NGƯỜI
MUỐN TU
Người muốn tu, chữ tu có nghĩa là
sửa. Theo định tự trên, người muốn tu tức là người muốn sửa mình. Ý
nghĩa của sự sửa là gì? Ví dụ: làm sai thì sửa cho đúng, người có
hành động cong queo sửa cho ngay thẳng, gian xảo sửa ra chơn thật, u mê
sửa cho tỉnh táo, cố chấp sửa ra dễ dải… và sau rốt của các cái
sửa là sửa từ chúng sanh trở thành Phật.
Tại sao phải sửa?
Đi từ vô minh mà thành người hay
thành thú vật. Do vô minh dẫn đi hành nghiệp sai trái, gian ác, cong
quẹo, mê nhiễm… chịu đọa trong sáu đường, nay nhờ quy y đầu Phật mà
thức ngộ được những hành động sai trái, gian ác, mê nhiễm … của thời
quá khứ thì đi ngược lại; ngược với gian ác là lương thiện, ngược
với cong quẹo thành ngay thẳng, ngược với gian xảo là chơn thật, ngược
với mê nhiễm trở nên tỉnh sáng.
Luận lẽ thì như thế, nói coi bộ
dễ nhưng thực hiện, cho dù hành giả quyết tâm miệt mài hy vọng một
kiếp sang bờ giác cũng thấy là thiên nan vạn nan. Vô minh làm cho ta
có thói quen nhận giả làm thật, có thói quen ham tiền tài danh vọng
và bất kể thủ đoạn để có được cái ta ham muốn; vô minh đã làm ta có
thói quen nóng giận, ganh ghét, buồn tủi trách móc, dẫn đến thái độ
thổ lổ, gai ngạnh, không đẹp đẽ chút nào. Nay đối ngược với những
điều nói trên thì phải dũng cảm, can đãm hành sự; bởi đó, con người
khi bàn đến chữ tu thì biết rằng tu là đi ngược dòng đời. Theo
thuyết Phật Giáo, chúng sanh từ vô thỉ chẳng biết có trăm muôn ngàn
kiếp nào lên lên xuống xuống sáu nẽo luân hồi, giờ theo phật bổng
chóc đòi ra khỏi vòng quay đó chỉ trong một kiếp đã làm không ít
người có vẻ nghi ngờ; kẻ kém đức tin tôn giáo đạo Phật, nghi ngờ
pháp của Phật thuyết ra, trên con đường luân hồi từ vô thỉ, không
ngoại trừ những việc làm ác mà nay chỉ một kiếp nầy thôi được “xá
tội tiêu tai” và “thoát luân chuyển” thì thật đáng nghi ngờ. Người tin
tưởng lời Phật thuyết nhưng nhìn lại quá khứ của hiện kiếp có
nhiều gian ác và ám chướng, không tin bản thân mình khó có thể chỉ
trong một kiếp nầy đây thoát khỏi luân hồi. Do đó, qua sự tu hành
không tự tin thì đâu chịu nổi vất vả với công cuộc chuyển mê thành
giác, chuyển vọng thành chơn, chuyển sanh tử thành Niết Bàn. Nói đến
vất vả, tức chịu nhọc công ngăn chận sự nổi dậy trong lòng, chỉ sợ
là chúng sanh “ngựa quen đường cũ” mà nửa chừng hư việc nên Đức Thầy
dặn dò kỷ lưỡng:
“Muốn tâm tánh ngày kia sáng tỏ,
Thì Khổ-Đề phải chịu nhọc nhành.
Lòng dục tu thì phải thì phải
thiệt hành,
Chớ đừng có ham điều sung sướng.
Đức Phật-Tổ nào đâu hẹp lượng,
Chịu nhọc nhằn mới rõ Đạo-Đề.
Thấy một đường thẳng bẳng mà mê,
Ôi chừng đó mới là mầu nhiệm.”
Nếu là hành giả, tất nhiên sẽ thấy
được điều nầy: khi đã phát nguyện tu, từ đó, ai cũng muốn làm thiện
chớ không làm ác, nghĩ thiện không nghĩ ác, chánh niệm chớ không vọng
niệm. Vậy, tự hỏi lại lòng mình, thực hiện các điều mong muốn nói
trên kết quả tới đâu? Cái chuyện làm thiện không làm ác là dễ, đến
nghĩ thiện không nghĩ ác khó hơn một chút nhưng kiên trì vượt khó
thì có thể được, còn đòi hỏi phải chánh niệm chứ không vọng niệm
chúng sanh, trong khi người ta ở hàng tại gia cư sĩ tự lực cánh sinh, vừa
làm vừa tu, sự thách thức đối với họ cao biết bao nhiêu.
Tạm thời ta để cái việc vừa làm
vừa tu sang một bên nhá! hãy nói trong lúc chỉ có tu thôi, là công phu
của hai thời sớm chiều mỗi ngày và tọa niệm nối liền thì vọng
niệm sao nào? Nói thiệt đi! nó có càn quét, đùa hốt, chụp lia chụp
lịa trong thời gian ta dành riêng cho công phu tịnh niệm không? Lúc sáng
đi chung trên tuyến xe đò nghe ai đó nói về cách làm giàu, ngồi trong
quán nước nghe cô kia nói về tình duyên, sắc đẹp, trên đường quê có
ngôi nhà ai mà đẹp hực hở trong xóm nghèo nàn… những điều mắt thấy
tai nghe đã bỏ qua rồi, đáng lẽ là lúc “nhạn vô vi tích chi ý, thủy
vô lưu ảnh chi tăm”( nhạn không còn lưu dấu dết, nước không để lại
bống hình) mới phải. Qua được hãy để cho qua, hà cớ gì cánh nhạn
đã bay qua, bay tít mù xa rồi mà đòi cho nước phải lưu dấu dết của
cánh nhạn? Cái chuyện ngồi trên tuyến xe đò, trong quán nước, đường
quê qua được thì qua luôn đi, để lòng thanh tịnh cho hạt minh châu xuất
hiện chẳng hay hơn là kêu quá khứ về làm xáo trộn tinh thần?
Vào tu, ta rất ưng ý câu “Lòng hiền
giữ vẹn sớm chiều, xem kinh Niệm Phật mỹ mìu mặc ai. Chắp tay niệm
Phật Di Đà, lòng ta ta biết ai mà mặc ai”. Ưng ý đâu thì nên để cho
sống mãi ở đó, hà cớ gì sự ưng ý của mình bị thay đổi mà mình
không hay? Soạn căn phòng, chỗ ngồi nhiệm Phật, chọn tấm tọa cụ trông
cũng dạng chuyên nghiệp tịnh niệm mà động ầm ầm, vọng niệm tấn
công, chụp hốt lia lịa trong giờ tịnh tọa không hay hoặc hay mà bất
lực? Nên đây nói, ngăn chận sự “ngựa quen đường cũ” là đúng thôi.
Ngăn chận những gì?
1.
Hạng chế tối đa những cuộc tiếp xúc, trò chuyện chẳng những
vô bổ mà còn xoáy mòn hạnh nguyện giải thoát. Chướng ngại của
người tu phát sinh từ những cuộc tiếp xúc quá sâu vào dòng đời, mất
thời giờ là một lẽ, tiếp xúc còn bị cắt xén chánh niệm ở hiện
tại mà tương lai, do sự tiếp xúc quá sâu, chủng tử ấy đã rơi vào A
Lại Da thức, nó có khả năng làm mới vấn đề bất cứ lúc nào nếu ta
hơ hỏng nó sẽ phựt dậy ngay.
2. Nghiêm trị việc đốt thời gian
tìm hiểu, xoi mói chuyện của người khác và những người hay tìm hiểu
xoi mói người khác. Tìm hiểu xoi mói chuyện của người khác là tìm
hiểu xoi mói chuyện không đâu. Đáng lý ta phải dành hết thời giờ có
được, tập trung vào việc tu tâm dưỡng tánh cho tâm tánh sớm mau thành
“Đài Nguyệt Kiến, Nước Bích mùa xuân” theo lời dạy của Đức Thầy. Bỏ
mình để theo bọt nước, mây bay, đố khỏi đời mình sẽ trở thành bọt
nước mây bay. Ngược lại, nếu hành giả bị người khác chỉ trích xoi
mói chuyện có nói không, chuyện không nói có cũng đừng vì chuyện
phải quấy mà giải thích, đôi co mất thời giờ mà lại bận tâm.
3. Chấp nhận bất khả xâm phạm, giữ
vững lập trường chuyên tu, lòng chỉ cầu thành Phật hay vãng sanh Tịnh
Độ. Đối với việc ăn sống có hơi nghèo nàn thiếu thốn mà tấm lòng
không thiếu với Phật vẫn tốt thôi. Bằng như lòng còn nghĩ vớ vẩn
đến chuyện sống nghèo thiếu thì cũng nên suy xét, muốn có cuộc sống
khá hơn một chút mà nhờ người ta cho mình là không xứng đáng còn
mình bỏ công ra làm để có được khá hơn e công phu tu tập sẽ từ đây
mà bị bế tắt hoặc sụt giảm đến mức thấp tệ. Công phu bị sụt giảm
sau nầy có quyết tâm lấy lại cũng khó được như xưa.
Mục tiêu của người tu là theo Phật
về cõi Phật khi mãn kiếp hồng trần, cho dù gặp cảnh nghèo thiếu bao vây
cũng nên phá vòng vây tiếp tục hành trình về cõi Phật. Người
ta chỉ chọn một trong hai hướng: Luân hồi và Giải thoát, dĩ nhiên ta
chọn giải thoát và điều nầy, không phải chọn xong rồi bỏ đó, đi theo
vật chất trần ai suốt mà giải thoát đến với ta. Cần có hành động
cụ thể sự giải thoát chứ nói lý không là chưa xong đâu. Ham có cuộc
sống đầy đủ hơn nó thuộc về ràng buộc ngược nghĩa với giải thoát,
vì vậy, sự ham hố ấy không còn là vấn đề quan trọng. Chuyên tu, gìn
giữ chính niệm mà sự sống có bị thiệt thòi nên chấp nhận, đừng để
chuyện ấy động tâm, vì tâm vọng động làm ta mất chánh niệm ngay tức
khắc, giải thoát quay lưng đóng cửa với ta, ở ngoài cửa ta chỉ còn
có ràng buộc sống chung mà thôi. Đã chọn hướng giải thoát mà đi thì
đường luân hồi từ nay bế tắt.
Xưa, có một thời nước Triệu gặp
nạn nhiều chuột, phá hại mùa màng, đồ đạc trong nhà bị cắn tả tơi.
Nghe đồn ở đất Trung Sơn có giống mèo bắt chuột rất giỏi, một nhà
nọ đến đấy xin mèo về cho nó bắt chuột. Con mèo nầy giỏi thiệt,
bắt chuột mà còn thêm tài giật gà. Chuột chưa bắt hết mà gà nuôi
trong nhà hao hớt rất nhiều, thằng con ông chủ nghĩ rằng nếu để mèo
ở đây lâu nữa chắc không còn con gà nào mà ăn, nó liền ý kiến với
cha rằng: Tưởng xin mèo về nuôi là muốn cho nó bắt chuột, ai ngờ gà
nó cũng giật ăn, cha nên đuổi mèo đi cho khuất mắt cái đồ ăn hại! Ông
cha thằng nhỏ nghe thế đáp một câu tỉnh queo: Mặc kệ nó bắt gà bao
nhiêu là bắt, quan trọng của tao là diệt sạch chuột, không còn gà ăn
thịt, thiệt thòi một chút cũng không sao, là chuyện nhỏ, cái mối lo
sợ của tao ở nơi có chuột chớ không phải ở nơi không gà: Chuột ăn
vụng đồ của chúng ta, cắn phá quần áo, xoi lủng phên vách, cả nhà
ta đã khổ triền miên với nó, người ta thiếu gì người không ăn thịt
gà có ai kêu như vậy là khổ đâu. Cũng ở trường hợp mèo bắt chuột,
để diễn tả nội tâm, ông Thanh Sĩ có những câu sau đây:
“Mèo rình chuột ngó trân không
nháy,
Người bắn cung nhắm cái hồng tim,
Nhớ rằng trong lúc ngưỡng chiêm,
Bao nhiêu ý niệm phải nghiêm một
chiều.”
Người tu nếu được tâm trạng như
người nuôi mèo kia mà đối đải thì vọng niệm chúng sanh hết còn cửa
để sống. Không gà để ăn chỉ thiệt thòi nhỏ trong khi còn chuột trong
nhà sẽ hại to. Ta muốn thường trụ tâm thanh tịnh, niệm Phật bản lai,
ở đó mà so đo sự mất mát, thiệt thòi những dư hưởng chuyện thế gian
sao? Như người chủ nhà kia xem chuột cắn phá quần áo, đồ đạc, phên
vách là chuyện hại lớn cần phải giải quyết tức khắc chứ sá gì
cái chuyện không còn gà cho mà ăn, nó chỉ là một ít lợi nhỏ thôi
không đáng để ông ấy theo đuổi mà đánh mất mục tiêu lớn. Ta cũng nên
như vậy, vọng niệm chúng sanh đã cắn phá nát tan trong đời tu, để
trừ vọng niệm chúng sanh Đức Thầy kêu niệm Phật; nhưng vì vọng niệm
chúng sanh quá nhiều, đến đổi “Niệm niệm mê lầm chẳng dứt” thì cách
tu, không phải chỉ lưa thưa một câu niệm Phật là trừ được niệm niệm
mê lầm, mà phải “Niệm niệm Phật” mới trừ được “Niệm niệm mê lầm”.
Chiến sĩ Như Lai là phải chiến thắng các phiền não, không vì sự
nghèo thiếu vật chất làm mất đi mục tiêu tu niệm của mình.
Ở vào trạng thái như vậy, dòng
đời lòe mắt là chuyện nhỏ, thị phi là chuyện nhỏ, nghèo thiếu là
chuyện nhỏ, chẳng phải Đức Thầy đã dạy chuyện lớn lao để ta phải
thực hành như vầy chứ “Hãy tìm giải thoát cho mình bằng cách lạc
đạo an bần xả thân tu tỉnh” đó sao!
28/6/2017
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét