con họ hàng đồng đi đưa quan tài ông đến nơi cái huyệt đào sẵn ấy, vùi thây ông xuống đó mới chính là lúc ông được yên nghỉ.
Đời người lúc trẻ thì hâm hở tạo tiền tài danh vọng, muốn được việc đôi khi phải dấy tay vào ác, điêu ngoa xảo trá, hành sử bất lương, nay già sắp chết tới nơi ở đó mà đòi giá cao tiền tài danh vọng làm gì? Hãy buông tay những thứ đó, hãy sang cái gánh làm chủ gia đình, ruộng đất, sự nghiệp lại cho lớp trẻ như lúc xưa còn trẻ mình cũng được cha mẹ sang gánh. Già thì  làm công việc của người già, tu nhơn tích đức cho chính bản thân, để đức lành cho con cháu, chết đi được nhẹ nhàng siêu thoát. Đức Thầy có câu:
“ Thiên-Đường siêu-thoát thời thong-thả,
Địa-ngục trầm-luân ắt đảo-điên.
Nên chọn một nơi thanh-tịnh ấy,
Dứt trần bất nhiễm mới là yên,”.
Qua lời dạy trên, bất cứ ai trên đời dù muốn hay không muốn, kết cuộc một kiếp người phải đi vào một trong hai đường “Thiên đường siêu thoát” hay “địa ngục trầm luân”, đường siêu thoát là “thong-thả” còn đường trầm luân thì “đảo điên”. Tất nhiên ai cũng muốn thong thả, sợ đảo điên như sợ quỷ bắt. Chọn đường thong thả là chọn “một nơi thanh tịnh” để từ đó thực hiện “dứt trần bất nhiễm” sẽ dễ dàng hơn. Xét qua người già có cơ hội gần gủi mục tiêu “dứt trần bất nhiễm” vì người già đã phế việc dân quan, làm xong trách nhiệm với nợ nước, ơn nhà, sang gánh nặng gia đình, quốc gia đại sự cho tuổi trẻ. Hết dùng sức mạnh của tay chân thì nay dùng sức mạnh tinh thần, tập trung “một nơi thanh tịnh”. Có thể diễn đạt chỗ niệm lục tự Di Đà, được “nhứt tâm bất loạn” là “một nơi thanh tịnh” và khi tâm đã thanh tịnh, bất loạn, thì dù sống trong trần hết còn cảm nhiễm mùi trần, việc “dứt trần bất nhiễm” thành công.

24/6/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét