Thứ Năm, 13 tháng 7, 2017

ĐIỆN THẦY

Lâu nay tôi nghe bà con đồng đạo, những vị hay đi hành hương chiêm bái ở miền Thất Sơn, nhắc đến ĐIỆN THẦY trên núi dài 5 giếng; núi nầy có tên Ngũ Hồ Sơn, là một trong Thất Sơn. Tôi thật sự chưa đọc thấy một tài liệu nào nói về chuyện tích nầy, chỉ là nghe đồn đải chuyền với nhau, xưa Đức Thầy có dời gót ngọc đến đây một hai hôm. Lời đồn chuyền miệng, nhưng có sức ảnh hưởng không nhỏ đối với khách hành hương chiêm bái.
Chúng tôi đến ĐIỆN THẦY lúc 9 giờ ngày 9 tháng 7, 2017, ngoài 17 người trong đoàn nhà, chúng tôi không còn thấy một khách vãng lai nào khác. Điện mở cửa, phía trước sân đồ đạc để bề bộn: Ấm nước, bình trà, ly tách, quần áo giăng phơi… chứng tỏ có đồng đạo nào ở tu đây. Chúng tôi nghĩ  bụng có thể vị nầy đi hái rau hoặc trồng trọt một ít gì đó nhu cầu cho sự sống nơi chốn lâm tuyền, đi rảo một chút chắc sẽ gặp.
Trời không nắng mà gió núi lại đùa, tới giờ nầy cái lạnh còn vương nhẹ trên quả đá bống cây, thiệt là thích!
Lơ thơ, gió thổi điu hiu nhuộm,
Hòa hoãn tươi cười im nắng mai,
Thoáng thấy Lâm tuyền không gợn nắng,
Tỉnh lòng cầu kính Đức Như-Lai.

Trước mắt có một căn nhà tiền chế, mái lợp tôn, bốn phía chưa dừng vách, trong nhà có hai đống cát, dụng cụ ngổn ngang, mưa tạc gió lùa mà cũng có năm ba cái võng mắc sẵn. Sáng nay mấy cháu trai dẫn lạc từ điện Bà đến điện Thầy, có lúc phải càn thí trên rừng cỏ, đi đi lại lại mấy bận xa xa mới tới được Điện Thầy. Sức đuối mà gặp võng cứ ghẹo mắt, Không thấy chủ nhân đâu để hỏi nằm nhờ cho phải phép. Đồ đạc bừa bộn như vầy chủ nhân đi đâu kia chớ? Nhịn hỏng nổi …  Nằm mới một chút thôi thì nghe tiếng khua thùng, theo dõi âm thanh phát lên, tôi đảo mắt qua hướng góc phải, thấy có hai em trai trong đoàn còm lưng kéo phăng dây dài dài lôi lên từng thùng nước đục ngầu. Thì ra dưới đáy sâu thăm thẳm có một người mút vét nước đổ đầy những thùng bê trên có dây thòng xuống, nếu không nhờ mấy em trẻ trong đoàn tôi đến lôi những thùng nước lên giùm thì người ở dưới phải vất vả một mình với công việc trèo lên tuộc xuống nhiều lần.
Vét cạn nước dưới hố đào chúng tôi trở lại ngồi bên bình trà nhạt phía trước điện Thầy, bình trà có vỏ đựng giữ nóng lâu, mùi trà hết cốt nhưng nước còn âm ấm, người vét nước khi nảy cũng đến với bộ đồ đầy mồ hôi trét nhiều vết đất, đi lấy cái bình thủy, châm trà nước mới mời chúng tôi. Một em trong đoàn nhạy miệng hỏi:
Huynh có phải là chủ sở hửu ở đây không?
Dạ không _ ông ta đáp _ tôi đến đây làm công quả.
- Thế còn vị trụ trì ?
- Điện nầy không có vị trụ trì.
- Huynh ở đâu đến làm công quả?
- Tỉnh Bến Tre.
- Đến có mình huynh sao?
- Dạ phải.
Nghe thế trong đoàn có người khác hỏi tiếp:
- Chắc anh cũng là thợ xây dựng?
- Dạ, thợ hồ.
- Nền và nhà tiền chế đằng kia có phải anh dựng lên không?
- Hôm dựng cũng có nhiều bà con đến tiếp sức.
- Trông kiểu cách xây dựng khá xinh mà còn có vẻ kiên cố, chắc anh đã làm nghề lâu thì phải?
Anh ta ngộ được lý của câu hỏi về tài nghệ thợ hồ, mỉm cười vẻ thẹn:
Tôi làm thợ hồ qua nhiều năm ở đất Sài Gòn, bổng nhiên chán danh lợi, thích làm từ thiện. Về quê, có lần may mắn tôi được cô bác anh em kể chuyện, hồi xưa Đức Thầy trên đường khuyến nông có dừng chân ở tỉnh Bến Tre thuyết pháp khuyên tu. Nghe kể chuyện có Ông Phật về tỉnh nhà khiến lòng tôi xao xuyến, cảm nhận sự hiện diện của Đức Thầy lúc đó là mang tình thương đi cứu độ nhân sinh. Có lẽ các trưởng bối đã suy nghĩ được điều nầy nên sau khi Đức Thầy vắng mặt, các vị giữ chặc chịa niềm tin tôn giáo và Đức Thầy sẽ trở lại, để dù con thuyền PGHH đưa rước người từ bờ mê sang bến giác có gặp bốn bề sóng dậy cũng cương quyết vượt sóng. Nhờ đó mà giờ, dù đồng đạo còn gặp nhiều khó khăn về tự do tôn giáo và tín ngưỡng, PGHH ở tỉnh nầy cũng vượt khó thành lập hai ngôi chùa sinh hoạt giáo sự.

Đức Thầy đi khuyến nông ở tỉnh Bến Tre có liên quan gì với Điện Thầy trên Ngũ Hồ Sơn? _ một người khác trong đoàn chúng tôi hỏi
Từ ngày nghỉ ăn tiền nghề thợ hồ tôi có đến đây vài lần _ ông ta trả lời _ và cứ mỗi lần đến thấy cảnh đìu hiu mà lòng rộn ràng tâm sự, tôi nghĩ ở trên đây cần có một nhà khách rộng và thoán mát để thiện nam tín nữ làm khách vãng lai sau lúc leo trèo hì hục đến, nghỉ ngơi cho phục hồi sức khõe, hưởng nhàn, dưỡng tâm trước khi vào bái kính Điện Thầy. Khách có muốn chậm chân kéo dài thời gian hưởng nhàn, dưỡng tâm, họ không lo việc ăn uống lại còn có chỗ yên tỉnh tu hành, đường công phu không vì đi hành hương mà bị giảm.
Tôi hỏi:
Đất đây thì sao! Chú bỏ tiền ra mua hay khai khẩn?
Không. Là đất của người khác.
Thế chú có được sự đồng ý của chủ nhân không?
- Được. Đất của Ông Bà Tư Bình. Tôi gặp hai vị ấy trình bày quan điểm của mình được hai Ông Bà chấp nhận một cách vui vẻ.
- Hai đống cát để trong nhà tiền chế cũng một mình chú vác từ dưới triền đất lên sao?
- Không phải triền đất mà là triền núi.
- Cát lấy trên nầy hả !?
- Dạ phải, quý vị leo lên gần tới đây chắc đã thấy cái hầm dấu mới đào chứ ạ?
- Thấy, Là hầm đó sao?
- Dạ, cát nầy tôi sàn lấy từ cái hầm đó.
- Cũng một mình chú đào sàn và vác lên?
- Chủ sự là tôi, cứ một mình đem sức ra làm nhưng thỉnh thoảng cũng có khách tham quan chạnh lòng ra tay nghĩa hiệp, hoặc chư huynh đệ mình hay tin đến tiếp, tôi rất là mừng.
- Lở như khách hành hương không ra tay nghĩa hiệp, huynh đệ cũng chẳng ai hay mà tiếp hoặc hay nhưng họ không thể thì sao?
- Tình Hòa Hảo rất thiêng liêng nên tôi không lo sợ điều đó xảy ra.
- Làm từ thiện mà một mình với công việc lớn lao nầy, tôi bái chú luôn!
Chúng tôi rời khỏi Ngũ Hồ Sơn, ra xe hướng về núi Bà Đội. Lúc dừng chân nghỉ khõe ở trước sân điện Thần Kim Qui tôi lại nhớ về chú thợ hồ, một mình thi triển dường dài một công trình khá lớn, thiệt là tội nghiệp chú ấy. Tôi nói với chư đồng đạo đi cùng: Ở đời có không biết bao nhiêu tổ chức từ thiện và người hay đi làm từ thiện, kẻ hô người ứng rần rần, đâu ai như chú ấy chiếc bống cô đơn. Vì kính chỗ có gót ngọc của Đức Thầy, muốn thắp sáng ngọn đuốc thiên PGHH ở nơi hoang vắng mà một mình ngày đêm trên núi, không nài cực khổ, chẳng đợi khen chê, âm thầm làm việc từ ngày nầy sang ngày khác, việc nầy qua việc khác. Tôi nghĩ sự kiên tâm bền chí của chú ấy mà một ngày nào đó, cái tâm nguyện cất nhà khách gây mối thiện duyên của chú sẽ hoàn chỉnh tốt. Tiếc là lúc nảy chúng ta không chụp chú tấm hình nào làm kỷ niệm.
Lời than thở của tôi đã làm động lòng một số em cháu trẻ trong đoàn, muốn giúp tôi toại nguyện, không bỏ qua cơ hội có thể thực hiện được nên khi đoàn đến nhà nghỉ dưới bệ đường lên điện thờ bà Đội, đang ngồi dùng nước, một người xem lại đồng hồ, thiếu chút nữa là ba giờ chiều, có bốn em cháu tình nguyện xuống núi ngay trong khi những người lớn chúng tôi tiếp tục hành trình hành hương chiêm bái, cấp tốc cho đảo xe ra Ngũ Hồ Sơn, leo nhanh lên núi gặp chú thợ hồ thì trời đã hơn 4 giờ chiều, chú ta nghỉ làm, tắm giặt, nấu ăn đặng còn lo công phu chiều.
Những tấm hình chụp khi nghỉ làm với bộ bà ba đen sạch sẽ, cho dù có dựng cảnh cũng không sóng động như lúc chú mình mẩy lấm lem, vét nước, kéo nước… Nhưng có điều may mắn hơn là chuyến cấp tốc trở lại nầy đã gặp được ông bà tư Bình từ trên núi vừa xuống tới triền, chủ đất của khu vực Điện Thầy.

14/7/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét