Thứ Bảy, 22 tháng 7, 2017

VÌ ĐẠO

Một trong những lối giải thích về mặt cao siêu của nó: đạo là chân lý tuyệt đối. Thế gian có nhiều đạo và phần đông con người đều có đạo, không đạo nầy thì đạo khác. Đạo cũng được gọi đồng nghĩa như tôn giáo, thay vì người ta hỏi anh là đạo nào thì hỏi anh tôn giáo nào.
Dùng từ VÌ ĐẠO làm đối tượng nghiên cứu ta thấy có hai hướng giải thích, một: là vì đạo PGHH, hai: vì đạo tức thực hiện đạo đức bản thân khi đã quy y PGHH.
1. Vì Đạo PGHH
A/ Bảo vệ đạo. Đời ai cũng có lúc thăng lúc trầm, quốc gia lúc thịnh lúc suy thì tôn giáo cũng không ngoại lệ. Đứng trước hoàn cảnh khó khăn đưa tới, chẳng hạng như tín đồ lâm vào nạn nghèo đói do thiên tai mất mùa hay mua bán lổ lả, bệnh tật, lâu ngày kiệt quệ, đối đầu trước khó khăn người tín đồ có thể thối chí nản lòng, mất niềm tin Trời Phật, ta bảo vệ ta không thối chí nản lòng trước hoàn cảnh cay nghiệt ấy và bảo vệ chư đồng đạo mình đừng thối chí nản lòng bằng sự tới lui chăm sóc cho nhau, giúp nhau những bí quyết vượt khó. Nếu đạo trong thời pháp nạn bởi ngoại xâm hay nội loạn, cường quyền muốn tiêu diệt tôn giáo thì ta nên tìm cách sinh hoạt tôn giáo qua phương hướng khác để không bị chúng tiêu diệt.
B/ Truyền bá giáo lý. Đạo được tồn tại và phát triển nhờ đạo có chánh pháp, đáp ứng lòng hâm mộ chánh đáng về tín ngưỡng. Riêng PGHH, sáng lập ở miền tây Nam Việt, một vùng đồng bằng sông Cửu Long mênh mông, cư dân đa phần sống đời nông nghiệp, tánh tình chơn chất hiền hòa như trong làng mỗi ai có đạo sẳn, nhưng vì suốt ngày lam lủ với ruộng nương mà không tự bật ra cái đạo có sẵn trong mình, cần sự trợ trưởng, minh giải, khuyến khích của người có sức hiểu biết về đạo pháp mới “kết nối” được cái đạo trong tâm họ, bật ra ánh sáng và niềm tin. Vùng đất bao la đầy cỏ dại, nếu ta làm sạch cỏ, đem giống đạo cấy trồng và tiếp tục công việc chăm sóc thì vùng đất bao la đầy cỏ dại sẽ có ảnh hưởng tốt với đạo và trở thành “làng đạo”. Để được như vậy, nhà truyền bá giáo lý phải là người làm gương, điều không thể ngược lại: dạy khuyên người ta VÌ ĐẠO mà mình không vì đạo, kêu mời ai ai nấy tu thì mình phải là người tu trước làm gương mẩu, chứ dạy người ta tu mà mình không chịu tu coi kỳ lắm! Trong khi người đang nóng giận con cháu của họ bất hiếu hoặc kẻ lợi dụng tôn giáo làm điều thắp hèn mình đến dẫn dắt họ tu phương pháp nhẫn nhục mà mình thì, khổ ơi là khổ! người ta chỉ mới chê dở chút xíu thôi là phựt lửa lên liền, ai khuyên cũng không chịu tắt lửa.

2. Vì đạo đức bản thân: Bàn về tôn giáo, đạo đức bản thân là quan trọng hàng đầu, không có là không được với đạo. Đạo đức bản thân là gì? Phàm ai sanh ra cũng thọ bốn điều ân: Ân Tổ Tiên Cha Mẹ, Ân Đất Nước, Ân Tam Bảo, Ân Đồng Bào và Nhơn Loại. Thử hỏi liên quan gì các ân ấy đối với người tu hành?
Ân Tổ Tiên Cha Mẹ: Bất kể người đó có đạo hay không đạo, tu hay không tu, họ là dân tộc da trắng, da đen, da vàng, da đỏ vì vì cũng nhờ có cha mẹ sanh ra, nuôi nấng dạy dỗ, xấu tốt là do cá tính và biệt nghiệp của mỗi người chứ cha mẹ nào thì cũng dạy con điều tốt nên làm điều xấu phải dứt bỏ. Ngoài sự giáo dục của gia đình, cha mẹ còn đưa con đến trường nghe dạy, học biết khôn hơn. Học đến bác sĩ, kỷ sư, thạc sĩ, tiến sĩ và làm tổng thống hay vua; nếu các ông ấy không nhờ cha mẹ sanh ra có đâu mà thành đạt chức nghiệp.
Ân Đất Nước: Chúng ta sanh sau đẻ muộn, ra đời là đã có đất nước sẳn để biết mình là người nước Việt Nam. Một đất nước trải qua lắm cuộc bể dâu, những cuộc chiến tranh xâm lược của kẻ ngoại địch, tiền nhân ta đã bao phen đánh đuổi bằng hy sinh biết bao xương máu để giữ vừng độc lập, chủ quyền, bờ cõi yên ổn, Việt Nam tồn tại cho ta tự hào về một đất nước có hơn bốn ngàn năm văn hiến, bình an và phát triển cơ ngơi. Nếu ta sanh ra trong thời chiến tranh nhứt là chiến tranh của quân xâm lược, họ tới cướp nước ta thì không thể đối xử tốt với dân ta, các tiền bối Việt Nam anh hùng đã chống đở đánh đuổi họ ra khỏi bờ cõi trả giá cho độc lập tự do bằng nhiều xương máu để ta có được sự yên ổn tu hành vun đắp nền đạo giáo, ta phải đời đời nhớ ơn các tiền bối anh hùng mà làm những gì có ích nước lợi dân.
Ân Tam Bảo: Tam Bảo tức ba ngôi báo đối với tín đồ nhà Phật: Phật bảo, Pháp bảo, Tăng bảo. Phật thuyết pháp, Tăng là những vị đại đệ tử kế nghiệp truyền thừa từ Phật. Phật dạy chúng sanh hiểu rõ tội và phước, tội nên tránh phước thì làm. Thuyết nhân-quả và luân-hồi, người ta chịu vô vàn đau khổ trong thân sanh, lão, bệnh, tử đi từ hết kiếp nầy sang kiếp khác, kiếp Nam kiếp Nữ, kiếp bần cùng bị đời khinh miệt, kiếp giàu sang phú quí lên xe xuống ngựa kẻ hạ người hầu. Chừng già chết, giàu sang hay bần cùng, nhắm mắt cũng bỏ hết tất cả lại dương gian, đi theo cái nhân lúc sanh tiền đã gây giờ chịu lấy cái quả đầu thai lên Trời, người hay đọa vào ba cõi khổ nhứt: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Để cứu độ nhân loại, tương song với thuyết nhân quả tội phước Phật liền chỉ con đường Bát Chánh Đạo, theo đó thoát khỏi quả báo luân hồi chấm dứt sanh tử chịu khổ.
Học được giáo lý của Bát Chánh Đạo, đã đành con người sanh ra phải chịu ân cha mẹ, chịu ân đất nước cho mình được sống yên ổn nhưng người có quy y Tam Bảo, nguyện “cải hối ăn năng làm lành lánh dữ” (lời Đức Thầy)thì việc ân đền nghĩa trả không vì việc ấy mà vướng vào tội lỗi để phải chịu đọa đày từ hiện kiếp đến kiếp lai sinh.
Ân Đồng Bào và Nhơn Loại: Đồng bào, nghĩa hẹp là kể về dòng họ, anh chị em chung bào thai từ bụng mẹ sanh ra; nghĩa rộng nói dân tộc giống nòi, công dân trong một quốc gia. Vì thế, tổng thống hay các quan chức chánh phủ họp dân để truyền đạt kế sách, chánh sách nhà nước, đều dùng từ kính thưa đồng bào hay đồng bào thân mến. Trong cuộc sống, ân nghĩa đồng bào và nhân loại rất thiết yếu và gần gủi ta nhất, giúp đở cả hai mặt vật chất và tinh thần, do đó mà đền ơn họ. Đức Huỳnh Giáo Chủ giảng rõ ý nghĩa mối quan hệ tình đồng bào như sau:
“… Đồng bào ta và ta cùng chung một chủng tộc, cùng một nòi giống roi truyền, cùng có những trang lịch sử vẻ vang oanh liệt, cùng tương trợ lẫn nhau trong con nguy biến, cùng chung phận sự đào tạo một tương lai rực rỡ trong bước tiền đồ của giang san đất nước. Đồng bào ta và ta có một liên quan mật thiết, không thể rời nhau, không thể chia nhau và chẳng khi nào có ta mà không có đồng bào hay có đồng bào mà không có ta. Thế nên, ta phải rán giúp đỡ họ hầu đáp đền cái ơn mà ta đã thọ trong muôn một.”
Tóm lại, “Vì Đạo” một là bảo vệ đạo, hai: truyền bá đạo pháp, ba: thực hành lời dạy đạo trong Sám Thi PGHH. Nếu ta là tín đồ thuộc dạng chuyên tu, nghiêm trì gới luật để không phạm tội chịu quả báo trong hiện kiếp hay kiếp lai sinh thì Ân Tam Bảo gần gủi với ta nhứt và sự ảnh hưởng càng lúc trở nên mạnh mẽ, vượt qua mười ác thực hành mười thiện, tiến lên tám con đường chánh đi đến giải thoát sanh tử luân hồi.
Tôi trình bày với quý vị là căn cứ trên sách vở, chữ nghĩa; học thừa chữ nghĩa sách vở không đem ra thực hành thì mang bệnh “đọc suôn”. VÌ ĐẠO bằng đọc suôn sách kinh của đạo không phải không được; được, nhưng không được đến nơi rốt ráo “giải thoát mê ly”. Người VÌ ĐẠO đúng ý nghĩa là hành đạo, xem xét từ hành động, ngôn ngữ, tư tưởng, đạo đức phải sum sê. Đức Thầy có câu khuyến khích sự tu và người tu trở nên đẹp nhất:
“Người tu như thể Bá Tòng
Ai ai cũng quí cũng trông cũng nhìn”.
Ai cũng biết, tu là để trở thành người tốt đẹp, Đức Thầy đem cây Bá cây Tòng so sánh với người tu, ta cũng nên tìm hiểu hai cây ấy có đặc tính gì được Ngài khen tặng.
Là loại cây thì cây nào vào mùa xuân mùa hạ đều trở nên tươi tốt nhưng qua đến Thu, Đông, trừ cây Tòng cây Bá, giữ nguyên sắc lá xanh trên cây, các cây khác đều rụng đến trơ cành trụi lá, vẻ như chết khô. Với tiết tháo của loài cây mà thời tiết không làm ảnh hưởng đến màu sắc của nó, sự mạnh mẽ và vững chắc đó, Đức Thầy muốn bổn đạo của Ngài cũng mạnh mẽ vững chắc trước sự tu không bị bất cứ sức mạnh nào trong thế gian xô đẩy ràng buộc khiến lòng phải thay đổi sắc màu “chân không” ra màu trần tục. “Người tu như thể Bá Tòng”, nếu Bá Tòng không bị thời tiết nắng mưa tạo áp lực sụ mặt dưới sức nóng nắng chan chan của mùa hạ, cũng không cổi lốt xanh biên biếc và chịu trơ cành trụi lá của tiết thu đông; giữ sắc màu chơn như trước sự câu nhử của Danh, Lợi, Tình, Tham, Sân, Si… Không làm biến tướng chính là thật tướng, cái tướng ấy được Đức Thầy khắc kỷ qua tu tập“ Phá tan các làn sóng thị dục lôi kéo vào những nẽo tà, tâm ta chẳng còn xao động, trí ta tỏ rạng như trăng rằm, một màu sáng suốt, không nhiễm ô cảnh ngoại…”
Tu được vào trạng thái đó, cũng như người ta đối diện trước cây Bá cây Tòng, mượt mà một màu xanh biên biếc, “ai ai cũng quí cũng trông cũng nhìn” là chuyện tất nhiên thôi.
23/7/2017



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét