Thứ Sáu, 30 tháng 9, 2016

TU VỚI TỈNH

Kính thưa chư đồng đạo! Hôm nay chúng ta bàn qua đề tài Tu Với Tỉnh. Cụm từ nầy được trích từ hai câu giảng của Đức Thầy như sau:
“Tu với tỉnh biết làm chẳng khó,
Nếu lặng tâm tỏ-ngộ đạo mầu”.
Chắc quý vị còn nhớ, độ khoảng hơn hai tuần trước chúng ta gặp nhau qua đề tài “Muốn Tu Tỉnh”; hôm nay ta cũng bàn về “Tu với Tỉnh” đại khái cũng là tu tỉnh nữa thôi. Nghe riết bắt ngán phải không? Nhưng mong là quý vị đừng chán nản, tưởng như việc nhai đi nhai lại sẽ không còn dinh dưỡng cho não trạng qua tìm tòi. Thưa quý vị! Theo như tôi hiểu, hai sự tu tỉnh nầy ở hai vị trí khác nhau. Muốn Tu Tỉnh gắn bó ở vị trí cầu Phật Độ còn Tu Với Tỉnh ở vị trí Tự Độ. Từ ngữ giống nhau nhưng ở hai vị trí thì mỗi vị trí có mang đặc tính riêng, nếu quý vị nào muốn nghe lại ý bài trước cho tư tưởng thuần hơn, khi tôi trình bày Tu với Tỉnh khác đi Muốn Tu Tỉnh mong chư đồng đạo đây có sự thông cảm nhá!
Tu Với Tỉnh: Tu: theo tự điển, chữ tu có nghĩa là sửa. Vậy người tu tức là người chịu sửa, nhưng ta làm trật gì mà chịu sửa chứ? Sự thật thì ta quá nhiều điều trật. Theo giáo lý nhà Phật nói về nhân quả thì ta đã làm trật từ bao kiếp trước nên kiếp nầy phải bị đầu thai làm người, cũng có những thứ nhân quả bị trả trong hiện kiếp. Khi đã đầu thai làm người mà không tu, sống trong bống tối vô minh tiếp tục trật nữa thì phải chịu vào vòng quay luân hồi sáu nẽo, kiếp nầy thọ thân người chưa biết kiếp sau như thế nào, có được thọ thân người trở lại hay nghiệp húc vào những loài thấp hèn?
Nay theo Thầy học đạo, phát hướng tâm tu, muộn màng hằng trăm lúc trật, từ đường cong sửa cho ngay là rất khó, người sống cong quẹo quen thói, sửa ngay những thói quen cong quẹo đâu phải dễ. Trật làm cho trúng lại là cả một tiến trình đòi hỏi sức chịu đựng liên tục. Cũng vì cái chuyện để trật lâu nên sửa phải tốn nhiều công, đối trước việc sửa ngay đường cong, con người sửa xấu ra tốt, dốt ra thông, mê ra tỉnh hành giả phải đủ sức kiên nhẫn nếu không giữa chừng bỏ cuộc là uổng kiếp. Như thể cây cong lâu ngày, có người cong quá sá nay mới sửa đã cực thân mà phải chịu trầy vi tróc vảy, nhiều phen đau như chết được thì cây, đường, người mới ngay tốt lại.
Đức Thầy diễn tả cảnh trạng đó qua những câu sau đây:
“ Muốn tâm tánh ngày kia sáng tỏ,
Thì Khổ-Đề phải chịu nhọc-nhành.
Lòng dục tu thì phải thiệt hành,
Chớ đừng có mang điều sung sướng.
Đức Phật-Tổ nào đâu hẹp lượng,
Chịu nhọc-nhằn mới rõ đạo-đề.
Thấy một đàng thẳng-bẳng mà mê,
Ôi chừng đó mới là mầu-nhiệm”.
Việc tu sửa có hai phương diện một là tự sửa, hai là người khác nói cho mình sửa. Việc tự sửa, hành giả phải tập cho sự tu mỗi lúc ở độ nhạy cảm, trật là hay và hay thì sửa liền tay, sửa lúc còn nóng hổi đừng để nguội ngắt mới sửa thì sự làm trật có cơ hội kéo dài, trật để trật thêm lâu mới hay là không nhạy bén, nhạy cảm thức tỉnh trong trường tu niệm. Khách đăng trình đi lộn đường mà để đi quá xa mới trở lại, mất nhiều thời giờ, công sức, sanh lòng chán nản nữa là nguy! Đời người đâu phải chỉ lộn một lần thôi, trật một lần là không trật nữa. Ta từ chỗ bất giác mà làm chúng sanh thì bất giác là điều có sẵn trong tâm ý nếu hơ hỏng, vụng tu thì nó chường mặt ra. Chỉ cần ta nhạy bén việc thức tỉnh, hễ nó chường mặt ra là hay và cũng nhạy bén cắt đứt. Về điều nầy, chúng ta có thể đọc bài “Nhổ Bàn Thông Thiên” Đức Thầy sáng tác tại làng Hòa Hảo hồi tháng Giêng năm Canh Thìn:
“Đạo ác xảy ra rất thảm-phiền
Làm cho dân-sự nhổ Thông-Thiên.
Xô ngang ít bửa rồi trồng lại,
Phật Thánh đi xa khó rước liền”.
Với người ý chí không cao, thiếu quyết tâm thì việc tự sửa có thể không khả quan lắm. Phải nghinh tiếp những xây dựng, sửa chửa của các bậc đạo tâm. Mình cho dù có cẩn thận nhưng không hiếm lúc thiếu cẩn thận để mặt dính dơ không hay, người khác chỉ, có ngại tin thì qua dòm kiếng thấy mặt mình dính dơ là sự thật thì phải tin, tức khắc chùi rửa; đừng câu nệ người chỉ mặt ta dính dơ là hạng thấp, đã không nhận sự xây dựng của họ còn phát sùng trong bụng.
Trong con người có hai thứ cần phải sửa cho trơn láng: Thân và Tâm, Thân thuộc nhóm vật chất, Tâm thuộc tinh thần, hai cái sửa phải đi đôi, nếu sửa thân mà không sửa tâm tánh tu hết kiếp không thoát miền mê khổ.
Tỉnh: Đối lại với Mê, mê thì nghĩ sai, làm sai mà tỉnh thì giác ngộ, thức tỉnh. Tu Tỉnh là thoát mê khai ngộ.
Biết Làm Chẳng Khó: Ý nói, việc vì nếu không biết mà buộc phải làm thì công chuyện nặng nề, thiên nan vạn nan nhưng biết rồi chuyện nhẹ hỏng, dễ khô, chẳng khó khăn vì nữa mà lo sợ. Trong cụm từ “Biết Làm chẳng khó” có ẩn ý hiểu biết và biết làm, hiểu biết là hoạt động của tri thức, nhận thức, não trạng còn biết làm là phần hành sự của chúng.
Lặng Tâm: Lặng: nếu nói về ồn ào thì lặng tâm là hoàn toàn yên tĩnh, không một mải tiếng động. Ví dụ: Trời lặng gió, tức ngoài Trời cây nhánh đứng nghiêm mình không một chút động đậy; Trời hôm nay sao đứng gió ngợp quá! Tâm: ý nghĩa có cả vật chất lẩn tinh thần, bao gồm ba thứ: Nhục đoàn tâm (trái tim), Duyên Lự Tâm (tâm suy nghĩ tính lường), Chân Như Tâm (nói cái tâm như như bất động). Nhưng Tâm đi với Lặng thành Lặng Tâm nó thuộc hoàn toàn về tinh thần. Lặng Tâm để thể hiện trạng thái tâm không còn vô minh nữa, phát sáng Phật Tánh của chính mình.
Tỏ Ngộ: Tỏ: làm cho sáng ra, tỏ rạng; Ngộ: Nhận biết, nhờ có sáng tỏ các sự việc trong ngoài mà nhận biết một cách chính xác. Tóm lại, nhờ Tỏ Ngộ bổn tâm mà sáng tỏ được chân lý, kết quả cho sự tu học.
Đạo Mầu: Đạo: con đường, con đường đi đến chân lý tuyệt đối. Người quy y vào đạo là người có đạo, mang danh tín đồ hay làm chức sắc trong giáo hội cũng là người vào đạo để học đạo, còn phải đi từ học đạo đến chứng đạo, sâu vào trạng thái lặng tâm, tâm bình tịnh. Mầu: Nhiệm huyền, linh ứng. Khi tu đạo sâu vào trạng thái lặng tâm, bình tịnh tâm thì trí huệ phát khai. Chẳng phải Đức Thầy bảo “Tâm bình tịnh được thì phát huệ” là gì?
Xưa thái tử Sĩ Đạt Ta rời cung điện uy nghi tầm sự học đạo, đã học hỏi qua nhiều vị Thầy và đồng sự mà cái đạo giải thoát sanh tử chưa đạt được. Thôi đi sự trông chờ người khác giúp tu đắc đạo, Ngài đi sâu vào rạch Ni Liên Thiền, trải cỏ ngồi thiền định dưới cội Bồ Đề, tự tu tự độ đạt đến giải thoát sanh tử, thành Phật có tên là Thích Ca Mâu Ni.
Tóm lại Tu Với Tỉnh người tu hành không chủ ý cầu Phật cứu, cần lặng tâm là hơn, vì khi hành giả lặng tâm, trí huệ bật sáng đoạn căn gốc vô minh, không lệ thuộc nhân quả tất nhiên sẽ không còn luân hồi sanh tử.

01/10/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét