Thứ Hai, 22 tháng 5, 2017

LUÂN HỒI

Luân-hồi là từ ngữ trong Phật học, diễn tả sự sanh và tử của mọi chủng loại, bất cứ ở đâu và sự chuyển kiếp sau khi chết đầu thai vào chủng loại nào, người hay thú, tội hay phước đều do cái nhân của mình gây mà nên quả chứ không phải Phật Trời ép buộc. Ta trồng hạt ớt nữa sanh ra cây và quả ớt, trồng hạt cam nữa sanh ra cây trái cam, hưởng ngọt hay cay là do chính ta không có liên quan đến Trời Phật mà giận trách hay khen tặng các Ngài.
Từ Điển Phật học giải thích Luân là bánh xe, Hồi là trở lại. Thuyết luân hồi là giáo lý có tầm quan trọng nhắc chừng những tội lỗi chúng sanh làm nên (nhân)phải chuyển kiếp đầu thai vào các loài thấp hèn (quả) là điều kiện tất yếu để dựng nên một xã hội công bằng và vui đẹp. Qua hình tượng biểu trưng bánh xe, cái vòng tròn định mệnh ấy cứ đi và lộn lại lẩn quẩn trong sáu đường. Đức Tôn Sư Phật Giáo Hòa Hảo có lời khuyên nhân sanh, ai khôn thì hãy tìm đường ra khỏi vòng quay luân hồi chuyển kiếp:
“Gây ra lắm nợ phong trần
Luân hồi sáu nẽo không lần bước ra”.
Trong bánh xe luân hồi thì thời gian của nó không phải là đường thẳng từ quá khứ đến tương lai vô chung mà là một vòng tròn không có đầu mối như ta thấy hình thể bánh xe. Sự chuyển kiếp, chủng loại người trở lại người hay trở lại bằng hình thú hoặc thú trở lại người… tất cả đều do cái nhân sanh ra cái quả mà chính ta đã hành động. Khi đã hành động trồng hạt ớt mà nữa sau chối bỏ hưởng cay là không thể; hành động trồng hạt cam dẩu không mơ ước được ăn ngọt thì ngọt cũng đến với mình.
Luân hồi của nhà Phật đưa ra với đồ biểu áp dụng trong sáu đường: Đường về Trời, Người, A tu la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Chúng ta ở chủng loại người lấy đây mà luận:
Nếu người được chuyển kiếp lên Trời (cũng gọi là cõi Tiên) sau khi bỏ xác thì người đó trước phải tu cho có nhiều phước đức, như Đức Thầy nói: “Phước nhiều Tiên cảnh lên rày”. Ngoài việc đem tiền của bố thí hoặc đem sức ra thí, sửa thân tâm cho được hiền đức, trong sạch, sau khi mạng chung cũng được thác sanh về cõi Trời để hưởng phước báu:
“Hửu phần thì cũng hửu duyên,
Sửa tâm hiền đức cõi Tiên cũng về”.
Người trở lại làm người thì trong cuộc sống người biết thương người, giúp đỡ và thiện cảm, ăn ở có đạo đức đúng theo đạo làm người. Đức Thầy có câu:
“Khuyên trai gái học theo Khổng Mạnh
Sách Thánh Hiền dạy đạo làm người”.
Bằng như, sống với thân người mà hành động có hơi cầm thú, ác quỷ, để mất một kiếp người, theo nghiệp mà đi trả quả, khó có cơ hội sanh trở lại nhân gian.
Người chuyển kiếp thành A tu la; bình sanh họ cũng biết tu hành, gần thiện xa ác và mong sự tu đến nơi rốt ráo nhưng tánh tình còn quá nóng nảy, gặp điều trái ý nhịn không được, bản tính cống cao ngã mạng, bàn luận là muốn thắng. Tính khí nầy phần nhiều phạm vào ý nghiệp và khẩu nghiệp, đó làm nhân, nên Đức Thầy khuyên người tu “Chớ nóng nảy sân si hư việc”.
Người rơi xuống địa ngục. Địa ngục là nơi hành tội những chúng sanh khi ở dương gian làm ác, chết xuống đây để chịu xử phạt nặng nề. Đời ai cũng có ít nhiều tội lỗi, người có lập trường chuyên tu mà đôi khi hơ hỏng cũng vướng tội thì đừng nói là người không chuyên, họ phạm tội đến cỡ nào cũng không hay biết. Nhờ chuyên tu khi lỡ phạm liền biết ăn năng sám hối, làm phước thiện để bù đấp lại những chỗ mình làm lở khuyết ít ấy. Người không biết tu hành là gì, làm tội vẩy đầy chẳng chút ăn năng hối lỗi. Nếu những chuyện phạm tội mà đem kê khai một cách trung thực, tính tỷ lệ hơn năm mươi phần trăm làm ác, chết đi xuống chứ không có cửa đi lên. Bởi không tin nhân quả, sống với cách mạnh được yếu thua, chẳng hay làm phước thiện có thiện đâu bù trừ, tức thì bị quỷ xứ còng trói dẫn tới địa ngục hành hình. Đức Thầy có câu:
“Tuy lưới Trời thưa rộng thinh-thinh,
Chớ chẳng lọt những người hung-ác.
Khi nhắm mắt hồn lìa khỏi xác,
Quỷ vô-thường dắt xuống Diêm-Đình.
Sổ sách kia tội phước đinh-ninh,
Phạt với thưởng hai đường tỏ rõ.”
Người chết đi rơi vào đường ngạ quỷ, vì sống trên dương gian keo kiệt, bỏn xẻn. Thật ra keo kiệt bỏn xẻn là không mở hồ bao bố thí cho ai, điều nầy cũng không phải là tội. Nhưng, từ chỗ bỏn xẻn keo kiệt, quí trọng tiền bạc, của cải… thường hay lợi dụng gạt gẩm người khác làm cho mình hưởng, mướn làm công nhiều trả tiền ít hoặc đợi ai gặp hoàn cảnh khó khăn thì cho vay cắt cổ. Chừng đến ngày kỳ hẹn, con nợ không có trả phải bị chủ nợ xiết nhà xiết của hoặc bắt làm tôi tớ. Gieo nhân nầy chết thành quỷ đói với thân hình đầu bụng to tướng mà cần cổ quá nhỏ, ăn uống rất khó khăn nên thường bị đói khát. Ông Thanh Sĩ diễn tả nhân sanh Ngạ Quỷ như sau:
“Xưa có một người giàu tột bực
Nhưng trong lòng sâu mọt nhỏ nhoi,
Của mình một điếu không lòi,
Của người chút đỉnh cũng moi móc về.
Bắt tôi tớ nặng nề công việc,
Nhưng lương tiền keo kiệt không cho,
Tiền bao nhiêu cũng bỏ kho,
Ai nghèo mặc kệ không lo giúp  giùm”…
Hay là:
“Xưa kia có đại phú gia
Giàu sang hơn cả người ta trong vùng,
Đong ra chỉ có một thùng,
Lấy vào một giạ mà lòng chưa ưng.
Cho vay thì bắt thế chưng,
vốn lời trả thiếu tịch khuâng gia tài.”
Người chết đi theo nghiệp đầu thai làm súc sanh (thú vật) vì khi sống trên dương gian mang thân người nhưng hành động không có tình người, xem mạng người như súc vật, thích mạ lị, chưởi mắng, đánh đập. Hở ra là dùng bạo lực chứ không nói lý lẽ. Trong sự ăn dùng hằng ngày, giết sinh vật làm miếng ăn, ăn ít giết nhiều bày ra để có mà lựa ngon chê dở, dư là đổ bỏ lấy oai nhà giàu. Phí sinh mạng, tội chất chồng là nhân, phải làm súc sanh để trả quả.
Trên con đường luân hồi như đã nói, ngược lại địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh có thể chuyển kiếp lên ba cõi trên: Trời, người, A tu la, nếu ở cõi khổ mà hồi tâm tỉnh ngộ, bỏ ác tùng thiện hết kiếp sẽ được siêu lên.

Nói đủ ra, đạo Phật có mười đường kể có Tứ Thánh và Lục Phàm, Tứ Thánh tức bốn quả chứng Thánh: Phật, Bồ Tát, Duyên Giác, Thanh Văn; Lục Phàm gồm có: Thiên, Nhân, A Tu La, Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh. Lục phàm còn luân hồi, Tứ Thánh là bậc đắc đạo giải thoát khỏi vòng sanh tử nên không chịu luân hồi.
Ta thấy đó, luân hồi vì còn sanh tử, phải bị trói trăn trong sáu đường khổ, khổ ít hay nhiều do ở Tiên hay ở dưới trần gian hoặc ba nẽo thấp nhất. Mỗi khi ta thấy người sống đời sung sướng thì bảo rằng người ấy sướng như Tiên, nhưng Tiên lòng phàm chưa dứt thì cũng dễ bị đọa phàm, người hoặc thú. Muốn khỏi luân hồi, chúng sanh ở sáu nẽo, nẽo nào cũng tu nhơn tích đức, cầu vô thượng Bồ Đề hay chuyên niệm Phật cầu vãng sanh tịnh độ thì chỉ một kiếp là khỏi như Đức Thầy dạy những câu sau đây:

“Nếu như ai cố chí làm lành,
Chuyên Niệm Phật cầu sanh Phật quốc.
Cả vũ trụ khắp cùng vạn vật,
Dù Tiên Phàm ma, quỷ, súc sanh,
Chứ nhứt tâm tín nguyện phụng hành
Được cứu cánh về nơi an dưỡng.
Chỉ một kiếp Tây Phương hồi hướng,
Thoát mê đồ dứt cuộc luân hồi.”
Ông Thanh Sĩ cũng giải thích rằng, sanh được thân người là quí, nhưng nếu chịu đem thân đây mà tu hành cầu thoát luân hồi sanh tử sẽ cao quí hơn, nhược bằng không tu, để mất thân người, chưa biết kiếp sau sanh ra thân gì khác thì tiếc uổng một kiếp người nầy vậy:
“Một khi để kiếp qua rồi,
Muốn tìm trở lại làm người khó thay.
Làm người được lả may muôn thuở ,
Cũng nhờ do xưa có nghiệp lành,
Bây giờ nếu biết tu hành,
Tất nhiên người sẽ trở thành Phật Tiên.”
Bàn xét như trên, còn luân hồi là còn muôn ngàn thống khổ. Được thân người đẹp đẽ, quyền quí cao sang, ăn mặc bảnh bao lên xe xuống ngựa tưởng vậy là tốt mà tự hào và vui hưởng. Nhưng những điều ta cho là tốt đẹp mà nhiều người mong muốn đó, Đức Thầy cho là những thứ cám dỗ, nếu ai khôn ngoan hãy tìm cách chạy thoát sự cám dỗ đó ngay:
“Nơi cõi tạm sông sầu bể khổ,
Làn ngựa xe cám dỗ tao nhân,
Gây ra lắm nợ phong trần,
Luân hồi sáu nẽo khôn lần bước ra.”
23/5/2017



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét