Thứ Ba, 6 tháng 9, 2016

HƠN THUA NHAU MÀ CHI ?
Đức Thầy có câu:
“Cõi trần-thế biết bao điều ái-ố
Hơn cùng thua nhắm mắt cũng ra ma
Chi cho bằng:
Lúc sống sanh tìm lấy cuộc nhơn hòa
Chữ thuân thảo hay hơn là tranh đấu”

Kính thưa chư đồng đạo! Hôm nay tôi xin bàn về Hơn và Thua qua ý nghĩa dạy dỗ của Đức Thầy.
Tôi xin đưa ra một vài ví dụ điển hình: Anh em người kia thưa kiện chỉ vì cái nọc ranh hơn thua một tất đất mà đối nhau như kẻ thù; hai nhà nọ tình láng diềng đã bao năm mặn nồng, một chút chuyện trẻ nhỏ hai bên chỉ vì rượt con Chó qua bắt Gà mà chúng nó sanh giặc. Người lớn không chịu vô tư, bênh vực cái lý của con đi đến buồn giận ghen ghét, mang suốt trong lòng gặp nhau không chào hỏi mà cái mặt gầm gầm.
Quý vị! Cuộc sống ai ai cũng cần tình thương vì có tình thương là trên môi có nụ cười, mặt mày sáng sủa. Người cho dù tánh tình khó chịu, đụng chút chuyện không vừa lòng là có ý muốn gây mà lúc thanh thảng cõi lòng, cười được ta cũng thấy dễ thương! Ai đã bị một chút chuyện không đáng đó mà đổi mất nụ cười, cắt đức ngoại giao, nhà nào nấy ở nghĩ vậy có nên không? Chuyện xảy có chút ta cần gặp nhau để bàn bạc cho ra lẽ phải trái, con mình làm quấy mà còn ủng hộ nó nữa thì mai sau đối với những chuyện khác đâu đủ tư cách nói chuyện phải quấy với đời. Gặp trường hợp mình hay con mình làm quấy, một tiếng nhận lỗi thay con là xong và con cái thấy sự cúi mình của Cha Mẹ từ rày không dám leo cao, hay biết chừng nào!
Thế đó không chịu, để chịu mất nụ cười. Anh em người hơn thua một tất đất nọc ranh, mỗi năm đến ngày cúng giỗ Cha Mẹ, nhà bên nào nấy cúng, cấm con trong nhà nầy không được phép qua nhà kia cúng Ông Bà Nội chúng. Cái nầy mới thiệt là kỳ cục! Đã mình bất hiếu còn dạy con bất hiếu; chẳng thế, họ còn kình địch với nhau cúng lớn đám, sát vật nhiều mướn đờn ca tài tử về làm náo động cả xóm.
Nếu đúng như lời Ông Ba _ Tác giả của quyển “Kim Cổ Kỳ Quan_ nói “Tưởng sự vong như thể sự tồn” thì cha mẹ của hai tên nghịch tử nầy buồn lắm, hương hồn có về nhà nào ăn đám nuốc chắc không trôi.
Khổ Ơi ! trong khi hai nhà đang cạnh tranh còn thời gian thì không dừng lại, cái ranh đất nhiều năm chưa được giải quyết vừa ý mà dòm lại thì hai kẻ đầu xanh lúc xưa đã trở thành hai tên già đầu bạc xấu xí, cho hay cái cảnh gần đất xa Trời mà nổi niềm xưa ai oán không dứt được, ôm nó xuống chốn tuyền đài để đầu thai kiếp khác sẽ gặp phải khổ não nhiều hơn. Đức Huỳnh Giáo Chủ có lời khuyên:
“Tham chi giả tạm của tiền,
Như chim vào lưới xích-xiềng trói thân.
Tính xong món nợ lần-khân
Thoát vòng cương tỏa pháp-thân nhẹ-nhàng.
Tiêu-diêu đạo-Đức luận-bàn
Vân du võ-trụ thanh-nhàn biết bao.”
Nếu người bỏ được cái “Tham chi Giả Tạm” gần đời mặc kệ đời, sẽ không như chim vào lưới, thoát được sự trói buộc của thế gian, tiêu diêu đạo đức. Sự tích “Bạng Duật tương trì Ngư Ông đắc lợi” là nói đến chuyện hai con thú vật cứ lo giành nhau, không hay tử thần (người chài lưới) đến từ phía sau tóm cổ cả hai. Để khuyên thôi đi sự tranh giành, Đức Thầy có câu:
“Ta Bà thật cảnh ưu phiền,
Duyên trần cấu-kết oan-khiên báo đền
Thiều-quang thắm-thoát dường tên,
Mắc vòng sanh-tử có bền đặng đâu.
Chi bằng theo học đạo-mầu,
Sớm qua khổ hải theo hầu Phật Tiên”.
Những lời dạy trên, ta thấy rất cần đem giải thích một câu thôi, Thiều quang thắm thoát dường tên  có thể chảy gở ngay những núc thắc của các thứ: Ta Bà, ưu phiền, mắc vòng sanh tử…
Thiều-Quang: Ánh sáng đẹp, chỉ cho sự đẹp đẽ của mùa xuân và tuổi xuân. Trời đất mỗi năm có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông mùa xuân dẫn đầu mùa đông kết thúc. Hết đông là hết một chu kỳ rồi qua một chu kỳ mới với mùa xuân mới. Người ta mỗi năm mỗi mừng xuân, có những cụ Ông Cụ Bà mừng tám chín chục cái xuân còn nói: hết mùa xuân đi rồi tới mùa xuân trở lại. Không có trở lại bằng xuân cũ đâu cho mà mừng! Dù mỗi năm có mùa xuân trở lại mà đâu có mùa xuân nào giống mùa xuân nào. Mừng xuân ta dù có vô tình thì bộ luật hành sự của sanh, già, bệnh, tử cũng không vì cái vô tình của ta mà không cho ta thêm tuổi để mỗi lúc già hơn một chút rồi một chút... Cha Mẹ ta lúc xưa cũng trẻ nhỏ như ta, vì mừng xuân mà mỗi cái xuân cho tuổi nay đã quá già yếu. Đấy để cho người thưởng xuân biết rằng, mỗi lần mùa xuân đã đi qua thì mình xưa hơn một tý, già hơn một tý. Hằng năm có mùa xuân chính là mùa xuân mới mới, không phải xuân xưa trở lại cho ta cái tuổi mười tám trẻ trung nữa đâu. Đức Thầy diễn tả cái cảnh người già đi từng bước, từng bước đến chết, nghe não nuộc:
“Ngày đến, đến đi đâu kéo ngược,
Năm về, về mãi chẳng ngừng ngang.
Tuổi già thân yếu đa sầu cảm,
Tóc bạc mình ve lắm rộn ràng.
Biết được trần gian là mộng-huyễn,
Tử thần sửa soạn kéo vào quan.”
Nghiệm biết nét khổ của Ông Bà, Cha Mẹ khi đã già yếu; thấy những người giàu sang ôm giữ của cho đả rồi chết bỏ của, ta cũng nên nghĩ đến thân phận mình, còn thời gian hãy mau mà kiếm cái thân mới, chân thân, để khi tứ đại rả rời, ta sẽ có chân thân mặc vào.
Thấm-thoát: Nói về thời gian qua mau: Mới đây mà đã mấy năm xa cách, mới đây tụi nhỏ nên vợ nên chồng, mới trẻ đó thì lại già. Người ta vô tình mà thời gian lúc nào cũng hửu ý. Có người bảo: Hãy vui chơi cho chậm già! Nói như vậy để an ủi mà sống vui sống nhàn sống khõe chứ làm sao có thể vì vui mà chậm già được? Mỗi năm Trời Đất vận hành bốn mùa, hết một chu kỳ Xuân Hạ Thu Đông thì sang một chu kỳ xuân hạ thu đông khác, lên một tuổi, chứ ai trên đời, đồng một lúc kẻ sống mùa đông người còn ở xuân hạ đâu mà bảo là chậm. Chẳng qua người có phước tướng hay do cơ thể tốt nhờ đó gượng giữ chút nhan sắc. Vui buồn là chuyện trong thế gian còn kim đồng hồ (thời gian) mỗi lúc mỗi quay đều không mau không chậm, ta dẩu có cố làm vui cho quên già mà già cũng tới, ta quên thời gian mà thời gian không chịu quên ta. Ham vui cho quên chết nhưng thần chết cũng đâu vì cái vô tình của ta mà bỏ chuyến công tác bắt chết người, tới lúc, thần chết cũng đến kêu đi.
Dường tên: Tên là một cây thẻ nhỏ chuốt đầu nhọn dùng để bắn cung hay nỏ, mũi tên nhờ chuốt thông bắn ra một phát là xé gió đi nhanh đến mục tiêu. Ngày xưa thế giới chưa có súng đạn, chiến đấu bằng kiếm cung, gần thì dùng kiếm đao, xa phải sử dụng bằng cung nỏ, lấp mũi tên vào dây vành cung bún cái vụt là mũi tên bay nhanh như nháy mắt. Do đó để nói sự nhanh nhứt người ta hay nói nhanh như tên. Xưa cũng không máy bay hay xe hơi, đi đâu cởi ngựa là nhanh nhứt. Với ý nghĩ đó các văn gia  diễn tả thời gian qua mau như bóng câu qua cửa sổ.
Đại ý câu trên nói rằng: Ánh sáng đẹp của mùa xuân, tuổi xuân, chẳng vui sướng chi nhiều thì thời gian qua nhanh như tên bắn xẹt đi làm cho con người chồng chất tuổi già, sang lần qua sự chết. Thế đó, sống sanh nơi cõi Ta bà, dầu có “Quyết tranh giành quyền lợi xé xâu nhau” chỉ là ôm trong lòng những sầu muộn rồi chết đi bỏ hết tất cả, cái nọc ranh chưa ngả ngũ cho dù kèn cựa mấy mươi năm cũng bỏ, danh nó phù du mà tình chưa vẹn, lợi chưa xong, có mang những thứ chưa xong ấy theo xuống chốn tuyền đài cũng không sử dụng, lo chịu những hình phạt của luật nhân quả khi ở dương gian mình tạo thiện hay ác. Đức Thầy có câu:
“Ở dương thế tạo nhiều cảnh khổ,
Xuống huỳnh-tuyền địa-ngục khảo hình.
Tuy lưới Trời thưa rộng thinh-thinh,
Chớ chẳng lọt những người hung ác.
Khi nhắm mắt hồn lìa khỏi xác,
Quỉ vô-thường dắt xuống Diêm-Đình.
Sổ-sách kai tội phước đinh-ninh,
Phạt với thưởng hai đường tỏ rõ”.
Tạo ác sẽ bị tội, tạo thiện tất có phước, Đức Thầy cũng chỉ rõ điều nầy:
“Phước nhiều Tiên cảnh lên rày,
Tội nhiều sa đọa nhiều ngày thãm thê”.
Biết được cảnh đời là nơi tạm ở rồi đi, ta nghe lời Phật dạy quyết tu để không sanh lên trần gian nữa, lần nầy là lần cuối, tử lần nầy sẽ không còn lần khác. Tu hành thì việc ăn, mặc, ở của mỗi người tu nên coi là chuyện nhỏ, đơn giản hóa những thủ tục rườm rà về chúng, đừng để vì một ít chuyện nhỏ mà làm hư đại sự. Đại sự của ta là “Mãn kiếp hồng trần sanh lạc quốc”. Biết là cõi tạm mà để cho ăn, mặc, ở tô điểm giả thân, tríu mến thành thiệt thân, đầu óc rối bời trần tục, chết đi đâu dễ sanh về Lạc Quốc, chẳng phải đã làm hỏng việc đại sự rồi sao?
Hơn thua nhau mà chi? Hơn cũng chết mà thua cũng chết. Nên đừng sống hơn thua danh vọng bạc tiền cho thêm phiền phức cuộc đời. Hãy tập sống trong vòng tay yêu thương của Đức Phật, Đức Thầy, để cho lòng mình có yêu thương, không giựt giành, gây điều oán hận với ai nữa:
“Đời nầy giành giựt làm chi,
Đến việc ly kỳ cũng thả trôi sông”
“Giàu sang như nước trên nguồn,
Gặp con mưa lớn nó tuôn một giờ”.
Ở ngoài vòng tay yêu thương của các Ngài coi như thiếu hàng rào bảo vệ, nhiều mặt khổ đưa đến bất cứ lúc nào.
Hơn thua nhau mà chi? Nghèo chết thì giàu cũng chết, xấu chết đẹp cũng chết. Tất cả đều không tồn tại trong cõi thế gian nầy; kem phấn, áo quần có làm cho người ta trẻ hơn một vài tuổi, khi thọ mạng đã hết tử thần không vì ta làm trẻ lại một vài tuổi mà ở đợi ta thêm. Biết thế, hãy to tu niệm hơn là lo cho sự sống lâu, giàu sang phú quý.

06/9/2016

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét