Thứ Tư, 5 tháng 11, 2014

Thuyết Trình Đề Tài:
QUY Y TAM BẢO

Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Nam Mô A Di Đà Phật.


Kính Chào chư quý đồng đạo!
Kính thưa chú thím tư chủ sự lễ cúng kỵ cơm cho nội tổ, kính thưa chư đồng đạo có mặt trong buổi tao ngộ hôm nay. Thưa quý vị! Đáng lẽ chúng ta có một phút bình tâm nhận xét về nhân duyên và tán thán, ca ngợi vẻ quang huy của người quá cố với những công hạnh đặc biệt gì mà có sức thu hút mãnh liệt khiến đồng đạo từ mọi nơi gần xa có nơi rất là xa vượt chặng đường dài đầy khó khăn vất vả đến đây với lòng hoan hỉ, và cũng tán thán, ca ngợi vẻ quang huy của chú thím tư người con cháu thảo hiền nối bước nêu cao lập trường đạo nghĩa của tiền nhân. Để nhắc nhở và thắp sáng hạnh cách của Nội khi còn sống đã trải thân cống hiến tài vật, sức lực giúp đời. Thấy cần phải làm cái gì đó cho Nội. Tổ chức một đám giỗ đông khách thế nầy đã là khó chú thím còn nhơn cơ hội đề nghị thuyết trình giáo lý Phật Giáo Hòa Hảo với mỹ ý “ Kẻ chết đã an rồi một kiếp, người sống còn tái tiếp noi gương” (lời Đức Thầy) lại còn khó hơn. Nhưng tôi, người thứ nhì cũng là người đi cuối chương trình thuyết giảng hôm nay, lác nữa đây chúng ta sẽ đi vào chương trình dâng chay phẩm cúng hương linh ngường quá cố và cầu siêu. xét thời gian còn không đầy một giờ để bước qua phần cúng giỗ vì thế dòng nhận xét xin để một cơ hội khác.
Kính thưa chư quý đồng đạo!
Hôm nay tôi xin gặp gở với quý vị qua đề tài QUY Y TAM BẢO

Quy Y: có nghĩa là thuận theo, làm theo, là chấp nhận quay đầu để cầu sự che chỡ cứu độ của các đấng từ bi
Tam Bảo tức 3 ngôi báu: Phật Bảo, Pháp Bảo và Tăng Bảo. Nguyên nhân sâu xa: Thuở cõi Ta bà chưa có đạo Phật nhưng tín ngưỡng thì quá nhiều luồn, vẫy đầy dị đoan mê tín. Ở vào thế kỷ thứ sáu trước kỷ nguyên tây lịch, nước Ấn Độ có một đức vua tên là Tịnh Phạn và Hoàng Hậu tên Ma Da trổ sanh được một con trai yêu quí là thái tử Sĩ Đạt Ta. Lớn lên tưởng phải được nối ngôi vua trị vì thiên hạ, nhưng một lần đi dạo bốn cửa thành, thấy cảnh Sanh, Lão, Bệnh, Tử rất là khổ mà ai ai cũng phải chịu. Từ đó “ về đền đài cảm xúc buồn riêng, hằng để trí tìm phương giải thoát” (lời Đức Thầy). Thái tử rời bỏ cung điện vấn thân tầm đạo cứu đời, Ngài đi sâu vào rừng núi tiếp duyên cảnh thanh tịnh mà thiền định lắng lòng chứng đắc đạo quả hiệu là Thích ca Mâu Ni, đạt được sáu món thần thông, Tam Thân, Tứ Trí, chấm dứt luân hồi khổ.
 Đức Phật là Phật Bảo. Đắc đạo xong nói chánh pháp độ đời là Pháp bảo, các vị Tăng đại đệ tử của Phật, tu giữ giới trang nghiêm thanh tịnh, hạnh cách rất tốt, cao khiết trong sạch là Tăng bảo.
   
- Phạt Bảo: Người Phật tử nhận ân Phật dạy thì phải lễ - niệm - Phật. Lễ niệm Phật là hai môn công đức, thiếu công với Phật mà nói quy y Phật thì Phật Bảo ở đâu? Lễ Niệm Phật là tạo nền tảng vững chắc về Học Phật, để người Phật Tử xây cao lên sự tu thành Phật mà không bị đổ ngả giữa chừng. Người Phật tử tu tiến vẫn hành trạng tự nhiên, lễ niệm Phật dầu siêng suốt cũng tự nhiên không méo mó cái tâm qua kiến chấp hãnh diện, tự hào hơn người và qua những sinh hoạt của lục căn, lục trần, không bị ràng buộc trong sự lễ niệm phật, không bị ràng buộc bởi chịu Ân Tam Bảo. Người tín đồ như nhiên đi vào công hạnh Phật không qua ngưỡng cửa tư duy.
Dần lên, ta niệm lễ Phật không phải để cầu ban bố phước lành hay xin xỏ cho mình thành Phật mà là để thực hiện lời Phật dạy tìm Phật của chính mình. Ta có Phật trong tâm, Phật trong tâm ta cũng như bao nhiêu vị Phật khác, có Tứ Vô Lượng Tâm, đủ các môn Tam Muội, Giới, Định, Huệ nhưng ở ta chưa xé tan màn vô minh để phản diện Phật chính ta thì phải theo gương Đức Phật Thích ca Mâu Ni bước bước tiếp nối. Đang tu, ta lễ niệm Phật cầu sự Ban bố, bởi ý thức nông cạn ta chưa biết gì về Phật của chính mình…Phải đi từ đâu mà tìm trong khi bống đen vô minh lúc nào cũng thụp thò đến tô đậm thêm sự tối tăm. Hơ hỏng thì mây mù giăn mắt, niệm Phật không thông, hết còn biết Phật ở đâu. Lễ Niệm Phật liên tục thành thói quen, cảm nhận về Phật thanh tịnh, chơn như, bình đẳng; sự cảm nhận bền bỉ, thì thanh tịnh chơn như bình đẳng dính liền, PHÔ TÔ COPPY thanh tịnh chơn như bình đẳng tâm qua tâm thì sáng lên, vọng niệm chúng sanh không còn đất sống, giống sanh tử trong ta bị diệt mất, Phật không mời cũng hiện đến.
- Pháp Bảo: Lời của Phật nói ra là Pháp. Xưa Đức Thích Ca thuyết Pháp nhiều nơi. Sau khi Phật diệt độ, các đại đệ tử bỏ công đi các vùng có dấu chân Phật đến thuyết pháp sưu tầm lời Phật chép thành sách cho người đời sau sùng bái lời vàng. Để bảo trì chánh pháp nên họ phải thông qua những nơi Phật đến, ở xứ nào và thuyết pháp môn gì. Thỉnh cầu kết tập đặt tựa là Kinh. Chúng ta ngày nay quy y Pháp là trân trọng kính cẩn đọc học kinh pháp của Phật để lại qua sự nỗ lực của các chư tăng đệ tử đương thời. Quý hóa thay! Đời đã có chánh pháp của Phật do chư tăng roi lại qua thời gian trên hai ngàn năm trăm năm diệu vợi, và không gian, không phải trên một quốc gia mà nhiều quốc gia. Chúng ta thừa hưởng sự nghiệp của đạo Phật từ các vị chơn tăng đi trước thì chúng ta phải có bổn phận với người đi sau. Đời người ăn trái nhớ kẻ trồng cây, tiếp tục bảo vệ chánh pháp không để lẩn lộn vào pháp thế gian, truyền bá sâu rộng trong nhân sinh để cho giống duyên Phật Pháp mỗi lúc nhân thêm ảnh hưởng. Cõi thế nơi đâu cũng có chánh pháp thì cảnh đời tươi đẹp người người thương nhau, quí nhau, không ai làm việc xấu, hèn, trần gian là thiên đàng tại thế. Đức Huỳnh Giáo chủ dạy rằng:
 “ Tổ tiên ta đã hiểu rõ sự nhiệm mầu, lòng quảng ái của Phật đối với chúng sanh, đã kính trọng sùng bái Ngài, đã hành động dúng theo khuôn khổ Ngài đã dạy và đã vun trồng bồi đấp cho nền đạo đức được phát triển thêm ra, xây dựng một tòa lầu đài đạo hạnh vô thượng vô song, roi truyền mãi mãi với hậu thế.”
“ Nên bổn phận của chúng ta là phải noi theo chí đức của tiền nhân hầu làm cho trí huệ minh mẩn đặng đi đến con đường giải thoát, dẫn dắt giùm kẻ sa cơ và nhứt là phải tiếp tục khai thông nền đạo đức đặng cái tinh thần từ bi bác ái được gieo rải khắp nơi nơi trong bá tánh. Như thế mới chẳng phụ công trình vĩ đại của Đức Phật và của tiền nhân để lại và không đắc tội với kẻ đời sau vậy”.
Nói về Phật Pháp thì Phật có đến tám vạn bốn ngàn pháp môn và nói theo Kinh Pháp thì Phật có 12 bộ kinh để đời. Phật Pháp rộng sâu cũng chính vì phiền não quá nhiều dạng loại. Giặc phiền não có 8 vạn 4 ngàn tên là 8 vạn 4 ngàn con bệnh, Phật mới chế ra 8 vạn 4 ngàn pháp môn để điều phục chúng như 8 vạn 4 ngàn bài thuốc trị bệnh, làm an sóng gió cho người chèo thuyền qua bên kia bờ giác. Pháp Phật tuy nhiều nhưng người tu Phật chọn một pháp môn trong nhiều pháp môn phù hạp, hành giả tu pháp môn nào tất cả đều chung chiến tuyến đánh tan phiền não. Chung chiến tuyến, nhưng mỗi hành giả đều phải do trình độ giác ngộ của mình mà xác định mình đang ở đâu và đang làm gì. Chỉ làm gì với giặc phiền não của chính mình mà âm thầm hành động với chúng, không đẻ ra xung khắc với người cùng chiến tuyến. Tất cả Phật Pháp chỉ là phượng tiện để đập tan bống đen vô minh, không nên áp dụng sự hiểu biết khác pháp môn mà tạo thêm chiến tuyến với người cùng chiến tuyến. Ma quân phiền não chắc phải vỗ tay vui mừng khi có Phật tử hành giả tranh cải nhau về pháp môn. Anh hãy nhắm bắn giặc phiền não ngay chỗ đứng của anh, tôi nhắm bắn phiền não trong chỗ đứng của tôi. Chúng ta có xác định về giặc chung mục tiêu, giặc đang tấn công, hơ hỏng là mất mạng, nhiều người trong chúng ta đã bị mất mạng với ma quân phiền não trên đường về Phật, không lý nào chúng ta lại chông súng với nhau việc hơn thua cao thấp cho quân phiền não đến tóm cổ.
Phật dạy phiền não ở đâu thì ta biết, và quyết thắng chúng bằng cách nào cũng có đầy trong bụng ta đây. Chỉ cần ta hành sự chứ đọc pháp ro ro không chết chóc gì phiền não đâu!!! Bảo vệ chánh Pháp hay tuyệt không nhất thiết là phải đem cho người ta quyển Kinh Phật hay đến đọc cho người ta nghe lời Phật mà còn phải tự mình áp dụng, thực nghiệm qua bản thân những điều Phật dạy cho người ta thấy mà cảm đức, nếu ta không thực nghiệm từ bản thân, ôm pháp phật đi đốc xúi người khác làm mà mình không làm, dạy người ta diệt gặc phiền não mà mình không diệt, rốt cuộc giặc phiền não trong người kia hết mà chúng ta còn bị nó làm lận đận quá đi thôi. Sự nhục nhả mà ta gánh chịu là trách nhiệm truyền bá chánh pháp không còn nơi ta nữa, chưa làm được cái việc ta biểu người khác làm là ta đã rớt xuống một mức và chỉ còn là người bị truyền bá và ta phải chăm chỉ với trách nhiệm bản thân trước sự lợi hại của kẻ thù phiền não mà ta chưa làm gì chúng. Đi dạy người khác làm mà mình không hoặc chưa làm là chưa sáng tỏ gương hạnh để người khác tin dùng.
Pháp của Phật sáng tỏ hơn các pháp thế gian nên mới được nhân sinh trân trọng vào hàng Pháp Bảo. Đức Phật thể hiện trong Pháp, Pháp thể hiện trong Đức Phật, nên ở Phật ta thấy luôn Pháp, ở Pháp ta thấy luôn Phật. Phật Pháp rất cụ thể đầy tính khoa học và triết học. Chỉ có một câu gọn thôi “ Sắc tức thị không không tức thị sắc, sắc bất dị không  không bất dị sắc” mực đã chảy đều đều suốt mấy ngàn năm qua mà lúc nào thì đề tài cũng hiện diện một cách mới mẻ quyến rủ.
Ta thọ ân Pháp Phật, thì phải bảo vệ chánh pháp để chứng tỏ một người thọ ân biết điều. Ít ra ta cũng biết điều khi mình nhờ cậy, không lý do gì ta đánh mất chánh pháp trong ta khi vì chánh pháp của Phật ở bên một người khác, và càng không có lý do gì để ta không vừa lòng khi thấy có một kiểu tu khác hay đọc quyễn Kinh Sách khác với ta.
- Tăng Bảo: Trong Đạo Phật có hai dạng Tăng: Tăng của hàng Tăng Bảo và tăng của thế gian. Tăng của Tăng Bảo là những vị Tăng làm nên lịch sử, lúc nào cũng ở trên chỗ thờ phượng. sau khi Sĩ Đạt Ta tu đắc đạo hiệu Thích Ca Mâu Ni Phật, Ngài tìm lại nhóm Kiều Trần Như, những người bạn đồng tu một thuở, nói pháp cho các vị đó nghe, sau một tràng Pháp các vị ấy đều chứng quả A La Hán. Từ đó thế gian đã có Tam Bảo; Đức Phật là Phật Bảo, Pháp của Phật nói ra là Pháp bảo, 5 anh em Kiều Trần Như là Tăng Bảo. Theo lý, qua Học Phật trình tự, Tăng ở Ngôi Tăng Bảo là Tăng Đắc đạo, chỗ vượt người thường, linh thiêng, có vô lượng công Đức thanh tịnh, từ đó họ tiến triển hơn nữa để hoàn thành Phật Đạo. Những vị Chơn Tăng cùng thời hay về sau ngộ theo pháp Phật mà tu chứng viên thông, ý căn thanh tịnh, có vô lượng công đức, làm ruộng phước cho chúng sanh đáng được vào hàng Tăng Bảo.Nhưng Tăng mà không phải Chơn Tăng, không trang nghiêm giới luật, thọ giới mà không trì giới, hiểu giới mà phạm giới, chỉ có cái nhản hiệu Tăng thôi thì là Tăng chúng, phàm Tăng, không đáng được sự lạy lục, thờ phượng như Tăng Bảo
Phật Giáo Hòa Hảo với chủ trương “ Tại Gia Cư Sĩ” nên trong đạo không có tổ chức hàng Tăng đoàn. Chỉ có Tăng Bảo trên ngôi thờ Tam Bảo. Ta Kính ân Tăng Bảo là Kính những vị chơn tu tiếp nối sự nghiệp của Phật, làm sáng tỏ đạo bằng sự hiện diện gương Phật trong vị Tăng, Thấy Tăng như thấy Phật. Với những chơn tăng ấy Đức Tôn Sư ta dạy:
“Đối đãi các tăng sư – Tất cả bổn đạo nên cung kính các tăng sư tu hành chân chánh. Nếu các Ông ấy có dạy điều chánh lý, phải nghe lời”
Phật thoát mê thế gian, lối đi của Ngài để lại một dấu ấn tuyệt vời cho sự thoát mê ngay khi Ngài từ bỏ tất cả những điều sung sướng trên hơn mọi người mà Ngài có và nhân loại biết bao người thèm khác lượm lặt. Tăng Bảo không phải là vị Tăng ham ăn mê ngủ, thích đua đòi sa hoa. Phật tử cung kính cúng tiền, vật chất cho vị Tăng không phải là Tăng Bảo để các ông ấy sa đọa thì thật là uổng nếu ta đem số tiền ấy cứu giúp cho kẻ nghèo đói sẽ có ý nghĩa hơn nhiều. Nếu như Phật tử tín đồ có hướng tâm làm trong sạch Phật Giáo thì qua những nhà tu ăn gởi nằm nhờ cửa Phật hưởng lợi mua danh quyết không ủng hộ nữa dần dần cái tệ nạn kinh doanh trong cửa thiền môn sẽ biệt tích. Đức Phật tu đạt Tứ Vô Lượng Tâm, lúc nào cũng có lòng từ bi đối với những người nghèo đói, bệnh hoạn, mê si, ta giúp họ là làm công việc Phật làm. Phật thương lo chúng sanh không có nghĩa là giúp cho họ có đủ vật chất để họ thỏa mãn cơn thèm khát. Con người bởi vô minh dục vọng dẫn đi đào thai, đức Phật dạy đạo tuyệt dục để diệt mầm sanh tử. Một Tu Sĩ kém công phu, lòng có nhiều thứ dục vọng đi ngược hướng duyên Phật Pháp, chúng cứ lẩn quẩn trong trí đuổi không đi, chúng được sanh ra ở mối nhợ nào thì bành trướng không dừng, chuyện về Phật hay về pháp của một Tu Sĩ dựng lên “ Ý THỨC BAN ĐẦU” hết còn hưng phấn. Ở đất chùa mà không trồng cây trái của chùa, cũng không làm công việc của nhà chùa. Có khi họ làm công việc của nhà chùa mà kêu ma về coi hay dở, thay vì đơm hoa cúng dường Phật thì phải thanh tịnh lòng cho Phật chứng tấm lòng, thì họ lại kêu cả cái đám ma đầu trên ma đầu dưới đến giải thích tùm lum trong bụng, thành thử ma đầu trên ma đầu dưới biết hết bụng dạ của người tu nầy làm việc Phật chẳng qua là “ Để Chứng Tỏ” thôi chớ không có gốc gác sâu về Phật pháp đâu. Muốn tấn công lật đổ cho hắn xuống núi bỏ chùa ngay cũng được.
         Tu Sĩ đâu phải thiếu hiểu biết về Giáo Lý Vô Thường, xác thân con người còn không giữ được thì vật chất của cải nào mà giữ được để phải lo kiếm bảo thủ. Tu sĩ phải quên sự nghiệp thế gian để đầu tư vốn liếng tri thức mình vào sự nghiệp “KHÔNG KHÔNG” của Đức Phật, xứng đáng Thanh Tịnh Tỳ Kheo mới làm ruộng phước cho chúng sanh.
       Tóm kết:
Quy y Tam Bảo là theo về với Tam Bảo. Tam Bảo ấy là Phật Bảo, Pháp bảo và Tăng bảo, luôn luôn ở trên ngôi thờ giữa nhà của tín đồ PGHH.
 Theo về với Phật qua lời chỉ dạy của Đức Thầy “ Phật từ thiện cách nào ta phải từ thiện cách nấy, Phật tu cách nào đắc đạo rồi dạy ta, ta cũng làm theo cách nấy”, đồng thời phải tôn kính lễ niệm Phật để cảm ơn đức của Ngài mà tu thành thục bốn cái tâm rộng lớn là TỪ BI HỈ XẢ.
 về với Pháp, tức về với xuất thế gian pháp. Pháp thế gian là pháp chấp, Pháp xuất thế gian vượt khỏi các chấp mắc trong đời. Đi đâu, làm gì cũng luôn mang pháp xuất thế gian bên mình hổ trợ chánh tâm mà trừ đi các pháp thế gian.
Về với Tăng, về với sự chuyên tu, giới luật và hạnh cách. Dầu đang làm lụng sinh nhai hay làm công ích cho đạo, không quên sống với tấm gương Phật Từ Bi Hỉ Xã, không quên ở trên sáu chiếc đò Lục Độ Ba la Mật đưa ta đi qua bên kia bờ giác.
Đến đây xin dứt lời. Kính chúc Bồ Đề Tâm tinh tấn.
Nam Mô A Di Đà Phật.
Lê Minh Triết.



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét