Thứ Bảy, 1 tháng 7, 2017

BỆNH

Nỗi lo sợ của con người là khi xảy ra bệnh hoạn, nhứt là chứng nan y kéo dài. Vẫn biết đến số chết thì phải chết không ai có thể cứu sống được. Chưa đến số tử thần gọi, lỡ gặp kẻ ám hại cũng có người tiếp cứu. Nhà giàu tiền đầy rương tràn tủ, hơi rúng mình một chút là chỡ đi bác sĩ, dùng thuốc ngoại hạng nặng, liều lượng cao đắc tiền và nếu cần, chuyển bệnh nhân đến những quốc gia có tên tuổi, tiên tiến về ngành y học. Tốn cho đã chừng chết cũng chết như ông bác sĩ Đôn, đã thân là bác sĩ trị biết bao nhiêu người hết bệnh mà bệnh của chính ông trị không nhằm vào đâu, phải đi cầu viện các bác sĩ ngoại quốc, ông làm như ngoại quốc không có người chết! bác sĩ ở đó có quyền cải tử hoàn sanh chắc? Chỉ cần số mình chưa chết, không ra nước ngoài tìm bác sĩ giỏi cho mất của mất công. Hãy nhìn đi! mấy người có cuộc sống quê mùa, nhà nghèo chạy ăn hằng bửa chưa chắc đã vững, gặp bệnh ngặt không có tiền vào bệnh viện hay mua thuốc tây, bổ thuốc bắc, ở nhà đi hái thuốc nam nấu uống từng nồi từng nồi lai rai chừng hết cũng hết. Chuyện dễ ợt!
Như chúng ta biết có nhiều bệnh nhân nhà khá giả gặp bệnh nặng là sợ chết đến quýnh lên, đi tuôn tiền ra nhà thương để mua lại sự sống bình thường. Gặp những bệnh đặc biệt bác sĩ cũng phải nhức đầu đau óc, bó tay, không dám bán bảo đảm. Lâu ngày nằm bệnh viện, hết không hết, chết không chết, mòn mỏi tiền bạc, mòn mỏi sức chịu đựng, chở bệnh khẳm về nhà tính là hết cửa để đi, chờ tử thần đến kêu. Xảy có người chỉ cho vài cây thuốc lặt vặt dễ kiếm nấu uống, nhảy hết ngang xương! Ở đây tôi không đặt điều kiện thầy thuốc ai hơn ai, thầy thuốc ở bệnh viện hay mấy ông thầy thuốc vườn nhà: hễ bệnh chưa tới số chết là không được chết, có thế thôi. Còn ở đâu trị hết bệnh, có lẽ là do nhân duyên của bệnh nhân với ông thầy thuốc.
Người tín ngưỡng Phật Giáo, trong học Phật có thuyết NHÂN QUẢ, diễn tả sự tội và phước phải vào ra trong sáu nẽo luân hồi, sanh đúng theo nhân, tử đúng với quả, khi người ta gieo nhân ác hại, nữa sanh ra phải bị chết yểu, dầu sanh vào hoàng cung con vua hay vợ con bác sĩ, cái số chết yểu là phải chết yểu, bác sĩ hay vua không thể cải luật nhân quả cho người chết yểu được chết già. Sách xưa có câu “Diêm Vương chú định tam canh tử, định bất lưu nhơn đáo ngũ canh” (hễ Diêm Vương định số chết là canh ba thì con người ấy không còn cơ hội sống đến canh năm). Người trẻ bệnh hay già bệnh, theo giáo lý PGHH đưa ra hai luận chứng, tôi cho là đầy đủ tính thuyết phục với hai bệnh trạng khác nhau:
1. Bệnh do thời tiết, bốn mùa xoay chuyển, nóng, lạnh, gió, mưa bất thường mà thân thể thiếu sức đề khán, hệ miễn nhiễm không còn, cọng thêm sự ăn uống không chừng mực, những món lợi cho khẩu vị mà hại cho bao tử chậm tiêu dễ sanh ra bệnh. Về điều nầy Đức Thầy có câu:
“Bởi thời-thế chuyển xây biến-thể,
Thêm uống ăn chẳng được điều-hòa.
Là nguyên-nhân căn bệnh phát ra,
Thân trằn-trọc hôn-mê nhức-nhối”.

2. Bệnh do nghiệp quả của hiện kiếp hay tiền kiếp, kiếp trước do mình đánh đập, hành hạ người ta thì kiếp nầy phải chịu đau đớn thê lương đặng trả quả. Viết luận đề “Đường Giải Thoát” ông Thanh Sĩ có giải thích về cách trả quả của tiền kiếp hậu kiếp như sau:
“Mới hiếp trước đánh đòn đứa ở,
Kế đời sau làm tớ bị đòn…”
Còn nhớ, có lần ông quáng sĩ Tiểng (mù Tiểng) thuyết trình đề tài nhân quả, để chứng minh nhân quả là có thật, ông kể câu chuyện về đời mình như sau: Hồi còn đời tôi là người mò bắt cá theo kênh rạch giỏi có tiếng, khỏi cần mang theo giỏ đựng, thói quen của tôi là bắt xỏ xâu, chỉ cần cầm trên tay một sợi dây chì, hoặc dây gân trang bị trên đầu có mũi lẹm, mò chụp được con cá nào thì con nấy bị cọng dây chì đâm đui hai con mắt… Sau nầy tôi bị trả quả, đang thấy đường đó bổng nổ một con mắt, đau đớn kinh khủng. Như vậy mà chưa hết đâu, nổ thêm con mắt nữa tôi bị mù suốt kiếp, để giờ đi tới đâu người ta cũng gọi tên tôi là Mù Tiểng.
Từ hai lý do nói trên, để tránh bệnh ở điều một: hãy trông vào thời tiết bất thường, kỷ lưỡng qua các sinh hoạt như lao động quá sức, dầm mưa dang nắng nhiều và cẩn thận trong việc ăn uống để bao tử không bị chướng, hoạt động điều hòa. Khi người ta đã bệnh thì bộ tiêu hóa kém, làm việc không còn mạnh mà trong nhà, những thân nhân đáng sợ ơi! bao tử không chịu hoạt động khiến bệnh nhân không muốn ăn mà họ cứ ép đưa đồ ăn thức uống tẩm bổ hoài vào, sức co bóp không đủ giải vây, đi mua thuốc liều nầy liều nọ cho tốn tiền, trị bệnh mà kết cuộc bệnh thêm bệnh.
Bệnh do căn tiền báo quả hậu, là món nợ mà chính mình đã vay trước. Quả báo nầy, bệnh nhân phải tự mình thành tâm sám hối, đừng hy vọng quá ở thầy hay dược giỏi mà bỏ quên nhân quả nghiêm minh. Có những bệnh nhân nhà khá giả, đi bệnh viện nầy đến bệnh viện khác, riết tàn gia bại sản mà bệnh vẫn cứ nằm một đống chờ chết. Thiếu nợ phải nên tìm chủ nợ thương thuyết khẩn cầu xin sự khoan hồng rộng lượng chứ ỷ có tiền, tìm thế lực của ông Thầy hay, dùng thuốc mạnh phủ chụp cho hết nợ là không ổn đâu. Đức Thầy dạy:
“Rủi ốm đau bởi tại căn tiền,
Hoặc hiện-kiếp làm điều bạo-ác.
Phải ăn-năn phước điền tạo-tác,
Lo thuốc-thang khẩn-vái Phật Trời.
Nguyện sửa lòng ắt Phật giúp đời,
Xuống phước rộng từ bi hỷ xả.”
Bệnh nhân có biết tu nhân tích đức, tin tưởng sự cứu độ của Phật, thường niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà hoặc các vị Phật mà mình phù hợp tín ngưỡng, cầu khẩn van vái sẽ có kết quả ngay. Đang đau nhức dữ dằn, người không tu lúc đó tâm dễ sanh nóng giận sảng lên, phiền não làm chủ tình hình, người thân lo bệnh cho mình, chỉ cần họ trịch ý một chút là nặng nhẹ hoặc chửi rủa la mắng, hoặc kêu trời, khiến đau nhức càng thêm đau nhức. Người có tu tâm dưỡng tánh, tâm tánh nhờ được điều dưỡng tốt hằng ngày đã trở thành thói quen, khi xảy ra đau nhức thì cái thói quen tâm tánh được điều dưỡng hằng ngày ấy làm chủ tình hình, mở miệng ra không phải ác khẩu mà là van vái, nguyện tưởng sự cứu độ của Phật, niệm Phật ngay trong lúc đau nhức, nhập tâm câu Nam Mô A Di Đà Phật liên tục làm sự đau nhức hết hồi nào không hay.
Tu tâm dưỡng tánh, lợi ích cho đời là gieo trồng phúc đức. Tu niệm như vậy, cầu Phật độ bệnh như vậy mà bệnh vẫn tử vong là vì thọ mạng đã đến kỳ trả thân tứ đại, không vì tiếc uổng ở tấm thân giả hợp nầy mà bỏ tín ngưỡng hoặc suy yếu niềm tin Phật. Số vô thường đã đến dầu mình đem hết tiền cho bệnh viện ăn đổi lại sự sống thì cũng chết thôi. Đừng nên thương tiếc cái thân tạm mượn nầy chút nào, bỏ sớm cõi trần ai là sớm về cõi Phật. Nhờ vào sự tu niệm, nguyện cầu mà lúc lâm chung tâm không tán loạn, trên đường sang Phật quốc không bị trở ngại: Thượng lộ bình an ! Đức Thầy có câu:
“Mãn kiếp hồng-trần sanh Lạc-Quốc
Hưởng công niệm Phật rất yên lành.”
Người ta chúc nhau đẹp đẽ trước lúc chia tay “ thượng lộ bình an” (trên đường hướng thượng không xảy ra sự bất trắc nào). Bệnh nhân đi về hướng Phật thì nên đi riết tới cho kịp trước khi lâm chung, dẹp hết những chướng ngại đừng để nó sanh sự giữa đường làm chậm mất thời gian đến với Phật hay về cõi Phật. Những sanh sự đáng sợ là sắp chết tới nơi còn thương nhà tiếc của, yêu mến vợ chồng, con cháu; sự đáng sợ ấy đáng lẽ phải được khai tử từ lúc bệnh phát lên trầm trọng, đã thấy cái chết trước mắt mà còn lưu luyến không chịu buông bỏ hết mọi thứ trong đời cho nhẹ mình mà đi theo Phật, tỉnh tâm niệm Phật ngay trước lúc lâm chung. Trong thế gian nầy đâu có ai thương nhà tiếc của, yêu mến vợ chồng, con cháu mà được sống mãi mãi với nhà của, vợ chồng, con cháu! Thương nhà tiếc của, tư tưởng lẩn quẩn thế gian, cho dầu có mặc áo đạo, ăn cơm từ bi, làm Phật sự nhiều, nhiều, nhiều, nhưng khi lâm chung, cái việc mặc áo đạo, ăn cơm từ bi, làm Phật Sự… chúng là hình tướng phải bị bỏ lại, đi theo mình là cái tâm tưởng, tưởng Phật thì theo về với Phật, bằng suy nghĩ lẩn quẩn thế gian thì Phật cũng hết cách rước về cõi Cực Lạc của Ngài.
Xin chúc hành giả bệnh nhân trên đường về Phật THƯỢNG LỘ BÌNH AN !

02/7/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét