Thứ Bảy, 2 tháng 4, 2016

Blog Hòa Hảo Lê xin giới thiệu bài viết:

“LÀM LÀNH, NIỆM PHẬT”


Bài viết của Nguyễn Văn Nhựt (khóa sinh học Môn Luyện quốc văn tại Quang Minh Tự)
                                                        ĐỀ BÀI
        Qúy em cháu soạn một bài thuyết trình với đề: “Làm lành, niệm Phật” qua giáo lý của Đức Thầy.
                                                         BÀI LÀM
         NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT
        Kính thưa quý ông bà, cô bác, anh chị đồng đạo kính mến. 
        Thưa quý vị,
        Một người muốn làm giàu, phải thức khuya dậy sớm lo tính làm lụng cực khổ, phải ăn cần ở kiệm com kỉnh từ đồng, lâu ngày dư đọng được nhiều mới trở thành một người giàu có. Người tu hành cũng thế.
         Trên sự tu hành muốn đạt kết quả như mong muốn, thiết nghĩ vấn đề niệm Phật cũng là điều cần thiết. Nhưng muốn đạt được kết quả mỹ mãn hơn thì niệm Phật đi đôi với làm lành:
                                               “ Ba gia phải rán làm lành
                                     Niệm Phật cho rành đặng thấy Thần Tiên.”
           Vậy hôm nay chúng ta cùng nhau trao đổi qua đề tài:  làm lành , niệm Phật.
                                               “ Niệm Phật phải lòng lành như Phật
                                                  Phải từ bi, ái vật mới rành
                                                           Bồ đề tâm hãy phát sanh
                                           Một lòng tín nguyện, phụng hành cần chuyên.”
           Thưa quý vị,
           Đối với một người tín đồ PGHH nói riêng, nói chung là tín đồ đạo Phật, ai cũng biết niệm Phật, nhưng để đạt được kết quả tốt nhất thì vấn đề làm lành phải được đi đôi.
                                         “  Nam Mô miệng niệm lòng lành
                                  Bá gia phải rán biết rành đường tu.”
           Vậy người niệm Phật biết rành đường lối thì không thể thiếu làm lành được. Tại sao vậy? có ba lý do sau đây:
            -Lý do thứ nhất:
           Vì tin sâu vào luật nhân quả. Người niệm Phật mục đích cầu vãng sanh về Cực Lạc. Nhưng nếu làm những việc bất lành tạo ra ác nghiệp, thì ta đã gieo cái nhân luân hồi trả quả, làm sao có thể vãng sanh được. “Cần tu thập thiện thì sự niệm mới có hiệu quả, tu thập thiện dứt được thập ác (cũng gọi là tịnh tam nghiệp)”.(Chư Phật Có Bồn Đại Đức)_ Lời của Đức Thầy.
            -Lý do thứ hai:
            Vì muốn đền bốn ân lớn, nên cần phải có lòng lành, cho lời nói, hành động và ý nghĩ của mình không phạm vào nghiệp ác, mới gọi là người biết hành xử theo đường lối: “Học Phật Tu Nhân”. Đức Thầy có câu: “ Tu thân thiện tín rán chuyên cần, Lục tự Di Đà giữ tứ ân”.
           -Lý do thứ ba:
           Vì muốn hợp ý với Phật, nên phải có lòng lành.
           Đức A DI ĐÀ là cha lành của tất cả chúng sanh nếu ta niệm danh hiệu của Ngài mà không có lòng lành đối với chúng sanh, thì đâu hợp tình với Phật.                                   “Bá gia hãy rán làm lành
Niệm Phật cho rành đặng thấy thần tiên”
            Nhưng làm lành với ai?
           -Một làm lành đối với mọi người
          -Hai làm lành đối với các sinh vật
         I: - Làm lành đối với mọi người:
         Đây là phận sự của người niệm Phật cần nên làm. Đối với họ hàng quyến thuộc, với đồng bào chủng tộc và nhân loại trên quả địa cầu, người niệm Phật phải có lòng lành để cư xử với họ ở hai phương diện:
1-                 Về đời sống vật chất.
2-                 Về đời sống tinh thần
1.                 Về đời sống vật chất: Nên giúp đỡ họ về cơm ăn áo mặc, nhà ở và khi hoạn nạn, đau yếu.vv…đó cũng là thiệt thi theo lời kêu gọi của Đức Thầy.
                           “Cả kêu bổn đạo ai là thiệt tu
                                  Muốn cho rắn đặng hóa cù
                             Xả thân làm phước Diêm Phù vượt qua”.
Hoặc là:
“Việc nhà quý bạn đã xong,
Hiệp nhau làm phước rõ lòng nhiền nhơn”
.
2.              Đời sống tinh thần: Nên mở rộng tình thương đối với mọi người, không phân nhận ngã, chỗ cư xử cần lấy sự khoan dung, trong bài: “ LỜI KHUYÊN BỔN ĐẠO” Đức Thầy dạy: “ Hãy lấy lòng khoan dung mà đối với mọi người . Và nhứt là:
“Dìu nhơn sanh khỏi chốn mê lầm
                                  Bờ giác ngạn kiên tâm lấn bước tới”. (ĐT)
         II- Làm lành đối với các sinh vật:
          Người niệm Phật không giết hại các sinh vật vì có ba lý do sau đây:
-                      Lòng lành không nỡ giết hại súc vật để ăn, vì chúng đã giúp ích cho ta rất nhiều trong công việc sinh hoạt. Đức Thầy đã dạy”…. Nhứt là đối với các gia súc: trâu, bò, ngựa, chó, mèo…, chẳng khá sát hại vì chúng đã giúp ích cho ta trong các việc sinh hoạt hằng ngày”.
-                      Lòng lành không nỡ giết các sanh vật, vì chúng cũng có linh hồn, cũng ham sống sợ chết như ta, chúng đâu chịu lìa bầy xa bọn,cũng như ta không chịu bỏ thân nhân. Vậy nỡ nào giết hại để bồi bổ cho mình. Ngài Mạnh Tử có viết: “Kiến kỳ sanh bất nhẫn kiến kỳ tử, văn kỳ thinh bất nhẫn thực kỳ nhục”. (Thấy sự sống không nỡ thấy cái chết của sinh vật, nghe tiếng kêu la khi bị giết nên không nỡ ăn thịt).
 Cổ Đức cũng cho biết: “Dục miễn thế thượng vô binh kiếp, trừ phi chúng sanh bất thực nhục”.
          Tạm dịch: “Trên đời chẳng muốn đao binh
                    Xin đừng giết chúng hữu tình để ăn”.
Đức Thầy chúng ta đã dạy: “Chẳng những vậy thôi, họ còn giết các thú vật vì sự vui thích của mình…..”
Vả lại lòng lành không nỡ giết hại chúng sanh. Vì đó là chư Phật vị lai và cha mẹ của ta nhiều tiền kiếp trước. Kinh dạy: “Noãn, thai, thấp hóa, phi, tẩu, trùng, ngư gia vị lai chư Phật chi lưu hoặc quá khứ đa sanh phụ mẫu”.
Nghĩa là: Loài sanh trứng, loài sanh thai, loài thấp sanh, loài hóa sanh, loài biết bay, loài chạy trên mặt đất, loài côn trùng, loài cá đều là những chư Phật vị lai hoặc cha mẹ của ta nhiều tiền kiếp trước.
Bởi thế người niệm Phật cần có lòng lành không sát hại.
-                      Lòng lành không sát hại chúng sanh:
Vì nếu giết hại chúng sanh, chẳng khác gì làm thân Phật ra máu. Kinh có câu: “ Sát kỳ mạng dã, thị xuất Phật thân chi huyết”. Tình thương của Phật đồi với chúng samh chẳng khác nào tình mẹ thương con. “Phật ái chúng sanh như mẫu ái tử”.
Chúng ta là người con Phật, biết kính phật, thì lẽ đâu ta lại giết hại anh em của ta, khiến cho Phật phải đau lòng! Thì ta đâu phải người biết niệm Phật rành.
Không giết hại chúng sanh: Vì giết hại chúng sanh là giết lòng từ bi và Phật tánh của mình. Kinh có câu: “Sát hại chi thâm vưu, đoạn từ bi chi chúng tánh”.
Nên người niệm Phật cần phải giữ giới ăn chay không giết hại.
“Chữ Nam Mô trì giái giữ trai
Chay được tánh chay tâm  mới quý”.(ĐT)
Người niệm Phật ăn chay mà có được lòng từ bi, tánh thiện, dù có nghèo nhưng không khổ, đạm bạc mà vẫn thanh nhàn:
“Tương với muối cháo rau đạm bạc
Nghèo lương hiền biết niệm Di Đà. (ĐT)
Tóm lại, người niệm Phật làm lành là lòng không tham lam bảo thủ, không giận oán giết hại, không đắm nhiễm mê si, giữ lòng trong sạch xa lìa nghiệp ác, làm hết việc lành để đền đáp bốn ân. Đó mới thật là người biết niệm Di Đà.
Kết Luận:
Qua đề tài làm lành, niệm Phật thì thấy rằng, làm lành là tu phước, niệm Phật tức tu huệ. Nếu hành theo đây thì chúng ta sẽ phước huệ song tu, con đường giải thoát sẽ chóng đến.
Chúng ta phải đặt niềm tin mạnh mẽ, vì Đức Thầy hằng khuyên nhủ:
                                      “Bá gia hãy rán làm lành
                           Niệm Phật cho rành đặng thấy Thần Tiên”
Thưa quý vị,
“Đạo Pháp vô biên sức người có hạn”. Và tôi nhận thấy rằng, là một người hậu học kinh nghiệm chưa nhiều thì làm sao có thể nói hoàn thiện hơn với đề tài nầy. Đến đây tôi xin tạm chấm dứt đề tài làm lành niệm Phật nầy. Trước khi dứt lời, xin thành tâm cầu nguyện ơn trên các Ngài, gia trì phổ độ cho tất cả chúng ta sớm niệm Phật được rành. Hiện tại tinh tấn tu hành theo chánh Đạo PGHH, cho đến ngày diện kiến Đức Tôn Sư trở lại và đạt được kết quả như mong muốn:
                                    “Đồng bay về Cực Lạc một đàng”
Xin trân trọng kính chào.





Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét