Thứ Hai, 14 tháng 11, 2016

MỞ NIỆM PHẬT ĐƯỜNG

Đạo Phật Giáo Hòa Hảo dù tín đồ trong đạo sống đời tại gia cư sĩ, nhưng học Phật cũng muốn lên đỉnh cao của pháp môn Tịnh Độ. Bởi đó, đã đến lúc nhiều nơi tổ chức chương trình Niệm Phật, có nơi mỗi tuần niệm một ngày, nơi thì một tháng bảy ngày liên tục. Đạo sự tiến triển là mừng, nhưng có người ham muốn làm thế mà lòng còn e ngại bởi không tìm thấy trong Tôn Chỉ có câu đỡ đầu. Tự ra câu hỏi: nếu như gặp những đồng đạo khó tính đặt vấn đề: Các Ông dựa vào đâu mà bày vẽ, lôi kéo người ta tập trung niệm Phật đông đảo thế nầy thì trả lời làm sao cho suôn với đầy đủ tánh thuyết phục…
Hôm nọ vài người đến tôi, hỏi:
- Nên mở Niệm Phật Đường không?
- Mở được thì tốt _tôi đáp.
- Cháu hỏi nên mở hay không thôi chứ Niệm Phật đương nhiên là hạnh tốt _ người ấy nói.
- Nếu tôi nói nên thì ý quý vị thế nào?
-  Cháu sẽ hỏi, dựa vào đâu trong đạo PGHH để tin tưởng việc làm của mình là không sai với tôn chỉ của đạo?
- Nếu nói riêng về tôn chỉ thì ta đọc quyển sáu, không thấy Đức Thầy khuyên nhưng Ngài cũng không để cấm. Vậy đủ biết, điều nầy thuộc vô thưởng vô phạt. Không căn cứ thì đối với chuyện không khuyên làm mà cũng không cấm làm, khiến nên trong nội bộ người chấp có, kẻ chấp không, gặp nhau hay sanh ra chuyện mất lòng. Đó là Tôn Chỉ còn Tôn Ý của Đức Thầy thì  cả hai, phía chấp có, phía chấp không, đều phải chấp nhận là sự thật.
- Dạ, xin được nghe chú nói đều phải chấp nhận sự thật đó là gì?.
- Đức Thầy khuyên “Rủ nhau Niệm Phật liên đài được lên”, hoặc “ Ở Tây Phương chư Phật ngóng trông, chờ dân chúng rủ nhau niệm Phật”. Rủ nhau thì phải tập trung nhiều người, ví dụ người ta nói rủ nhau đi cúng chùa, rủ nhau đi viếng núi, không phải đã tập trung đông người cùng đi, cùng làm rồi sao? Hoặc như câu “Dìu dắt lẩn nhau vào con đường đạo đức”. Đường đạo đức thì rất nhiều, bố thí giúp người cũng là làm đường đạo đức, diễn giảng giáo lý hoặc viết bài vở có nội dung giáo lý cũng là làm đường đạo đức… nhưng Niệm Phật chí thành mới chính là điều cần thiết nhất của con đường đạo đức. Dìu dắt nhau Niệm Phật có gì là không đúng mà e ngại! Chẳng lẽ, dìu dắt nhau niệm Phật không được coi là dìu dắt nhau vào con đường đạo Đức của Đức Thầy dạy hay sao?
- Có nhiều con đường đạo đức để nhân sanh tùy chọn mà Niệm Phật lại là con đường cần thiết nhứt, nếu như những người vào con đường đạo đức bằng quanh quẩn việc làm từ thiện suốt họ sẽ không hài lòng khi nghe chú nói niệm Phật là cần thiết nhứt đâu.
- Hài lòng với không hài lòng đối nhau sanh ra kiến chấp, suốt đời không có sự thống nhứt về tâm lý. Người học đạo, ai cũng biết cõi thế gian là nơi ở tạm với vẫy đầy sự thống khổ. Khổ của xác thân là Sanh, Lão, Bệnh, Tử, khổ của tinh thân là : Ái Biệt Ly, Oan Tắng Hội, Mưu Cầu Bất Đắc, Ưu Sầu Lo Ngại. Từ 8 sự khổ nầy sanh ra trùng trùng thứ khổ khác. Thói thường người ta giải quyết những khổ bằng mưu cầu hạnh phúc cá nhân. Ví dụ: người ta bảo nghèo là khổ, cô đơn là khổ… họ vác thân lo làm giàu, cạnh tranh đôi khi không công bằng để có nhiều tiền, tìm kiếm bạn bè, vợ đẹp, chồng quý … nhưng khi có được giàu sang, bạn bè nhiều thì tự đó sanh ra những thứ khổ khác mà từ lâu nó lặn dưới lớp nghèo khổ và cô đơn… Để dứt điểm các khổ đau chồng chất Đức Thầy kêu gọi lương dân bá tánh hãy tìm đường về Cực Lạc như những câu:
“Khuyên chúng sanh nghĩ tận đuôi đầu,
Về Cực Lạc mới là hết khổ”
Và câu:
“Cõi Tịnh Độ lắm điều thanh nhã,
Khổ buồn rầu lo sợ chẳng còn.
Chốn Ta Bà tim lụn dầu mòn,
Thân tứ đại của người cũng thế”.
Tịnh độ là tên khác của Cực Lạc, cũng gọi là Cõi Tây Phương. Muốn về cõi Cực Lạc thì hành giả phải chuyên trì niệm lục tự Di Đà, tức sáu chữ NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT, niệm luôn luôn để thuần niệm mà sâu vào trạng thái nhất tâm bất loạn ngay trước phút lâm chung sẽ được Đức Phật A Di Đà tiếp độ về cõi Phật của Ngài, chừng đây mới hết khổ. Chớ còn tìm hết khổ trong chốn hồng trần nầy là không có đâu. Đức Thầy có câu:
“Cảnh thế gian dường thể chốn ao tù
Trong biển khổ mấy ai mà thoát đặng”.
Nghe chú giải bày về việc rủ nhau niệm Phật và dìu dắt lẩn nhau… qua lời dạy của Đức Thầy, tôi rất đồng ý việc mở Niệm Phật Đường, còn về hình thức cũng như những sinh hoạt trong Niệm Phật Đường là gì xin chú cho thêm ý kiến.
Điều nầy chắc khó lấy điểm chung, nhưng theo ý của tôi, hình thức Niệm Phật Đường nên đơn giản sẽ hay hơn, đơn giản để tự nói lên một phần nào mình vâng lời Thầy bớt đi hình tướng, bởi vì đạo Phật là đạo vô vi. Đức Thầy có câu:
”Đạo Vô-Vi của Phật ân cần,
Nối theo chí Thích-Ca ngày trước”
Cho đến sự thờ phượng là điều quan trọng trong tín ngưỡng tôn giáo mà Đức Thầy còn kêu bớt đi “Nên thờ đơn giản cho lòng tin-tưởng trở lại tâm-hồn hơn ở vào sự hào-nháng bề ngoài”. Chỉ cần có chỗ yên tịnh cho đồng đạo đến niệm Phật, không nên tổ chức rình rang, phóng đại phô trương hình thức. Mời nhau những bạn đạo tâm đầu ý hợp có sở thích tịnh niệm. Nếu ta bày vẻ kiểu cách thẩm mỹ, khang trang quá nó sẽ chiêu dụ những người tu vui đến, bản chất họ thích ồn ào, ta không rảnh đâu mà khuyên lơn họ. Nơi Niệm Phật Đường ta cần chất lượng, nhu cầu về số lượng hãy để dịp khác.
Còn về sự sinh hoạt trong Niệm Phật Đường, hãy nặng về tính chuyên trì Niệm Phật. Ví dụ: quy định Niệm Phật bằng cách tọa niệm, mỗi cử tịnh tọa là mấy giờ. Đối với người không có khả năng ngồi lâu, họ có thể xả tọa bằng bảo đảm không gây tiếng động và ở ngay vị trí tịnh tọa dù qua tư thế khác vẫn tiếp tục Niệm Phật như lúc còn trong tọa niệm, đúng giờ xả hãy cùng ra khỏi đó với mỗi bước đi niệm Phật lưu chuyền. Trong thời gian tạm ngưng thế tịnh tọa, nghỉ xả hơi cho thân lấy lại sự thoải mái tới giờ vào tịnh tọa lại, tự mình bảo vệ lập trường hiếu tịnh, hạn chế các cuộc trò chuyện vô bổ cho sự niệm Phật liên tiếp ở những oai nghi khác. Có thể mỗi người tìm cho mình một khúc lảnh thổ riêng giữ nguyên tiến trình niệm Phật. Mục đích của sự niệm Phật là để ngăn trừ vọng niệm chúng sanh, niệm tới hết giờ mà lòng chưa ổn định bởi vọng niệm, đã vậy, chừng ra rồi ngồi dụm năm dụm ba bàn lộn sộn thì lúc đó sự niệm Phật mất đi. Ta tạm ngưng là chỉ một phía ta thôi chớ giặc phiền não đâu chịu ngưng. Ông Thanh Sĩ diễn tả thái độ hiếu chiến của vọng niệm chúng sanh và sự tác động nghịch ngợm của chúng:
“Giặc nào bằng thứ giặc lòng
Lúc nào cũng đánh chớ không lúc ngừng”.
Đến Niệm Phật Đường là chỉ để chuyên tâm Niệm Phật, không nên mượn đó thuyết trình giáo lý. Ta xác định đây là chỗ tu, không phải chỗ học. Chỗ tu là lo tu, học có chỗ khác hay lớp học riêng, đừng đem nhồi nhét sự học vào lúc đang tu. Đang cúi mình trước ngôi Tam Bảo đọc bài quy y mà lại nhớ câu giảng khác, những lời dạy khác, thì chánh niệm tức “sự ghi nhớ chơn chánh” về bài quy y đã mất đi rồi.
Sẵn đây tôi có thể bàn thêm với quý vị được không?
- Dạ được ạ.
Xét ra, tổ chức một Niệm Phật Đường là làm lớn chuyện rồi, nhưng nó chỉ nhằm giúp cho những ai tương đối rảnh và có khả năng tịnh tọa. Chúng ta có thể làm công việc thấp, nhỏ hơn mà gần gủi với đại đa số quần chúng, đồng đạo. Hai thời công phu tu tập của người tín đồ PGHH là sáng chiều, giờ giất thì trái đất xây vần khiến nên sáng và tối sớm hay muộn, bởi đó, người ta cúng không y cứ vào thời gian của đồng hồ. Theo thường lệ, cúng chiều vào khoảng thời gian trước khi Trời tối và sáng thì trước khi Trời sáng. Khoảng thời gian nầy xét ra là giờ bỏ, không còn giờ lao động; đáng lẽ sau khi cúng chiều, cúng sáng thì phải ngồi niệm Phật cho dư hưởng sự tu lâu bền. Đức Thầy không dạy điều nầy với tính bắt buộc nhưng Ngài đã ý kiến rằng “ Cúng xong muốn niệm Phật cũng được. Ngồi bán già thẳng lưng niệm: NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT”. Đã đưa ra ý kiến, ai muốn niệm Phật sau lúc cúng xong thì ý kiến ấy giá trị như tiếng lệnh phải thực hành đối với phận môn đồ. Người đạo mà đạo tâm kém cỏi thường không làm chủ bản thân thì câu “Lúc rảnh việc nên thường coi kệ giảng mà giữ gìn phóng nước nhà” đâu có thực hiện, cứ ngồi trước cái Ti Vi coi trên màn hình đánh nhau hoặc làm tình tự… Phải nên có tụ điểm Niệm Phật trong xóm gần để sau khi cúng nguyện xong, dìu dắt những người anh em “con một cha” của mình tiến triển trên đường đạo đức, đủ tiêu chuẩn vãng sanh Tây Phương Cực Lạc khi “mãn kiếp hồng trần”.
- Ý kiến rất hay! nghe có phần hào hứng lắm, nhưng về tổ chức, để có một tụ điểm như vậy chưa chắc dễ dàng.
- Không dễ nhưng cũng không khó lắm.
- Là sao chứ?
- Trong xóm gần gủi với nhau biết nghĩa biết tình, lựa nhà nào phù hợp mượn chỗ niệm Phật không phải là chuyện khó khăn gì. Lựa rảnh để đi niệm Phật thì khi cúng nguyện chiều vừa xong là lúc đêm về, nên ta mời gần và thời gian niệm Phật một đến hai giờ. Quanh xóm khoảng bảy tám đến chục người là được, để việc tới lui không xa, bảo đảm sự đi và về không sợ. Khó là số người có thói quen xem ti vi, rứt ra không nổi cái bệnh nhiểm nặng còn khuya sáng thì mê ngủ không siêng thức sớm để cúng nguyện, vào tổ chức niệm Phật. Huynh đệ phải có trách nhiệm khuyên nhủ, nói qua những lợi ích của người Niệm Phật khi sống và, vãng sanh về cõi Phật khi chết. Mưa dầm đất cứng mấy cũng mềm.
14/11/2016




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét