BUỔI HỌC THỨ 14
NHÓM HỌC GIÁO LÝ PGHH
LUẬN
VỀ CHÁNH TƯ DUY
Kính thưa chư đồng đạo! Hôm nay là
buổi học thứ 14, học qua đề mục
Luận Về Bát Chánh, tiết học: Chánh Tư Duy. Tư duy thuộc về tinh
thần, hy vọng chúng ta sẽ vận dụng tinh thần học thuộc chánh văn trả
bài lưu loát và nhớ kỷ những ý chính của sự giảng giải. Tiết học
hôm nay không dài lắm, mong chúng ta chăm chỉ trong khi nghe chú giảng,
hiểu nghĩa để sau nầy tùy duyên học hạnh. Giờ chúng ta vào thứ tự
của chương trình hôm nay.
PHẦN 1: CHÁNH VĂN:
“Chánh Tư Duy.- Tư-tưởng chơn-chánh.
Sanh ra ở trong trần con người
thường hay bị các thị-dục cám-dỗ: lợi danh, quyền-tước, nghĩa
vợ tình chồng …; cái tư-tưởng đã rù quến tâm-trí
mãi mãi quay cuồng vào những sự ấy, không thế nào thoá-ly
ra được. Ấy về phần tà.
Phần chánh dạy rằng: Tâm cần
phải bình, tánh cần phải tịnh, giữ tư-tưởng cho
thanh-cao, trí rán tìm cái chân-lý, chân-lý ấy là cái đạo
của mình đối với nhân-loại, của mình đối với Trời Phật,
của mình đối với mình. Vì thế, hãy đặt tư-tưởng mình vào
công cuộc tìm phương cứu giúp
sanh-linh trong vòng trầm-luân oan-nghiệt. Hãy tin-tưởng
Phật Trời và cầu-nguyện đấng thiêng-liêng ban-bố phước
lành cho nhân-chúng. Hãy tìm con đường giải-thoát cho mình bằng
cách lạc-đạo an bần, xả thân tu-tỉnh.”
PHẦN 2: CHÚ GIẢNG:
Chánh tư duy: Tư: suy nghĩ, xét nét; duy: tưởng
nhớ, nhớ lại; chánh tư duy: suy nghĩ, nhớ lại những điều đáng nhớ,
chơn chánh. Suy nghĩ rất quan trọng vì nó sẽ dẫn tới hành động
thiện ác hoặc phạm khẩu nghiệp, do vậy Đức Phật đặt chữ “chánh”
trước chữ “tư duy” để nhắc nhở sự tu rằng luôn luôn giữ ý tưởng, nhớ
tưởng những điều đạo đức thanh cao.
Tư tưởng chơn chánh: Tư: suy xét, nghĩ ngợi; tưởng:
nhớ, tưởng tượng, nhớ tưởng; chơn chánh: ngay thẳng đúng đắn. Tư
tưởng chơn chánh là suy nghĩ, nhớ tưởng những điều ngay thẳng chánh
đáng, những suy nghĩ nhớ tưởng hỗ trợ cho tiến trình tu hành. Đức
Thầy dạy:
“ Chánh tư duy mục ấy thanh cao,
Hãy tưởng nhớ những điều đáng
nhớ.
Trên cùng dưới dù Thầy hay tớ,
Cũng tưởng điều trung chánh mới
mầu.
Việc vui say mèo mã đâu đâu,
Hãy dẹp gác nhớ câu lục tự”.
Thị dục cám dỗ: Thị: mắt thấy; dục: lòng ham
muốn, lôi cuốn; cám dỗ: làm cho say mê vật chất, cảm tình, khó khăn
cho sự tu hành. Thị dục cám dỗ: xin ghi những diễn tả của Đức Thầy
làm sự kiện điển hình:
“Nhản thấy thường hay bận bịu,
Tai ưa nghe những điệu âm thinh…”
“Mắt ưa xem sắc đẹp, tai ưa nghe
tiếng hay…”
Nhà tu hành, Ở đây Đức Thầy dùng
từ rù quến đặc biệt về tinh thần không một chút vật chất nào “Rù
quến tâm trí mãi mãi quay cuồng vào những sự ấy, không thể nào
thoát ly ra được”. Những sự ấy tức là “Lợi danh, quyền tước, nghĩa
vợ tình chồng”. Bị cảm dỗ, của mắt căn với sắc trần, nhỉ căn với
thinh trần… chẳng những tu không tiến bộ mà còn có thể bán đồ nhi
phế (bỏ dở nửa chừng).
Nghĩa vợ tình chồng: Tình nghĩa mặn nồng của đời sống
hôn nhân, dây tơ tình đã cột chặc trong đam mê. Nói gì ra cũng là tình
nghĩa, bổn phận vợ đối với chồng, chồng đối với vợ. Tu tại gia cư
sĩ tức tu chung trong nhà có vợ có chồng. Nhưng tu là đi theo pháp môn
của Phật dạy là Thiền hay Tịnh độ; vợ chồng không phải là pháp môn;
trong khi tu hành mà bị tình nghĩa vợ chồng làm mê hoặc mất phương
hướng Thiền Hay Tịnh Độ, chẳng lẽ nghĩa vợ tình chồng lại là pháp
môn sao? Thay đổi pháp môn như vậy là kiếp tu không đạt mục đích. Nên
người tại gia cư sĩ hãy cẩn thận trong khi tu chung nhà đừng để mê
hoặc mất phương hướng.
Rù quến: Rù quến tức là rủ đến một cách
không chánh thức, vì nó mời mọc bằng cách dụ dỗ chứ không phải
đàng hoàn như mời một vị khách quí. Ông Bà cha mẹ hay rầy các cháu
nhỏ: Mầy rù quến nó lại nhà phá đồ phá đạc, hay: nhà chú ấy
chuyên môn rù quến bạn rượu, hoặc nói: để cục đường đặng rù quến
kiến… Ý nghĩa của rù quến là kéo lại, rủ lại nghiện chơi.
Tâm trí: Tâm có ba nghĩa vừa vật chất và
tinh thần. Nghĩa vật chất thì tâm là trái tim, tâm là chính giữa
(trung tâm, tâm điểm). Về tinh thần tâm là tấm lòng, tấm lòng có chơn
tâm và vọng tâm. Vọng tâm là tâm vọng động về việc quấy, chơn tâm là
tâm như như bất động, không bị dời đổi bất cứ diều gì, nó luôn tròn
sáng, chính chơn tâm ấy nhà Phật gọi là Phật Tâm. Trí là cái dụng
của tâm, lúc tâm là vọng tâm thì trí quay cuồng theo để vọng khởi lu
bu về việc đời, trần tục; khi tâm là chơn tâm là không còn sự ô
nhiễm, không sanh khởi, như như tỏ sáng. Đức Thầy diễn tả hai loại tâm
trí, tâm trí của lúc vọng tâm và tâm trí của lúc chơn tâm:
“ Người tâm trí tối đen, đời lắm ma
vương khuấy rối”
“Tu rèn tâm trí cho minh,
Tánh kia thành kiến phỉ tình chùi
lau”.
Quay cuồng vào những sự ấy: Quây cuồng: mất sự thăng bằng,
đứng không vững. Ví dụ người bệnh chóng mặt mở mắt thấy Trời đất
quay cuồng, người nghe hung tin như sét đánh bên tai, bị cú xốc mạnh
về tinh thần làm họ ngả bệnh nặng. Vào những sự ấy: là những sự
được Đức Thầy đưa lên làm điển hình: lợi danh, quyền tước, nghĩa vợ
tình chồng...
Thoát-ly: Thoát: ra khỏi vòng kìm kẹp, sự
cai quản của người khác, ra tù; ly: lìa nhau, cắt lìa, ly biệt, ly
hương, ly hôn… Thoát ly tức ra khỏi sự khổ, cắt lìa chiếc vòng trói
buộc mà mình đã chịu đựng, trói buộc của dục vọng, của cơ chế
chính trị, chánh sách nhà nước chẳng hạn. Ở đây Đức Thầy dùng
nghĩa thoát ly ra khỏi sự kìm kẹp của lòng dục vọng.
Ấy về phần tà: Ấy: những thứ vừa liệt kê trên do
mắt thấy liền sanh dục vọng danh, lợi, sắc, tài nó thuộc phần tà,
vì đi ngược với chánh.
Tâm cần phải bình: Bình: yên lặng, vắng lặng, bình
tịnh. Đức Thầy có câu:
“Nếu lặng tâm tỏ ngộ đạo mầu,
Tâm bình tịnh được thì phát huệ”.
Bình được tâm như nước không gợn
sóng, có tâm mà vô sự giặc phiền não thì tâm hiện tính Bồ Đề.
Tánh cần phải tịnh: Tịnh: trong sạch. Bình tâm là
trạng thái tâm vô sự, tịnh tâm là tâm trong sạch, từ sự vắng lặng
hiện tính Bồ Đề sẽ đi đến trong sạch tính “ bổn lai vô nhứt vật”
của Lục Tổ Đàn Kinh. Bình Tâm đi đến tịnh tâm.
Giữ tư-tưởng cho thanh cao: Tư Tưởng là những suy nghĩ, tưởng
nhớ; thanh cao là thanh sạch, cao siêu. Giữ tư tưởng cho thanh cao, vì
suy nghĩ có biết bao điều mà kể, Đức Thầy đặc biệt đưa lợi danh,
quyền tước, nghĩa vợ tình chồng… làm
sự kiện điển hình. Người tu luôn luôn với tâm hướng thượng,
không được hướng hạ nên Đức Thầy dạy phải có chánh tư duy, nghĩ nhớ
những điều đạo đức, thanh cao là không cho hướng hạ.
Trí rán tìm cái chân-lý: Chân: sự thật không thể cải chối
được; lý: luận lẽ chân thật, không viện dẫn quanh co. Chân lý là sự
thật không bị dời đổi bởi những kẻ đa văn quảng kiến hay những người
có quyền huy thế lực, nó hằng hữu trong tâm tánh con người. Nhứt
thời người không tìm được chân lý thì sống giả làm thật nhưng không
phải vậy mà làm cho chân lý trong người đó mất đi, nó bị che đậy
bởi lớp vô minh, bởi ngoại cảnh nổi bật sự cảm tình, nhận ngụy làm
chơn mà chân lý không phát sáng, chỉ tạm thời không phát sáng chứ
không mất.
Mình đối với nhân-loại: Nhân loại là loài người ở khắp
vũ trụ, không riêng quốc gia nào. Đức Thầy giải thích “chân lý là
cái đạo của mình đối với nhân loại”. Đạo của mình tức sự thể
nghiệm đạo đức trong từng cá nhân, ai thể nghiệm bằng giác ngộ sâu
về đạo thì trải lòng yêu thương nhân loại rộng ra, người ở chỗ mình
nước mình đến người ở chỗ khác nước khác, nghe họ khổ ta thương,
nghe họ đói ta muốn giúp và sau cùng vì nổi khổ đau của nhân loại ta
rán tu cầu cho họ như hằng ngày ta nguyện “Nam Mô Tây Phương Cực Lạc
thế giới đại từ đại bi phổ độ chúng sanh A Di Đà Phật” là chuyện
trước mắt, ta còn phải rán tu cho viên thành Phật quả cứu độ chúng
sanh.
Mình đối với Trời Phật: Trời, Phật là hai ngôi bề trên ta,
lúc nào cũng sẵn sàng vì người ở chốn hồng trần, để lúc nào trần
gian có chuyện ta nhờ đó mà cầu Trời Khẩn Phật cứu độ. Còn nếu ai
thường nguyện, không đợi có chuyện xấu ác xảy ra mới nguyện là Phật
Trời gần gủi ta hơn. Tu có Phật Trời gần gủi là tu mau có kết quả,
tu đúng đường! Do vậy ta xét mình có bổn phận đối với các vị ở
ngôi thiêng liêng, vâng lời Phật chỉ tu hành, theo lẽ tự nhiên của Trời,
ban bố sự sống cho vạn vật ta cũng tập ban bố sự yêu thương của ta
đến mọi người, tập cứu độ bá gia như Phật Trời cứu độ.
Mình đối với mình: Mình là tấm thân ta đây, nếu chỉ
biết hai cửa đạo giúp người và cầu nguyện cho người bằng việc mình
đối với nhân loại, mình đối với Trời Phật mà thiếu mình đối với
mình là không đạt kết quả của sự tu hành. Mình đối với Nhân loại
là thương yêu, giúp đỡ, mình đối với Trời Phật là cung kính nguyện
cầu, mình đối với mình là vâng lời Phật dạy để tự cứu ra khỏi lợi
danh, quyền tước, nghĩa vợ tình chồng, “tâm bình tịnh được thì phát
huệ” cắt đứt vòng quay của sáu nẽo luân hồi.
Hãy đặt tư-tưởng mình vào công cuộc: cụm từ nầy vạch rõ tư tưởng rất
quan trọng, việc vì mà không đặt tư tưởng vào đó, làm lấy có, không
kiến thức trong khi làm là khó chu đáo công việc. Ông Bà thường hay
quở các cháu nhỏ: Tụi bây chẳng ngó ngàn nhà cửa, không có kiến
thức bảo quản gia thế, mấy Ông Bà già nầy chết, tụi bây không có
đất mà cạp. Đặt tư tưởng vào công cuộc; Nói đến “Công cuộc” ta nghĩ
là chuyện lớn lao, những việc làm lớn lao cần nên đặt tư tưởng vào
đó để bảo vệ, bảo quản tốt, duy trì việc làm, việc tu, hùng dũng vượt
qua các chướng ngại.
Tìm phương cứu vớt sanh-linh: Tìm phương: từ ngữ nầy như đặt ta
đứng trước một ngỏ cụt định mệnh mà ta không có quyền ngồi yên chấp
nhận sự khổ đến với ta hay mọi người, phải tìm phương hướng cứu
mình, cứu người. Đầu tiên của việc cứu mình là tu được trước những
thứ cám dỗ của lợi danh, quyền tước, nghĩa vợ tình chồng … sau là
hành trì pháp môn tu thiền hay tu tịnh không gián đoạn để có kết quả
tốt là đạt đạo giải thoát, từ đó lo giải thoát cho mọi người. Đức
Phật Thích Ca lúc còn là đông cung thái tử, lúc đi dạo bốn cửa
thành thấy cảnh Sanh, Lão, Bệnh, Tử đến với người khác mà thương.
Đức Thầy diễn tả tâm trạng của thái tử:
“Về đền đài cảm xúc buồn riêng,
Hằng để trí tầm phương giải thoát.
….
Đạo gần đắc ma vương theo khuấy
Dùng thần thông nghị lực dẹp tan.
Ấy mới vừa đắc đạo hoàn toàn,
Và lần bước phô trương độ chúng”.
Vòng trầm luân: Vòng: Dây có vòng, vẽ vòng, vòng
cấm cột buộc; trầm: chìm xuống; luân tức luân chuyển, luân hồi. Vòng
trầm luân: ý nói con người bị chìm đắm trong sáu đường: Trời, Người,
Thần A Tu La, Địa Ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh chịu sanh tử đọa đày từ
kiếp nầy qua kiếp khác.
Oan nghiệt: Oan: sự oan trái, oan ức, nổi oan;
Nghiệt: thứ chướng, oan oan tương báo, yêu nghiệt, Đức Thầy có câu:
“Ta bà thật cảnh ưu phiền,
Duyên trần cấu kết oan khiên báo
đền,
Thiều quang thắm thoát dường tên,
Mắc vòng sanh tử có bền được đâu.
Chi bằng theo học đạo mầu,
Sóm qua khổ hải theo hầu Phật
Tiên.”
Oan nghiệt là quả của cái mầm làm
ác, có nguyên nhân sanh ra ác để giờ chịu ác quả.
Hãy tin tưởng Phật Trời: Tin tưởng: đặt niềm tin vào Phật
Trời luôn luôn thương yêu chúng sanh và có khả năng cứu độ chúng sanh
thoát khỏi khổ đau trong sáu nẽo luân hồi mờ mịt. Tin tưởng thì phải
nghe lời dạy bảo, hành trì đúng.
Cầu nguyện: Hành trì để tự cứu mình ra khỏi
vòng trầm luân oan nghiệt, sức tự độ cũng cần có Phật Trời cứu độ.
Vì thế đức tin tôn giáo thường nhắm vào cầu nguyện các vị ơn trên
tiếp thêm sức mạnh để vượt khó các nghiệp cảm, nghiệp duyên níu trì
chằn chịt.
Ban bố phước lành: Ban bố: cấp cho; sự giúp đỡ của
người với người gọi là bố thí. Danh từ “Ban bố” đứng ở địa vị cao,
dành cho Phật Tiên Thần Thánh. Có
người đề cao ân nhân mình, dùng từ ban bố là quá lạm dụng nghĩa cho,
có thể người ta sẽ cười là nịnh hót. Phước lành: mang đến điều tốt
lành cho nhân chủng. Phước lành không chỉ riêng về tiền bạc, vật chất
mà là tất cả sự may mắn, yên ổn, dưới trên hòa thuận một lòng, nêu
gương tốt, việc tốt để cả nhà, cả chúng hạnh phúc.
Hãy tìm con đường giải thoát: Tìm con đường giải thoát: vì tất
cả chúng sanh hạng cao hạng thấp cũng đi chung trong sáu nẽo luân hồi,
sáu nẽo ấy cột chặc con người trong sanh tử chịu khổ. Trời, người, a
tu la, là ba nẽo trên đỡ khổ hơn ba nẽo dưới: địa ngục, ngạ quỷ, súc
sanh. Dầu chưa xuống địa ngục nhưng ta cũng biết nơi ấy là chỗ hành
tội của người phạm đầy ác lúc họ sống trên dương gian. Nay được kiếp
người cũng còn trong luân hồi chịu sanh sanh tử tử, hãy mau mau tìm
đường thoát ra, mãi mãi không sanh, lão, bệnh, tử. Đức Thầy có câu:
“Gây ra lắm nợ phong trần,
Luân hồi sáu nẽo không lần bước
ra.”
“Chúng sanh mê nên đem pháp thuyết,
Giải thoát rồi pháp bất khả
dùng”.
Lạc-đạo: Lạc đạo là vui với đạo. Ai người
tu hành mà vui với đạo thì sẽ không còn vui chuyện thế gian. Đạo đức
tự tâm mình làm niềm vui chứ không phải vui cái vui “vỏ đạo”, chạy
đầu nầy đầu nọ kiếm chuyện vui bên ngoài. Có người vui với đạo bằng
đi làm từ thiện, hoặc rủ hai rủ ba ngồi nói chuyện lúc thì đạo,
lúc thì đời, có người vui với đạo bằng đi sâu vào cảnh giới nội
tâm, bất cần có ai đến hay không đến, bất cần có ai nói cho nghe hay
không, bất cần sự sống nghèo giàu, bất cần miếng ăn ngon dở. Hành
giả luôn thấy chính họ, nghe chính họ và sống với chính họ mà sự
thanh bình, thanh khiết dàn trải sự tu qua Thiền Tịnh pháp môn. Khi
hành Tịnh Độ, niệm Phật A Di Đà thì lòng của họ chỉ có Đức Phật
chớ không có gì khác, lúc họ hành Thiền Tông là đi vào thiền định
bức phá vô minh. Họ vui khi đánh ngả các vọng niệm chúng sanh, những
dục vọng đã nhiều phen làm chao đảo thiền lòng.
An bần: An tâm trong cảnh nghèo thiếu. Người
hành đạo xem đạo là trên hết, trong khi tu họ chấp nhận thiếu thốn
về vật chất, vì thế rất an tâm trong cuộc sống nghèo. Hãy nhìn các
Tăng Sư không có của riêng, vào chùa tu niệm, chùa cũng là của bá gia
bá tánh cất lên, tăng sư chỉ có Tam Y là của riêng nhưng cũng phật tử
cúng dường, không may túi đựng tiền, mỗi lần đi bát đủ dùng một bửa
ngọ trai rồi lo tu, nguyện Phật độ chúng.
An Bần là quân chủ lực đánh bại
các ham muốn để chúng không xuất hiện trong khi ta đang tìm đường giải
thoát.
xả thân tu tỉnh: Xả thân: quên thân, sá vì cái thân
nầy mà không dám chịu khổ công hành đạo; tu tỉnh là ngược lại với
tu mê: tỉnh ngộ, thức tỉnh. Xả thân tu tỉnh tức dám hy sinh thân xác
để bảo vệ đường tu, sự tu; bệnh đến không sợ, nghèo đói chết không
sợ.
KẾT LUẬN:
Chánh tư duy là suy
nghĩ những điều chơn chánh, giúp hành giả không suy nghĩ vạy tà, đua
đòi danh danh lợi lợi phiền phức không đâu. Để được điều ấy Đức Thầy
dạy “tâm cần phải bình, tánh cần phải tịnh, giữ tư tưởng cho thanh
cao, trí rán tìm cái chân lý. Nếu giữ tâm bình tánh tịnh thì coi như
việc tu hành từ từ đạt đến kết quả. Đồng thời với sự suy nghĩ điều
chơn chánh hành giả phải tự quyết con đường đi đến giải thoát cho
mình bằng cách lạc đạo, an bần, xả thân tu tỉnh. Lạc đạo an bần
không chỉ ở bàn bạc, lý luận mà đi vào thực hành.
PHẦN 3: ĐẶT CÂU HỎI:
-
Hãy
giải thích từ ngữ chánh tư duy là thế nào?
-
Những
thứ cảm dỗ để mất chánh tư duy gồm những gì?
-
Hãy
giải thích từ ngữ chân lý, đạo đức, trong chánh tư duy?
-
Muốn
cho công cuộc tìm phương cứu vớt sanh linh có kết quả tốt ta phải làm
gì?
-
Muốn
đạt đến giải thoát ta cần phải có những gì?
Kính thưa chư quý đồng
đạo, buổi học hôm nay hết giờ mãn việc, xin hẹn gặp lại quý vị ở
kỳ học tới. Kính chúc quý vị tâm bình tánh tịnh, tu hành tinh tấn.
25/4/2016
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét