Thứ Hai, 12 tháng 11, 2018


GẶP KHÓ XIN ĐỪNG BỎ CUỘC

Quý huynh đệ bảo rằng, rất khó giành giựt với nghiệp chướng để được niệm Phật cầu vãng sanh Tây Phương trong lúc lâm chung. Đương nhiên, một chúng sanh ở cõi Ta Bà ô trược leo lên cõi Phật dễ sao được, nhưng không nên chán nản chịu thua, nói những lời lẽ làm mất dũng khí người chiến sĩ Như Lai. Trừ khi ta không muốn thành Phật hay thác sanh về cõi Phật chứ ước nguyện ban đầu vẫn con đeo đuổi thì phải tiến thân vượt khó đi lên. Tôi nhớ đã đọc một vần thơ của ai đó thật hữu duyên:

Đường đi lên có muôn ngàn ánh sáng,
Nhưng nẽo đăng trình cũng gặp lắm lúc hiểm nguy.
Ai chưa thể vượt qua, chưa chắc là tu sĩ.
Đời tu sĩ dậm tràng sương nắng phủ
Như thùy dương uốn rủ trước cuồng phong.
Nếu như ai không cương quyết một lòng,
Bước tu tiến sẽ bán đồ nhi phế.

Hay huynh đệ nghĩ rằng, Đức Phật treo phương pháp niệm Phật NHẤT TÂM BẤT LOẠN  mới được vãng sanh là giá quá cao? ước gì Ngài cho hạ thấp xuống một chút không cần NHẤT TÂM BẤT LOẠN cũng được, để người tu gặp nhiều chướng nghiệp, chướng duyên niệm lai rai cũng thác sanh về cõi Tây Phương là hay biết mấy. Chư huynh đệ! chúng ta đã nằm lòng lời của Đức Phật “Thiên thượng thiên hạ duy ngã độc tôn” (trên trời dưới trời chỉ mình Như Lai hơn hết) thì chúng ta không nên có ý nghĩ lệch lạc để duy ngã độc tôn không tồn tại trên đỉnh cao chói lọi của lịch sử Phật Giáo. Lúc Đức Thầy bị quân xâm lược Pháp đày đi lưu cư trải dài 5 năm, ở nhiều nơi, đến tỉnh Bạc Liêu, Ngài có dịch quyển Tăng Đồ Nhà Phật từ Hán văn ra Việt văn, trong đó có đoạn:
                                                                                      
“Trên dưới Trời chẳng ai bằng Phật,
Khắp mười phương hẳn thật khó so.
Dòm trong cõi thế rộng to,
Một người khó kiếm sánh đo cùng Ngài.”

“Duy ngã độc tôn, chẳng ai bằng Phật”… trong chúng ta không ít người suy nghĩ, chẳng dám tin mình tu đắc quả Phật, chỉ cầu vãng sanh về cõi Phật khi mãn kiếp hồng trần là quá đủ rồi, không mong thành Phật, chỉ cầu thoát khỏi thế gian siêu sanh Cực Lạc. Cõi Phật cũng cao quí hơn cõi thế gian triệu triệu lần, sau khi diễn tả tám điều khổ của kiếp nhân sinh Đức Thầy nói về sự vui tươi của miền Phật cảnh, chúng ta hãy đọc nghiệm qua lời dạy của Ngài nói về cõi Phật:

“ Ôi ! cả sang hèn chẳng ai thong thả,
Sao nhơn sanh cứ mãi đắm say.
Chẳng tu thân đặng dựa Phật Đài,
Cho thong thả hưởng mùi sen báu.
Thần thức nhập thai sen tin hảo,
Nên khỏi màng lo nỗi khổ sanh.
Thân thì thân công đức hiền lành,
Bất di dịch khỏi vì khổ lão.
Thể thanh tịnh thường không huyên náo,
Hết lo toan nắng lạnh gió mưa.
Khổ bệnh kia bởi đó mà chừa,
Ta thoát cuộc lao đao vì nó.
Đường sanh mạng Phật, ta đồng thọ,
Tánh an nhiên bất diệt trường tồn.
Tử thần kia đâu dám dắt hồn,
Thoát luân chuyển khỏi đeo khổ tử.”

Hiểu theo từ ngữ, Cực Lạc là nơi tột vui, cảnh cao quí, ăn mặc ở không lo, sanh lão bệnh tử chẳng ai biết đến, thân hình bằng Sen, tuổi thọ vô lượng vô biên như Phật … Như vậy, nếu pháp môn tu mà hạ giá, niệm Phật không nhất tâm bất loạn cũng được thác sanh về cõi Phật thì sự cao quí tột cùng ấy đâu còn. Niệm Phật cầu vãng sanh Lạc Quốc bắt nguồn từ quyển Kinh A Di Đà, Kinh Vô Lượng Thọ do Đức Phật Thích Ca thuyết cách hơn hai ngàn năm trăm năm, từ ấy đến nay có nhiều vị chân sư Tịnh Độ Tông ra đời, khi thạnh lúc suy mà NHẤT TÂM BẤT LOẠN từ lời nguyện của Pháp Tạng tỳ kheo đến thành Phật hiệu A DI ĐÀ nhất tâm bất loạn giá không đổi. Qua thế kỷ hai mươi, một vị Phật từ cõi Tây Phương lâm phàm độ thế, khai sáng đạo PHẬT GIÁO HÒA HẢO, có lúc Ngài xưng hiệu khùng điên:

“Khùng vâng lệnh Tây-Phương Phật Tổ,
Nên giáo truyền khắp cả Nam kỳ…
Đức Di Đà truyền mở đạo lành.
Bởi vì Ngài thương xót chúng sanh,
Ra sắc lệnh bảo ta truyền dạy”

Tín đồ trong đạo gọi Ngài là Đức Thầy, hay Đức Tôn Sư, cũng có khi gọi là Đức Huỳnh Giáo Chủ. Ngài khuyến dạy chúng sanh nguyện tu về Phật Quốc cũng bằng cái giá không đổi:

“Lòng thương chúng thuyết phương Tịnh-Độ,
Đặng dắt dìu tất cả chúng sanh.
Nếu như ai cố chí làm lành,
Chuyên niệm Phật cầu sanh Phật quốc…
Cứ NHỨT TÂM tín, nguyện, phụng hành
Được cứu cánh về nơi an dưỡng.
Chỉ một kiếp Tây-Phương hồi hướng,
Thoát mê đồ dứt cuộc luân hồi.”

Chư huynh đệ mình gặp nhau trong tình đồng đạo, khuyến tấn tu hành, dầu có vài vị thách đố, khó ai bị nghiệp chướng đến đòi trong lúc lâm chung mà niệm phật nhứt tâm được. Nhưng tôi biết tấm lòng của quý vị lúc nào cũng sẵn sàng vì đạo, buông bỏ tất cả để thác sanh về Phật Quốc, thách đố với nhủ ý để đồng đạo chúng ta đề cao cảnh giác mà tính toan trước, chảy gở suôn những gút mắt của thân và tâm không vướn bận vật chất tinh thần, để chừng bước xuống đò qua bờ giác, chẳng thứ gì làm động làm rầy, tự do tự tại. xét ra, ngay trước lúc lâm chung, mãn kiếp hồng trần đáng lẽ là sanh sang Lạc Quốc, nhưng bị các nghiệp chướng chận đường đòi nợ, là tại chúng ta gieo nhân thì phải hưởng quả; nếu ta phát tâm tu sớm và tinh tấn hơn, từ lúc thân không làm ác, lòng không tính ác, cũng chưa bị đắm đuối xao xuyến bởi danh, lợi, tình hốt hồn, chẳng bị ai động tới, cũng không động tới ai, tự do sống ở thác về, chẳng việc gì phiền phức trong sự sống hay chết. Đức Thầy viết quyển năm Khuyến Thiện, có một đoạn nghe bắt ham:

“Ta là cư sĩ canh điền,
Lo nghề cày cuốc cũng chuyên tu hành.
Xa nơi tranh đấu lợi danh,
Giữ lòng thanh tịnh tánh lành trau tria.
Gắng công trì niệm sớm khuya,
Thân tuy còn tục tâm lìa cõi mê.”

Nếu chúng ta thực hành theo lời giáo huấn nêu trên, chuyện vãng sanh về Phật Quốc ngay sau lúc lâm chung là thực tế: làm ruộng, cày cuốc dùng bằng tay chân còn tu là ở cái tâm đâu mắc mớ gì nhau. Cuốc đất, cấy lúa, mầng cỏ, be bờ… các cái thảy dùng bằng tay chân, như vậy niệm Phật trong lúc làm đâu cho là cản trở, không phải Đức Thầy đã dạy “Ở ruộng đồng cũng niệm vậy mà” đó sao? Vì vậy, muốn bảo đảm đường tu, niệm Phật trong ruộng đồng hay tại nhà đúng bài bản nhưng còn phải xa nơi tranh đấu lợi danh, giữ lòng thanh tịnh để lúc còn sống trong cõi mê mà tâm lìa cõi mê. Ngày qua ngày tu như vậy thì nợ nần với ai chứ! Không gây chướng nghiệp, chướng duyên, chừng mãn kiếp hồng trần tự do tự tại sang bờ giác. Điều nầy lịch sử Phật giáo đã chứng minh, có nhiều vị chơn tu đã hành đạo đến “thân tuy còn tục tâm lìa cõi mê” biết ngày giờ lâm chung thác sanh về cõi Phật, báo trước cho thân nhân hay, tắm gội sạch sẽ; mạnh khõe thì tọa niệm, yếu đuối, nằm trên giường chấp tay vào ngực siêu hóa nhẹ nhàng, bỏ xác như người ta cởi bỏ cái áo. Nếu ta tu cũng như vậy: xa nơi tranh đấu lợi danh, giữ lòng thanh tịnh, sống trong tục mà tâm không vướn tục, mắc mớ gì chướng nghiệp, chướng duyên mà đến cản trở lúc lâm chung? Lở gây nghiệp chướng, nay đã ăn năng thì phải hành động thiệt tình chứ đừng cái kiểu ăn năng giửa vời, nguyện cầu lấy lệ mà đạo đức buông xuôi. Biết mình lở làng, rán làm bồi lại những chỗ đã lở. Hạ quyết tâm: xa nơi tranh đấu lợi danh, giữ lòng thanh tịnh niệm tưởng Phật, riết rồi lòng mình chỉ có Phật thôi…

13/11/2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét