Thứ Tư, 4 tháng 1, 2017

ĐỨC THẦY CẤT TIẾNG THAN
NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT
NAM MÔ A DI ĐÀ PHẬT.
Xin chào chư quý đồng đạo! rất mừng khi thấy quý vị còn đến nghe tôi giảng luận giáo lý, nếu như tôi nhớ không lầm thời gian chưa đầy một tháng và hôm nay lần thứ ba quý vị cùng tôi vâng lời Đức Thầy dạy “ luận bàn chơn lý cho minh, tánh kia thành kiếng phỉ tình chùi lau”. Chúng ta bàn tiếp tục bài “Thức tỉnh một nữ tín đồ ở Bạc Liêu” nhá!
- Dạ, chúng con cũng muốn để nằm lòng ý nghĩa bài nầy vì chúng con là tín nữ.
- Cùng phái coi bộ tinh thần mạnh mẽ nhỉ !
- Dạ. Cũng phải bấm dấu những người đi trước
- Trong sự dạy dỗ cho một nữ tín đồ ở tỉnh Bạc Liêu, Đức Thầy đã làm đau lòng chúng ta qua lời than thở:
“Lòng Thầy chua-xót ruột Thầy đau,
Nghe được lời khuyên tỉnh với nào!
Kiếm huệ dứt xong rồi quả-báo,
Lo gì cửa Phật chẳng chen vào.”
- Dạ thưa chú, cho con xin bày tỏ sự đồng cảm với chú về câu than thở nầy.
- Đồng cảm sao?
- Dạ. Nói thật lòng, bài nầy con đọc nhiều lần, gần như muốn thuộc hết nhưng chưa lần nào xúc động cực độ như lần đầu đến đây được nghe chú diễn ngâm, đến câu “lòng Thầy chua xót ruột Thầy đau” chú hạ giọng thật là thấp, đúng với tâm trạng thở than, con nghe như xoáy vào gan ruột, đau nghiến nghiến, rất là chinh phục; cho đến giờ nhắc tới còn dư hưởng. Con không phải là người nữ tín đồ được Đức Thầy tặng bài kêu thức tỉnh mà đọc con còn thấy cảm động lòng vàng của Ngài huống chi người ấy. Trong hân hoan con tin chắc rằng người nữ tín đồ nói trên nghe lời dạy của Đức Thầy đã “Kiếm huệ dứt xong rồi quả báo” được vào cõi Phật rồi.
- Biết thông cảm và quí mến người khác là tốt. xin chúc mừng cô!
Dạ thưa chú! cám ơn chú cho con ít thời gian để bày tỏ sự đồng cảm. Giờ chúng con kính mời chú giảng luận đề tài đi ạ !
Lòng Thầy: Lòng: tấm lòng, khi dùng tấm lòng là muốn nói lên thước đo thương mến, nó không phải lòng oán hận ghét ghen, ví dụ: có ai hiểu được tấm lòng tôi đâu! Tấm lòng tôi đối sử vói nó như bác nước đầy mà nó còn chưa thông cảm. Thầy: Nhân danh Thầy dạy đạo cho trò. Có đọc trong Sám Giảng Thi Văn Giáo Lý toàn bộ hoặc nghe đối thoại về chuyện bên Thầy, cách xưng hô của Ngài phần nhiều là xưng khùng xưng điên, người đời kêu Ngài thằng hay ông cũng được:
“Kêu thằng hay gọi là Ông
Cũng không có muốn ai hòng tôn ti”
Ngài gọi tín đồ là bổn đạo:
“Dạy bổn đạo lấy câu trung đẳng,
Chẳng nói cao vì sắp hết đời”
Gọi tín đồ là anh em:
“Ra đời dạy dỗ anh em,
Xem qua ít bận rán đem vào lòng”

Trong đạo, già đến đâu cũng yêu kính Ngài, kêu Ngài bằng Thầy, nhưng Ngài rất ít xưng Thầy với mọi người, bài viết thức tỉnh một nữ tín đồ Ngài Xưng Thầy, ta hãy coi đây là trường hợp đặc biệt phải độ người nữ tín đồ nầy tu hành đến nơn đến chốn.
Chua-xót: do tý nghĩa dùng chua thì phải xót dạ là nghĩa đen, nói lên sự khó chịu bởi đã lỡ lầm đem thứ độc hại vào mình là nghĩa bóng. Trong trường hợp nầy, Đức Thầy chính mắt thấy trò của mình “mãi mê nan mùi tục lụy” mà chua xót lòng. Tiếng than của Ngài nếu người đệ tử yêu kính Ngài thì phải giữ trọn lời khuyên.
Ruột Thầy Đau: sự diễn tả của Đức Thầy, thương chúng sanh đi từ xót ruột đến đau ruột. Nếu mê man suốt thế nầy, khi mãn kiếp hồng trần sẽ phải trầm luân mãi mãi trong ba cõi khổ. Tuy nhiên, sự nhiễm ô xem chừng còn có thể đảo ngược tình thế, Đức Thầy tỏ lòng thương đến đau cả ruột của Ngài để đánh động lương tâm người đang mê man mùi tục lụy thức tỉnh mà tự mình tầm đường kiếm nẽo ra.
Nghe được lời khuyên tỉnh với nào: câu nầy khá trắng nghĩa, ý nói, trước đây chưa vào đạo có biết đàng đâu mà thức tỉnh, sống nhiễm trược, đọa sa vào chỗ thấp hèn, nay quy y, nghe được lời Thầy khuyên thì phải tỉnh hồn để thoát trược nhiễm, đừng có mê man mùi tục lụy nữa, nhẹ mình đồng bay về Cực Lạc ngay khi mãn kiếp hồng trần.
Kiếm huệ: Huệ có công năng rất lớn trong việc phá mê khai ngộ. Người tu hành đạt huệ là từ trong lòng bình định phát ra, phiền não thành bồ đề, sanh tử thành niết bàn, chúng sanh thành Phật. Huệ độc lập một chữ và có sự liên kết Giới Định Huệ mà huệ rất là diệu dụng, ở chỗ sáng suốt gọi là trí huệ, ở chỗ trảm phiền não gọi là kiếm huệ. Đức Thầy có câu:
“Kiếm huệ phi tiêu đoàn chướng nghiệp,
Phật tiền hữu nhựt vĩnh an nhiên”.
Đức Thầy dùng từ kiếm huệ là đánh mạnh vào ý thức của hành giả, đối với  mùi tục lụy hay đoàn chướng nghiệp, phải vun gươm mà đánh chứ lý luận suôn không ăn được nó đâu. Mang kiếm trông như kiếm khách giang hồ, không chịu ra tay trừ gian diệt ác là không xứng đáng danh kiếm hiệp.
Quả báo: là cái nghiệp ác đuổi theo mình. Nghiệp ác cũng là nhân sanh ra quả mà mình đã tạo tác hồi tiền kiếp hay hiện kiếp lúc chưa tu. Nếu không tu hành sẽ bị trả quả đủ, Tu không phải huỵch nợ mà trả kiểu khác, Đức Huỳnh giáo chủ có câu “Niệm chữ Di Đà tan chướng nghiệp” Tan chướng nghiệp có nghĩa là hai bên kẻ thiếu nợ, người chủ nợ được hóa giải. Ngoài lý do niệm chữ Di Đà, hành giả đi sâu vào Giới, Định, Huệ, Phật của chính mình hiện ra bốn đức Từ, Bi, Hỉ, Xả, dùng bốn đức cứu độ chúng sanh, trong chúng sanh tất nhiên có chủ nợ, cứu độ chúng sanh là cứu chủ nợ, nói trả nợ là quá  đúng đi chứ.
Lo gì cửa Phật chẳng chen vào: Cả đoạn nầy thị hiện như một câu hỏi: lo chi được hay không được vào cửa Phật mà hãy “làm theo lời chỉ” của Đức Thầy:
“Mài gươm trí cho tinh cho khiết,
Dứt tâm trần kiếm chữ sắc không”
“Bái hà gươm linh sớm dứt,
Lòng Bồ Đề sắt đá dám kình”
Đại ý của đề tài chúng ta bàn luận hôm nay, bốn câu giáo Pháp của Đức Thầy được trích trong bài Thức Tỉnh Một Nữ Tín Đồ ở Bạc Liêu. Tiếng thở than của Đức Thầy diễn tả sự đau lòng Ngài khi thấy học trò của mình nhiễm trược, đọa sa, Ngài kêu gọi người ấy nghe lời khuyên của Ngài mau mau thức tỉnh, giống như người ngủ mê không hay nhà cháy hay kẻ trộm rình mò, bị cháy thì của cải tiêu tan, trộm cắp của quí trong nhà cũng sạch bách. Sớm tỉnh, vừa cháy là hay liền, trộm mới vào nhà là bắt liền; chửa cháy, trừ trộm kiệp lúc, hao mất chút ít còn có thể bồi đấp lại được. Đừng lo ngại tì vết của mình không được Phật thương Phật cứu, Đức Thầy đánh thức nữ tín đồ nói trên để người ấy còn có thể giành giựt lại được ngôi chủ không quá muộn, nếu dùng kiếm huệ trảm tiêu chướng nghiệp, dứt quả báo, không cầu vào cửa Phật cũng vào.

05/1/2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét