Thứ Tư, 10 tháng 5, 2017

CHỚ ĐẮM SAY
(Xin trích lời dạy của Đức Thầy qua bài viết THỨC TỈNH MỘT NỮ TÍN ĐỒ Ở BẠC LIÊU làm tựa đề)
Người sống trong đời mỗi khi nghe nói đến những sự kiện “đắm say” là phát lo sợ, nhứt là đối với những người thân thuộc. Bởi vì trong chốn hồng trần mà ta đang ở có quá nhiều vụ việc đắm say gây nên tác hại bản thân, gia đình và xã hội. Đắm say về sắc đẹp, tiền của, danh dự, uy quyền… mỗi thứ đều chịu áp lực riêng và tình tiết năng nhẹ dẫn đến bại hoại luân thường đạo lý, sự phạm pháp cũng từ đó mà ra.
Trong chốn thiền môn thanh tịnh, giáo lý nhà Phật dạy ai tu thì phải tỉnh tâm, đi từ xa lánh đến tự mình dứt tuyệt đắm nhiễm các duyên sự đời. Đức Tôn Sự Phật Giáo Hòa Hảo dạy sự tu, trước bàn thờ Phật hay dưới chân Thầy Tổ, phát nguyện quy y thì phải tẩy xóa niềm thế sự cõi lòng mới sáng suốt, từ cõi lòng sáng suốt dung thông Phật trong chính mình nên Ngài dạy một nữ tín đồ khi đã làm lễ quy y, phải thành tựu việc tu như sau:
“Trót đã quy-y giữa Phật-Đài,
Nguyện rằng đệ tử dứt trần ai.
Mong nhờ đuốc huệ soi đường tối,
Chớ nhiễm nghiệp phiền chớ đắm say”.
Qua bốn câu thơ giảng trích dẫn trên, ta thấy trong đó có hai cụm từ cần nên lưu ý “Dứt trần ai” và “Chớ đắm say”. Nhưng, Dứt Trần Ai  đứng ở vị trí ban đầu của người tu Phật, Chớ Đắm Say ở vị trí kết cuộc không còn nhiễm. Vậy ta nên bàn qua cụm từ ở vị trí kết cuộc vừa nêu, ngỏ hầu tìm chính lý để thực hành và thực hiện tốt bổn phận của một tín đồ biết trọng ơn Thầy Tổ.
Chớ: Tiếng kêu hay lời dạy: Chẳng nên, đừng nên hay không nên, ví dụ: đừng nên làm chuyện vậy, không nên có hành động đó, điều nầy chẳng nên…
Đắm: liệt vào, chìm vào, nhiễm vào, ví dụ: đắm vào nhan sắc, yêu đương, tình tứ: Chết đắm đuối.
Say: Ngược với tỉnh. Say rượu, say tình, say mê cờ bạc, hút chít… mất tự chủ bản thân.
Xét như trên, đắm say có tác hại như thế, nên Đức Thầy đã phải lập lại từ ngữ nầy ở câu kế tiếp cho mạnh lên ý nghĩa và vấn đề trở thành nhạy cảm hơn “Đắm say một phút cội lành xa”. Xa cội lành cho dù còn sống thì sự sống cũng mất hương vị, nhạt nhẻo tầm thường.
Cốt yếu của người tu Phật là trì hành pháp môn ở độ keo sơn, không chỗ tróng cho nổi niềm thế sự chen vào thổi bay hạnh lạc đạo của hành giả. Ví như người trồng cây lành và một khi đã ra công trồng cây thì phải thường vun đấp, bảo quản cho cây lành không ngừng phát triển những tính năng tốt. Nếu như, bất chợt người trồng cây lành lại đắm say một thứ hay nhiều thứ khác, tri thức, sức lực chia hai chia ba thành yếu đi cái trước, sự vun đấp, bảo quản phai lợt, cây chết lúc còn non trẻ hoặc què mẻ thì không lên chức “cội” thật uổng công cho người trồng cây và đệ tử Phật môn lâm phải đắm say cảnh ngoại, sự đời, mức độ tu lui sụt dần, tư duy thay đổi, ngày nào nguyện tu dứt trần ai thì giờ đây trần ai tái hòa nhập, đến chết đi cũng chết theo duyên sự đời chớ không đi cùng Phật sinh hóa về cõi Tây Phương. Đức Thầy cảnh tỉnh môn nhơn tín đồ bằng những câu:
“Rày đã tu thân lánh bụi hồng,
Dạ đừng suy nghĩ chuyện mênh mông.
Để tâm yên tịnh tầm chơn lý,
Phổ cứu nhơn sanh khắp đại đồng”.
Hoặc như những câu sau đây:
“Đã từng dựa kẻ nầu sùng,
Cớ sao tâm trí còn tùng ngoại duyên”
Và câu:
“Trồng cây mà chẳng rắp rào
Để cho gió lại tạc vào gốc lay”.
Trên bình diện dạy đạo, khuyên tu, sự đắm nhiễm hồng trần của chúng sanh được Đức Thầy nhắc nhở, kêu gọi tẩy xóa, từ bỏ không thương tiếc, cẩn thận khi làm điều gì hay công tác Phật sự phải không có dấu hiệu của đắm nhiễm. Gắn liền về tín ngưỡng đạo Phật mà then chốt là phải tự chủ, tỉnh tâm, trước những yêu ma cám dỗ. Yêu ma nào và chúng ở đâu? Nếu kể điển hình, những yêu ma thường hay xuất hiện với mặt mủi thấy được là Danh, Lợi, Tình, lục dục, thất tình. Đắm say vào những điều như đã nói thì lòng chứa đầy mê muội trong khi Phật dạy đi trên con đường đạo là phải tỉnh tâm, minh tâm. Đắm say để trở thành người mê muội, dầu nói rằng mình tu nhưng sự tu không chính chắn là hành giả, chỉ là “khoe tu” thôi, cho dù tu lâu nhưng đi tẻ đường của Phật, sự tu rốt cuộc không có kết quả tốt.
Nhưng, đắm say không phải là một danh từ dành riêng trong giới học Phật. Ở lĩnh vực quốc gia, chính trị, xã hội, đắm say vướng vào đâu là hại đó; vướng lớn hư hại lớn, vướng nhỏ hư hại nhỏ. Đổng Trác, Lữ Bố, đối nhau tình cha con mà vì đắm say sắc đẹp của Điêu Thuyền cũng trở thành nghịch tặc tử. Tình dục phát sinh mạnh, hết khả năng kìm chế, hành động không còn luân thường đạo lý cha con đành lòng giết hại thâm ân. Trụ Vương vì đắm say nhan sắc của tên yêu ma Đắc Kỷ giết đi chú ruột của mình là Tỷ Cang, đồng thời giết, giết rất nhiều trung thần rường cột, giết  luôn cả hoàng hậu đương triều. Hễ đắc Kỷ kêu giết ai thì Trụ Vương cho giết nấy; lần lần trong triều chết hết tướng tài, Đắc Kỷ cho kêu những bạn yêu tinh trên núi xuống làm xụp đổ cơ nghiệp Thành Thang. Đức Thầy dạy đạo giữa lúc cõi đời đầy cặn bã xã hội, sự đắm say luôn đặt ở thế báo động, nhứt là đắm say trần tục, sắc đẹp. Đức Thầy luận về Bát Chánh Đạo, ở mục Chánh Tư Duy Ngài viết:
“Sanh ra ở trong trần con người thường hay bị các thị-dục cám dỗ: lợi danh, quyền tước, nghĩa vợ tình chồng…; cái tư-tưởng đã rù quến tâm-trí mãi mãi quay cuồng vào những sự ấy, không thể nào thoát-ly ra được. Ấy về phần tà.”
Ngoài việc đắm say nhan sắc mỹ nữ, rất nhiều vua chúa, lãnh tụ quốc gia, quan chức trong bộ máy nhà nước đắm say quyền tước, tiền của… họ sẵn sàng bán rẻ lương tâm con người họ với các đồng nghiệp tranh giành quyền lực xảy ra những cuộc cắn xé nội bộ. Có được chức quyền, hám lợi, vơ vét của dân làm cho dân chúng nghèo đói, nợ nầng, đến đổi ta đọc báo chí, sách vở, chuyện xưa, có những quốc gia, dân chúng trong nước hết sức chịu đựng họ vùng lên sanh biến, đem đổi mạng với mấy quan chức sống chỉ biết có tiền.
Kết luận: Câu răn dạy “chớ đắm say” của Đức Thầy đối với một nữ tín đồ đã quy y vào đạo, nguyện trước Phật đài “đệ tử dứt trần ai”. Nguyện là một lẽ, ví tu như người đi trên đoạn đường dài có nhiều chướng duyên mời mọc, quyến rủ, áp đảo, chỉ cần hơ hỏng với những chướng duyên thì câu nguyện như không. Chẳng phải người tín đồ PGHH đã nguyện hằng ngày câu “Cải hối ăn năng làm lành lánh dữ… tu hiền theo Phật Đạo” đó sao! Nguyện dứt trần ai là một lẽ mà dứt được trần ai hay không là một lẽ khác. Cho nên nguyện dứt trần ai chỉ là lời nói ra, lòng nghĩ tới, làm sao phải thực hiện“Chớ đắm say” trong kiếp sinh tồn, ở vào trạng thái bất nhiễm mới kết quả.
Người sống ở trạng thái bất nhiễm sẽ không có những chuyện vì lợi ích bản thân mình làm điều sai trái, bất công, trong tôn giáo hay vào lĩnh vực quốc gia, xã hội, không bị mua chuộc bởi danh lợi, tiền của, sắc đẹp, luôn bảo tồn chính trực, công bằng cho dân nước, đạo đức trong xã hội.

11/5/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét