Thứ Ba, 13 tháng 9, 2016

MUỐN TU TỈNH

Kính thưa chư đồng đạo! Hôm nay chúng ta bàn qua đề “Muốn Tu Tỉnh”. Cụm từ nầy mang ngầm ý: Muốn tu tỉnh thì phải làm sao? Đã học đạo, chúng ta có thể tự giải thích được câu này. Nhưng thôi, chúng ta hãy kính trình lên Đức Thầy cầu mong sự giải thích của Ngài:
“Muốn tu tỉnh nay đà gặp cuộc,
Đức Di Đà truyền mở đạo lành.
Bởi vì Ngài thương sót chúng sanh,
Ra sắc lệnh bảo ta truyền dạy”.
Thì ra, sự giải thích của Ngài là, ai thấy lòng mình muốn tu tỉnh, may mắn gặp cuộc Đức Di Đà truyền mở đạo cứu độ chúng sanh. Ngài đang ở cõi nước Tịnh Độ sắc lệnh cho Đức Thầy, Kim Sơn Phật lâm phàm dạy đạo vãng sanh về cõi Lạc Bang của Ngài.
Đại lược là như vậy, tưởng chúng ta nên đi vào chi tiết để hiểu rõ những từ chứa đựng trong câu làm nổi bật ý nghĩa “Gặp cuộc” là thế nào.
Muốn Tu Tỉnh: Có từ “muốn” dẫn đầu, ta thấy ngầm chứa một dấu hỏi lớn, ví dụ: Nếu bạn muốn đạt được điều đó thì phải làm vầy làm vầy, tức là có sự ký kết giữa nhau một vấn đề, bạn muốn được tiền phải vào đây làm 8 giờ đồng hồ. Bạn muốn dùng hàng hiệu nầy hả, thì bỏ tiền ra tôi bán cho. Tu Tỉnh: Thông thường ta chỉ nói tiếng Tu thôi là đủ, nhưng trong đời đã có nhiều kẻ xưng mình là người tu hành mà đôi khi không có tu. Bởi chữ Tu có nghĩa là sửa, khoe tu mà không sửa thì cũng như người không tu. Đức Thầy rõ biết bụng dạ chúng sanh nên cho chữ tỉnh đi kèm để nói lên ý nghĩa người tu là phải tỉnh. Tỉnh: bao hàm nhiều ý nghĩa; 1 tỉnh trước sự việc xảy ra và ngay sau sự việc xảy ra; 2 tỉnh thân phù du; 3 tỉnh đời mộng huyễn; 4 tỉnh ngộ Phật tánh A Di Đà trong chính mình.
Thế nào là tỉnh trước sự việc xảy ra? Thường người ta hay nói: Thức đêm mới biết đêm dài, có đạp gai mới biết đạp gai là đau nhức. Tôi nghĩ, nói như thế để tự an ủi mình khi lỡ lầm vướng nhiều khổ lụy mà thông cảm cho nhau, chớ thật ra, đâu phải vì có thức đêm mới biết đêm dài! Mỗi ngày đều có hai mươi bốn giờ, chia phân nửa là ngày phân nửa là đêm theo vòng quay của quả địa cầu, ta tự biết là dài rồi đâu đợi thức đêm mới biết; không đạp gai nhưng đã thấy những người bị đạp gai họ ui da, nhăn nhó mặt mày, dù chưa đạp gai ta cũng biết đạp gai là đau nhức. Đức Tôn Sư ta bảo “Ham sắc đẹp nhà tan cửa nát” hay “ Sắc mến nó ngày kia lao khổ” thì đâu đợi ta phải sống chung với sắc đẹp để nó làm cho tan nhà nát cửa rồi mới hay mê sắc là khổ.
Tỉnh ngay sự việc xảy ra là gì? Khi đụng chuyện là bình tỉnh để còn trí sáng suốt giải quyết vấn đề đưa đến kết quả tốt. Nếu sự việc đang xảy ra có tính cạnh tranh, đối chọi, có thể ta không ở bên nào hãy là khách quan mang đến cho đôi bên sự mát dịu mà giảm bớt sự căng thẳng phát sinh một giải pháp ôn hòa. Hoặc như bản thân ta đây lỡ xảy đến những điều không may mắn như bệnh hoạn chẳng hạng, bình tỉnh để còn tu được.
Sao gọi là tỉnh thân phù du? Tỉnh thân phù du là điều rất cần thiết để phá tan sự bảo thủ thân ta hay cái vì của ta là trên hết, đạo Phật gọi là chấp ngã, mắc cái ta nầy mà tu hành không tới đâu. Mọi chuyện trên đời khiến ta lao lực, khổ tâm đều do chấp thân nầy là thật, o bế, tìm cho nó có danh, lợi, tình để đẻ ra tham, sân, si. Sống vì xác thân, đã tấm thân không thiệt thì cái gì trên đời nầy là thiệt? Do đó Khi tỉnh thân phù du là buông bỏ sự bám níu xác thân, tất nhiên có nhiều thời giờ học Phật pháp, dồn sự lo thân qua lo tu.
Thế nào là tỉnh đời mộng huyễn? Đời gồm có cõi đời và kiếp con người. Nói đến cõi đời mộng huyễn ai ai cũng biết chớ không đợi người có tu mới nói lý lẽ, nhưng người tu nhờ học đạo qua thuyết Tứ Diệu Đế thành chuyên môn nên có ít nhiều sự tỉnh táo để trong khi bắt tay vào việc tha thiết niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh Độ phải tự mình tỏ rõ thái độ nhàm chán cõi hồng trần, thực hành chu đáo lời dạy của Đức Thầy như sau:
“Chấp tay niệm Phật Di Đà
Lòng ta ta biết, ai mà mặc ai”
“Lòng hiền giữ vẹn sớm chiều,
Xem Kinh Niệm Phật mĩ miều mặc ai”.
Sao gọi là tỉnh ngộ Phật tánh A Di Đà trong chính mình? Kinh Phật có câu “Nhứt thiết chúng sanh giai hửu Phật Tánh”(tất cả chúng sanh đều có Tánh Phật) tại vì vô minh che phủ lớp lớp bên ngoài, nếu tỉnh được, thổi bay các lớp vô minh thì tánh Phật phực sáng ra. Để nói về Tỉnh, Đức Thầy viết bài đề tựa là “Lúc Ta Tỉnh” tôi xin trích đọc để quý vị nghe:
“Tỉnh giất mơ-màng cảnh mộng-hoa,
Tỉnh lòng lê-thứ chữ nhơn-hòa
Tỉnh thân tầm đạo xa trần-tục,
Tỉnh chuyện gần xa tiếng thiết-tha.”
Tạm phân tích: Câu đầu là tỉnh giất mộng đời, có đẹp đẽ như hoa thì cũng là hoa trong mộng. Câu thứ hai, biết được cõi đời như giất mộng thì thôi hãy đối xử với nhau hòa thuận chứ hơn thua giành giựt cũng không tồn tại được gì. Câu ba, tỉnh mộng đời, sống có nhơn hòa để không phiền phức, hơn thua chỉ là chuyện bên ngoài, trần gian là cõi mộng nhưng ta đã bất giác mà sanh trong cõi trần gian bị trói buộc bởi sanh, lão, bệnh, tử, nếu không làm gì để chận đứng dòng chảy sanh tử hết kiếp chết đi cũng trở lại sống trong cõi mộng nữa mà thôi; nên Đức Thầy căn dặn Tỉnh Thân Tầm Đạo Xa Trần Tục, tỉnh được cái thân phù du thì phải lo đi tầm đạo với điều quan trọng là “Xa trần tục”mới được. Câu sau cùng, khi con người đã thật sự tỉnh thân tầm đạo xa trần tục thì chấp nhận của thế xin trả về cho thế, cửa không xin giữ tấm lòng không, đừng để đeo níu chuyện nầy chuyện nọ hay những tiếng thị phi nói gần nói xa của bất cứ ai.
Nay đà gặp cuộc: Nay: chỉ hiện giờ, hiện tại; gặp cuộc tức gặp được công cuộc lớn của Đức Phật cứu độ chúng sanh, người trong đời gọi là gặp dịp may đưa đến. Đức Thầy bảo:
“Xưa nay không có mấy khi
Dương trần có Phật vậy thì xuống đây”.
Đại ý câu trên, không có mấy khi Phật lâm phàm độ thế mà ta lại may mắn gặp Ngài còn phát nguyện quy y.
Đức Di Đà: Gọi đủ là Đức Phật A Da Đà. Ngài là vị Giáo chủ của quốc độ Cực Lạc. Cực Lạc có nghĩa là tột vui, sách kinh có khi gọi là cõi Tây Phương, có khi gọi cõi Tịnh Độ. Đức Thầy từ cõi Tây Phương Cực Lạc lâm phàm đã diễn tả sự tột vui bên đó như sau:
“Thần thức nhập thai Sen tinh hảo,
Nên khỏi màng lo chuyện khổ sanh.
Thân thì thân công đức Hiền lành,
Bất di dịch khỏi vì khổ lão.
Thể thanh tịnh thường không huyên náo,
Hết lo toan nắng lạnh gió mưa.
Khổ bệnh kia bởi đó mà chừa,
Ta thoát cuộc lao đao vì nó.
Đường sanh mạng Phật ta cùng thọ
Tánh an nhiên bất diệt trường tồn.
Tử thần kia đâu dám dắt hồn,
Thoát luân chuyển khỏi đeo khổ tử.
Cuộc y thực muốn chi đủ thứ,
Không nhọc nhằn lo việc sanh nhai…”
Truyền mở đạo lành: Truyền mở: ra lệnh cho đi mở đạo dưới cõi trần gian  mà vị thọ lệnh là Đức Thầy, Kim Sơn Phật.
Đạo Lành: Chỉ đạo Phật, lành là thiện mà Đức Phật là đấng toàn thiện. Giải thích từ ngữ có tính bao gồm nhưng chi tiết “Đạo Lành” là chỉ riêng về pháp môn niệm Phật. Niệm Phật mà gọi là pháp môn vì niệm Phật phải đi qua ba cửa Tín, Nguyện, Hạnh để vào NHẤT TÂM BẤT LOẠN, đỉnh điểm cứu cánh về cõi Tây Phương Cực Lạc.
Kính thưa chư đồng đạo! Hai câu sau “Bởi vì Ngài thương sót chúng sanh, ra sắc lệnh bảo ta truyền dạy” Đức Thầy nói quá rõ nghĩa và “sắc lệnh bảo ta truyền dạy” có cùng ý với “truyền mở đạo lành” nên chúng ta không bàn. Xin kết thúc buổi gặp hôm nay.

 13/9/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét