Chủ Nhật, 17 tháng 4, 2016

NGHI VẤN 1
BUỔI HỌC THỨ 13
NHÓM HỌC GIÁO LÝ PGHH
HỎI VỀ CHÁNH KIẾN

Hỏi: Đức Thầy luận về bát chánh, chánh kiến được Ngài giải thích là thấy, xem xét, đúng theo sự thật. Thưa khi xem xét đúng theo sự thật ví dụ tôi thấy một người ăn trộm hay chuyện gió trăng ngoài hôn nhơn tôi có được nói và tư duy đúng theo đó không?
Đáp: Điều nầy khá quan trọng, cần phải nghe theo sự nhắc nhở của Đức Thầy:
“Trí linh mẫn nhìn xem các chuyện,
Phải đừng cho lầm lạc nẻo tà.
Dầu việc người hay việc của ta,
Nên phán đoán cho tường cho tận.
Tội với phước xét coi nhiều bận,
Mới khỏi lầm tà kiến chen vào”.
Học biết và tu chánh kiến để khỏi lạc vào tà kiến, còn chuyện thấy có mà nói không thuộc về vọng ngữ là chính. Nhưng ta thấy sự thật như vậy thì phải trông vào “trí linh mẫn” của hành giả phán đoán cho tường tận là thế nào. Linh mẫn khác với minh mẫn; minh mẫn chỉ cho sự thông minh sáng suốt còn linh mẫn cũng sáng suốt thông minh nhưng có thêm sự linh diệu, linh thiêng khi hành giả đã đạt đến một trình độ tu tập đúng đắn. Nói một cách khác, linh mẫn là trí đã được gột rửa từ tâm thanh tịnh, khinh an không hoặc nhẹ đối trị vật chất cảm tình, pháp môn… để linh diệu đời sống do đó mới có khả năng xem các việc mà không lầm lạc.
Dùng trí linh mẫn phán đoán sự thật bằng đưa ra câu hỏi ví dụ: có đặt sự thương ghét, ganh tị đối với người ta bắt gặp họ trộm cắp hay gió trăng ngoài hôn nhơn không? Nếu không thương ghét mà thấy là tâm hồn ta không động về cái thấy, giống như hằng ngày ta thấy biết bao nhiêu là chuyện nhưng ta không đặt để vào lòng sao chuyện của người nầy ta lại để? Ta có vấn đề với người đó hay vì ta lúc nầy không tinh tấn tu hành bị vọng tâm lấn lước, trí mờ ám bản ngã lôi cuốn vào những chuyện không đâu.
Thấy, xem xét đúng theo sự thật, ta không có vấn đề thương ghét với những kẻ làm tội mà ta gặp. Đừng động tâm đến họ và việc làm của họ, hãy lo tu điều trị thân tâm chừng ai hỏi ta có thấy người đó làm việc tội lỗi, hư thân thì ta hãy mở miệng nói về việc đó, đừng tự động khai chuyện khi chưa ai hay, chưa ai hỏi mà cứ đi rao bán danh dự người khác.
Thấy ta nói thấy nghe ra còn được, nhưng ở vào cái thấy không lợi cho người tu mà tư duy về chúng sẽ bị mất phước, gặp bất lợi hoài hoài. Người tu mong thấy biết tất cả nhưng không nên thấy sự lỗi lầm của người khác

Hỏi: Đức Thầy giải thích về Chánh Kiến là thấy, xem xét đúng theo sự thật, nhưng những sự thật để thấy không còn phiếu giễu trước mắt nữa mà nó vẫn còn tồn tại trong tâm, chánh kiến có chịu trách nhiệm với cái thấy còn tồn tại trong tâm không?
Đáp: Tất cả sự dạy đạo đều đi từ hình thức bên ngoài, có ghi nhận sự học đạo từ bên ngoài mới truyền vào tâm thức thì chánh kiến sẽ hoạt động suốt từ bên ngoài lẩn bên trong, trách nhiệm là đương nhiên. Xưa Sư Trí Thường đến học đạo với Mã Tổ, Tổ dạy có một câu “Phật tức tâm” mà ngộ được Phật lý, Ông một mình lên núi Đại Mai thiền định, chọn câu Phật tức tâm làm công án, tu suốt trong tâm. Hôm nay chúng ta cùng học giáo lý đây mọi người đều thấy nhau ở hình thức mặt mày, nói năng, đi lại… nhưng nhận thức về cái thấy nó thuộc về trình độ giác ngộ sâu cạn cao thấp không đồng. Có người đọc thấy câu giảng là ăn năng thức tỉnh ngay, Khi thức tỉnh việc đời họ có thể buông bỏ hết tất cả để một mình vào chùa hay sống quạnh hiu trên núi non hoang vắng để mà dành hết thời gian cho việc tu. Trái lại cũng có người đọc thấy câu Kinh Giảng ấy ý muốn hơi hơi, tu niệm hàng hai, tu niệm cũng ham mà có tiền nhiều cũng thích. Đọc câu “Sắc tức thị không” giải thích cái gì cũng không không, nhưng không muốn nó không.
Khi nhìn về một người có thói quen nặng về tình cảm, sắc đẹp, tri thức nặng về tình cảm thì ta đặt tình cảm lên hàng đầu ngoài ra đều là phụ thuộc, có thể không cần thiết như sự cần thiết ta đang mong đợi chiếm điều mến mộ thương yêu. Muốn mời một người nào đó cộng tác chung hay nhờ sự giúp đỡ của họ, gặp nhau qua tiếp chuyện đôi câu thấy họ khô khan tình cảm là không thích, chưa khởi đầu câu chuyện thì lại bỏ cuộc. Biết đâu họ là người có hành sử đặc biệt không thiếu không dư, họ không có thói quen gió đẩy gió đưa cho vừa lòng bạn cho người ta cứng ngắt; cứ lòng vòng mãi bên ngoài những chuyện không đâu, rốt cuộc đánh rời mục đích.
Mục đích của ta là mời cộng tác, nhờ giúp thì ta cứ nói ra nguyện vọng của mình, sao lại khắc khe với người tiếp chuyện nói năng không thiếu không dư. Thế là đến với họ chỉ qua chút chuyện giáo đầu thì ta đã thay đổi mục đích, bỏ suy nghĩ về sự hợp tác nhờ nhỏi một con người mà ta cho là cứng ngắt đó sao?
Đây là việc khấy động nội tâm, chánh kiến cũng phải chịu trách nhiệm với sự khấy động trong tâm từ cái thấy bên ngoài. Khi ta đi vay mượn tri thức để đáp án một đề tài có tính sử học hay văn chương nhưng đến với Thầy cô giáo chuyên môn mà thấy họ quá đẹp và có những nét gợi cảm gợi tình trong khi ta rất sợ sắc đẹp và tình cảm nam nữ chinh phục ta thì ta lại muốn khước từ sự học hỏi lịch sử, văn chương. Có lẽ ta có cái bệnh “sống đọc thân” mà ngừa trước đón sau chứ ai sanh ra không muốn mình đẹp. Học Phật thì ta đã biết phước tướng con người đều do nhân quả, kiếp trước họ làm cái gì rất đẹp nên kiếp nầy họ đẹp. Họ đẹp tự nhiên còn gợi cảm gợi tình là tại vì tình cảm trong ta cũng nhớm động không hay, đổ tội họ chinh phục là không đúng. Có ở học, lòng nghiêng về sắc đẹp, tình cảm bằng thích hay không thích thì sự học cũng phai lợt, chánh kiến về sự học không còn nguyên vẹn như ý thức ban đầu.
Mắt thấy một lần trong vài giờ hoặc vài phút ngắn ngủi rồi thôi nhưng tâm thức chứa đựng và phân tích cái thấy tràng giang đại hãi chẳng những vài giờ mà còn có thể ngày qua ngày. Nếu không có sự can thiệp của chánh định thì cái thấy như khỉ chuyền cây, ngựa buông cương đảo lộn trật tự từ chánh kiến qua tà kiến.
Ta trở lại đầu đề, chánh kiến là thấy, xem xét đúng sự thật; thấy đúng đễ có tư duy đúng, nói đúng, hành đúng, tiến đúng, niệm đúng …  ngược lại, một đi đầu đã sai thì tất cả đều sai. Như thế chánh kiến có ảnh hưởng cùng khắp, không phải chỉ dùng mắt thấy đúng theo sự thật mà tâm thấy cũng đúng theo sự thật. Nếu tâm ta còn thấy thương ghét, thấy tình cảm vật chất níu trì là đúng sự thật theo đời nhưng không dúng theo sự thật của người tu. Sự thật của người tu là quán thân bất tịnh, quán thọ thị khổ; quán thân bất tịnh để không bị các cái đẹp làm mê hoặc, quán thọ thị khổ để không cầu sống lâu tránh sự hèn nhác khi đem thân dùng vào việc tu thân hành thiện.
Đức Thầy giải thích về công năng của chánh kiến:
“ Chẳng thế, nó còn giúp cho ta hiểu biết được các điều tục lụy trong trần, biết được lẽ nhiệm mầu của tôn giáo, khiến ta xua đuổi các điều tà mị, bỏ các sự say mê trở về với đạo lý, thoát đọa hồng trần. Nó tránh cho ta tất cả sự giả dối và nhờ thế nên ta khỏi bị lạc lầm trong khi hành đạo”.
Sự rộng khắp của chánh kiến như Đức Thầy dạy về hiện thực là thấy, xem xét, đúng theo sự thật để lấy tư cách ở đời “ Dầu của mình hay của kẻ khác” ngoài ra nó còn “ Hiểu biết các điều tục lụy trong trần” để không say mê mà trở về với đạo lý: chánh kiến suốt trong tâm.
Chánh kiến với ý nghĩa rộng sâu, sự trình bày của tôi nếu vấn chủ không hỏi gì thêm thì xin cho qua câu khác.
(còn tiếp)
18/4/2016


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét