Thứ Ba, 6 tháng 11, 2018


CHỈ CÒN NIỆM PHẬT THÔI


Hôm trước tôi đi dự đám cúng tuần ở nhà một đồng đạo, quanh bàn tròn người ta bắt ghế ngồi bung rộng ra để đông đảo bà con tham dự một cuộc đàm đạo thiết thực, hữu ích, liên quan đến sự tu niệm của mỗi hành giả đang áp dụng pháp môn Tịnh Độ cầu vãng sanh Tây Phương. Bấy giờ có đồng đạo hỏi:

Hành giả trước lúc lâm chung bị nghiệp giật tơi bời, đau nhức khó chịu còn thêm có lúc mê mang bất tỉnh. Với biểu hiện bất lợi nầy xin hỏi chư huynh đệ đây có cao kiến gì xin chỉ dẫn?

Sau câu hỏi đưa ra một đạo huynh lên tiếng:

Câu nghi vấn của huynh đệ vừa nêu đã hiện rõ hai vế, một là đau nhức khó chịu, hai là mê mang bất tỉnh. Đối với người tu cầu vãng sanh Cực Lạc, sắp lâm chung gặp một trong hai bệnh vừa nói là điều không lành, nguyên nhân của điều không lành nầy sẽ đem bàn bạc sau còn giờ chúng ta bàn theo thứ tự:

Đau nhức khó chịu. Như chúng ta biết những trường hợp về mình khi bị đau nhức, cho dù sự đau nhức không có dấu hiệu lâm chung, nó chỉ là bệnh của bệnh chứ không phải bệnh của tử như cảm sốt, trật tay chân, trẹo cụp lưng, u nhọt… đau nhức đến cầm lòng không đậu, câu niệm Phật thoạt nhớ thoạt quên; huống chi người đau nhức ở giai đoạn sắp chết, các nghiệp nợ xúm lại đòi mà tấm thân ta đây là vật mượn của tứ đại, tới hạn kỳ trả lại, mỗi chút mỗi đòi, khổ thân khủng khiếp. Giờ ta còn mạnh khõe đây, cũng chưa hồi nào bước qua cửa tử để chịu hình phạt của các chủ nợ đến đòi, nhưng đôi mắt của ta đã thấy bệnh nhân sắp lâm chung xảy ra như thế nào thi ta biết. Đã nhức nhói mà hơi thở còn bị đòi dần cho đến khi chấm dứt sự sống. Đức Thầy diễn tả về tử khổ ta có thể cảm nhận được:

“Đoạn tử khổ thứ tư phân giải.
Trên dương thế hữu hình tắc hoại,
Có sanh ra khổ hải đâu chừa.
Trải bao phen dãi gió dầm mưa,
Ngày kiệt sức huyễn thân tan nát.
Gần hấp hối tâm thần xao xác,
Trí vẩn vơ kinh sợ vô cùng.
Rồi mòn lần đến lúc lâm chung,
Giả cõi tạm theo đường tội phước.
Nhiều phương thuốc ngừa sau ngăn trước,
Mà cũng không thoát luật tuần huờn.”

Trình bày về sự khổ của hành giả bệnh nhân trước lúc lâm chung diễn ra thê thảm như vậy, điều là do hồi còn sanh tiền hoặc tiền kiếp đã gây tội ác nên giờ phải chịu quả báo. Nếu hành giả chuyên niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh Độ gặp nhiều nghiệp chướng, thượng lộ không được bình an thì nên nhớ, nghiệp nợ gây trước khi tu hoặc đã vào đường tu rồi mà chưa dừng được thói quen làm ác, chưa hoàn toàn cắt đứt mọi quan hệ về vật chất hay cảm tình với dòng đời, để thân phạm vào mười điều ác, đồng thời với sự cảm nhiễm của danh, lợi, tình, gần chết mà còn làm cho ta ghiền gập mê man, nhức nhói thở không ra hơi mà còn thương nhà tiếc của, Đức Thầy có câu:

“Hố sâu tình dục lại ghiền,
Ghiền cho đến lúc chúng khiêng quan tài.”

Thế là hai thứ chướng: chướng nghiệp, chướng duyên đến cùng một lúc, chướng nghiệp là đòi nợ, chướng duyên thì làm ta mê muội, gần chết thở muốn hụt hơi còn thương nhà tiếc của chứ không chịu niệm tưởng Phật theo nguyện ước ban đầu:

“Mãn kiếp hồng trần sanh Lạc Quốc
Hưởng công Niệm Phật rất an lành.”

Ta đã dày công tô đấp bảo dưỡng đạo hạnh, sắp được ăn lẽ nào để thua sao? Cố dựng lại ý thức ban đầu, khó khăn đau nhức gì cũng rán tưởng niệm Phật. Niệm tưởng Phật là công Đức tu hành và chính công đức của mình mới đền bù những nhơn hay vật trước kia mình gây tội lỗi với chúng họ. Càng niệm tưởng Phật, thân bị cột siết sẽ được nới lỏng, đau nhứt giảm lần, hôn mê tan đi như nắng chiếu sương tan. Khi hay mình bệnh ngặt đồng đạo có đến trợ niệm cho mình tìm lại lộ đồ là điều hay nhưng không phải dựa vào họ, ta phải dựa vào sức tu niệm của chính ta, tự chủ trong sự khó khăn đau nhức mà vẫy vùng để lúc nào lộ đồ cũng hiện ra trước mặt, rõ ràng, không có đường hay ngỏ ngách nào khác để ta lạc lối. NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT, khó thở, ui da cở nào cũng NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT. Có thế, các ngỏ ngách dẫn đến luân hồi không hiện diện. Tất cả đều bế tắc, chỉ còn có NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT ĐI THẲNG VỀ CÕI Tây Phương. Nhưng, nếu niệm Phật một cách bê bối thì tới đây hành giả không còn là hành giả nữa, ngay ranh giới cõi Ta Bà và Cực Lạc mà lòng niệm Phật đã mất thì đường về Tây Phương cũng mất, sáu nẽo luân hồi hiện ra, đường về Trời, về Người, về thần A Tu La, Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh ào ào chiêu dụ.

Tương song với tinh tấn vượt khó ta nên đối đải biết điều một chút, những ác ta đã lở vay nhơn hay vật, đau nhức hôn mê của ta giờ bằng nghe theo lời dạy của Đức Thầy, chính là do “căn tiền báo quả hậu”, ta nên quyết tâm sám hối, van xin với các nghiệp nợ đến đòi, hãy tha thứ để tôi yên bề tu hành, nữa sau đắc đạo, tôi sẽ tạo duyên cứu độ. Có thể do lòng sám hối, van xin mà trên đường về Phật bớt đi chướng ngại, giảm nhẹ tình trạng phá phách.

Bấy giờ có người đặt ra câu hỏi:
- Sám hối van xin làm cho chướng ngại bớt đi, nghe nói thôi là tôi rất mừng, xin đại huynh có sự kiện chứng minh để tăng thêm sức tin tưởng cho người tu vững lòng.

- Sự kiện chứng minh không có, bởi chúng ta đây chưa người nào lâm chung rồi trở lại nói hết mọi điều bí ẩn của bờ mê bến giác, nhưng dựa theo câu “Dương gian âm cảnh đồng nhứt lý” của cổ nhân thì sự phán đoán của ta là có thể. Nói theo dương gian, một người thiếu nợ không có tiền trả, chủ nợ giận quá hâm báo quan bắt đi tù, con nợ van xin, đừng bắt, tôi hứa cố gắng làm để trả. Chủ nợ nghe lời van xin mềm lòng liền có suy nghĩ, mình giận quá mà làm vậy, chứ bắt họ đi tù trừ nợ, trước sau mình cũng mất của thì có ích gì, trong khi con nợ hứa cải hối ăn năn quyết trả thì thôi để cho nó có được tự do làm đặng trả, mình không mất của như vậy phải hay hơn không.

- Cách dẫn giải của đại huynh ở mức tương đối, không phải mỗi chủ nợ đều được khai trí cả đâu, có chủ nợ mình van xin họ nghe thắm lòng, có người thì không động đậy chút ân tình nào với con nợ, bắt nó đi tù cho đã giận.

Hội trường chừng như sắp có cuộc tranh cải, thêm một người nữa lên tiếng:

- Theo tôi, đừng nói là chủ nợ có khai trí hay không, quan trọng hơn hết vẫn là phía con nợ, lời hứa cải hối ăn năn, quyết lòng trả nợ có tạo được niềm tin vững vàn với chủ nợ hay không, chỉ hứa suôn không hành động làm sao chủ nợ tin được nên nói trường hợp chỉ xảy ra tương đối là phải. Đúng vậy, sau lời hứa trả nợ, con nợ từ nay phải có hành động cụ thể về cải hối ăn năn cho chủ nợ tin tưởng để từ rày họ không quấy nhiễu mình nữa, thông thả niệm Phật, chừng mãn kiếp hồng trần sanh Lạc quốc ngay thôi.

- Ý kiến nầy hay ho và thiết thực, bằng vào tu niệm của mình, vượt qua tất cả những khó khăn đau nhức trước lúc lâm chung, để cầm lòng câu NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT, chủ nợ sao lại không tin chứ !
               07/11/2018

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét